ThS. Nguyễn Anh Tuấn
Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính
Giá cả là phạm trù khách quan trong nền kinh tế thị trường, đòn bẩy kinh tế quan trọng, thông tin tin cậy để định hướng sản xuất, đầu tư, phân bổ nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường cạnh tranh hạn chế, các quy luật giá trị, cung - cầu và cạnh tranh không còn phát huy đầy đủ giá trị thì vai trò điều tiết của Nhà nước bằng những biện pháp phù hợp, trong đó có quản lý giá, là yêu cầu khách quan để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia thị trường và phúc lợi của toàn xã hội.
Thị trường là nơi diễn ra sự tương tác giữa cung và cầu, qua đó xác định một mức giá nhất định. Không chỉ có doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, mà các doanh nghiệp cạnh tranh cũng hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Song, khác với các doanh nghiệp cạnh tranh, các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường có khả năng kiểm soát, quyết định sản lượng cung ứng và mức giá để tối đa lợi nhuận. Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các doanh nghiệp này có xu thế để trục lợi từ vị thế, sức mạnh thị trường của mình, gây ra những tác động tiêu cực trước tiên đối với người tiêu dùng, sau đó là đối với kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về giá của Việt Nam đã dần hoàn thiện, thể chế hóa được đường lối của Đảng về quản lý, điều hành giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với các quy định về quản lý giá, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về quản lý cạnh tranh đã tạo lập hành lang pháp lý và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần hạn chế, ngăn chặn các hành vi lạm dụng sức mạnh thống lĩnh thị trường để gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước về giá, đặc biệt là giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh, còn bộc lộ một số tồn tại nhất định, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
1. Những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh
Trong số các mặt hàng Nhà nước điều tiết giá, việc kiểm soát giá một số hàng hóa do doanh nghiệp độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh đã đạt mục tiêu góp phần bình ổn giá; đồng thời, khống chế được những hành vi lạm dụng sức mạnh của các doanh nghiệp này để tăng giá/ấn định giá bất hợp lý. Tuy nhiên, do ưu tiên mục tiêu bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, nên việc quản lý, điều hành giá các mặt hàng này đôi khi chưa tuân theo quy luật cung - cầu, giá cả chưa phản ánh được giá trị thực của hàng hóa; giá cả do Nhà nước quy định còn thấp hơn chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế; hoặc giá đầu vào sản xuất phải chịu sự kiểm soát cứng nhắc trong thời gian dài.
Thứ nhất, hàng hóa do doanh nghiệp độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá có khi chưa được tính đúng, tính đủ và chưa được điều chỉnh kịp thời khi chi phí đầu vào thay đổi trong một số thời điểm thực hiện ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Đơn cử như, phương án giá điện trong một thời gian dài (2011 - 2013) không tính lợi nhuận đối với các nhà máy hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khâu truyền tải, phân phối và bán lẻ điện; việc điều chỉnh giá điện tăng ở mức hạn chế để tránh tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nên chưa bù đắp được các chi phí thực tế phát sinh.
Đối với giá xăng dầu, trong điều kiện giá thế giới tăng cao liên tục, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp điều hành giá linh hoạt để góp phần bình ổn giá. Thậm chí, có nhiều thời điểm, doanh nghiệp không được tính hoặc không được tính đủ lợi nhuận định mức để kiềm chế tốc độ tăng giá bán xăng dầu thành phẩm trong nước. Cụ thể như: Đối với kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không được tính lợi nhuận định mức từ ngày 18/12/2013 đến 10/02/2014 và không được tính đủ lợi nhuận định mức (100 đồng/lít) từ ngày 10/02/2014 đến 18/3/2014; đối với kinh doanh dầu hỏa, doanh nghiệp không được tính lợi nhuận định mức từ ngày 18/12/2013 đến 27/01/2014 và không được tính đủ lợi nhuận định mức (100 đồng/lít) từ ngày 27/01/2014 đến 18/3/2014.
Thứ hai, trong quản lý giá, một số chi phí đầu vào còn bị “kìm giá” kéo dài bằng biện pháp hành chính, gây méo mó hệ thống giá, dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá liên tục và ở mức cao trong thời gian ngắn.
