Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 07/7

Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 07/7 07/07/2017 13:09:00 172

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước ngày 07/7

07/07/2017 13:09:00

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Chú thích

Tổng cung

  

Tăng trưởng

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 06/7 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 xuống 6,3%, so với mức dự báo 6,5% được đưa ra hồi tháng 5; năm 2018 giữ ổn định ở mức 6,3%. Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng, song IMF khá lạc quan khi cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ chương trình cải cách đầy tham vọng của Chính phủ. Bên cạnh đó, lạm phát sẽ ổn định ở mức 5% và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ giảm khi nhập khẩu tăng mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các rủi ro hiện hữu như: Nợ công cao, nợ xấu ngân hàng chậm xử lý, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP…

 

Sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh ngày 06/7, sau hơn 5 năm, tổng mức đầu tư cho ngành nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, trong đó, vốn trung ương khoảng 20,3 tỷ đồng, ngân sách thành phố khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, hơn 37.000 tỷ đồng còn lại từ nguồn vốn trong dân và vốn của doanh nghiệp; bước đầu đóng góp vào sản xuất nông nghiệp với giá trị tính đến năm 2016 đạt 410 triệu đồng/héc ta, tăng 2,7 lần so với năm 2010. Đồng thời, thành phố đã đầu tư 8.341 công trình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp khu vực ngoại thành gồm công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện.

 

Cân đối vĩ mô

  

Kiều hối

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 06/7, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng kiều hối chuyển về vẫn chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 60%) và châu Âu (khoảng 19%).

 

Giá vàng

Sáng ngày 07/7, giá vàng SJC tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm 20 nghìn đồng/lượng so với sáng ngày 06/7:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,05 - 36,29 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,15 - 36,21 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,14 - 36,22 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

  

Tỷ giá

Sáng ngày 07/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND so với USD là 22.447, không thay đổi so với sáng ngày 06/7. Tỷ giá ở một số ngân hàng thương mại biến động nhẹ:

- Vietcombank: 22.710 - 22.780 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.705 - 22.775 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.700 - 22.780 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

 

Thị trường tài sản

  

Trái phiếu

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 06/7, trong 6 tháng đầu năm 2017:

- Trên thị trường sơ cấp: Nhà nước đã huy động 140.037 tỷ đồng trái phiếu thông qua đấu thầu 134 đợt, với khối lượng gọi thầu là 176.910 tỷ đồng. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 122.417 tỷ đồng (67,2% kế hoạch năm), Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 6.220 tỷ đồng (67,24% kế hoạch) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động 11.400 tỷ đồng (32% kế hoạch). Đáng chú ý là, tỷ lệ trúng thầu TPCP tại các kỳ hạn từ 15 năm trở lên đang dần chiếm ưu thế và đạt 45,8% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường.

Lãi suất trúng thầu của KBNN có xu hướng giảm trên tất cả các kỳ hạn: 20 năm giảm mạnh nhất 0,71%/năm, tiếp đến là 15 năm với 0,56%/năm và 30 năm giảm 0,43%/năm so với cuối năm 2016.

- Trên thị trường thứ cấp: Toàn thị trường có 570 mã niêm yết với giá trị đạt hơn 977.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 7.859 tỷ đồng/phiên. Tỷ trọng giá trị giao dịch mua đi bán lại gần ngang bằng giao dịch thông thường, đạt 48,23% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng hơn 10% so với cả năm 2016. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu đang ngày càng phát triển về chiều sâu.

 

Cổ phiếu

Ngày 06/7, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn:

- VN-Index: So với chốt phiên giao dịch ngày 05/7, cuối phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index tăng 2,47 điểm (0,32%) lên 780,79 điểm với khối lượng 137,7 triệu đơn vị, giá trị 2.117,19 tỷ đồng. So với chốt phiên giao dịch buổi sáng, cuối phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số VN-Index tăng thêm 1,86 điểm lên 782,65 điểm với khối lượng 100,73 triệu đơn vị, giá trị 1.944,93 tỷ đồng.

- HNX-Index: So với chốt phiên giao dịch ngày 05/7, cuối phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số HNX-Index tăng 0,35 điểm (0,35%) lên 102,28 điểm với khối lượng 54,39 triệu đơn vị, giá trị 569,59 tỷ đồng. So với chốt phiên giao dịch buổi sáng, cuối phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số HNX-Index tăng thêm 0,32 điểm lên 102,6 điểm với khối lượng 43,59 triệu đơn vị, giá trị 203,75 tỷ đồng. 

- UPCoM-Index: So với chốt phiên giao dịch ngày 05/7, cuối phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,21%) xuống 57,08 điểm với khối lượng giao dịch 4,97 triệu đơn vị, giá trị 45,5 tỷ đồng. So với chốt phiên giao dịch buổi sáng, cuối phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,2 điểm lên 57,28 điểm với khối lượng 3,93 triệu đơn vị, giá trị 59,47 tỷ đồng.

 
 

Ngày 06/7, tính chung trên cả ba sàn, khối ngoại bán ròng 408.260 đơn vị, trị giá 3,96 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại bán ròng 376.310 đơn vị (trong khi ngày 04/7 mua ròng 1,57 triệu đơn vị). Tuy nhiên xét về giá trị họ mua ròng 5 tỷ đồng, giảm 77,57 so với ngày 04/7.

- HNX: Khối ngoại bán ròng 265.750 đơn vị, trị giá 4,69 tỷ đồng (trong khi ngày 04/7 mua ròng 494.283 đơn vị, trị giá 6,42 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 233.800 đơn vị, trị giá 3,65 tỷ đồng, tăng 233% về lượng và 20,86% về giá trị so với ngày 04/7.

 

Đàm phán - Ký kết

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức diễn ra ngày 06/7, hai nước đã ký kết 28 văn bản hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp với tổng trị giá trên 1,5 tỷ euro. Song phương cũng nỗ lực phấn đấu nâng cán cân thương mại lên 20 tỷ USD từ mức 14 tỷ USD như hiện nay.

 
 

Theo Tổng cục Thuế ngày 06/7, Việt Nam vừa chính thức tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (IF). Đây là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực thuế quốc tế, khẳng định vị thế tích cực của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tư cách là chủ tịch hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Gia nhập IF sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện các tiêu chuẩn cũng như giúp Việt Nam có thêm những hỗ trợ theo nền tảng hợp tác về thuế được thành lập giữa IMF, Liên Hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới.

 

TRUNG TÂM THÔNG TIN VÀ DỊCH VỤ TÀI CHÍNH