TS. Nguyễn Sơn
Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Những biến động của kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu đã gây nên những bất ổn cho các khu vực tài chính. Mặc dù sau đó, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã có sự hồi phục nhanh để tạo lập những kỷ lục mới (chỉ số chứng khoán Dow Jones Hoa Kỳ đạt mức thấp nhất 6.700 điểm năm 2009 và mức cao nhất gần 18.000 điểm vào năm 2015). Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, nền kinh tế thế giới lại cuốn vào một vòng xoáy mất ổn định khác, với các yếu tố chứa đựng từ sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc kéo theo là sự tuột dốc của TTCK nước này; Hoa Kỳ tăng lãi suất cơ bản sau gần một thập kỷ; giá dầu thô giảm mạnh xuống 30 USD/thùng (mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây); các vấn đề liên quan đến địa chính trị như Trung Đông, biển Đông… cũng đã tác động không nhỏ tới TTCK toàn cầu và Việt Nam.
Mặc dù vậy, kết thúc năm 2015, kinh tế Việt Nam cũng đã đạt được các chỉ báo quan trọng làm nền tảng ổn định cho sự phát triển của thị trường như: Tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 5 năm qua, ở mức 6,68%; lạm phát được kiểm soát và chỉ số CPI thấp nhất trong nhiều năm, đạt 0,63%; tăng trưởng tín dụng là 17,17%.
Trên thị trường tài chính, trong bối cảnh hầu hết các TTCK toàn cầu suy giảm mạnh (ngoại trừ chỉ số CSI của Trung Quốc tăng 6,4%), thì TTCK Việt Nam cũng có những biến động mạnh (năm 2015, có thời điểm tăng 17,35% so với đầu năm); tuy nhiên, đóng cửa cuối năm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ ở mức 6,35%, lên 579,03 điểm, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu). Quy mô mức vốn hóa thị trường đạt 1.360 nghìn tỷ đồng (tương đương 34,5% GDP), tăng 17% so với năm 2014. Tổng huy động vốn qua TTCK ước tính đạt 390.000 tỷ đồng, trong đó tổng mức huy động vốn thông qua cổ phiếu khoảng 55.000 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương. Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực trên TTCK với giá trị mua ròng cổ phiếu khoảng 3.000 tỷ đồng, đưa giá trị danh mục sở hữu nước ngoài lên gần 15 tỷ USD (tăng 10% so với cuối năm 2014).
1. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển
Trước những tác động khó lường của kinh tế thế giới và để phát huy những yếu tố thuận lợi trong nước, cơ quan quản lý đã nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ và phát triển TTCK Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực. Cụ thể là:
(i) Chính sách về nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, theo đó, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ không hạn chế cổ phần của công ty đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh hạn chế đầu tư theo quy định của các cam kết quốc tế và pháp luật chuyên ngành.
(ii) Chính sách gắn cổ phần hóa, đấu giá cổ phần với niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã thể chế hóa và đẩy nhanh công tác đấu giá cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung, qua đó rút ngắn thời gian nắm giữ và tạo điều kiện gia tăng thanh khoản cho cổ phần sau đấu giá, góp phần làm minh bạch hóa thông tin cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa. Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, các DNNN cổ phần hóa dưới hình thức chào bán ra công chúng và các công ty đại chúng không niêm yết phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên hệ thống Upcom, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia đấu giá doanh nghiệp cũng như tăng cường hàng hóa cho TTCK. Đồng thời, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bán đấu giá theo lô cũng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho việc thoái vốn trên TTCK, cải thiện công tác quản trị công ty của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 202/2015/TT-BTC hướng dẫn niêm yết chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán cũng đã hoàn thiện chính sách niêm yết đối với công ty hình thành sau hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi cổ phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện tái cơ cấu chứng khoán niêm yết theo hướng gia tăng về chất lượng và hạn chế việc niêm yết cửa sau đối với các doanh nghiệp.