Điển hình trong công tác quản lý giá đối với nội dung này là giá than bán cho sản xuất điện. Với tỷ trọng sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện than chiếm tương đối lớn trong tổng sản lượng điện cả nước (năm 2011: khoảng 19%, năm 2012: khoảng 19%, năm 2013: khoảng 21%), do đó, việc điều chỉnh tăng giá than bán cho sản xuất điện có tác động lớn và trực tiếp đến giá điện đầu ra. Vì vậy, trong giai đoạn 2011 - 2013, để đảm bảo cho giá điện không tăng đột biến, giá than bán cho sản xuất điện được giữ ở mức thấp hơn nhiều so với giá thành toàn bộ; phần chênh lệch giá được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bù trừ từ doanh thu xuất khẩu than. Việc kiềm chế giá than cho điện ở mức thấp trong thời gian dài, một mặt đã gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp; mặt khác, cũng khiến cho áp lực tăng giá bị dồn lại trong một thời gian ngắn để đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Thứ ba, quản lý giá những mặt hàng do các doanh nghiệp độc quyền hoặc có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh chưa phát huy được hiệu quả do không gắn trực tiếp với hình thái thị trường của hàng hóa, dịch vụ đó.
Hầu hết các hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh, nếu thuộc danh mục do Nhà nước quản lý giá, là những mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Tuy nhiên, Nhà nước chưa thể kiểm soát giá độc quyền hoặc trường hợp thống lĩnh thị trường, mà chỉ nhằm bình ổn giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh và lợi ích của Nhà nước. Các quy định quản lý giá hiện nay mới chỉ tập trung vào kiểm soát các yếu tố hình thành giá, chưa chú ý đến hình thái thị trường trong ngành đó (tức là xác định được đó là thị trường độc quyền hay độc quyền nhóm hay cạnh tranh và cấp độ cạnh tranh ở thị trường đó như thế nào); chưa có quy định cụ thể về rà soát và công bố các doanh nghiệp độc quyền/thống lĩnh thị trường; chưa có quy định về kiểm soát giá thành làm cơ sở để xác định các hành vi hạn chế cạnh tranh; sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý giá và cơ quan quản lý cạnh tranh còn chưa chặt chẽ.
Ngoài các tồn tại nêu trên, các quy định quản lý cạnh tranh (có liên quan đến quản lý giá) cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định như căn cứ để xác định hành vi bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh còn chung chung và chưa rõ ràng.
2. Định hướng và giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do độc quyền sản xuất hoặc cung ứng
Trong thời gian qua, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được thể chế hóa thành pháp luật, cơ chế, chính sách. Sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với kinh tế thị trường sát thực và hiệu quả hơn. Thị trường hàng hóa, dịch vụ tăng về số lượng, chủng loại, chất lượng; đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý, năng lực cạnh tranh. Giá cả hàng hóa, dịch vụ hầu hết vận hành theo cơ chế giá thị trường và được xác định dựa trên quan hệ cung - cầu... Hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; chất lượng chưa cao, tiến độ ban hành còn chậm; việc tuyên truyền, phổ biến, thực thi và bảo đảm kỷ cương pháp luật còn nhiều hạn chế. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự tuân thủ theo nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường. Đây là thách thức, khó khăn không nhỏ.
Về quan điểm: Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Để đảm bảo lợi ích và phúc lợi của toàn xã hội, trong điều kiện kinh tế thị trường chưa phát triển thì quản lý nhà nước về giá đối với các doanh nghiệp độc quyền và thống lĩnh thị trường là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, kiểm soát không có nghĩa là Nhà nước định giá đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường kinh doanh mà ưu tiên các quy định kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh. Nhà nước chỉ quy định giá đối với một số ít hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Về mục tiêu: Để góp phần kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp để định giá bất lợp lý, gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích cạnh tranh về giá, tăng cường hiệu quả phân bổ nguồn lực xã hội; sau đó là góp phần bình ổn giá cũng như đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước trong việc khắc phục những khuyết tật của thị trường.
Về phương hướng:
(1) Đối với quản lý nhà nước về giá, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền hoặc do doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh theo hướng: Tôn trọng nguyên tắc thị trường, Nhà nước không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; định giá đối với những hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước (dịch vụ kết nối viễn thông, truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện,…), kịp thời điều chỉnh giá (tăng/giảm) khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu có thị trường cạnh tranh hạn chế thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá, quản lý giá gián tiếp thông qua các biện pháp kinh tế như: Điều hòa cung ứng hàng hóa dịch vụ, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính, tiền tệ để tác động vào giá cả trong trường hợp có biến động bất thường, tăng cường tính hiệu quả trong việc thu thập, công khai và minh bạch thông tin về giá, cũng như công tác dự báo thị trường.
