ThS. Nguyễn Thị Hải Thu
ThS. Vũ Thị Thu Hà
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
Hội nhập và toàn cầu hóa là kết quả tất yếu của quá trình tự do hóa kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào các tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước trong và ngoài khu vực1. Riêng đối với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), 12 nước tham gia đã kết thúc tiến trình đàm phán vào ngày 04/10/2015 và dự kiến sẽ chính thức ký kết trong năm 2015. Với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, TPP được gọi là một trong những hiệp định của thế kỷ XXI2. Do đó, TPP được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam3, tuy nhiên cùng với đó, nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít thách thức.
1. Đối với lĩnh vực nông nghiệp
Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường nông sản ra nước ngoài:
Thứ nhất, tuy các nền kinh tế tham gia đàm phán TPP có sự phát triển không đồng đều, nhưng Việt Nam là một nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phép sản xuất nông nghiệp quanh năm. Trong khi đó, các nước Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… điều kiện không cho phép sản xuất nông nghiệp trong mùa đông, do đó các quốc gia này thường phải sử dụng sản phẩm đông lạnh hoặc nhập khẩu từ các nước khác. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam là 17,1 tỷ USD, riêng FDI từ các nước TPP là 4,4 tỷ USD; trong đó, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 183,4 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này cho thấy, đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư của khu vực TPP nói riêng vào nông nghiệp hiện còn rất khiêm tốn. Do đó, TPP được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư của các nước trong khối vào Việt Nam, đồng thời nâng cao trình độ sản xuất và tạo khả năng cho ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên toàn cầu.
Thứ hai, ngay khi TPP có hiệu lực, thuế suất trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm đến 90%, thậm chí nhiều dòng thuế về 0% nên giá hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm xuống, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia cạnh tranh bình đẳng hơn. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trên thị trường thế giới, tuy nhiên, hiện nay hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào các nước đang phải chịu mức thuế cao. Điển hình là mức thuế suất đối với cá ngừ của Việt Nam vào Nhật Bản dao động từ 6,4 - 7,2%, trong khi đó, mức thuế suất của cá ngừ Thái Lan, Philippines vào Nhật Bản là 0%. Đây là một khó khăn đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Bởi vậy, tham gia TPP với việc thuế suất giảm sẽ đem lại cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tác động tích cực đến thu nhập của ngư dân khai thác cá. Ngoài ra, theo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam4, TPP sẽ tạo nhiều thuận lợi cho ngành chăn nuôi, chế biến do thuế suất thuế nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào giảm, khiến cho giá cả đầu vào của các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến giảm theo, từ đó giúp giảm giá thành và tạo cơ hội nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo vào 06 nước TPP (Hoa Kỳ, Brunei, Malaysia, Australia, Singapore, Mexico) chiếm khoảng hơn 12% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2015, Mexico áp dụng trở lại mức thuế suất 20% đối với mặt hàng gạo và 9% đối với mặt hàng lúa. Động thái này cũng tạo thêm áp lực cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tại các thị trường còn lại trong TPP, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không đáng kể, một phần do bảo hộ sản xuất trong nước. Đối với thị trường Nhật Bản, thuế suất được áp dụng ở mức rất cao, lên đến 1.066%, cộng với hàng rào kỹ thuật đã khiến cho mặt hàng gạo rất khó tiếp cận được thị trường Nhật Bản. Do đó, tham gia TPP với việc các mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ được hưởng mức thuế 0% là cơ hội tốt cho Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước, từ đó giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Thứ ba, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên gia nhập TPP cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, hợp tác với nước ngoài nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong 11 nước TPP còn lại, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 đối tác quan trọng của Việt Nam trong thu hút vốn FDI, TPP sẽ đem lại cơ hội lớn cho việc hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước trong TPP. Theo đó, Nhật Bản có thể đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những ưu thế, lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam, ngược lại Việt Nam sẽ tiếp thu công nghệ và đầu tư từ Nhật Bản để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, hoa tươi, cá ngừ, tôm… sang Nhật Bản cũng như các nước TPP khác. Thực tế trong năm 2015, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã sang thăm dò, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam nên nhiều khả năng Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực này khi TPP có hiệu lực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi tham gia TPP:
Thứ nhất, mặc dù Việt Nam có lợi thế đối với sản xuất nông nghiệp, song đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam lại không có nhiều thuận lợi. Trong 12 nước tham gia TPP, các nước Hoa Kỳ, Australia, New Zealand là những nước có lợi thế nhất về các sản phẩm chăn nuôi do có không gian rộng lớn, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm tới 70 - 80%, trong khi trồng trọt chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Tiếp đến là các nước Nhật Bản, Singapore, Malaysia… còn Việt Nam nằm trong nhóm ít có thuận lợi nhất về chăn nuôi. Do đó, khi TPP mở cửa thì những sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Hơn nữa, các sản phẩm chăn nuôi của thế giới sản xuất ra đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam.
