Chính sách tài khóa tiền tệ thế giới năm 2015: Một số xu hướng năm 2016 và tác động đến kinh tế Việt Nam

Chính sách tài khóa tiền tệ thế giới năm 2015: Một số xu hướng năm 2016 và tác động đến kinh tế Việt Nam 27/06/2016 08:34:00 2878

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài khóa tiền tệ thế giới năm 2015: Một số xu hướng năm 2016 và tác động đến kinh tế Việt Nam

27/06/2016 08:34:00

TS. Lương Văn Khôi1

NCS. Trần Thị Thu Hà2

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia

1. Khái quát tình hình thị trường tài chính thế giới năm 2015

1.1. Tổng quan

Kinh tế thế giới năm 2015 có tín hiệu hồi phục, song vẫn còn mong manh cho dù những nỗ lực chính sách của các quốc gia vẫn tiếp tục được đẩy mạnh; điểm sáng là sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của một số nước, mà tâm điểm là nền kinh tế Hoa Kỳ, có tác động tích cực tới tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2015 và cả năm 2016. Cùng đó, sự phục hồi của các dòng vốn quốc tế và triển vọng tăng trưởng thương mại nhờ hàng loạt các hiệp định thương mại tự do xuyên vùng và xuyên khu vực đã và đang được ký kết cũng là những nhân tố thúc đẩy cho đà tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn này. Tuy nhiên, nhiều nhân tố tiêu cực vẫn đang hiện hữu, sẽ gây cản trở cho triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 và những năm tới. Đó là: (i) Tốc độ hồi phục chưa bền vững ở hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Braxin, Nga…; (ii) Thương mại và đầu tư, động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong những năm trước, đang có dấu hiệu chững lại sau một khoảng thời gian tăng trưởng; (iii) Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng và nhiều biến cố khác như khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, rủi ro về tài chính tiền tệ ngày càng tăng… Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 ước đạt 3%, giảm so với mức 3,4% của năm 2014.

Kinh tế Hoa Kỳ: Năm 2015, sau khi đạt tăng trưởng thường niên ở mức 0,6% trong quý I, GDP quý II đã tăng mạnh ở mức 3,9%; tuy nhiên sang quý III lại giảm, chỉ tăng 1,5% do việc trữ hàng của doanh nghiệp giảm và xuất khẩu tăng chậm khi đồng USD lên giá; song, GDP quý IV khả quan trở lại nhờ chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh. Thu nhập khả dụng trong quý III/2015 tăng 3,5%, cao gần gấp ba lần mức tăng của quý II. Thị trường lao động tiếp tục diễn biến tích cực khi các nguy cơ đe dọa triển vọng nền kinh tế cũng như thị trường lao động “đã được cân bằng”. Theo số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp trong 12 tháng đầu năm giảm xuống khoảng 5%, từ mức 5,6% hồi đầu năm 2015. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo luôn ở mức mở rộng, trung bình khoảng 55 điểm trong cả năm 2015. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 11 tháng vẫn chỉ xoay quanh mức 0,2%. Chỉ số giá xuất khẩu của Hoa Kỳ cũng giảm 6,3% trong vòng 1 năm. Ngày 17/12/2015, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định nâng mục tiêu cho lãi suất liên bang từ 0 - 0,25% lên 0,25 - 0,5% sau 7 năm liên tục duy trì mức siêu thấp 0%. Dự báo đến cuối năm 2016, lãi suất sẽ vào khoảng 1,375%, nghĩa là trong năm 2016 sẽ có thêm 4 lần tăng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25%. Ước tính tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đạt 2,6% trong năm 2015 so với mức 2,4% trong năm 2014.

Kinh tế khu vực châu Âu: Tăng trưởng của khu vực này có sự phục hồi, song chưa thực sự vững chắc trong năm 2015. Sau khi đạt mức tăng trưởng tương đối ấn tượng đối với cả EU28 và Eurozone trong quý I so với quý trước, lần lượt là 0,54% và 0,52%; GDP quý II của cả hai khu vực này chỉ tăng với các mức tương ứng là 0,45% và 0,36%; sang quý III, mức tăng trưởng này được cải thiện song không đáng kể, ở mức 0,46% đối với EU28 và 0,4% đối với Eurozone. Sản lượng sản xuất và dịch vụ của khu vực châu Âu tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm với chỉ số PMI đạt trên 53 điểm; tuy nhiên, những tháng cuối năm có xu hướng giảm. Thương mại nội khối, ngoại khối tiếp tục tăng trưởng, song trong những tháng cuối năm tốc độ chậm hơn so với các tháng trước.

Tình trạng thất nghiệp tiếp tục được cải thiện, tại Eurozone giảm xuống 10,7% (tháng 10/2015) so với 11,5% cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 01/2012. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực EU28 tháng 10/2015 ở mức 9,3%, không thay đổi so với tháng trước, song giảm nhiều so với 10,1% của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số thất nghiệp thấp nhất của EU28 kể từ tháng 9/2009. Tuy nhiên, tình trạng giảm phát chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể. Ước tính, tăng trưởng kinh tế khu vực EU28 và Eurozone đạt tương ứng 1,8% và 1,5% trong năm 2015 so với mức 1,4% và 0,9% trong năm 2014.

