Ngày 30/12/2015, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN (Thông tư liên tịch 27) quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, từ ngày 15/02/2016, Thông tư liên tịch này sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN (Thông tư liên tịch 93) ngày 04/10/2006.
Có thể nói, Thông tư liên tịch 27 đã trao quyền chủ động trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Thông tư đã tiếp cận được cơ chế thị trường trong quản lý, đầu tư và sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, là động lực để các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có giá trị theo đặt hàng của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo đúng các nguyên tắc quản lý tài chính.
Phương thức khoán chi tới sản phẩm cuối cùng được áp dụng khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: (i) Nhiệm vụ được tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ thuyết minh và đề xuất thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; (ii) Sản phẩm khoa học và công nghệ của nhiệm vụ đã được xác định rõ tên, chỉ tiêu chất lượng, đơn vị đo yêu cầu chất lượng, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; (iii) Có tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá 15% tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ và không quá 1 tỷ đồng; (iv) Được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp trên cơ sở đơn vị tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ đề xuất khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; (v) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí. Ngoài ra, phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng quy định: Không được điều chỉnh phương thức khoán khi nhiệm vụ đã và đang thực hiện; không được điều chỉnh tổng mức kinh phí được giao khoán; không được điều chỉnh tên, mục tiêu và sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ; việc điều chỉnh tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu, tiến độ và thời gian thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với nhiệm vụ cấp quốc gia và của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Đối với phương thức khoán chi từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước…); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, đoàn ra. Đồng thời, thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần không được điều chỉnh phương thức khoán khi nhiệm vụ đã và đang thực hiện; không được điều chỉnh tổng mức kinh phí đối với phần kinh phí được giao khoán; việc điều chỉnh phần kinh phí không được giao khoán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ xem xét trên cơ sở đề xuất của tổ chức chủ trì; việc điều chỉnh tên, mục tiêu, nội dung nghiên cứu, sản phẩm, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ, tiến độ và thời gian thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với nhiệm vụ cấp quốc gia và của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, việc sử dụng kinh phí khoán cũng được đổi mới. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì được chủ động thực hiện các khoản chi theo thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu khoa học thực tiễn, không phụ thuộc vào định mức chi và dự toán của từng nội dung chi được duyệt trong tổng số các nội dung chi được giao khoán. Việc tạm ứng kinh phí được thực hiện theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện. Kho bạc nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết. Nhiệm vụ được quyết toán một lần sau khi hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Đối với nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm, hàng năm chỉ cần gửi báo cáo đến cơ quan quản lý cấp trên về số kinh phí thực nhận, thực chi.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Thông tư liên tịch 27 có điểm thuận lợi về tạm ứng kinh phí. Trước đây, các quy định về thủ tục, giấy tờ đối với từng hạng mục, từng giai đoạn nghiên cứu rất chặt chẽ, gây khó khăn cho các nhà khoa học khi nhận tạm ứng để thực hiện tiếp hoặc quyết toán công trình thì nay mọi khó khăn được loại bỏ, cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của công trình để thực hiện tạm ứng, quyết toán.
Việc thực hiện hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng sẽ có hiệu quả vì bản thân các nhà khoa học nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trách nhiệm của họ rất lớn và bằng mọi phương thức phải hoàn thành sản phẩm như trong hợp đồng. Bên cạnh đó, họ sẽ huy động nguồn lực để làm thực sự và điều này sẽ khắc phục được một số đề tài dự án lợi dụng cơ chế quản lý còn sơ hở, chưa làm được sản phẩm mà vẫn được nghiệm thu. Đối với các sản phẩm đầu ra, nếu như trước đây, các nhà khoa học khi nhận đề tài làm theo ý muốn chủ quan của mình thì bây giờ buộc phải có 1 cơ quan thẩm định, đề xuất đặt hàng với Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các bộ ngành. Khi đã đề xuất đặt hàng thì cơ quan đó phải cam kết chịu trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, cũng có một số vấn đề đặt ra là, không phải nhà khoa học nào cũng có thể làm được vì khi nhận đơn đặt hàng thì các nhà khoa học phải định hình được sản phẩm khoa học cuối cùng của mình như thế nào trong khi nghiên cứu khoa học luôn có tính rủi ro. Thêm vào đó, việc lập dự toán cho công trình nghiên cứu cũng là thách thức với các nhà khoa học. Nếu không hoàn thành công trình của mình, nhà khoa học sẽ phải hoàn trả tối thiểu 40% tổng kinh phí nhà nước đã được cấp phát (đối với nhiệm vụ thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng), tối thiểu 30% tổng kinh phí nhà nước đã cấp phát (đối với nhiệm vụ thực hiện phương thức khoán chi từng phần) hoặc 100% kinh phí nếu cơ quan có trách nhiệm xác định được lỗi chủ quan của nhà khoa học. Như vậy, các nhà khoa học phải cân nhắc thận trọng khi nhận các hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Cơ chế khoán chi theo Thông tư liên tịch 27 khác với Thông tư liên tịch 93 trước đây. Nếu như Thông tư liên tịch 93 chỉ khoán chi một phần, tức là những gì chi cho con người (tiền công, hội thảo, công tác trong nước…) thì được khoán; những nội dung như chi phí mua sắm, mua nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị… thì không được khoán mà phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Còn với Thông tư liên tịch 27, có hai phương thức, một là khoán chi từng phần giống với Thông tư liên tịch 93, hai là khoán chi tới sản phẩm cuối cùng.
Hà An