(iii) Hoàn thiện cơ chế về công bố thông tin trên TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK nhằm nâng cao chất lượng công bố thông tin đối với các công ty niêm yết/đại chúng; thông tin về giao dịch cổ phiếu quỹ và người nội bộ công ty, nâng cao chất lượng các báo cáo thường niên và phát triển bền vững, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh; rút ngắn thời hạn công bố thông tin đối với thông tin định kỳ và thông tin bất thường; đã góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng khả năng tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư. Ngoài ra, để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản trị công ty (thay thế Thông tư số 121/2012/TT-BTC) cũng hướng tới nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
(iv) Tạo sự đột phá về cơ chế giao dịch trên TTCK. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên TTCK, cho phép nhà đầu tư vừa mua vừa bán trên cùng một tài khoản; nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày và hợp đồng giao dịch ký quỹ với công ty chứng khoán. Ngoài ra, chu kỳ thanh toán từ T+3 được rút ngắn về T+2 áp dụng từ đầu năm 2016 sẽ tạo điều kiện tăng nhanh vòng quay chứng khoán và tiền cho nhà đầu tư.
(v) Hoàn thiện khung pháp lý cho tổ chức hoạt động TTCK phái sinh. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định, tạo tiền đề cho công tác triển khai phát triển các sản phẩm phái sinh và chuẩn bị các điều kiện để sớm đưa vào giao dịch hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu chính phủ vào đầu năm 2017.
2. Định hướng, giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2020
Dự báo kinh tế thế giới năm 2016 và một số năm tiếp theo sẽ có sự hồi phục đi kèm với nhiều yếu tố bất ổn tiềm ẩn, đặc biệt là vấn đề lạm phát toàn cầu ở mức thấp, sản xuất công nghiệp đang chậm lại và cải cách ở Trung Quốc có những diễn biến khó lường; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục và các nền kinh tế lớn chưa có giải pháp tối ưu cho vấn đề tăng trưởng và xử lý nợ quốc gia; các vấn đề về diễn biến địa chính trị khu vực ngày càng gia tăng (biển Đông, Trung Đông…). Trong nước, nhu cầu nội địa và tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ duy trì được xu thế ổn định trong năm 2016, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP năm 2016 và những năm tiếp theo dự báo đạt khoảng 6,7 - 7%. Cùng với hàng loạt chính sách đã được ban hành trong giai đoạn cuối của kế hoạch 2011 - 2015, TTCK Việt Nam năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng.
Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của TTCK toàn cầu, mục tiêu ổn định và phát triển bền vững TTCK trong năm 2016 và tạo tiền đề để tiếp tục phát triển ở các giai đoạn tiếp theo là cấp thiết. Do vậy, vấn đề đặt ra là, cần xây dựng TTCK theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc, nâng hạng và vận hành thị trường theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để có khả năng kết nối với khu vực và thế giới. Với mục tiêu nâng quy mô mức vốn hóa TTCK Việt Nam đạt từ 70% GDP vào năm 2020 và trở thành một TTCK lớn trong khu vực, các giải pháp cần tập trung như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý đồng bộ cho TTCK, trong đó đặt ra vấn đề xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới vào năm 2017 nhằm tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế để nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường dựa trên cơ chế công bố thông tin đầy đủ và thay thế cơ chế phát hành chứng khoán dựa trên cấp phép theo điều kiện sang cơ chế chào bán sau khi công bố thông tin đầy đủ. Trước mắt, các quy định pháp lý cần hướng tới xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều kiện đầu tư kinh doanh đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán để đảm bảo tuân thủ các quy định tại Luật Đầu tư 2014 về điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; triển khai các quy định mới về cơ chế giao dịch, công bố thông tin, quản trị công ty, niêm yết và đăng ký giao dịch.
Thứ hai, triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên nhóm các thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của tổ chức MSCI thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo hướng các chuẩn mực và thông lệ của OECD, tạo điều kiện cho công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài, phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, hệ thống nhà tạo lập thị trường, tổ chức định mức tín nhiệm.