Kinh tế Nhật Bản: Nền kinh tế Nhật Bản có sự phục hồi nhẹ trong năm 2015, đạt 0,7% so với mức 0% của năm 2014. Sau khi tăng trưởng mạnh vào quý đầu năm, đạt 1,1% so với quý trước, nền kinh tế nước này suy giảm trong quý II ở mức -0,28% và quý III tăng trưởng kinh tế Nhật Bản được cải thiện ở mức 0,3% so với quý trước và so với mức dự báo -0,2%. Nguyên nhân chính là do cầu trong nước được cải thiện, tăng 0,1% so với mức dự báo -0,3%; tiêu dùng tư nhân tăng trưởng 0,4%, thấp hơn kỳ vọng ở mức 0,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm cho tăng trưởng; cầu nước ngoài đóng góp 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng, không thay đổi so với dự báo trước đó. Xuất khẩu tăng 2,7% trong khi nhập khẩu giảm 1,7%; chi tiêu chính phủ tăng 0,3%, đóng góp 0,1% cho tăng trưởng trong khi đầu tư công thu hẹp (-1,5%), làm giảm 0,1% tăng trưởng. Ước tính tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quý IV/2015 đạt mức 0,4%. Chỉ số PMI các tháng trong năm xoay quanh 51 - 52 điểm - mức mở rộng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,1% (tháng 10/2015) so với mức 4,2% trước đó. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa thực hiện được mục tiêu lạm phát, chỉ số CPI dao động quanh mức 0,3% trong năm 2015. Do đó, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng mức chi ngân sách cao kỷ lục 96,7 nghìn tỷ yên cho năm tài chính 2016 mặc dù nước này vẫn đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ công cao (230% GDP).

Kinh tế Trung Quốc: Tăng trưởng kinh tế trì trệ trong năm 2015, đạt 6,9%, giảm so với mức 7,3% trong năm 2014. Trong nửa đầu năm, chỉ số PMI luôn đứng ở mức trên 50 điểm; tuy nhiên trong nửa cuối năm, chỉ số PMI liên tục giảm xuống dưới 50 điểm. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm đạt 22,08 nghìn tỷ NDT, trong đó nhập khẩu đạt 12,71 nghìn tỷ NDT, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ số sản xuất PPI trong 10 tháng đầu năm đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 10, dư nợ của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 2009, đạt 35,7 nghìn tỷ NDT (5,6 nghìn tỷ USD), giảm 65,6 tỷ NDT so với tháng 9, dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng giảm xuống 2% trong 9 tháng đầu năm, từ 13% cùng kỳ năm ngoái. Thị trường chứng khoán (TTCK) của Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn, khi chỉ trong 2 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8) đã giảm 40%, tương đương gần 5.000 tỷ USD vốn hóa bị mất khỏi thị trường. Trước tình hình kinh tế Trung Quốc ngày một xấu đi, Chính phủ nước này đã quyết định phá giá đồng NDT trong ba ngày liên tiếp, từ 11 đến 13/8, với mức giảm 4,6% để hỗ trợ xuất khẩu, phục hồi tăng trưởng kinh tế và thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng NDT trở thành đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc cũng đón nhận một số tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm. Chỉ số hàng bán lẻ trong 11 tháng đầu năm tăng 10,6% lên 27,23 nghìn tỷ NDT. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc trong tháng 10 tăng trưởng 4,2% (8,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, đồng NDT của Trung Quốc chính thức được IMF công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế.

Các nền kinh tế đang nổi: Tăng trưởng suy giảm trong năm 2015. Tại Nga, tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm luôn chìm trong khủng hoảng do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới giảm sâu, chỉ số PMI luôn dưới 50 điểm; tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, tình hình kinh tế tại Nga đã được cải thiện, đặc biệt chỉ số PMI tháng 10 đạt 50,2 điểm, điều này cho thấy kinh tế Nga đang có sự phục hồi nhẹ. Đơn đặt hàng mới, số lượng các doanh nghiệp mới thành lập là những nhân tố được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tăng mạnh giúp cho kinh tế Nga phục hồi trong những tháng cuối năm. Tính chung cả năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga rơi xuống mức -3,7% so với 0,6% trong năm 2014. Tại Ấn Độ, tình hình sản xuất vẫn giữ được tốc độ tăng ổn định; chỉ số PMI luôn trên mức 50 điểm; tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong năm 2015 đạt 7,3%, giữ nguyên so với mức tăng trưởng của năm 2014. Tại Braxin, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục suy thoái. Số lượng việc làm tiếp tục bị cắt giảm, sản lượng đầu ra và đơn đặt hàng giảm liên tục trong nhiều tháng. Chỉ số PMI của nước này luôn ở mức dưới 50 điểm trong suốt 11 tháng của năm 2015. Nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái với mức tăng trưởng -3,8% so với 0,1% năm 2014.

