ThS. Đào Thị Giang, ThS. Đào Thị Thu Hà - Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần khẩn trương bổ sung và hoàn thiện pháp luật liên quan đến kế toán môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết đánh giá những nguyên nhân cơ bản khiến kế toán môi trường chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam, khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý về cho Việt Nam nhằm đẩy mạnh áp dụng kế toán môi trường thời gian tới.
“Khoảng trống” kế toán môi trường
Trong những năm qua, Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam hiện đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005; Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12); Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một số thông tư liên quan đến thuế môi trường như: Thông tư 152/2011/TT-BTC (hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP của Chính phủ); Thông tư 159/2012/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 152/2011/TT-BTC)…
Tuy nhiên, dù Việt Nam đã quan tâm, chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) đối với bảo vệ môi trường bằng việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về lĩnh vực môi trường song cho đến nay vẫn thiếu vắng những văn bản pháp quy về kế toán môi trường và nhiều DN vẫn còn khá xa lạ với khái niệm kế toán môi trường.
Dù phổ biến tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, song đến nay phần lớn DN tại Việt Nam chưa áp dụng kế toán môi trường, chỉ một số ít các DN là công ty liên doanh và công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Ford Việt Nam, Panasonic AVC Việt Nam, Unilever Việt Nam, Pepsico Việt Nam…) theo quy định của các quốc gia này phải tổ chức kế toán môi trường, phải báo cáo những thông tin về môi trường cho các đối tượng sử dụng. Theo các chuyên gia tài chính, có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến kế toán môi trường vẫn chưa được chú trọng ở Việt Nam:
Một là, hệ thống văn bản pháp quy chưa hoàn thiện. Cụ thể, hiện nay Việt Nam chưa quy định trong những chuẩn mực kế toán hiện hành về tài sản môi trường, nợ phải trả về chi phí môi trường vô hình, chi phí môi trường bên ngoài, thu nhập môi trường...; Chưa quy định trong chế độ kế toán hiện hành về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính để phản ảnh những thông tin về môi trường; Chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể vế cách hạch toán những thông tin về môi trường phát sinh trong DN...
Hai là, nội dung của kế toán môi trường không được phổ biến, truyền thông đến các nhà quản trị, những người làm công tác kế toán trong DN, phần lớn các DN đều chưa biết kế toán môi trường. Nội dung của kế toán môi trường chưa được đưa vào trong chương trình đào tạo ngành kế toán của hầu hết các trường đại học tại Việt Nam. Điều này tạo nên “khoảng trống” về nguồn nhân lực thực hiện kế toán môi trường tại Việt Nam và là nguyên nhân quan trọng làm cho các DN tại Việt Nam chưa tổ chức công tác kế toán môi trường.
Ba là, các nhà quản trị DN chỉ chú trọng đến lợi ích cục bộ và nghĩ rằng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thực hiện công tác kế toán môi trường làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận DN. Sự nhận thức chưa rõ về lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng kế toán môi trường của nhà quản trị có thể coi nguyên nhân chính làm cho các DN tại Việt Namchưa áp dụng kế toán môi trường.
Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Kế toán môi trường ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển có thể coi là những kinh nghiệm đáng quý cho các nước đi sau như Việt Nam. Theo kinh nghiệm của các DN Hoa Kỳ, việc áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường và áp dụng kế toán môi trường sẽ làm tăng chi phí nói chung và chi phí về môi trường nói riêng, song cũng sẽ giúp DN thu lợi ích lớn hơn từ những hoạt động bảo vệ môi trường như: Thu nhập tăng lên từ tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên liệu sử dụng, giảm chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải.
Hiện nay, việc áp dụng kế toán môi trường tại nước này chủ yếu tập trung vào vấn đề chi phí môi trường phục vụ cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị, tập trung vào cung cấp thông tin về môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý và các thông tin kế toán này được thể hiện trong Báo cáo sáng kiến toàn cầu (GRI).
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy, việc áp dụng kế toán môi trường trong doanh nghiệp tuy làm gia tăng chi phí về môi trường, song cũng giúp cho doanh nghiệp gia tăng lợi ích từ thu nhập về sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm chi phí nguyên liệu, chi phí xử lý chất thải, chi phí bị xử phạt do gây ô nhiễm...