(2) Đối với quản lý nhà nước về cạnh tranh, tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý cạnh tranh cho phù hợp với thực tế thực hiện; tăng cường hiệu quả các biện pháp kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Hoàn thiện và phát triển cơ cấu thị trường cạnh tranh theo hướng: Ưu tiên cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường được tiếp cận với công nghệ hiện đại, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp huy động vốn. Giảm những thủ tục đăng ký phiền hà, tốn kém; ưu đãi hay miễn thuế cho những doanh nghiệp tham gia thị trường trong những năm đầu. Thực hiện tái cấu trúc thị trường, rà soát và dỡ bỏ những rào cản thị trường không cần thiết, bất hợp lý đang “bảo hộ độc quyền” để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiềm năng, có cơ hội đầu tư phát triển.
Thực hiện tái cấu trúc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; điều chỉnh cấu trúc thị trường góp phần thúc đẩy cạnh tranh, giảm thiểu độc quyền, thông qua các biện pháp: Nhà nước từng bước tổ chức sắp xếp sản xuất theo hướng tiếp tục phân định, xác định và công bố những ngành sản xuất nào Nhà nước còn duy trì độc quyền ở mức độ nhất định gắn liền với việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Rà soát lại chiến lược và quy hoạch phát triển, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, kể cả nhà đầu tư nước ngoài (trừ những lĩnh vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh); giảm dần ưu đãi cho các DNNN, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở những lĩnh vực độc quyền, thống lĩnh thị trường trong việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất - kinh doanh như: Đất đai, tiền vốn, hạ tầng thương mại… tách chức năng sản xuất - kinh doanh ra khỏi nhiệm vụ an sinh xã hội.
Với các quan điểm, mục tiêu và phương hướng như trên, kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh như sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách về giá. Theo đó, công tác quản lý giá đối với các loại hàng hóa này cần gắn với hình thái thị trường của hàng hóa, dịch vụ, thực hiện phân loại hàng hóa, dịch vụ để xác định hình thức quản lý giá kết hợp với quản lý cạnh tranh cho phù hợp.
Hàng hóa dịch vụ độc quyền do Nhà nước định giá: Tiếp tục bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Giá của hàng hóa, dịch vụ được định giá phải căn cứ vào chi phí sản xuất, chi phí lưu thông; các nghĩa vụ tài chính phải nộp theo luật định và phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Nhà nước không bù giá mà chỉ có chính sách hỗ trợ về giá đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đối với một số ít mặt hàng, hiện chưa được tính đúng, tính đủ, chưa được kịp thời điều chỉnh giá bán theo biến động của các yếu tố cấu thành, cần nhất quán thực hiện nguyên tắc cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình giá thị trường với những bước đi, liều lượng cụ thể, có tính đến điều kiện kinh tế - xã hội và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và đời sống xã hội.
Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thực hiện bình ổn giá, kê khai giá: Cần có cơ chế rà soát định kỳ và công bố công khai những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá. Từ kết quả này, bổ sung thêm các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường vào danh sách các doanh nghiệp phải thực hiện kê khai hoặc đăng ký giá (khi áp dụng biện pháp bình ổn giá) về Bộ Tài chính, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp có vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường; bổ sung quy định về báo cáo cơ cấu yếu tố hình thành giá và giá thành toàn bộ hàng năm đối với các doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường phải thực hiện kê khai giá các hàng hóa, dịch vụ (sau kiểm toán độc lập).
Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý cạnh tranh và giá; nâng cao hiệu quả kiểm soát các hành vi gây cản trở, hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Trên thực tế, các quy định quản lý nhà nước về giá đã có phương pháp, nguyên tắc tính giá hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hướng dẫn chi tiết việc xác định các khoản chi phí để hình thành giá thành toàn bộ của một sản phẩm nhất định. Bên cạnh đó, một số hàng hóa, dịch vụ có tính chất đặc thù thì có quy định riêng về phương pháp xác định giá thành do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật. Các quy định này được sử dụng để định giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa…Việc xác định giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có những mặt hàng độc quyền hoặc do doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh phải tuân theo các quy định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, cung ứng hàng hoá, dịch vụ khác, được quyền áp dụng phương pháp định giá này để tính toán và quy định giá hàng hoá, dịch vụ thuộc quyền định giá của mình. Như vậy, thay vì quy định chung chung như hiện nay, việc tính toán giá thành làm căn cứ xác định hành vi bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh có thể căn cứ vào các quy định về nguyên tắc, phương pháp tính toán nêu trên.