1.2. Thị trường tài chính thế giới

1.2.1. Chính sách tài khóa tiền tệ tại một số nước, khu vực chủ chốt trên thế giới

Kinh tế tăng trưởng chậm đã khiến nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trong suốt năm 2015.

Tại Hoa Kỳ: Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong những năm gần đây là nguyên nhân khiến cho chính sách tài khóa được nới lỏng. Mục tiêu ngân sách của Tổng thống Hoa Kỳ Obama trong năm 2015 là tập trung vào việc kích thích nền kinh tế. Ngày 03/3/2015, Tổng thống Obama đã trình Quốc hội một bản ngân sách trị giá 3,9 nghìn tỷ USD để đầu tư xây cầu đường, giáo dục và các chương trình thúc đẩy kinh tế khác.

Đối với chính sách tiền tệ, từ sau suy thoái kinh tế 2008 - 2009, Hoa Kỳ đã hạ lãi suất xuống 0,25% và bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế cho đến giữa tháng 12/2015. Ngày 17/12/2015, FED đã chính thức nâng lãi suất liên bang từ 0% lên 0,25%. Dự kiến sẽ có 4 đợt tăng trong năm 2016, mỗi đợt sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm. Nhận định này dựa trên các dự báo mới về mục tiêu mà các quan chức FED đặt ra cho lãi suất tham chiếu lên mức 1,375% vào cuối năm 2016, 2,375% vào cuối năm 2017 và 3,25% vào cuối năm 2018. Đây là bước đi lịch sử của nền kinh tế Hoa Kỳ khi quyết định này cho thấy “sức khỏe” của cường quốc kinh tế số 1 thế giới đã phục hồi trở lại. Đối với hệ thống tài chính toàn cầu, sự kiện này vừa được xem là cơ hội, vừa là thách thức trước sức ép từ việc đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác.

Tại khu vực châu Âu: Ngân sách bớt căng thẳng kể từ cuối năm 2014 đã khiến khu vực này bắt đầu nới lỏng dần tài khóa, đồng thời triển khai thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế. Ngày 22/01/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố một chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá tối thiểu 1,1 nghìn tỷ EUR vào nền kinh tế Eurozone. Theo đó, ECB triển khai chương trình mua tài sản (bao gồm các chứng khoán của cả khu vực công và khu vực tư nhân) trị giá lên tới 60 tỷ EUR/tháng, tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ - loại tài sản lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất ở Eurozone. Gói QE của châu Âu đã được bắt đầu triển khai từ ngày 09/3/2015 và sẽ kéo dài cho tới tháng 9/2016. Với chương trình này, ECB đã trở thành ngân hàng trung ương (NHTW) lớn thứ 4 trên thế giới áp dụng QE trong những năm gần đây sau FED của Hoa Kỳ, NHTW Anh và NHTW Nhật Bản (BOJ). Cùng với quyết định tung ra gói kích thích kinh tế, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0,05% (bắt đầu được áp dụng từ tháng 9/2014) và lãi suất tiền gửi ngân hàng qua đêm ở mức -0,2%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trả phí để gửi tiền tại ECB.

Tại Nhật Bản: Kinh tế còn nhiều khó khăn đã khiến Chính phủ Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách Abenomics, trong đó hai trụ cột quan trọng là nới lỏng tài khóa và tiền tệ từ năm 2012 đến nay. Mới đây, nhằm thúc đẩy lợi nhuận của khối doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức thông qua quyết định cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống 32,1% kể từ tháng 4/2015 và tiếp tục xuống còn 31,3% trong năm 2016. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản giới hạn quy mô chi tiêu chung vào khoảng 98 nghìn tỷ yên trong năm tài khóa 2015 sau khi cắt giảm từ tổng ngân sách là 102,6 nghìn tỷ yên thông qua cắt giảm chi phí an sinh xã hội. Đồng thời, đối với chính sách tiền tệ, ngày 17/3/2015, BOJ quyết định duy trì gói kích thích kỷ lục cho dù có rủi ro giảm phát. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cam kết bơm khoảng 80 nghìn tỷ yên (674 tỷ USD) vào nền kinh tế hàng năm thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro khác.

Tại Trung Quốc: Kể từ năm 2014, với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn 20 năm qua, khiến Chính phủ nước này đã phải tập trung nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ có mục tiêu thay vì trên diện rộng. Sau khi cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 11/2014 và một số đợt bơm tiền vào nền kinh tế, ngày 01/3/2015, PBOC đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai, theo đó, cả lãi suất cho vay và tiền gửi đều giảm 0,25 điểm phần trăm (Cụ thể: Lãi suất cho vay giảm còn 5,35%, trong khi lãi suất tiền gửi ở mức 2,5%).

