Kết quả thực hiện chính sách tài khóa những tháng đầu năm 2016 và một số vấn đề đặt ra

Kết quả thực hiện chính sách tài khóa những tháng đầu năm 2016 và một số vấn đề đặt ra 22/06/2016 09:09:00 1069

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kết quả thực hiện chính sách tài khóa những tháng đầu năm 2016 và một số vấn đề đặt ra

22/06/2016 09:09:00

  

1. Chính sách tài khóa 2016

  Chính sách tài khóa năm 2016 được thực hiện theo hướng tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015.

Chính sách thu và quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được rà soát và hoàn thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)... Cụ thể: (i) Sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng... Quy định chi tiết đối tượng/trường hợp không áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% và quy định cụ thể hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu, dự án đầu tư... (ii) Quy định rõ giá tính thuế TTĐB nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chính sách cũng như xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng; (iii) Giảm gánh nặng thuế cho người dân và giảm thủ tục hành chính thuế khi áp dụng miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống; giảm tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế...; (iv) Miễn thuế TNCN đối với một số đối tượng1; (v) Sửa đổi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên cơ sở quy định cụ thể từng loại thuế tính theo tỷ lệ phần trăm, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp. Ngoài ra, để thực hiện các cam kết thuế quan theo lộ trình, các mức thuế suất thuế nhập khẩu cũng đã được sửa đổi; để đảm bảo nguồn thu và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, các quy định về mức thu, chế độ thu nộp đối với một số khoản phí trong một số lĩnh vực và khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp2 cũng được rà soát, hoàn thiện; các thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hải quan, thuế3 được công bố, đồng thời năm 2016 cũng tiếp tục thu vào NSNN 75% số tiền lãi dầu, khí được chia nước chủ nhà, lợi nhuận của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm.

Chính sách chi NSNN tiếp tục được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở. Tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống4 đến hết tháng 4/2016 và điều chỉnh tăng khoảng 5% lương cơ sở (từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ tháng 5/2016, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng. Trong điều hành, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán NSNN và chi chuyển nguồn, thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh...

Chính sách huy động vốn bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển được thực hiện linh hoạt trên cơ sở đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP). Trong đó, chỉ phát hành TPCP có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, 70% bảo đảm từ 5 năm trở lên. Năm 2016, tổng khối lượng vốn huy động là 409 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động để bù đắp bội chi NSNN là 254 nghìn tỷ đồng, phát hành 60.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn TPCP đã được Quốc hội quyết định và đảo nợ 95 nghìn tỷ đồng. Trong đó, KBNN có nhiệm vụ phát hành TPCP huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển là 220 nghìn tỷ đồng5.

Trong cân đối ngân sách, thực hiện kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; tích cực giảm bội chi và tăng chi trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; thực hiện cơ cấu lại các khoản vay của NSNN theo hướng tăng tỷ trọng vay trung và dài hạn với lãi suất phù hợp; bảo đảm dư nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.

2. Kết quả thực hiện

  Thu nội địa đạt kết quả tích cực và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước

Thu nội địa tháng 4/2016 tăng 24,6% so với tháng 3/2016; lũy kế 4 tháng đầu năm 2016 đạt 264,87 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, một số khoản thu đạt khá so với dự toán và cùng kỳ 2015 như thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 40,1% dự toán, tăng 23,3%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,3% dự toán, tăng 12,9%; thu thuế TNCN đạt 42% dự toán, tăng 17,3%; thu tiền sử dụng đất đạt 50,5% dự toán, tăng 34,5%. Kết quả thu nội địa đã góp phần làm tổng thu cân đối NSNN 4 tháng năm 2016 đạt 317 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt được kết quả tích cực là nhờ: Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% so với cùng kỳ 2014; doanh nghiệp thành lập mới tăng 22,9% về số lượng và tăng 52,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20156; công tác quản lý thu NSNN được tăng cường7