Ba là, một số biện pháp khác.
(i) Đẩy mạnh và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc quản lý giá, quản lý cạnh tranh các hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh. Cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều và thường xuyên giữa các bộ chuyên ngành, cơ quan quản lý cạnh tranh và cơ quan quản lý giá. Những thông tin về thị trường, mà trước hết là đánh giá thị phần đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá (đánh giá hình thái thị trường hiện tại và tiềm năng), sẽ giúp cơ quan quản lý giá kịp thời có các biện pháp cần thiết nếu thị trường của một hàng hóa, dịch vụ được xác định là thị trường có doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền sản xuất - kinh doanh (ví dụ: Điều chỉnh danh mục doanh nghiệp vào diện kê khai giá, đăng ký giá; điều chỉnh danh mục mặt hàng kê khai giá;…). Trong khi đó, biến động về giá bán, giá thành là những thông tin có thể hỗ trợ cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện, xác định hoặc xử lý những hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. (ii) Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả hoạt động của các DNNN sản xuất - kinh doanh các mặt hàng có tính chất độc quyền hoặc trên thị trường có tính cạnh tranh hạn chế. (iii) Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá. Chú trọng kiểm tra, thanh tra về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá; giám sát chặt chẽ các hành vi hạn chế cạnh tranh. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi điều chỉnh giá bất hợp lý; các hành vi thỏa thuận làm hạn chế cạnh tranh; các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác. (iv) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về điều hành giá các mặt hàng cụ thể; phổ biến cơ chế chính sách điều hành giá và pháp luật về cạnh tranh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách thực chất là tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở trong việc giám sát thực hiện chính sách. Thường xuyên thăm dò ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với chính sách.
Ngoài các giải pháp trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác góp phần bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát như: Chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống phân phối lưu thông...
3. Kết luận
Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước là nguyên tắc xuyên suốt đã được Đảng ta khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng. Nhà nước quản lý điều hành giá thông qua pháp luật nhằm điều tiết thị trường, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp; trường hợp cần thiết, sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế vĩ mô tác động đến sự hình thành và vận động của giá để bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các hành vi lạm dụng sức mạnh thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp để định giá bất hợp lý, gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích cạnh tranh về giá, tăng cường hiệu quả phân bổ nguồn lực xã hội và góp phần bình ổn giá cũng như nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong việc khắc phục những khuyết tật của thị trường. Để hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường và phúc lợi của toàn xã hội, quản lý nhà nước về giá, kết hợp với quản lý cạnh tranh là điều cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước không có nghĩa là Nhà nước định giá đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường kinh doanh mà ưu tiên các quy định kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh. Nhà nước chỉ quy định giá (giá tối đa, giá tối thiểu, giá cụ thể, khung giá) đối với một số ít hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước và hàng hóa, dịch vụ có thị trường cạnh tranh hạn chế trong các trường hợp cần thiết; nguyên tắc định giá vẫn phải tôn trọng các nguyên tắc thị trường, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và cam kết quốc tế. Nhà nước không bù giá mà chỉ có chính sách hỗ trợ về giá đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới.
3. Chính phủ (2012), Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về giá.
4. Cục Quản lý giá (2013), Chuyên đề giới thiệu Luật Giá.
5. Cục Quản lý cạnh tranh (2012), Báo cáo rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam.
6. Nguyễn Tiến Thỏa (2010), Con đường cải cách giá ở Việt Nam, NXB Dân trí.
7. Ngô Trí Long (2013), Quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh.
8. Phạm Minh Thụy (2013), Một số vấn đề nguyên tắc trong quản lý nhà nước về giá hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam.
9. Vũ Đình Ánh (2013), Bàn về quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Tọa đàm khoa học Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh.
10. Nguyễn Thanh Hải (2013), Kiểm soát và hạn chế độc quyền - Một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các DNNN có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất - kinh doanh.
11. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (2009), Đề cương giới thiệu Luật Viễn thông.
12. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014.
13. Văn bản quy phạm pháp luật:
- Pháp lệnh Giá; Luật Giá; Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá. Các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Giá và Luật Giá.
- Luật Cạnh tranh; Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Các văn bản hướng dẫn.
- Luật Viễn thông; Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Viễn thông; Quyết định số 39/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông; các văn bản hướng dẫn.
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.