I. NHỮNG CAM KẾT HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VỀ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Việc mở cửa thị trường tài chính trong hội nhập WTO nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung được thực hiện theo cả 3 phương thức: (1) Cung ứng qua biên giới; (2) Tiêu dùng ngoài lãnh thổ và (3) Hiện diện thương mại. Theo đó, các công ty bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng nước ngoài được mở văn phòng đại diện, liên doanh từ năm 2007. Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh theo lộ trình 5 năm tiếp theo (2007 - 2012) tùy từng lĩnh vực. Trong khi lĩnh vực ngân hàng cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài và mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2007, thì cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2008 và mở chi nhánh từ năm 2012. Đến năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài mới được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đưa ra một số quy định thận trọng nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như: Hạn chế vốn góp của bên nước ngoài, giới hạn các dịch vụ được phép cung cấp; hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài1. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) áp dụng cách tiếp cận “chọn bỏ” và yêu cầu mở cửa sâu hơn đối với dịch vụ tài chính, trong khi các FTA trước sử dụng cách tiếp cận “chọn cho”.
Trong khuôn khổ hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tự do hóa thị trường tài chính trong AEC được chia thành các giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2020, trong đó giai đoạn 2008 - 2015 được coi là giai đoạn tiền đề và quan trọng nhất, nhằm đảm bảo các nước thành viên có được sự chuẩn bị tốt nhất. Theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ phải mở cửa, xóa bỏ các hạn chế trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm và các thị trường vốn. Theo đó, Việt Nam và các nước ASEAN cam kết tự do hóa cả 4 phương thức bao gồm: (1) Cung cấp dịch vụ qua biên giới; (2) Tiêu dùng ngoài lãnh thổ; (3) Hiện diện thương mại; (4) Hiện diện thể nhân.
Về cơ bản, các nước ASEAN sẽ loại bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn phân ngành; tự do hóa dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp; tự do hóa dịch vụ môi giới và các sản phẩm tài chính; hài hòa hóa tiêu chuẩn thị trường vốn tại ASEAN đối với các lĩnh vực có quy định về chứng khoán nợ và yêu cầu minh bạch công bố thông tin. Để xây dựng và phát triển thị trường vốn chung, các nền kinh tế AEC tập trung tự do hóa các dịch vụ tài chính, hài hòa hóa các tiêu chuẩn về thị trường vốn trong khu vực, công nhận lẫn nhau về bằng cấp, đào tạo và kinh nghiệm của các chuyên gia thị trường… Kế hoạch thực hiện hội nhập thị trường vốn đã được xây dựng, chiến lược trung hạn nhằm hướng dẫn công việc của Ủy ban công tác phát triển thị trường vốn cũng đã được thông qua. Ngoài ra, đối với các thị trường tài chính còn duy trì các rào cản dịch vụ tài chính, cần có biện pháp gỡ bỏ để tiến tới tự do hóa.
II. TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
1. Những tác động tích cực
Các FTA được ký kết có sự tham gia của Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng đối với việc mở rộng thị trường dịch vụ tài chính, tăng cường năng lực tài chính, quản trị của các thành viên tham gia cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường. Việc dỡ bỏ các hạn chế về ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm theo cam kết WTO cũng góp phần đáng kể vào cải thiện các trung gian tài chính và đổi mới dịch vụ tài chính.
Đối với thị trường chứng khoán
Thực thi các cam kết hội nhập về dịch vụ chứng khoán giúp tạo ra một thị trường chứng khoán (TTCK) với các dịch vụ tài chính phát triển, minh bạch, tăng hiệu quả hoạt động, mức độ cạnh tranh và tính thanh khoản cho thị trường. Hệ thống văn bản pháp lý chung trên TTCK ngày càng được hoàn thiện, từng bước phù hợp với hệ thống luật pháp và thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho TTCK Việt Nam có khả năng hội nhập với các thị trường vốn quốc tế và khu vực. Theo đó, khung pháp lý cao nhất là Luật Chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010. Quy định về hoạt động của TTCK cũng được hướng dẫn chi tiết bởi các văn bản dưới luật như Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và các thông tư đối với mọi khía cạnh của thị trường như hoạt động của các thành viên tham gia thị trường, hoạt động công bố thông tin, quy định xử lý vi phạm… Ngoài ra, sự ra đời của Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2015/NĐ-CP đã nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam. Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 và Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 30/12/2012 cho phép tổ chức tài chính nước ngoài được thành lập, mua sở hữu 100% tại trung tâm giao dịch chứng khoán và cho phép thành lập chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Nhìn chung, khung pháp lý về TTCK đã góp phần tăng cường tính công khai minh bạch của thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý.