Tại khu vực châu Á: Hiện có khoảng 20 NHTW tiến hành các biện pháp nới lỏng chính sách nhằm thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Ngoài Trung Quốc, đã có Ấn Độ, Indonesia, Singapore gia nhập làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu. Singapore duy trì chính sách đồng đô la yếu để kích thích hoạt động xuất khẩu và du lịch khi ngày 28/01/2015, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore đã trì hoãn việc nâng tỷ giá đồng nội tệ so với một loạt các đồng tiền khác. Chính sách này làm cho ngành công nghiệp logistics của Singapore trở nên hấp dẫn đối với các khách hàng nước ngoài cũng như tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của Singapore trên thị trường thế giới. Tại Hàn Quốc, tháng 3/2015, NHTW nước này bất ngờ hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,75% so với 2% trước đó. Ngày 05/3/2015, NHTW Ấn Độ quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm 2015; theo đó, lãi suất cơ bản giảm từ 7,75% xuống 7,5% nhằm kìm hãm lạm phát hiện ở mức 5,11% - cao nhất trong số 17 nền kinh tế châu Á.

1.2.2. Biến động các đồng tiền chính trên thế giới

Năm 2015 đã chứng kiến sự biến động mạnh của hầu hết các đồng tiền chính trên thế giới, trong đó đáng chú ý là sự tăng giá mạnh của đồng USD và giảm giá của đồng NDT. Đồng USD tiếp tục thể hiện vị thế là đồng tiền mạnh nhất thế giới với xu thế tăng liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt khác trong suốt cả năm 2015. Chỉ số USD Index trong tháng 3/2015 đã có lúc chạm mức kỷ lục 100 điểm. Tuy nhiên, đến quý II/2015, trước dấu hiệu tăng trưởng chậm của nền kinh tế Hoa Kỳ, USD Index đã giảm mạnh xuống 94 điểm vào cuối tháng 6/2015. Sau đó, đồng USD tăng mạnh trở lại, đạt mức 97,4 điểm vào ngày 24/10/2015 và đặc biệt tăng mạnh trong tháng 11, có những thời điểm vượt qua con số 100 điểm, nhờ triển vọng khả quan trên thị trường lao động Hoa Kỳ và tín hiệu tăng lãi suất. Sau khi FED chính thức quyết định tăng lãi suất liên bang, đồng USD giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao, đạt 98,72 điểm vào ngày 19/12 và tiếp tục duy trì ở mức tương đương trong hiện tại.

Hình 1. Xu thế tăng của chỉ số USD Index trong 12 tháng đầu năm 2015

image

Nguồn: Bloomberg

So với đồng USD, đồng EUR có xu hướng liên tục giảm trong năm 2015, đặc biệt ở thời điểm cuối năm. Đầu năm 2015, 1 đồng EUR có thể đổi được hơn 1,2 USD. Cuối tháng 10, 1 EUR chỉ đổi được 1,11 USD và cuối năm 1 EUR chỉ đổi được khoảng 1,06 USD.

Hình 2. Xu hướng giảm giá của đồng EUR so với đồng USD 12 tháng năm 2015

image

Nguồn: Bloomberg

Đồng yên Nhật Bản đã liên tục giữ xu thế giảm mạnh so với đồng USD kể từ quý IV/2015, đứng ở mức 123 JPY/USD (ngày 22/11), hoặc 121,16 JPY/USD (ngày 19/12), giảm đáng kể so với 107 JPY/USD cuối quý III/2015.

Hình 3. Xu hướng giảm giá của đồng JPY so với đồng USD 12 tháng năm 2015

image

Nguồn: Bloomberg

Đồng NDT của Trung Quốc giảm giá và biến động mạnh. Trong suốt 7 tháng đầu năm, đồng NDT giảm nhẹ so với đồng USD. Tuy nhiên, từ tháng 8, với chính sách hạ giá đồng nội tệ, đồng NDT đã liên tục biến động. Trong hai ngày 11 và 12/8, PBOC đã hai lần phá giá đồng NDT, với mức giảm tương ứng là 1,9% và 1,6%. Tỷ giá NDT/USD tiếp tục được thiết lập ở mức 6,4010 NDT/USD, giảm 1,1% so với 6,3306 NDT/USD của ngày 12/8. Như vậy, trong ba ngày, từ 11 đến 13/8/2015, đồng NDT đã giảm 4,6%. Đây là đợt phá giá mạnh nhất từ sau khi Trung Quốc thành lập hệ thống quản lý ngoại hối hiện đại năm 1994. Theo PBOC, động thái phá giá là nhằm giữ cho đồng nội tệ “ổn định” về cơ bản và để các lực lượng thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Trong những tháng cuối năm, đồng NDT tiếp tục xu hướng giảm giá so với đồng USD. Ngày 24/10, đồng NDT được giao dịch ở mức 6,3479 NDT/USD, sau đó giảm nhẹ xuống 6,4846 NDT/USD (ngày 19/12). Đặc biệt, vào ngày 01/12, đồng NDT đã chính thức được IMF công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế, có hiệu lực từ ngày 01/10/2016. Theo đó, IMF sẽ đưa đồng NDT vào danh sách các đồng tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - loại tiền tệ quy ước của tổ chức này. Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho nỗ lực của Trung Quốc để tạo ra sức ảnh hưởng lên đời sống kinh tế thế giới vốn bị chi phối bởi Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ qua.

