Việt Nam cần thực hiện cải cách để trở thành nước thu nhập trung bình cao

Việt Nam cần thực hiện cải cách để trở thành nước thu nhập trung bình cao 07/06/2016 09:44:00 859

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Việt Nam cần thực hiện cải cách để trở thành nước thu nhập trung bình cao

07/06/2016 09:44:00

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, Việt Nam là một điển hình về phát triển thành công. Từ một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới, nhưng chỉ trong vòng một “thế hệ”, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tựu về xã hội tương đương với các quốc gia có thu nhập cao hơn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ đầu những năm 1990 thuộc hàng cao nhất trên thế giới và tốc độ giảm nghèo cũng nhanh. Tuy nhiên, năng suất lao động đã và đang theo xu hướng giảm kể từ cuối thập kỷ 1990 trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cũng như khai khoáng, tài chính và bất động sản. Trong nông nghiệp, tuy năng suất lao động tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với hầu hết các quốc gia thu nhập trung bình trong khu vực. Đáng lưu ý là, mặc dù người dân tộc thiểu số đã được cải thiện nhiều về phúc lợi từ đầu thập kỷ 1990 nhưng lại đang phải đối mặt với khoảng cách ngày càng xa với nhóm đa số... Điều đó cho thấy, dù đã thu được nhiều thành công, song để trở thành nước thu nhập trung bình cao (với mức thu nhập bình quân đầu người trên 7.000 USD vào năm 2035, tương đương 18.000 USD - tính theo sức mua tương đương năm 2011), đòi hỏi Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức. Trong đó, chương trình cải cách tái khởi động tăng năng suất là đòi hỏi cấp thiết.

Theo ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển, thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách. Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi.

Ngân hàng Thế giới dự báo, nếu Việt Nam không xây dựng và triển khai một chương trình cải cách đúng đắn, thu nhập bình quân năm 2035 tối đa chỉ 4.500 USD, tương đương 12.000 USD (tính theo sức mua tương đương). Do vậy, Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột: Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân; thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; nâng cao hiệu quả khu vực công. Theo đó, Việt Nam cần cải cách theo hướng áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế; chuyển đổi vai trò nhà nước từ thiên về sản xuất - kinh doanh sang xây dựng khuôn khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng. Nhà nước không chỉ giảm số lượng và đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước mà còn phải chấm dứt ưu đãi. Đồng thời, thị trường đất đai minh bạch, vận hành tốt và một khu vực tài chính cạnh tranh, có sự quản lý tốt của Nhà nước cũng là những điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng, thách thức lớn nhất cho Việt Nam là tập trung nguồn lực vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo đất đai và nguồn vốn được cung cấp theo nguyên tắc thị trường, do đó Chính phủ cần cam kết thực hiện mục tiêu này để tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam phải khuyến khích đổi mới sáng tạo để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, tái cơ cấu đầu tư và đổi mới chính sách đô thị. Khi bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao và hiện đại hóa kinh tế, các đô thị phải đảm nhiệm nhiều chức năng hơn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các cụm công nghiệp gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thu hút và tập trung nhân tài. Đồng thời, cần bảo vệ chất lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên, lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng để giảm thiểu rủi ro. Vì theo ông Jim Yong Kim, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh; phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường hòa nhập và công bằng xã hội, tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số, người tàn tật và phụ nữ; cung cấp dịch vụ cho xã hội đang trong quá trình già hóa, đô thị hóa và xuất hiện tầng lớp trung lưu. Để thực hiện các định hướng, mục tiêu này, Việt Nam cần phải có một nền quản trị tốt, các thể chế hiện đại và một xã hội đề cao pháp luật. Đối với trụ cột nâng cao hiệu quả nhà nước, cần chủ động đề xuất các giải pháp về cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch, bảo đảm Việt Nam có hệ thống thể chế mạnh bắt kịp sự phát triển của đất nước, trong đó cần xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất với quy định về chức năng kinh tế của Nhà nước rõ ràng hơn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình trạng nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế sẽ làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, tạo sức ỳ, không khuyến khích cải thiện năng suất lao động; thậm chí còn làm suy yếu hiệu lực của chính Nhà nước. Vì thế, để giải quyết tình trạng này, cần phải chú ý đến năng lực của bộ máy hành chính dựa trên sự phân tầng bậc rõ ràng, thẩm quyền thống nhất, chế độ chức nghiệp thực tài và quyền hạn được pháp luật quy định; sử dụng các tín hiệu thị trường để phân bổ nguồn lực và kỷ luật tài khóa, bảo đảm sự ăn khớp giữa chính sách với năng lực tài chính của Nhà nước; đồng thời, cần có sự tham gia rộng rãi của người dân vào quá trình hoạch định chính sách để bảo đảm sự đồng bộ giữa chính sách và chương trình của Nhà nước với nhu cầu của người dân.

Hồng Vân