Thứ hai, việc giảm thuế đối với các nước thành viên TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, trong khi đó, các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập. Đối với ngành trồng trọt, nếu như các sản phẩm lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều có cơ hội xuất khẩu tốt hơn thì ngược lại, các sản phẩm như ngô, đậu tương và mía đường5 lại gặp không ít áp lực do hiệu quả kinh tế, năng suất và chất lượng các sản phẩm này đều kém so với quốc tế.
Thứ ba, các nước thực hiện cam kết TPP, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn và đây là một trong những điểm yếu đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, hàng hóa nông sản của Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới do các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp an toàn vệ sinh dịch tễ6. Hàng nhập khẩu tăng, trong khi xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước, khiến lĩnh vực nông nghiệp không những không phát triển và phát huy được lợi thế, mà còn có nguy cơ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, bởi hiện nay khu vực này vẫn tạo công ăn việc làm chủ yếu cho nông dân, chiếm khoảng 70% dân số cả nước7.
Thứ tư, để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật chưa có hoặc ở mức thấp cũng sẽ khiến thị trường nội địa gặp bất lợi. Theo đó, nếu các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước. Mặt khác, khi quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm của các nước đạt yêu cầu thì các hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ trở nên không hiệu quả. Ngoài ra, khi thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng tăng lên, việc lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe được quan tâm hơn cũng sẽ là áp lực đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nếu không chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thậm chí còn không tiêu thụ được ngay tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
2. Dịch vụ tài chính
Dịch vụ tài chính là lĩnh vực đàm phán được các nước TPP đặc biệt quan tâm và kỳ vọng đưa TPP trở thành hiệp định tự do hóa của thế kỷ XXI với những cam kết sâu rộng về tiếp cận thị trường trên các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hiện nay, độ mở cửa của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn còn thấp, các thị trường dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ… vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc mới bước đầu hình thành. Do đó, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới, cũng như có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ và kinh nghiệm của các nước để phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, các điều kiện thị trường sẽ dần được xóa bỏ lại trở thành thách thức đối với thị trường tài chính của Việt Nam. Những thách thức trong nước đến từ những hạn chế của hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính. Đối với lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, tuy đã có những tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp. So sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn hạn chế8. Chính điều này sẽ tăng cơ hội cho các ngân hàng quốc tế tiếp cận thị phần khách hàng trong nước, từ đó ảnh hưởng tới thị trường tiềm năng của các ngân hàng trong nước.
