Giải thể hay phá sản doanh nghiệp là một quy luật của nền kinh tế thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ, thanh lọc để doanh nghiệp “khỏe” hơn trụ lại. Tuy nhiên, giải thể, phá sản doanh nghiệp cũng để lại những hệ lụy cũng như những tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.
Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước có 16.471 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh buộc phải tạm ngừng hoạt động (có thời hạn hoặc chờ đóng mã số thuế), tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, 2.195 doanh nghiệp cũng đã hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp phải giải thể chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 93,4%.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động là 18.666 doanh nghiệp, vượt trội so với số đăng ký thành lập mới (13.904 doanh nghiệp) trong 2 tháng đầu năm.
Nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn đã tác động lớn đến doanh nghiệp Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, do kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Theo TS. Nguyễn Đình Phong, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, một số thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang gặp khó khăn lớn, ảnh hưởng trực tiếp gây sụt giảm số lượng đơn đặt hàng cũng như doanh thu hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam khiến tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản tăng lên.
Tiếp đến là khó khăn về vốn và năng lực tài chính cũng làm hạn chế cơ hội kinh doanh và khả năng mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm 2014, bình quân mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thiếu 42.000 USD vốn tín dụng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống kê cả nước có gần 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng thực chất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, cũng chỉ có khoảng 15% số doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính thức. Theo VCCI, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải huy động vốn từ các kênh phi chính thức do vấp phải những trở ngại về tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, năng lực công nghệ yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp trong nước phát triển thiếu tính bền vững, dễ đổ vỡ trước những biến động của nền kinh tế. Chậm đổi mới công nghệ, chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2 - 3 thế hệ, chưa làm chủ được công nghệ nguồn khiến năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp sụt giảm do năng suất lao động thấp, chi phí nhân công và giá thành sản phẩm cao.
Giải thể, phá sản có phải là tín hiệu bình thường?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Doanh nghiệp phá sản theo kinh tế thị trường không phải là hiện tượng xấu. Một doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục duy trì hoạt động thì họ có quyền xin tòa án tuyên bố phá sản. Do đó, việc doanh nghiệp phá sản là một tín hiệu bình thường. Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ nên khi khó khăn, chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác khá dễ dàng. Doanh nghiệp phá sản, giải thể, nhìn ở góc độ tích cực, là để thanh lọc doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo thực tiễn quốc tế, việc doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là một đặc trưng khách quan về tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Tại Vương quốc Anh, trung bình 1 năm tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 60%; tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%. Tại New Zealand, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động là dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực EU, tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp giải thể ở mức tương đương nhau; tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm là 46%. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm hoạt động là dưới 50%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 550.000 doanh nghiệp hoạt động trên tổng số 830.000 doanh nghiệp đã từng gia nhập thị trường, tương đương tỷ lệ 66%. Hơn nữa, mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa hết khó khăn, song năm nào số doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều hơn số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đóng cửa. Ngoài ra, số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới có sự tăng trưởng vượt bậc, năm 2015 tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014 và tháng 01/2016 tăng 87% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp đang có những bước cải thiện đáng kể.
Như vậy, có thể thấy, việc đào thải, thanh lọc doanh nghiệp cũng là một quy luật của nền kinh tế thị trường. Theo quy luật đó, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với các ý tưởng kinh doanh có chất lượng hơn. Xem xét ở một góc độ nào đó, giải thể hay phá sản doanh nghiệp cũng giúp cho nền kinh tế liên tục tái cơ cấu, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững hơn.
Hệ lụy từ doanh nghiệp phá sản
Với một nền kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao, đặc biệt đối với nước ta khi yêu cầu có một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thì việc có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể trong một năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tất Thịnh cho rằng: “Việc doanh nghiệp đóng cửa, phá sản không chỉ thuần túy là không có đầu ra mà nó liên quan đến toàn bộ chất lượng hoạt động nội bộ của hệ thống doanh nghiệp, tính thiếu tin cậy trong các quan hệ đối tác, trong hệ thống tiêu chuẩn, thị trường và chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng của quản trị, công nghệ… Tất cả những điều đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự đổ vỡ và đóng cửa, phá sản của rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua”.
Mặt khác, những hệ lụy về mặt xã hội như công ăn việc làm cho người lao động, cầu tiêu dùng sụt giảm… là hệ quả điển hình của giải thể, phá sản doanh nghiệp. Bình luận về tác động của việc doanh nghiệp giải thể, phá sản hàng loạt, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: “Khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, tất nhiên số lao động bị mất việc sẽ rất nhiều. Thị trường đơn giản là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc làm thì không có thu nhập nên không có sức mua nữa, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được. Vì vậy, điều cần làm là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hồi phục trở lại thì mới có công ăn việc làm và có nguồn tiêu thụ sản phẩm, ngược lại không thể trông đợi sức mua tăng lên được”.
Cho dù chuyện đào thải các doanh nghiệp yếu kém trong nền kinh tế thị trường là quy luật tất yếu, luôn tồn tại những khó khăn khách quan tác động đến quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với con số “biết nói” gần 90.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2015 và hơn 16.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2016 đã và đang phản ánh những lỗ hổng trong nền kinh tế thị trường, những hạn chế cần khắc phục để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự lành mạnh.
MINH HƯƠNG