Theo nhận định của Bloomberg, trong thời gian tới, đồng NDT sẽ là đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn thứ 3 trong rổ tiền tệ thế giới, với quyền số là 10,92%, đứng sau đồng USD (41,73%) và EUR (30,93%). Tỷ lệ phân bổ này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất mà các nước thành viên phải trả khi vay mượn các đồng tiền khác nhau từ IMF cũng như tác động đến dòng chảy vốn trên thế giới.

Việc đồng NDT mất giá cộng thêm việc FED tăng lãi suất đã, đang và sẽ gây ra những biến động mạnh đối với tỷ giá các đồng tiền chính trên thế giới. Ngay sau hành động can thiệp của PBOC khiến đồng NDT giảm giá, đồng tiền của một số nước ASEAN ngay lập tức bị mất giá. Trong hai ngày 11 - 12/8/2015, đồng ringgit của Malaysia và đồng rupiah của Indonesia mất giá mạnh; trong khi đó, đồng peso của Philippines, đồng baht Thái Lan, đồng Việt Nam giảm nhẹ. Kazakhstan quyết định thả nổi nội tệ và ngay lập tức đồng nội tệ của nước này giảm gần 1/4 giá trị so với đồng USD. Đồng rupee Ấn Độ cũng mất giá khoảng 4% so với đồng USD sau khi đồng NDT giảm giá. Colombia, một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn, cũng phải chứng kiến đồng peso rơi xuống mức thấp chưa từng có. Braxin và Nga, là những nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn thứ hai và thứ ba thế giới (sau Trung Quốc), cũng đang ở trong trạng thái tồi tệ khi đồng nội tệ của cả hai nước đều đang giảm giá mạnh.

Ngày 29/12, PBOC đã tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của đồng NDT xuống 6,4864 NDT/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2011 và giảm 0,2% so với 6,4750 NDT/USD được ấn định trước đó. Ngày 07/01/2016, đồng NDT được giao dịch ở mức 6,6 NDT/USD, giảm 5,7% so với tỷ giá hồi tháng 8/2015.

Cộng thêm với việc FED tăng lãi suất, chắc chắn trong thời gian tới, đồng tiền của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, sẽ chịu thêm nhiều áp lực so với đồng USD. Các NHTW sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử là nên tập trung vào ổn định đồng tiền hay kích thích tiền tệ. Ngay sau khi FED ra quyết định nâng lãi suất, một loạt các NHTW đã thực hiện các chính sách để bảo vệ đồng nội tệ. Tại Mỹ La-tinh, lãi suất các đồng tiền đang được điều chỉnh tăng lên sau quyết định của FED. Ngày 17/12, NHTW Mexico đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản giống như FED đã thực hiện, đưa lãi suất chính sách tại Mexico lên 3,25%. Lãi suất tại Hoa Kỳ và Mexico có xu hướng song hành với nhau do mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước láng giềng này.

Các nhà hoạch định chính sách của FED dự tính sẽ tăng lãi suất vài lần trong năm 2016 đã khiến cho nhiều người cho rằng, Mexico sẽ có các bước đi tương tự. NHTW Colombia cũng nâng lãi suất chính sách ngày 18/12/2015, một ngày sau khi Chile có hành động tương tự. Lạm phát ở Colombia đã vượt xa mục tiêu của NHTW, vì vậy, nếu đồng peso yếu hơn nữa có thể sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát. Các NHTW của Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Hồng Kông và những nước khác neo đồng tiền vào đồng USD đã ngay lập tức tăng lãi suất gấp 2 lần mức của FED. Do nguồn thu từ xăng dầu giảm tạo ra lỗ hổng trong ngân sách, nên các quốc gia vùng Vịnh đang phải đối mặt với nhiều khả năng phải phá giá đồng nội tệ. Ngày 17/12, đô la Canada (CAD) liên tục giảm mạnh khi chỉ giao dịch ở mức dưới 72 cent/USD, thấp nhất kể từ đầu năm 2004. Ước tính bình quân cả năm 2015, đồng CAD đã trượt giá khoảng 17% giá trị so với năm 2014, mức sụt giảm lớn thứ hai trong lịch sử Canada.

Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đang gửi đi những tín hiệu về mục tiêu chính sách tiền tệ của mình. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc liên tục cam kết giữ ổn định tỷ giá và đã rút số tiền kỷ lục 513 triệu USD từ dự trữ ngoại hối trong năm 2015 để hỗ trợ đồng nội tệ; song song với đó, việc PBOC hạ tỷ giá tham chiếu xuống mức thấp bất ngờ hồi cuối tháng 12/2015 đã làm dấy lên thông tin cho rằng Trung Quốc sẵn sàng để đồng tiền mất giá sâu hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP. Điều này đã khiến thị trường toàn cầu rơi vào trạng thái “hoảng loạn”.

