TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kể từ Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986), với nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân ở nước ta được tạo điều kiện để từng bước phát triển và ngày càng lớn mạnh. Từ một thành phần kinh tế cần phải cải tạo cho đến khi được thừa nhận, kinh tế tư nhân ở nước ta không ngừng phát triển và có đóng góp không nhỏ cho kinh tế đất nước.
Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân từ đổi mới đến nay
Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”(1). Có thể nói, đây là nhận thức mới của Đảng ta về vai trò của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một nền kinh tế tương đối phức tạp, phong phú, đa dạng về sở hữu, cho nên sự tồn tại nhiều kết cấu kinh tế - xã hội, trong đó có kết cấu kinh tế - xã hội cũ, là điều bình thường của một phương thức sản xuất mới đang từng bước được khẳng định.
Tháng 10-1847, khi viết “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” để chuẩn bị cho sự ra đời của bản “Tuyên ngôn Cộng sản”, bàn về chế độ tư hữu, Ph. Ăng-ghen đã tự đặt câu hỏi và trả lời: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Trả lời: không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”(2). Như vậy, theo Ph. Ăng ghen, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chế độ xã hội mới không thể nôn nóng lập tức xóa bỏ ngay chế độ tư hữu, mà chỉ nên cải tạo dần dần để cho chúng tự tiêu vong cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Trong số các nhà lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, V.I.Lê-nin là người vận dụng sớm nhất quan điểm này vào thực tiễn. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của cách mạng Nga, sau khi thấy chính sách cộng sản thời chiến không còn phù hợp, V.I.Lê-nin đã đề ra Chính sách Kinh tế mới (NEP) nhằm phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Hiểu cho cùng, thực chất của Chính sách Kinh tế mới của V.I.Lê-nin là phát triển kinh tế tư nhân, phát triển thương mại, coi thương mại là mắt xích quan trọng cần phải nắm giữ trong chính sách phục hưng nền kinh tế đất nước.
Đối với nước ta, từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Xét về mặt lịch sử, tư tưởng về kinh tế tư nhân ở nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra rất sớm. Ngay sau khi giành được độc lập, nhà nước non trẻ của chúng ta vừa phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài, vừa phải xây dựng đất nước, nhưng từ năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị” Người đã đề cập sự tồn tại của 5 loại hình kinh tế khác nhau trong chế độ mới, trong đó có kinh tế tư nhân:
“A - Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân).
B - Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).
C - Kinh tế cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội).
D - Tư bản tư nhân.
E - Tư bản nhà nước (như nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh).
Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên, kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”(3).
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kinh tế tư bản của dân tộc, kinh tế tư nhân của nông dân, của tiểu thương là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng nước nhà.
Trong thực tế xây dựng đất nước, trước năm 1986, do điều kiện lịch sử, kinh tế tư nhân không có một quá trình phát triển xuyên suốt, nhưng vẫn tồn tại. Cụ thể có thể thấy: Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 9-1954, ghi rõ: “Công thương nghiệp tư nhân nhất luật được bảo hộ... Phải làm cho các xí nghiệp công và tư hiện có được tiếp tục kinh doanh”. Kết quả là trong thương nghiệp, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng áp đảo. Cuối những năm 1970, trước tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân rất khó khăn, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (Khoá IV), tháng 9-1979, chủ trương cho sản xuất bung ra và sử dụng đúng mức các thành phần kinh tế. Đại hội lần thứ V của Đảng, tháng 3-1982, tiếp tục khẳng định chủ trương trên.
Thực hiện đường lối đổi mới, kể từ năm 1986, thành phần phần kinh tế tư nhân được công khai thừa nhận. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, kinh tế tư nhân tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là khách quan, lâu dài và cần thiết. Trong quá trình đổi mới, có thể thấy, cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân qua các giai đoạn từ thấp đến cao.
Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1990:
Đây là gia đoạn khởi đầu của công cuộc đổi mới, chủ yếu đổi mới về công tác quản lý trong nông nghiệp. “Khoán 10” trong nông nghiệp đã làm nức lòng người nông dân cả nước, làm cho sản xuất nông nghiệp phát triển, nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo.
Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1999:
Đây là giai đoạn Đảng ta từng bước khẳng định mô hình kinh tế ở nước ta, tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, Đảng ta lần đầu tiên nêu rõ quan điểm, nền kinh tế nước ta là “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nêu rõ, nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm 5 thành phần: 1. kinh tế quốc doanh có vai trò chủ đạo; 2. kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng; 3. kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi; 4. tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định; 5. phát triển kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức(4). Như vậy, về mặt quản lý, Đảng ta chủ trương Nhà nước quản lý kinh tế hướng vào mục đích nhằm định hướng dẫn dắt các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một sự chuyển biến lớn về chất trong quản lý nền kinh tế của Nhà nước mà điều đó đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992, Điều 21 quy định: “Cho phép các công dân được tự do kinh doanh theo pháp luật, không hạn chế về quy mô, vốn và số lao động sử dụng, hoạt động nhiều ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.
Giai đoạn từ năm 2000 cho đến nay:
Trong giai đoạn này, tại Đại hội Đảng lần thứ IX, Đảng ta xác định có 6 thành phần kinh tế gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với khu vực kinh tế tư nhân, Đảng ta tiếp tục nêu rõ quan điểm: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ cả ở nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng lâu dài”. Tại Hội nghi Trung ương lần thứ 5 khóa IX, Đảng ta khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và hiện nay, tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta xác định kinh tế tư nhân là “một động lực phát triển của nền kinh tế” .
Như vậy, có thể thấy, sự tồn tại và phát triển thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta như quan điểm của Đảng nhận định là một tất yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sự tất yếu này xuất phát từ đặc trưng của nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một nền kinh tế nhiều thành phần với các yếu tố quyết định mang tính xuyên suốt sau:
Một là, khi nhân dân ta nắm giữ được chính quyền, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vấn đề xây dựng cơ sở kinh tế - xã hội cho xã hội mới là một nhu cầu bức thiết, đó cũng là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng lâu dài gian khó của cả dân tộc. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng, cơ sở kinh tế xã hội của chế độ mới về quan hệ sở hữu là không giống chế độ cũ mà là đối lập với nó. Chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất tồn tại hai hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể; nhưng, vì là thời kỳ quá độ, lực lượng sản xuất chưa phát triển đúng độ nên vẫn còn hình thức sở hữu khác là sở hữu tư nhân. Nói khác đi, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể được hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, còn có một lực lượng kinh tế khác là kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.
Hai là, nước ta bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội xuất phát từ một nước còn nhiều tàn dư của một nước thuộc địa, nửa phong kiến và chiến tranh kéo dài với một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Vì vậy, trong thực tế đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, các ngành, nội bộ từng vùng, từng ngành về tính chất cũng như trình độ của lực lượng sản xuất. Cho nên, sự tồn tại của kinh tế tư nhân là một tất yếu, mà đã là tất yếu thì không thể bằng biện pháp cưỡng đoạt, bắt buộc hành chính để xóa bỏ được.
Ba là, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể khả năng chưa đủ mạnh để có thể đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân phát triển sẽ góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, khai thác được các tiềm năng về sức người, sức của để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.
Bốn là, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện mới của cách mạng. Hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn, thiếu sự giúp đỡ của bạn bè như trước đây; trong điều kiện kinh tế còn lạc hậu, kỹ thuật yếu kém, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm... , lại trong xu thế toàn cầu hóa, nên để có thể chớp lấy được thời cơ, làm lợi cho quốc kế dân sinh, việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, cụ thể là của tư nhân, của đầu tư từ nước ngoài là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc sử dụng thành phần kinh tế có nguồn vốn từ tư nhân, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài là một sự hiển nhiên và cần thiết để phục vụ cho việc phát triển đất nước.
Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay và đề xuất một số giải pháp
Để thực hiện thắng lợi đường lối kinh tế - xã hội của Đảng như những gì mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định, những vấn đề đặt ra hiện nay cũng như thời gian tới đối với phát triển kinh tế tư nhân, đó là:
Quy mô của các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu vẫn là nhỏ. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp (năm 1999) ra đời cho đến thời điểm hiện tại (sau 2 năm ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014), số lượng doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Nếu như ở thời điểm năm 2000, cả nước có 35.044 doanh nghiệp tư nhân hoạt động thì đến cuối năm 2014 đã có 388.232 doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp 11,07 lần sau khoảng 15 năm. Dù khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh chóng về số lượng nhưng các doanh nghiệp hiện đa phần vẫn là doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 96% doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (nếu xét theo tiêu chí là dưới 10 lao động) đã chiếm khoảng 66%. Nhiều doanh nghiệp có đặc điểm không khác nhiều so với hộ kinh doanh cá thể về quy mô lao động, doanh thu, cách tổ chức quản lý.