Hình 1. Kết quả thu NSNN 4 tháng

đầu năm 2016

Đơn vị: Tỷ đồng

Hình 2. Kết quả thu nội địa 4 tháng

đầu năm 2016

Đơn vị: Tỷ đồng

imageimage

Nguồn: Bộ Tài chính

Nguồn: Bộ Tài chính

Chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo đúng dự toán, đáp ứng kịp thời các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và an sinh xã hội

Tổng chi NSNN 4 tháng đầu năm 2016 đạt 370,66 nghìn tỷ đồng, bằng 29,1% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 57,2 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt đạt 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán; chi thường xuyên đạt 261,6 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, ngân sách cũng đã sử dụng 1,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn; xuất cấp trên 66 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, dịp giáp hạt đầu năm 2016, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn và địa phương bị ảnh hưởng do cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung. Các địa phương cũng đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngư dân.

Hình 5. Kết quả chi NSNN 4 tháng

đầu năm 2016

Đơn vị: Tỷ đồng

Hình 6. Cơ cấu chi NSNN 4 tháng đầu năm giai đoạn 2012 - 2016

    

imageimage

Nguồn: Bộ Tài chính

Nguồn: Bộ Tài chính

  Huy động vốn cho ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực

Tính đến ngày 06/5/2016, Kho bạc Nhà Nước đã phát hành được 111,8 nghìn tỷ đồng TPCP bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2016, đảm bảo nguồn lực đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán. Xét kết quả phát hành TPCP 4 tháng đầu năm giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, huy động vốn để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển 4 tháng đầu năm 2016 đạt mức cao nhất trong giai đoạn cả về quy mô và kế hoạch hàng năm; lãi suất phát hành giảm giúp giảm chi phí huy động vốn cho NSNN.

Hình 7. Kết quả huy động TPCP bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển

4 tháng đầu năm giai đoạn 2011 - 2016

image

Nguồn: Bộ Tài chính

  Chi ngân sách nhà nước đã có sự giảm tốc  

Mặc dù tốc độ tăng thu NSNN 4 tháng đầu năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng chi làm cho bội chi tăng 10,4% so với cùng kỳ 2015 nhưng chi NSNN đã có sự giảm tốc8 nên bội chi NSNN so với dự toán đạt thấp so với cùng kỳ các năm trước. Đồng thời, nhờ huy động vốn đạt kết quả tích cực nên bội chi NSNN vẫn được kiểm soát.

3. Những vấn đề đặt ra

  Thu từ dầu thô và hoạt động xuất, nhập khẩu đạt thấp, thu nội địa mặc dù đạt kết quả tích cực nhưng đã có sự giảm tốc

Do ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới nói chung, đặc biệt là giá dầu, sụt giảm9, cũng như sự tăng trưởng chậm của thương mại toàn cầu10, kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu đóng góp số thu lớn cho NSNN đạt thấp11, nên thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu chỉ đạt 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2015. Thu từ dầu thô, ngoài tác động của giá dầu thế giới giảm12, còn chịu ảnh hưởng của sản lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 201513 nên chỉ đạt 13 nghìn tỷ đồng, bằng 23,9% dự toán, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Thu nội địa mặc dù có kết quả tích cực hơn so với thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu và thu từ dầu thô, nhưng nếu không kể tiền sử dụng đất thì chỉ tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ 2 năm gần đây14. Đặc biệt trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm mạnh15 khiến thu nội địa tăng thấp (9,6% so với 17% của cùng kỳ 2015). Điều này đặt ra vấn đề nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản lý và kiểm soát nguồn thu NSNN để đảm bảo tính bền vững trong thu ngân sách.

  Chi đầu tư phát triển thực hiện đạt thấp, bằng 22,4% dự toán16

Bốn tháng đầu năm 2016, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 22,4% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 28,6% kế hoạch); giải ngân vốn TPCP đạt khoảng 20% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 25% kế hoạch). Nguyên nhân giải ngân thấp là do: (i) Việc thông báo và giao dự toán năm 2016 còn chậm, nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; (ii) Công tác đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa tập trung triển khai. Ngoài ra, việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân tại Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan cũng tác động nhất định đến việc các bộ, ngành và địa phương chưa tích cực thanh toán kế hoạch năm 2016 ngay trong năm mà có thể chuyển sang thanh toán trong năm 2017...