So với các nước thành viên TPP khác, thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam kém phát triển hơn rất nhiều, đặc biệt là so với Hoa Kỳ. Do vậy, áp lực cạnh tranh là không nhỏ khi các công ty nước ngoài tiếp cận và tham gia thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam. Theo đánh giá của các thành viên TPP, thương mại dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng nên các nước đã chia sẻ sự quan tâm và đạt được những thống nhất về tự do hóa thương mại dịch vụ, trong đó có lĩnh vực dịch vụ tài chính. Theo đó, cam kết TPP đảm bảo cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường rộng hơn cho các thành viên TPP, thông qua việc cho phép cung cấp các dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một nước thành viên TPP từ một nhà cung cấp dịch vụ của thành viên TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán dịch vụ của mình. Không thành viên TPP nào có thể áp dụng các hạn chế định lượng đối với việc cung cấp dịch vụ (hạn chế về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ) trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định trong TPP.
3. Vấn đề cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước
Cam kết TPP về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dựa trên nguyên tắc: (i) Tạo sân chơi bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân; (ii) Không can thiệp đến hình thức thành phần kinh tế của một quốc gia; (iii) Chỉ chi phối hành vi của DNNN khi có sự cạnh tranh của khu vực tư nhân.
12 nước tham gia đàm phán TPP đều có DNNN, là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác, do đó, các thành viên TPP đều nhận thấy lợi ích của việc thống nhất một khung khổ quy định về cạnh tranh liên quan đến DNNN, cụ thể: (i) Đảm bảo các DNNN sẽ tiến hành các hoạt động thương mại trên cơ sở tính toán thương mại, trừ trường hợp không phù hợp với nhiệm vụ và các DNNN đó đang phải thực hiện để cung cấp các dịch vụ công; (ii) Đảm bảo các DNNN hoặc các đơn vị độc quyền sẵn có không có những hoạt động phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ của các thành viên khác; (iii) Trao cho tòa án quyền tài phán đối với các hoạt động thương mại của các DNNN nước ngoài và đảm bảo rằng các cơ quan hành chính quản lý cả các DNNN và doanh nghiệp tư nhân cũng làm như vậy một cách công bằng; (iv) Không tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi ích của các thành viên TPP khác khi cung cấp hỗ trợ phi thương mại cho các DNNN sản xuất và bán hàng hóa trên lãnh thổ của các thành viên khác; (v) Chia sẻ danh sách các DNNN với các thành viên khác và khi được yêu cầu sẽ cung cấp thông tin bổ sung về mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ và những hỗ trợ phi thương mại cho các DNNN.
Đối với Việt Nam, DNNN hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế (lĩnh vực kinh doanh, số lượng lao động, tài sản, đóng góp ngân sách nhà nước, đóng góp GDP…). Tham gia TPP vừa là thách thức song cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách khu vực DNNN. Với việc tham gia TPP, các DNNN sẽ không còn được hưởng các ưu đãi, không còn những đặc quyền, đặc lợi9, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội để phát triển và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, TPP sẽ tạo sức ép thúc đẩy các DNNN chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đó, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO, cải cách và hoàn thiện thể chế về pháp luật kinh doanh. Như vậy, TPP về cơ bản là phù hợp với định hướng cải cách DNNN cũng như cải cách, đổi mới kinh tế thị trường của Việt Nam.
Ngoài ra, công khai minh bạch cũng là một thách thức đối với DNNN khi tham gia TPP. Theo quy định, TPP yêu cầu DNNN phải công khai và minh bạch tuyệt đối trong sử dụng ngân sách, trong đó có quy định công khai và minh bạch giao dịch và tài chính của DNNN. Đối với DNNN Việt Nam, việc công khai tài chính đã khó, công khai giao dịch (bao gồm toàn bộ hoạt động mua, bán, ký kết, đàm phán…) lại càng phức tạp. Tuy nhiên, quy định này một mặt tạo sức ép, song, đồng thời cũng tạo động lực tái cấu trúc khu vực DNNN và là cơ hội tốt để sàng lọc, sắp xếp lại hệ thống DNNN. Thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo thời gian đã trở nên thành công nhờ cổ phần hóa như: Bảo Việt hay Công ty cổ phần Sữa Việt Nam… Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam phải đẩy mạnh đổi mới, cải cách hệ thống DNNN, đặc biệt là các DNNN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
4. Mua sắm chính phủ
Mua sắm chính phủ là một trong những lĩnh vực nhạy cảm trong thương mại quốc tế, vì vậy trong khuôn khổ WTO, Hiệp định về mua sắm chính phủ là hiệp định không bắt buộc các thành viên phải tuân thủ. Riêng trong khuôn khổ TPP, việc tuân thủ các điều khoản liên quan đến vấn đề mua sắm chính phủ là bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia nhằm sử dụng thị trường mua sắm chính phủ để kích thích thương mại quốc tế phát triển với tốc độ nhanh hơn và bình đẳng hơn.