Kết quả kinh doanh còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể vẫn tăng hằng năm. Căn cứ vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thì theo “Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015” do VCCI công bố thì tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân bị thua lỗ trong giai đoạn 2007-2014 dao động trong khoảng từ 21,7% đến 45,4%. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thua lỗ đặc biệt cao trong các năm 2011, 2013 và 2014. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đã tăng liên tục trong 3 năm gần đây. Năm 2015 cả nước có 71.391 doanh nghiệp tạm ngừng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: 15.649 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, và 55.742 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Trình độ và năng lực tổ chức quản lý của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn hạn chế; phương pháp quản lý, trình độ quản lý và trình độ chuyên môn thấp. Hiện tại, phần lớn nhân sự cao cấp tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh một cách bài bản, gắn với thực tế sản xuất kinh doanh, điều này dẫn đến thiếu chiến lược kinh doanh, sản phẩm không đa dạng, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng, giá cả chưa hợp lý. Các yếu tố khác như quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tổ chức, quản lý mạng lưới phân phối... chưa được quan tâm. Hiện chỉ có ít doanh nghiệp tư nhân đang đứng vững trên thị trường, phát triển, còn phần nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm cự sau khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới.
Năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân thấp. Nhiều doanh nghiệp với hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu so với trình độ khu vực khoảng 2 đến 3 thập kỷ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường trong khi chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hoá dịch vụ bị hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế nếu trên có thể kể đến những khía cạnh chính sau:
- Trước hết, nhận thức về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân chưa nhất quán, doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự được coi là một thành phần kinh tế quan trọng ở Việt Nam. Những “ưu ái” vẫn dành cho khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp tư nhân ít được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ; ít được hỗ trợ về thông tin thị trường trong và ngoài nước, họ thường phải tự vươn lên, làm ăn theo kinh nghiệm. Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân luôn phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.
- Môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Tiến trình cải cách thể chế kinh tế diễn ra chậm chạp, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, cơ chế xin - cho còn diễn ra ở nhiều nơi. Cơ chế tiếp cận vốn vay và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân bao gồm các hỗ trợ tư pháp, chế độ thông tin, hỗ trợ đào tạo... chưa được quan tâm.
- Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Vấn đề lớn hiện nay là mức độ kỹ năng của người lao động không đáp ứng được yêu cầu đặt ra của các doanh nghiệp. Theo một số liệu điều tra, có khoảng 9% tổng số các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các lao động có kỹ năng phù hợp và 67% trong số các doanh nghiệp này cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu các lao động có đủ kỹ năng như yêu cầu. Hơn 70% các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa và các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn cho rằng, nguyên nhân chính của khó khăn trong tuyển dụng là do thiếu lao động có kỹ năng.
Từ những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế đó, trong thời gian tới, để bảo đảm vai trò động lực của khu vực kinh tế này, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất là, cần tạo sự đồng thuận xã hội trong quan điểm nhìn nhận và đánh giá vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên cơ sở đó, định hướng xây dựng nhà nước kiến tạo và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh để mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Thứ hai là, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu, quyền tài sản.
Thứ ba là, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó trước mắt cần tập trung vào một số nội dung, như: cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh (đất đai, vốn, lao động, công nghệ và điện năng); giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của doanh nghiệp; chính quyền các tỉnh, thành phố cần chủ động thực hiện các chương trình đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu áp dụng các mô hình thực tiễn tốt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ tư là, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; cắt giảm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ.
Thứ năm là, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ. Hiện nay, đa số doanh nghiệp tư nhân do hạn chế về nguồn lực nên ít đầu tư vào quản trị nội bộ, phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong những nút thắt khó tháo gỡ mà các doanh nghiêp tư nhân không thể tự thân khắc phục.
Thứ sáu là, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường. Có cơ chế để đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ và đầu tư vào các nước đã ký các hiệp định thương mại và đầu tư, loại bỏ những rào cản gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cần có chính sách cải thiện kết nối giữa các trung tâm chuỗi cung ứng lao động Việt Nam với các đối tác thương mại bên ngoài. Bên cạnh đó, việc hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin đã gây khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân. Để có những thông tin có giá trị về thị trường, tiếp cận được với thị trường cần phải có sự hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ từ phía Nhà nước./.
------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội
(2) Mác - Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập, t1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t.1
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1991, tr.11
Theo tapchicongsan.vn