Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 30/5-4/6

Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 30/5-4/6 06/06/2016 13:16:00 596

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 30/5-4/6

06/06/2016 13:16:00

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 5/2016, nhiều mặt hàng sản xuất thép tăng mạnh, gồm: Thép thanh, thép góc tăng 22,5%, thép cán tăng 20,8%, sắt thép thô tăng 14,6%. Toàn thị trường tiêu thụ hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm thép các loại được bán ra, trong đó có hơn 191 nghìn tấn thép được xuất khẩu, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Với cung cầu thép hiện nay, dự báo giá thép trong nước sẽ tăng 10% trong thời gian tới, lên mức bình quân khoảng 11,4 triệu đồng/tấn. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam)

Trong quý 2/2016, PVFCCo tiếp tục tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa với kế hoạch cung ứng ra thị trường 365.500 tấn phân bón Phú Mỹ các loại, gồm: 260.000 tấn đạm, 51.000 tấn NPK, 41.000 tấn kali, 13.500 tấn DAP. Ngày 6/5/2016, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đạt sản lượng 9 triệu tấn - dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của PVFCCo cũng như ngành công nghiệp phân bón Việt Nam. (Theo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo)

Doanh nghiệp

Ngày 30/5/2016, Tạp chí Forbes công bố:

- Danh sách 2.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới trong năm 2016 với sự góp mặt của các công ty từ 63 quốc gia. Việt Nam có 3 đại diện lọt vào danh sách này là: BIDV xếp thứ 1.691 với doanh thu 2,6 tỷ USD và giá trị thị trường đạt 2,6 tỷ USD; Vietinbank xếp thứ 1.808 với doanh thu 2,3 tỷ USD và thị giá 2,8 tỷ USD và Vietcombank xếp thứ 1.843, doanh thu 1,8 tỷ USD và thị giá 5,5 tỷ USD.

- Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có giá trị vốn hóa là 829.010 tỷ đồng, chiếm 62% tổng giá trị vốn hóa của toàn thị trường (tính tới ngày 16/5/2016); doanh thu 475.546 tỷ đồng, chiếm 38% tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế đạt 53.482 tỷ đồng, chiếm 53% tổng lợi nhuận của cả thị trường. Hầu hết các công ty niêm yết ở sàn giao dịch HOSE, chỉ có 5 doanh nghiệp niêm yết ở sàn HNX.

Cả nước hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Dịch vụ logistics có quy mô 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP.

- Khoảng 25 doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 80% thị phần.

- Hơn 1.200 doanh nghiệp logistics nội địa chỉ nắm giữ 20% thị phần và chỉ hoạt động trong một số phân khúc như: dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng.

(Theo Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam - VLA)

Doanh số bán hàng của Honda Việt Nam (HVN) đạt 2,03 triệu xe máy trong năm tài chính 2016, tăng khoảng 120.000 xe so với năm 2015. HVN chiếm lĩnh 70% thị phần xe máy ở Việt Nam, sản lượng xuất khẩu xe máy nguyên chiếc của HVN đạt gần 128.000 xe (tăng 40% so với năm 2015) với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 293 triệu USD. Trong năm tài chính 2017, HVN đặt mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu lên 312 triệu USD, tăng 6,5% so với năm tài chính 2016. (Theo ông Minoru Kato, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam - HVN)

Tổng cầu

 

Cân đối vĩ mô

 

Tăng trưởng tín dụng/huy động

Tính đến 31/3/2016, tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 7.504.542 tỷ đồng, tăng 130.891 tỷ đồng so tháng trước, tăng 185.229 tỷ đồng (tăng 2,53%) so với cuối năm 2015. Theo đó, ngoại trừ tổng tài sản của Ngân hàng Chính sách xã hội giảm 278 tỷ đồng xuống 150.409 tỷ đồng; tổng tài sản của tất cả các khối đều tăng khá mạnh trong tháng 3: Khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 52.132 tỷ đồng lên 2.999.268 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng 36.804 tỷ đồng lên 816.704 tỷ đồng; khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tăng 36.415 tỷ đồng lên 3.336.132 tỷ đồng. Tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTM nhà nước vẫn đang dẫn đầu về giá trị tài sản với 3.336.132 tỷ đồng; đứng thứ hai là khối NHTM cổ phần với 2.999.268 tỷ đồng; khối công ty tài chính - cho thuê đứng thứ 3 với 96.409 tỷ đồng. (Theo Ngân hàng Nhà nước)

Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn bình quân toàn ngành ngân hàng tính đến cuối quý 1/2016 là 30,86%, trong đó: Tỷ lệ tại các ngân hàng quốc doanh là 34,25%, ngân hàng thương mại cổ phần 35,65%. Nhóm có tỷ lệ cao khoảng 50% gồm các ngân hàng: VPB, TCB, EIB, SHB, LienVietPostBank, VIB; BIDV, VietinBank có tỷ lệ dưới 40%; Vietcombank, MBB, ACB khoảng 25 - 30%. (Theo Ngân hàng Nhà nước)

Thị trường VND liên ngân hàng tháng 5/2016 diễn biến trái chiều so với tháng 4/2016 với thanh khoản khá dư thừa, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cung tiền khiến lãi suất giảm sâu do: Tăng trưởng tín dụng VND ở mức 4,3%, huy động vốn tăng nhanh hơn (5,3%) và NHNN tiếp tục bơm hơn 72.000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/5/2016) qua kênh ngoại hối. Dự báo lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 sẽ có xu hướng tăng trở lại do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối.

Dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý 3/2016 sẽ đạt xấp xỉ 10 - 11% (Tính đến 27/4/2016, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2015). (Theo Trung tâm Nghiên cứu BIDV)

Tính đến cuối tháng 5/2016, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo lượng kiều hối sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2016. Hiện nguồn kiều hối của thành phố chiếm khoảng 58 - 62% của cả nước. Kiều hối chuyển về năm sau thường cao hơn năm trước khoảng 10 - 15%. (Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày giảm giá, 3 ngày tăng giá, vàng SJC đã tăng từ 630 - 690 nghìn đồng mỗi lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (04/6/2016), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

 - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 33,42 - 33,67 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 33,42 - 33,69 triệu đồng/lượng.

 - Tập đoàn DOJI: 33,51 - 33,61 triệu đồng/lượng, tăng 240 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 260 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: 33,52 - 33,6 triệu đồng/lượng, tăng 240 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 260 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung cả tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 12 đồng với 2 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 2 ngày giá không thay đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (04/6/2016), tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh, cụ thể:

- Vietcombank: 22.380 - 22.450 đồng/USD, giảm 25 đồng ở cả 2 chiều

- Vietinbank: 22.380 - 22.450 đồng/USD, giảm 25 đồng ở cả hai chiều

- BIDV: 22.380 - 22.450 đồng/USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều

- ACB: 22.385 - 22.445 đồng/USD, giảm 25 đồng

- Eximbank: 22.340 - 22.410 đồng/USD, giảm tới 70 đồng chiều mua vào và giảm 60 đồng chiều bán ra

- DongABank: 22.340 - 22.410 đồng/USD, giảm tới 70 đồng chiều mua vào và giảm 60 đồng chiều bán ra

- Techcombank: 22.340 - 22.410 đồng/USD, giảm 70 đồng chiều mua vào và giảm 30 đồng chiều bán ra.

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

Trong tháng 5/2016, KBNN đã huy động được hơn 43.370 tỷ đồng TPCP. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm là 5,3 - 5,5%/năm; kỳ hạn 5 năm là 6,14 - 6,36%/năm; kỳ hạn 10 năm là 6,94%/năm; 15 năm là 7,65%/năm; 20 năm là 7,75%/năm; 30 năm là 8%/năm.

So với tháng 4/2016, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm giảm khoảng 0,05 - 0,22%/năm; 5 năm giảm khoảng 0,04 - 0,25%/năm; 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm giữ nguyên lãi suất.

(Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX) 

Trong tuần từ 31/5 - 03/6/2016, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành vào ngày 01/6 với tổng khối lượng gọi thầu 10.100 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (1.000 tỷ đồng); 5 năm (6.500 tỷ đồng) và 15 năm (2.600 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,25%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 6.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,1%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 2.600 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 03/6/2016, KBNN đã huy động thành công 153.243,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Tiến trình cổ phần hóa trong những tháng đầu năm 2016 đã được đẩy mạnh. Tính đến cuối tháng 4/2016, đã có 52 phiên đấu giá IPO trên cả hai sàn HOSE và HNX với tổng số tiền thu được là 6.031 tỷ đồng. Tính riêng trong quý 1/2016, có 40 phiên đấu giá bán được 320 triệu cổ phiếu, thu về hơn 4.910 tỷ đồng, tăng mạnh so với quý 1/2015 (chỉ bán được hơn 1,2 triệu cổ phiếu với giá trị là 65 tỷ đồng). Như vậy, số tiền thu được từ cổ phần hóa trong 4 tháng đầu năm 2016 đã bằng 58% giá trị thoái vốn nhà nước trong cả năm 2015. (Theo thống kê từ HOSE và HNX)

Trong tuần từ 30/5 - 04/6/2016, thị trường chứng khoán trên cả 2 sàn HNX và HOSE đều tăng điểm, nhờ nhóm cổ phiếu bluechips như dầu khí (GAS, PVD, PVC …), ngân hàng (CTG, BID, VCB…) và nhóm đầu cơ (SCR, DCS, HAR, VCG…) tăng giá mạnh. Tính chung cả tuần:

- VN-Index tăng 13,77 điểm (2,265%) lên 621,88 điểm.

- HNX-Index tăng 1,27 điểm (1,56%) lên 82,66 điểm.

Thị trường đã có một tuần giao dịch khởi sắc khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 620 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng trên cả hai sàn, trong đó, cổ phiếu MBB vẫn dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh với tổng giá trị hơn 130 tỷ đồng. Tổng cộng trên hai sàn, khối ngoại đã mua ròng 15,22 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 428,43 tỷ đồng, giảm 19,13% về lượng nhưng tăng 9% về giá trị so với tuần từ 23 - 27/5/2016.

- HOSE: Khối ngoại đã thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp với khối khối lượng 13,13 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 374,98 tỷ đồng, giảm18% về lượng nhưng tăng 12,43% về giá trị so với tuần từ 23 - 27/5/2016.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng với khối lượng 2,09 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 53,45 tỷ đồng, giảm 25,11% về lượng và 10,21% về giá trị so với tuần từ 23 - 27/5/2016.

Chính sách

Thông tư số 06/2016/TT-NHNN

Ngày 27/5/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Các NHTM sẽ được duy trì tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tối đa 60% đến hết năm 2016; sau đó, giảm về 50% từ 01/01/2017 và từ 01/01/2018 trở đi sẽ áp dụng tỷ lệ tối đa là 40%.

- Nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% kể từ ngày 01/01/2017.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Nghị định số 50/2016/NĐ-CP

Ngày 01/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nếu vi phạm quy định về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh: (i) Quá thời hạn đăng ký từ 1 - 30 ngày sẽ bị phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng; (ii) Từ 31 đến 90 ngày phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; (iii) Từ 91 ngày trở lên phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP.

Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017. Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%; tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP khoảng 20 - 21%; dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016.

TRUNG TÂM THÔNG TIN VÀ DỊCH VỤ TÀI CHÍNH