Theo TPP, các nước sẽ: (i) Cam kết với những nguyên tắc chính về đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; (ii) Đồng ý công bố các thông tin liên quan một cách kịp thời, để các nhà cung cấp có đủ thời gian nhận được hồ sơ dự thầu và nộp bản chào thầu; (iii) Đối xử với các nhà thầu một cách công bằng, bình đẳng và duy trì tính bảo mật cho các nhà thầu; (iv) Đồng ý sử dụng các mô tả kỹ thuật công bằng và khách quan, sẽ chỉ duyệt hợp đồng dựa trên những tiêu chí đánh giá đã mô tả trong các thông báo và hồ sơ dự thầu; (v) Xây dựng các quy trình hợp lý để chất vấn hoặc xem xét các khiếu nại.
Trong 12 thành viên đàm phán TPP, hiện mới chỉ có một số quốc gia đã là thành viên của Hiệp định mua sắm chính phủ trong khuôn khổ WTO như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Singapore.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa với hoạt động mua sắm chính phủ. Với cam kết về mua sắm chính phủ trong TPP, việc đấu thầu sẽ thuận lợi hơn, minh bạch hơn, nhiều lựa chọn cho chủ đầu tư và tăng cường chất lượng cho công trình, cũng như thu hút được đầu tư tư nhân. Lợi ích rõ ràng có thể nhìn thấy là việc dùng ngoại lực để thay đổi môi trường bên trong. Ngoài ra, khi tham gia TPP, Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để đàm phán Hiệp định mua sắm chính phủ của WTO và hoạt động đấu thầu sẽ trở nên minh bạch, công khai hơn. Đồng thời, đấu thầu sẽ khiến cho các khoản chi tiêu ngân sách đạt hiệu quả cao hơn.
Mặc dù vậy, Hiệp định mua sắm chính phủ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam: (i) Mua sắm chính phủ của các công ty trong nước không còn độc quyền mà phải cạnh tranh bình đẳng với các nhà thầu nước ngoài. Các nhà thầu của các nước thành viên TPP có cơ hội tham gia ngang bằng với nhà thầu trong nước, như vậy, hoạt động chi tiêu của Chính phủ sẽ minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn do nhà thầu trong nước phải chia sẻ thị phần với nhà thầu nước ngoài; (ii) Năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp tiềm năng trong nước đối với hoạt động mua sắm chính phủ còn nhiều hạn chế so với các nhà cung cấp nước ngoài. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế này chính là cơ chế chỉ định thầu trong mua sắm chính phủ hiện đang phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt khi Việt Nam thực hiện cam kết TPP, khi đó, hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với các dự án thực sự khẩn cấp10.
5. Quy tắc xuất xứ
Một trong những nội dung quan trọng của các FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa giữa các nước thành viên với nhau. Đối với những nước có nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam, lợi ích chủ yếu và trực tiếp từ việc ký FTA là các đối tác FTA sẽ loại bỏ thuế quan cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường nước đó. Tuy nhiên, việc loại bỏ thuế quan cho các nước đối tác trong FTA chỉ áp dụng đối với “hàng hóa có xuất xứ từ đối tác FTA”. Nếu các quy định về quy tắc xuất xứ không phù hợp với tình hình sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào của nước xuất khẩu thì hàng hóa nước đó sẽ khó đáp ứng được các điều kiện để được coi là có xuất xứ phù hợp và do đó sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong các trường hợp như vậy, lợi ích lý thuyết mà các nước xuất khẩu hy vọng có được từ FTA sẽ bị vô hiệu hóa bởi các quy tắc hàng hóa không hợp lý này. Vì vậy, quy tắc xuất xứ là một trong những nội dung quan trọng của các FTA.