2. Triển vọng kinh tế thế giới và một số xu hướng thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ của một số nước năm 2016

2.1. Triển vọng kinh tế thế giới

Bước sang một giai đoạn chuyển đổi mới, kinh tế thế giới đã có nhiều diễn biến tích cực nhờ nỗ lực chính sách và hợp tác giữa các nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh tại các nước và khu vực. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 được dự báo được phục hồi nhẹ (3,4%), song vẫn chưa đạt được tốc độ bứt phá như kỳ vọng.

Những nhân tố hậu thuẫn cho sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới bao gồm: Tăng trưởng phục hồi mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, tạo động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới với những cải thiện rõ nét về tốc độ tăng trưởng GDP và trên thị trường việc làm. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các nền kinh tế khác, mặc dù chưa bền vững và với tốc độ không như kỳ vọng, cũng đang được xem là yếu tố tích cực và quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp tục sẽ được đẩy mạnh tại một số nước phát triển trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), hầu hết các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển như: Chính sách thu mua trái phiếu chính phủ, chính sách lãi suất thấp và các gói kích thích kinh tế. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới trong khả năng kiểm soát cũng là yếu tố tích cực thúc đẩy tiêu dùng tăng lên tại nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn có những yếu tố tiêu cực làm cản trở đến tốc độ tăng trưởng và triển vọng của kinh tế toàn cầu trong năm 2016. Những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra vào năm 2015 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Nga và châu Âu. Rủi ro về nợ công vẫn chưa được cải thiện nhiều với hầu hết các nền kinh tế, trong đó đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển. Khu vực châu Âu đã phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro với các căng thẳng chính trị tại khu vực Đông Âu, khủng hoảng nhập cư, tình trạng giảm phát kéo dài, thất nghiệp tăng cao nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nền kinh tế đang nổi và Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại. Thương mại và đầu tư thế giới, những nhân tố vốn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới, đều đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trừ thời kỳ 1980 - 1984 khi thương mại thế giới tăng chậm do cú sốc dầu lửa và kinh tế toàn cầu suy thoái. Bên cạnh đó, biến động của thị trường tài chính tiền tệ đang gia tăng mạnh sau một loạt điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển, trong đó đáng kể là quyết định tăng lãi suất của Hoa Kỳ và chính sách hạ giá đồng NDT của Trung Quốc. Hơn nữa, giá dầu thế giới giảm sâu sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu.

Theo IMF (10/2015a), dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2016, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo được đưa ra trước đó (7/2015). Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD (12/2015) hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm 2016, từ 3,6% xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát.

Nền kinh tế số một thế giới - Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo IMF (10/2015a), mặc dù, xuất khẩu có khả năng sụt giảm khi đồng USD trở nên mạnh hơn, nhưng với sự hỗ trợ từ giá năng lượng thấp, giảm lực cản tài chính, thị trường nhà đất sôi động hơn, GDP của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng từ 2,6% năm 2015 lên 2,8% năm 2016, thấp hơn dự báo 3% đưa ra trước đó. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của nước này sẽ yếu hơn với tiềm năng tăng trưởng chỉ khoảng 2% bởi sự lão hóa dân số và tổng các nhân tố tăng trưởng ở mức thấp.

Eurozone phục hồi nhưng với tốc độ chậm. IMF (10/2015a) dự báo, tăng trưởng GDP của khu vực này sẽ đạt 1,6% vào năm 2016 (so với 1,5% năm 2015). Kinh tế Nhật Bản vẫn trì trệ khi nước này đang phải nỗ lực điều chỉnh các chính sách kinh tế mới. IMF (10/2015a) dự báo, GDP của Nhật Bản tăng lên 1% trong năm 2016, từ mức 0,6% của năm 2015. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với hiện tượng già hóa dân số khiến số lượng lao động giảm mạnh.

Tăng trưởng kinh tế tại các nước mới nổi được dự báo tiếp tục giảm tốc trong năm 2016. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại. Việc Trung Quốc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước và hệ thống tài chính tuân thủ các nguyên tắc thị trường sẽ là nhiệm vụ “đầy rủi ro”. IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đạt 6,3% trong năm 2016, giảm so với 6,8% của năm 2015. Tuy nhiên, WB vẫn tin tưởng GDP Trung Quốc sẽ đạt 7% trong năm 2016 do kỳ vọng vào những chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ nước này.

Tình hình kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro do giá dầu tiếp tục giảm, đồng nội tệ yếu đi ảnh hưởng tới khả năng trả nợ và đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Theo IMF (10/2015a), những nhân tố tác động đến tăng trưởng của khu vực này là giá cả hàng hóa giảm, căng thẳng địa chính trị. IMF đã hạ dự báo 0,2 điểm phần trăm năm 2016 đối với tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và đang nổi trên toàn cầu so với dự báo trước đó (7/2015), theo đó, tăng trưởng của các nền kinh tế này dự báo ở mức 4,5% trong năm 2016.