Cùng với quá trình hội nhập và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo các cam kết hội nhập, giá trị giao dịch chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài bình quân giai đoạn 2007 - 2015 tăng 8 lần so với bình quân giai đoạn 2001 - 2006. Trong năm 2015, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân của nhà đầu tư nước ngoài đạt 142.735 tỷ đồng, tăng 61,5% so với năm 2013 và tăng 41% so với giá trị giao dịch bình quân 101.483 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò ngày càng lớn và quan trọng trong việc thúc đẩy, hỗ trợ cân bằng thị trường, giúp đưa thị trường về vị trí cân bằng, không bị ảnh hưởng lớn từ những phản ứng thái quá của phía nhà đầu tư cá nhân, khiến thị trường tăng trưởng quá nóng hoặc suy giảm quá mạnh. Số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2007 - 2015; đạt 18.607 tài khoản vào cuối năm 2015, tăng 6% so với năm 2014 và tăng 10% so với số tài khoản bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (16.895 tài khoản/năm). Điều này đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư có tổ chức, góp phần cải thiện thanh khoản thị trường giao dịch thứ cấp.
Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK
Đơn vị: Tỷ đồng
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đối với thị trường bảo hiểm
Tác động của hội nhập kinh tế đối với từng phân ngành bảo hiểm có sự khác biệt. Các doanh nghiệp tái bảo hiểm đối mặt với nhiều thách thức hơn từ hội nhập so với các doanh nghiệp bảo hiểm gốc. Hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã được rà soát và sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Các thể chế pháp lý được tăng cường, xoá bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Đặc biệt, số lượng các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 2 lần trong giai đoạn 2007 - 2015. Hội nhập FTA sâu rộng đã góp phần tăng quy mô của các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung. Trong năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP2. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 68.024 tỷ đồng, tăng 21,43% so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 13.000 tỷ đồng. Doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng (tăng 14% ) - hồi phục đà tăng trưởng trước năm 2010, trong khi doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5% - tốc độ tăng trưởng cao nhất 10 năm qua.
Một số chỉ tiêu phát triển thị trường bảo hiểm
Đơn vị: Tỷ đồng
| 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015* |
Doanh thu phí bảo hiểm | 30.842 | 36.552 | 41.248 | 46.130 | 52.680 | 68.024 |
Tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ (%) | 55,3 | 56,2 | 55,4 | 49,5 | 47,9 | 46,1 |
Tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm nhân thọ (%) | 44,7 | 43,8 | 44,6 | 50,5 | 52,1 | 55,9 |
Đầu tư trở lại nền kinh tế | 79.069 | 83.439 | 89.567 | 113.682 | 131.371 | 152.543 |
Bồi thường và trả tiền bảo hiểm | 12.300 | 15.971 | 16.649 | 17.821 | 18.552 | 21.160 |
Nguồn:Tổng hợp từ Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam các năm, *: Số ước tính
Đối với thị trường ngân hàng
Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) được mở rộng với số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng tăng 2 lần trong giai đoạn 2007 - 2015, nâng tỷ trọng của nhóm ngân hàng này trong hệ thống ngân hàng tăng từ 40,6% (năm 2007) lên 54%, cho thấy sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống tài chính của nước ta. Việc bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài đã góp phần hỗ trợ, giúp quá trình tăng vốn của các NHTM trở nên thuận lợi hơn. Nhờ vậy, các NHTM có điều kiện mở rộng mạng lưới chi nhánh, địa bàn hoạt động, tăng cường khả năng cạnh tranh. Tính đến cuối năm 2015, đã có 13 ngân hàng (gồm ACB, Sacombank, Techcombank, VPBank, Eximbank, Habubank, Seabank, Phương Đông, Phương Nam, An Bình, VIB, Vietcombank, Vietinbank) chào bán thành công cổ phần cho đối tác nước ngoài đều là các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới, trong đó có 2 NHTM nhà nước. Quy mô vốn của các ngân hàng trong hệ thống cũng tăng nhanh nhờ vào việc tìm kiếm đối tác chiến lược quốc tế, đặc biệt sau năm 2009.
Trong hội nhập AEC, các ngân hàng Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ. Nhiều ngân hàng đã có mặt ở các nước ASEAN như BIDV, VietinBank, Sacombank, HDBank. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ rào cản và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối AEC sẽ tạo ra thị trường bình đẳng, tăng cường thu hút vốn nước ngoài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trong nước. Hiện nay, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng vẫn do pháp lệnh chuyên ngành quy định, tỷ lệ tối đa vẫn được duy trì là 30%, tuy nhiên, thời gian tới, khi thực hiện các cam kết về tự do hóa dịch vụ thì ngành ngân hàng sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
2. Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được từ việc ký kết và thực thi các FTA trên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được xem xét để hội nhập có thể hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính.