Tương tự các FTA khác, quy tắc xuất xứ cũng là một trong những yêu cầu quan trọng của TPP và được quy định rõ là: Các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối”. Hiệp định TPP cũng quy định về nguyên tắc “cộng gộp” để các nguyên liệu đầu vào từ một nước thành viên TPP được đối xử bình đẳng như những nguyên liệu từ một nước TPP bất kỳ. Các nước tham gia TPP cũng đưa ra các quy tắc để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể hoạt động một cách dễ dàng trong khu vực TPP thông qua việc thiết lập một hệ thống chung trên toàn khu vực về chứng minh và kiểm tra xuất xứ hàng hóa TPP. Như vậy, những ngành và những sản phẩm sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba, ngoài TPP đều không được hưởng các ưu đãi thuế suất.
Đối với Việt Nam, quy tắc xuất xứ nội khối tạo nên sức ép, đồng thời cũng mở ra cơ hội tăng cường thu hút FDI, là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu trong nước hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên TPP11.
Các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là hàng may mặc, da giầy và nông hải sản. Hàng nông hải sản của Việt Nam tự sản xuất tương đối tốt, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải sử dụng phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để vượt qua hàng rào kiểm soát của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc và da giầy, Việt Nam còn vướng mắc ở khâu nguyên liệu sản xuất. Với yêu cầu của TPP, áp dụng nguyên tắc “từ sợi trở đi” thì Việt Nam khó có thể đáp ứng được do ngành may mặc và da giầy của Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, là nước không tham gia TPP. Tuy nhiên, theo cam kết cuối cùng của TPP, “cơ chế nguồn cung thiếu hụt” cũng cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực nên đây cũng là một trong những thuận lợi cho dệt may Việt Nam cơ cấu lại nguồn nguyên liệu. Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%, Hàn Quốc 16,97%, EU 5,8%. Tuy nhiên, 03 nước tham gia TPP là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, tương ứng là 4,76%, 5,59% và 0,87%12. Nếu tình hình không được cải thiện, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các đối tác TPP, mà trước hết là hàng may mặc và da giầy, sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%. Điều này sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.
Với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa của TPP đang đặt ra thách thức và là mối lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Song, đó cũng sẽ là cơ hội cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, bởi nếu vượt qua được thách thức, tận dụng được thời cơ, Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi thực trạng là một nước gia công giản đơn, chủ yếu là sử dụng lao động giá rẻ.
Trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN, đối với hầu hết các mặt hàng thì năm 2015 là năm cuối để thực hiện việc cắt giảm các dòng thuế về 0%, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp cần biết chúng ta đang mở cửa đến đâu để có lộ trình chuẩn bị phù hợp, nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức. Khi tham gia TPP, các mức thuế sẽ về 0% nhưng đối với từng mặt hàng sẽ có các quy tắc xuất xứ riêng. Do đó, bên cạnh việc tìm hiểu lộ trình cắt giảm thuế trong các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cần phải hiểu và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác (vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật…) mới có thể tận dụng được các ưu đãi về thuế quan.
6. Kết luận
Hiệp định TPP sắp được ký kết sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa vào các thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… sẽ đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với lợi ích mà TPP có thể đem lại, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức. Do đó, TPP cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có thể tận dụng được tối đa những lợi ích từ TPP.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Hồng Quang và Nguyễn Quốc Trường (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Gia nhập TPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và ASEAN, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg tổ chức ngày 20/3/2014.
2. VCCI (2012), Giới thiệu chung về quy tắc xuất xứ trong các FTA Hoa Kỳ.
3. Hội thảo do Viện CL&CSTC và Dự án USAID/GIG phối hợp tổ chức (tháng 12/2014), TPP và tác động tiềm năng đến kinh tế Việt Nam.