Trước triển vọng phục hồi của nền kinh tế các nước dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế thế giới, trên cơ sở các giả định chủ yếu về kinh tế thế giới (10/2015) và ứng dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu NIGEM, các tác giả đưa ra mức dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2016 sẽ đạt 3,42%; trong đó, GDP của Hoa Kỳ đạt 2,84%, thấp hơn mức dự báo 3% trước đó; Nhật Bản 1,38%; Eurozone 1,76% và Trung Quốc là 6,6% do nội tại nền kinh tế nước này còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế đang nổi chỉ đạt 4,5%.

2.2. Xu hướng thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ của một số nước/khu vực

Chính sách củng cố tài khóa được dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ ở các nền kinh tế phát triển, trong khi đó tại các nền kinh tế đang nổi, chính sách tài khóa sẽ có xu hướng mở rộng hơn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế3. Thâm hụt ngân sách trung bình của các nền kinh tế phát triển được IMF (10/2015a) dự báo giảm mạnh trong năm 2015 và 2016, lần lượt ở mức 1,3% và 1% GDP. Tình hình nợ công cũng được cải thiện đáng kể với mức nợ công trung bình trong năm 2015 và 2016 đạt tương ứng 105,2% và 105,4%. Các nước đang nổi có mức thâm hụt ngân sách trung bình năm 2015, 2016 lần lượt ở mức 4,1% và 3,9% GDP; trong khi nợ công là 44,6% GDP và 46,3% GDP.

Chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện đa dạng tùy vào bối cảnh cụ thể của các nước. Lãi suất ở Hoa Kỳ đã được nâng lên kể từ cuối năm 2015 ở mức 0,25% và sẽ tiếp tục tăng dần trong năm 2016 (dự báo nâng từ 0,25 - 0,5% trung bình mỗi quý). Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ được dự báo sẽ diễn ra ở Anh trong năm 2016; trong khi đó, tại Nhật Bản và châu Âu, với chương trình mua trái phiếu chính phủ hàng tháng đang được triển khai, thì chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn tiếp tục được thực hiện.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn với sự kiện đồng NDT chính thức được công nhận là đồng tiền dự trữ thế giới. Theo quyết định tại cuộc họp quý IV/2015 của Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc PBOC, PBOC sẽ phối hợp một cách linh hoạt các công cụ tiền tệ để duy trì thanh khoản trên thị trường ở mức hợp lý và giúp ổn định mức tăng nguồn cung tiền và tài trợ xã hội; đồng thời, sẽ nâng tỷ lệ tài trợ trực tiếp để hạ chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp. PBOC sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tự do hóa lãi suất và cải cách cơ chế thiết lập tỷ giá của đồng NDT, duy trì tỷ giá ổn định ở mức cân bằng và hợp lý; theo dõi sát những biến động trong nền kinh tế và các thị trường tài chính Trung Quốc cũng như dòng chảy vốn quốc tế.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Trung Quốc và giá trị của đồng NDT cũng có khả năng đối mặt với những bất ổn lớn sau quyết định của FED. Đồng NDT có thể giảm sâu hơn nữa và gây ra hiện tượng thoái vốn ra khỏi thị trường nước này. Một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia do Bloomberg thực hiện cho thấy, đồng NDT cần giảm xuống 7,7 NDT/USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007, từ 6,6 NDT/USD hiện nay để nâng mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc thêm 0,7 điểm phần trăm; nghĩa là tỷ giá NDT/USD mất giá khoảng 13% so với thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Ngân hàng JPMorgan Chase ngày 07/01/2016 cũng đã hạ dự báo tỷ giá đồng NDT vào cuối năm về mức 6,9 NDT/USD, từ 6,7 NDT/USD trước đó. Theo các chuyên gia của ngân hàng này, việc PBOC hạ tỷ giá tham chiếu là một “sự xác nhận rõ ràng về thay đổi quan điểm của nhà chức trách Trung Quốc” muốn đồng NDT yếu đi so với USD. Trong khi đó, tại một số các nền kinh tế đang nổi khác, chính sách tiền tệ sẽ ở trạng thái chờ động thái tăng lãi suất của Hoa Kỳ.

3. Tác động của các chính sách tài khóa - tiền tệ của một số nước chủ chốt đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2016

3.1. Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn khó lường, kinh tế khu vực suy giảm chung, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2015 vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014 và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 - 2014, vượt mục tiêu 6,2% đề ra, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 0,63% so với bình quân năm 2014, mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu CPI tăng 5%. Nguyên nhân là do: (i) Nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào. Sản lượng lương thực của thế giới tăng cùng sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ nên xuất khẩu gạo của Việt Nam càng gặp khó khăn, giá lương thực luôn thấp hơn các nước. Bình quân 11 tháng năm 2015, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 30,74 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo gặp khó khăn đã tác động đến giá bán buôn, bán lẻ gạo trong nước giảm theo, kéo chỉ số giá nhóm lương thực giảm 1,06% so với năm 2014; (ii) Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh dẫn đến giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá của nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông so với năm 2014 lần lượt giảm 1,62% và 11,92%. Giá khí đốt sinh hoạt trong nước bình quân cả năm giảm 18,6% so với năm 2014; (iii) Các bộ, ngành và địa phương đã triển khai tích cực và có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, giá cả được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế cũng thấp hơn các năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2015 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,05% so với năm trước.