Đối với TTCK, nguồn cung còn hạn chế, sản phẩm chưa đa dạng, do đó phần nào hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường trái phiếu, sản phẩm chủ yếu vẫn là trái phiếu truyền thống có lãi suất coupon cố định, trả lãi định kỳ và trả gốc một lần khi đến hạn. Các sản phẩm trái phiếu linh hoạt như lãi suất neo theo chỉ số, tỷ giá nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa xuất hiện, khiến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu vẫn còn hạn chế.
Hơn nữa, TTCK Việt Nam và các thị trường trong khu vực vẫn có sự khác biệt, không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà quan trọng nhất là sự kết nối đó phải đảm bảo cho nhà đầu tư có thể giao dịch tại chỗ thông qua hệ thống thanh toán bù trừ tại các TTCK khác nhau3. TPP được ký kết cũng nằm trong xu thế chung toàn cầu về tự do hóa tài chính, tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp vào - ra giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng mối lo ngại về bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột có thể sẽ gây mất ổn định cho quốc gia nhận vốn4. Với hội nhập AEC, một trong những thách thức lớn trong việc xây dựng AEC là hoàn thành Chương trình Liên kết giao dịch ASEAN5 cho phép các nhà đầu tư và thành viên liên kết có thể giao dịch xuyên biên giới trên nhiều TTCK ASEAN khác nhau, với mục tiêu phát triển thị trường vốn khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình này còn gặp phải một số khó khăn chính như khác biệt về khuôn khổ pháp lý trên TTCK tại các nước ASEAN; hệ thống giao dịch của một số nước thành viên còn thiếu sự hợp nhất trong nội bộ quốc gia.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam, tuy được đánh giá là thị trường tiềm năng với sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính nước ngoài nhưng quy mô thị trường còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2,44%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Thị trường tái bảo hiểm trong nước vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, các doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh hơn từ các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài. Các doanh nghiệp bảo hiểm lớn tại Việt Nam như Bảo Việt và Bảo Minh đều có chương trình tái bảo hiểm riêng nhưng vẫn nhượng đến 70% với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài để phòng ngừa rủi ro.
Đối với thị trường ngân hàng, các ngân hàng trong nước vẫn chủ yếu tập trung vào hoạt động tín dụng; đồng thời, chất lượng dịch vụ và công nghệ ngân hàng còn hạn chế. Trong khi đó, hội nhập khu vực ASEAN và TPP sẽ tiếp tục tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các NHTM trong nước. So với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, các ngân hàng Việt Nam vẫn còn hạn chế về chất lượng dịch vụ và công nghệ ngân hàng6. Ngoại trừ các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank hay các ngân hàng khác có đối tác chiến lược quốc tế, thì nhiều NHTM cổ phần vẫn chưa khắc phục được hạn chế là sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, thiếu các định chế quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như quản trị rủi ro, quản trị tài sản nợ, tài sản có, nhóm khách hàng, loại sản phẩm, kiểm toán nội bộ. Ngoài ra, hội nhập TPP và AEC cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác điều hành, giám sát hoạt động ngân hàng để đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả của hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.
TS. Lê Thị Thùy Vân
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Lê Thị Thùy Vân và nhóm nghiên cứu (2015), Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do, Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, số 2, tháng 10/2015.
2. TS. Nguyễn Viết Lợi (2016), Tác động của các hiệp định thương mại tự do đến một số lĩnh vực kinh tế - tài chính của Việt Nam, Đặc san Đối ngoại của Bộ Tài chính.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (2015), Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
4. Viện CL&CSTC (2015), Sách Tài chính Việt Nam năm 2014 - 2015, NXB Tài chính.
*1 Vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49% trong lĩnh vực chứng khoán và 30% trong lĩnh vực ngân hàng.
*2 Quy mô nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng. Nguồn: Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.
*3 Tính đến cuối năm 2014, một số quy định của nước ta vẫn là những rào cản cho việc kết nối này như quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp chỉ ở mức 49% (ở các ngân hàng là 30%, chưa tự do hóa tài khoản vốn...
*4 Dòng vốn vào Indonesia đã gây ra hậu quả là làm chệch hướng mục tiêu của các chính sách vĩ mô (vì gây ra tăng trưởng quá nóng, mất tính cạnh tranh, tăng chi phí can thiệp). Ðặc biệt, dòng vốn vào khi hệ thống ngân hàng nội địa thanh khoản quá mức đã gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương Indonesia trong việc thực hiện chính sách tiền tệ khiến nguy cơ lạm phát cao. Trong khi đó, tăng lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát lại làm chênh lệch lãi suất lớn hơn, có thể khiến dòng vốn vào tăng nhiều hơn.
*5 Là một phần chiến lược thống nhất thị trường vốn 10 nước thành viên ASEAN.
*6 Theo Bao Tran, Bernice Ong, Scott Weldon (2015).