4. Deborah K Elms (December 7, 2012 Beijing, China), Trans-Pacific Partnership Agreement: Issues and Challenges, Paper for the CNCPEC Seminar on TPP 2012 Progress and Challenges.
5. Brock R. Williams (June 10, 2013), Trans-Pacific Partnership (TPP) Countries: Comparative Trade and Economic Analysis, Analyst in International Trade and Finance. http://www.fas.org/sgp/crs/row/R42344.pdf.
6. Barbara, K (Spring 2013), The Next Big Thing? The Trans-Pacific Partnership & Latin America. Americas Quarterly.
7. Peter A. Petri, Michael G. Plummer and Fan Zhai, The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: A Quantitative Assessment.
8. Bộ Công Thương, Tóm tắt hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3 tháng 12/2015
*1 Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, liên minh kinh tế Á - Âu và các FTA với tư cách thành viên ASEAN (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand). Ngoài ra, Việt Nam đã kết thúc đàm phán với EU và 4 nước Bắc Âu (EFTA)…
*2 5 đặc điểm khiến TPP trở thành hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI: (i) Tiếp cận thị trường một cách toàn diện thông qua việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan về căn bản đối với tất cả các thương mại hàng hóa và dịch vụ. Điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, người tiêu dùng của các nước thành viên; (ii) Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết hội nhập nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng của các nước trong khu vực; (iii) Giải quyết các thách thức đối với thương mại thông qua việc thúc đẩy đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; (iv) Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại, trong đó có các yếu tố mới được đưa vào để đảm bảo rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại; (v) Là nền tảng cho hội nhập khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
*3 Theo Peti, Plummer & Zhai (2012), trong 12 nước tham gia TPP, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Giáo sư Jeffey Scott, chuyên gia hàng đầu về TPP, thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Hoa Kỳ) cho rằng, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP vì có cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng GDP và xuất khẩu tới các quốc gia đối tác của TPP.
*4 http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/item/22809302.html.
*5Australia (nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới) chi phí sản xuất khoảng 20 USD/1 tấn, trong khi chi phí của Việt Nam khoảng 55 - 60 USD/tấn.
*6 Ngày 19/9/2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) từ ngày 01/02/2012 - 31/01/2013. Theo đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú phải chịu mức thuế 4,98%, Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng là 9,75%, còn lại 30 công ty bị đơn khác bị áp mức thuế 6,37%; giữ nguyên mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Đây là mức thuế cao nhất trong 8 lần áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
*7 Cuối năm 2014, thị trường Nga biến động và Nga muốn nhập 500.000 tấn thịt lợn của Việt Nam, song do giá thành thịt lợn của Việt Nam cao và doanh nghiệp Việt Nam cũng không đáp ứng được những yêu cầu cao từ Nga nên Nga đã nhập khẩu thịt lợn từ Thái Lan.
*8 Theo IMF, tính đến năm 2012, tỷ lệ chi nhánh và phòng giao dịch trên 100.000 người dân Việt Nam chỉ đạt 3,17, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 11,7, Indonesia là 9,59, các nước OECD là 27 và mức độ phân bổ các chi nhánh, phòng giao dịch chưa thực sự đồng đều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
*9 Điều kiện tiếp cận vốn, sự bảo hộ của Nhà nước…
*10 Theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2013, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công không quá 500 triệu đồng; đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công không quá 1 tỷ đồng; gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên không quá 100 triệu đồng.
*11 Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 14,9 tỷ USD (8,1% GDP). Thực hiện quy tắc xuất xứ khi tham gia TPP là cơ hội tốt để Việt Nam giảm dần kim ngạch nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất từ Trung Quốc. (Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê theo tỷ giá niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 31/12/2014 là 21.400 đồng/USD).
*12 http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=629&ItemID=14219.