3.2. Tác động của một số chính sách tiền tệ của một số nước chủ chốt đến nền kinh tế Việt Nam

3.2.1. Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ

Tác động tích cực:

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn đầu vào sản xuất từ Trung Quốc (máy móc thiết bị, nguyên vật liệu). Do vậy, việc đồng NDT mất giá sẽ làm giảm chi phí đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nhờ đó tăng năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may hoặc da giầy.

Tác động tiêu cực:

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhập siêu của Việt Nam luôn có xu hướng tăng; trong đó, nhập khẩu nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, là nguyên nhân gây ra tình trạng nhập siêu cao và kéo dài.

Xét theo mục đích sử dụng, nhóm hàng trung gian (chủ yếu là nhóm hàng bán thành phẩm) là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng nhập siêu cao, kéo dài và có xu hướng ngày càng trầm trọng. Nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho sản xuất chiếm 18% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, thì nhóm hàng trung gian chiếm 70% (trong đó nhóm hàng bán thành phẩm chiếm 41% còn lại là nhóm hàng linh phụ kiện 29%).

Ở góc độ vĩ mô và ngành, tính toán qua Bảng IO2012, nếu xét theo yếu tố tác động đến cầu nhập khẩu thì có tới 37,7% là nhập khẩu cho tiêu dùng tư nhân và 44,3% là cho sản xuất hàng xuất khẩu4. Từ phân tích ở trên có thể suy luận ra, nhóm hàng bán thành phẩm (chiếm tới 41% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc) được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tư nhân trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu. Khi đồng NDT phá giá, nhập khẩu nhóm hàng này có khả năng sẽ tăng mạnh hơn khiến tình trạng nhập siêu thêm trầm trọng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong nước.

Việc phá giá đồng NDT có thể khiến giá nhập khẩu linh phụ kiện và tư liệu sản xuất phục vụ cho quá trình sản xuất trong nước rẻ đi và nhiều người cho rằng hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn, song, những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh thì Trung Quốc cũng có thế mạnh và có sức cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là khi đồng NDT mất giá. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam càng tăng thì nhập khẩu của Việt Nam càng lớn do hiệu quả doanh nghiệp thấp. Do đó, xét một cách tổng thể, việc phá giá đồng NDT sẽ có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, cụ thể là hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ cạnh tranh khó khăn hơn không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả trên sân nhà.

Bảng 1 dưới đây cho thấy, kịch bản tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm so với kịch bản không có cú sốc, năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực. Cụ thể, với cú sốc này tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 0,07 điểm phần trăm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giảm tương ứng 0,19 và 0,13 điểm phần trăm; ngân sách nhà nước (NSNN) giảm 395 tỷ đồng và VND giảm giá 0,2%. Trong trường hợp, đồng NDT mất giá 13% trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm đi 0,02 điểm phần trăm; kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng thêm tương ứng là 0,35 và 0,39 điểm phần trăm; giá VND tăng 1,67% trong khi thu NSNN tăng 2.139 tỷ đồng.

Bảng 1. Tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và đồng NDT mất giá tới kinh tế Việt Nam

 

Tăng trưởng

Kim ngạch xuất khẩu

Kim ngạch nhập khẩu

Lạm phát

Thu NSNN

Tỷ giá

đa phương

Suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

-0,07

-0,19

-0,13

-0,10

-395

-0,20

Đồng NDT mất giá 13%

-0,02

0,35

0,39

-0,72

2.139

1,67

Nguồn: Tính toán của các tác giả từ mô hình NIGEM V.4.15-b

3.2.2. Hoa Kỳ tăng lãi suất

Thông qua việc ứng dụng mô hình NIGEM, việc FED tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm thì VND mất giá 0,3%. Tuy nhiên, do VND neo vào đồng USD nên khi đồng USD tăng giá, sẽ gây áp lực tăng tỷ giá giữa đồng USD và VND, do đó tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 dự kiến sẽ giảm 0,03%. Điều này đồng nghĩa với việc nếu phá giá tiền đồng 0,3% sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, với mức tăng 0,02% GDP trong năm 2016.

Tài liệu tham khảo

1. IMF (10/2015a), World Economic Outlook: Adjusting to Lower Commodity Prices.

2. IMF (7/2015), World Economic Outlook: Slower Growth in Emerging Markets, a Gradual Pickup in Advanced Economies.

3. IMF (10/2015b), Fiscal Monitor: The Commodities Roller Coaster: A Fiscal Framework for Uncertain Times.

4. Lương Văn Khôi (2015), Đánh giá một số tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới nền kinh tế Việt Nam bằng phương pháp định lượng, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

*1 Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia.

*2 NCV Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia.

*3 IMF (10/2015b).

*4 Lương Văn Khôi (2015).