Tại Đức, các DN áp dụng kế toán môi trường giúp đưa ra quyết định thay đổi về kỹ thuật, về hệ thống tổ chức quản lý, về chiến lược sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, về sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường… Sự thay đổi này dẫn đến tiết kiệm chi phí nguyên liệu, năng lượng, nước, tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động... Kinh nghiệm của các DN Đức cũng cho thấy, việc áp dụng kế toán môi trường chủ yếu tập trung vào hạch toán dòng vật liệu, phân tích Bảng đầu vào - đầu ra, xác định lượng nguyên liệu, năng lượng, nước sử dụng hàng năm, xác định lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn hàng năm.
Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia mà các DN luôn đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng kế toán môi trường. Thực tế tại các DN quốc gia này cho thấy, việc áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường và áp dụng kế toán môi trường sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế của DN và hiệu quả bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng kế toán môi trường tập trung vào hạch toán dòng vật liệu, kế toán chi phí và thu nhập về môi trường, phân tích bảng cân bằng sinh thái, phân tích chu kỳ sống sản phẩm, xác định lượng nguyên liệu, năng lượng, nước sử dụng hàng năm, xác định lượng khí thải nước thải, chất thải rắn hàng năm, kế toán chi phí và thu nhập về môi trường. Kế toán môi trường của Nhật Bản chú trọng đến việc sử dụng cả thước đo hiện vật và thước đo giá trị trong quá trình hạch toán và thông tin về môi trường được trình bày trong Báo cáo thường niên về môi trường, xã hội và tài chính.
Về cơ bản, để áp dụng kế toán môi trường đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách, pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Chính phủ liên quan đến vấn đề môi trường và kế toán, các tổ chức bảo vệ môi trường, các hội nghề nghiệp về kế toán trong, ngoài nước và đặc biệt đối tượng chính là cộng đồng DN.
Việc áp dụng kế toán môi trường trong DN của các quốc gia ban đầu thường mang tính tự nguyện, nên trong giai đoạn đầu, các cơ quan quản lý chỉ ban hành những hướng dẫn DN thực hiện kế toán môi trường. Thực tiễn cho thấy, các DN thực hiện kế toán môi trường thì hiệu quả kinh doanh ngày càng tăng, tạo động lực cho tất cả các DN khác áp dụng kế toán môi trường. Vì vậy, các cơ quan quản lý nên ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường.
Theo các chuyên gia kế toán, các DN của mỗi quốc gia, tùy theo cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực và trình độ quản lý ở mỗi giai đoạn có thể nhấn mạnh một hoặc nhiều nội dung của kế toán môi trường nhưng về cơ bản nội dung của kế toán môi trường là: Hạch toán dòng vật liệu; Phân tích chu kỳ sống sản phẩm; Kế toán chi phí và thu nhập về môi trường; Đánh giá trách nhiệm trong quản lý môi trường; Trình bày thông tin về môi trường trong báo cáo của DN…
Trong bối cảnh hiện nay, DN Việt Nam có thể lựa chọn vận dụng từ kinh nghiệm kế toán quản trị môi trường từ các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phù hợp với điều kiện hoạt động của DN mình. Thực tế cũng cho thấy, kế toán môi trường thường được áp dụng tại các DN có quy mô lớn có nguồn tài chính dồi dào và chính sách hoạt động nghiêm ngặt. Do vậy, đối với các DN Việt Nam, trong giai đoạn đầu, có thể kế toán môi trường nên được thử nghiệm tại một dây chuyền hoặc một bộ phận trước khi tiến hành đại trà toàn DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, (2010), Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12) ngày 15/11/2010;
2. Chính phủ, (2011), Nghị định 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường;
3. PGS., TS. Phạm Đức Hiếu, PGS., TS. Nguyễn Thị Kim Thái, Kế toán môi trường trong DN, NXB Giáo dục, 2012;
4. PGS., TS. Phạm Đức Hiếu - PGS., TS. Nguyễn Thị Kim Thái, Kế toán môi trường trong DN, NXB Giáo dục, 2012.
Theo tapchitaichinh.vn