Thứ ba, tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho TTCK thông qua cơ chế: (i) Gắn cổ phần hóa, đấu giá thoái vốn nhà nước với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung. Trong đó, trọng tâm là xây dựng cơ chế chào bán theo phương pháp dựng sổ và giảm thiểu số ngày kể từ khi IPO đến ngày giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán; (ii) Áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin và quản trị công ty theo tiêu chuẩn báo cáo tài chính IFRS; (iii) Thành lập Viện Quản trị công ty (IOD) để đào tạo các chức danh quản lý doanh nghiệp, đánh giá khách quan các tiêu chí quản trị doanh nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh tái cấu trúc tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán theo hướng: (i) Tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các công ty chứng khoán yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; (ii) Thực hiện giám sát dựa vào rủi ro trên cơ sở quy chế hướng dẫn phân loại và cảnh báo sớm các công ty chứng khoán; (iii) Cho phép các tổ chức, kinh doanh chứng khoán 100% vốn nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài hoạt động đầy đủ các nghiệp vụ tại Việt Nam.
Thứ năm, hoàn thiện và phát triển các thị trường theo sản phẩm. Trên cơ sở phân định các khu vực thị trường để tập trung, thống nhất phát triển các thị trường: (i) Thị trường cổ phiếu theo các cấp độ dựa trên quy mô vốn hóa, mức lợi nhuận và rủi ro doanh nghiệp; (ii) Thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung phát hành trái phiếu chính phủ theo lô lớn, đa dạng các loại trái phiếu chính phủ và kỳ hạn dài trên 5 năm để giảm áp lực trả nợ quốc gia trong ngắn hạn. Đồng thời, xây dựng Trung tâm Dữ liệu trái phiếu doanh nghiệp và thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm; (iii) Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh từ các sản phẩm đơn giản đến phức tạp như các hợp đồng tương lai đến hợp đồng quyền chọn, đi từ các sản phẩm là chứng khoán (chỉ số, cổ phiếu, trái phiếu) đến các sản phẩm tiền tệ (lãi suất, tỷ giá...), hàng hóa (vàng, cà phê, thép...) và sản phẩm ngoại lai (lạm phát, thời tiết) theo thông lệ quốc tế.
Thứ sáu, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư thông qua phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp như quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quỹ mạo hiểm, các công ty đầu tư... Giảm thiểu các thủ tục cấp mã số đầu tư nước ngoài thông qua cơ chế cấp phép điện tử, bỏ quy định thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, hướng dẫn thủ tục và nới lỏng sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề không cần hạn chế sở hữu.
Thứ bảy, hoàn thiện việc cấu trúc, tổ chức TTCK thông qua: (i) Hợp nhất các sở giao dịch chứng khoán thành một sở giao dịch thống nhất theo các tiêu chí niêm yết, giao dịch, kết nối thành viên trên cơ sở phát triển, phân định các khu vực thị trường (cổ phiếu, trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để nâng cao vị thế của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực ASEAN); (ii) Xây dựng hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm (CCP), hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL). Xây dựng và triển khai Đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng; (iii) Xây dựng gói thầu công nghệ thông tin cho toàn thị trường tại các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán và dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát thị trường tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (iv) Chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước.
Tài liệu tham khảo
1. Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
2. Đề án tái cấu trúc TTCK Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm (ban hành kèm theo Quyết định số 1826/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
3. Luật Chứng khoán số 70, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán số 62 và các Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán; Nghị định số 42/2015/NĐ- CP về TTCK phái sinh.
4. Quyết định số 366/2014/QĐ-TTG phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam.
5. Báo cáo thường niên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các năm từ 2011, 2012, 2013, 2014 và 2015.
6. Tài liệu của Nhóm Diễn đàn thị trường vốn (VBF) về các chính sách, giải pháp phát triển TTCK Việt Nam.
7. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII về phát triển kinh tế - xã hội.
8. Các tài liệu báo cáo đánh giá về thị trường vốn của WB, ADB và IFC, GIZ.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 1 tháng 2/2016