Huy động vốn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng

  Nguồn lực huy động vốn bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển vẫn tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại (NHTM) nên phụ thuộc lớn vào thanh khoản cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng của hệ thống.

4. Một số đề xuất

  Một là, tiếp tục rà soát hệ thống chính sách thu, chi ngân sách nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

  Hai là, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016, nghị quyết các phiên họp thường kỳ Chính phủ. Theo đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, chủ động huy động và thu hút vốn đầu tư mở rộng.

  Ba là, tăng cường quản lý thu, chống thất thu NSNN và xử lý nợ đọng thuế, đẩy mạnh việc tranh tra, kiểm tra thuế, hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Bốn là, quản lý điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chủ động rà soát, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là vốn NSNN, vốn TPCP và vốn các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; hạn chế việc ứng trước và quản lý chặt chuyển nguồn chi NSNN; tập trung xử lý nợ xây dựng cơ bản; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công và chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ...

Năm là, đa dạng hóa nhà đầu tư TPCP nhằm cơ cấu lại danh mục nợ chính phủ cũng như giảm sự lệ thuộc vào các NHTM trong huy động vốn từ phát hành TPCP.

ThS. Lê Thị Mai Liên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo ngân sách hàng tháng của Bộ Tài chính năm 2016.

2. Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

3. Tổng cục Thống kê (2015), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng.

*1 Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg ngày 22/02/2016 về việc miễn thuế TNCN đối với chuyên gia thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg ngày 22/02/2016 về việc miễn thuế TNCN đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hiệp quốc tại Việt Nam.

*2 Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016.

*3 Thông tư số 21/2016/TT-BTC ngày 05/02/2016 về hướng dẫn về khai thuế GTGT và ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23/02/2016 hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thông tin thuế.

*4 Theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.

*5 Cụ thể, kỳ hạn 3 năm chiếm 30%; kỳ hạn 5 năm chiếm 45,5%; kỳ hạn 10 năm là 5,5%, kỳ hạn 15 năm là 8,2%, kỳ hạn 20 năm là 5,5% và kỳ hạn 30 năm là 5,5%.

*6 Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Nếu tính cả 553,3 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp tăng vốn thì tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 801,5 nghìn tỷ đồng.

*7 Trong quý I/2016, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 8.000 doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2015; đôn đốc cưỡng chế thu được gần 12,7 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).

*8 So với cùng kỳ năm trước, chi NSNN 4 tháng đầu năm 2016 tăng 4,6%; năm 2015 tăng 6,9%; năm 2014 tăng 9,2%; năm 2013 tăng 14,9%.

*9 IMF (tháng 4/2016) đã điều chỉnh giảm dự báo lạm phát tại hầu hết các nước do giá dầu và giá hàng hóa dự kiến tiếp tục ở mức thấp.

*10 Thương mại toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại do cầu nhập khẩu hàng hóa giảm tại nhiều quốc gia và giá hàng hóa thế giới ở mức thấp. WTO (4/2016) dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,8% trong năm 2016.

*11 Tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2016 đạt 51,1 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó: Xăng dầu các loại giảm 33,3%; ô tô nguyên chiếc giảm 23,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,9%.

*12 Giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng đầu năm 2016 khoảng 36,3 USD/thùng, giảm 23,7 USD/thùng so giá dự toán.

*13 Sản lượng dầu thanh toán 4 tháng đầu năm 2016 đạt 5,24 triệu tấn, bằng 37,6% kế hoạch năm, giảm so với các mức tương ứng của cùng kỳ năm 2015 là 5,7 triệu tấn; 38,7% kế hoạch năm.

*14 Cùng kỳ năm 2014, thu nội địa đạt 37,5% dự toán, tăng 17,3%; năm 2015 đạt 37,4% dự toán, tăng 11,1%.

*15 Thu từ khu vực DNNN giảm mạnh (32,5%) so cùng kỳ 2015 do: Giá dầu giảm; thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt thấp; chưa thu bổ sung tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp.

*16 Cùng kỳ năm 2015 đạt 28,9% dự toán.