Ảnh hưởng từ giá dầu thấp và phản ứng chính sách của các nước

Ảnh hưởng từ giá dầu thấp và phản ứng chính sách của các nước 27/05/2016 09:09:00 1402

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Ảnh hưởng từ giá dầu thấp và phản ứng chính sách của các nước

27/05/2016 09:09:00

Sự sụt giảm của giá dầu có ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới nói chung và các nước nói riêng, không chỉ phụ thuộc vào khoảng thời gian giá thấp mà còn phụ thuộc vào nguyên nhân giảm giá như nhu cầu tiêu dùng giảm, nguồn cung tăng... Giá dầu giảm khiến cho thu nhập thực tế (thu nhập sau khi điều chỉnh lạm phát) từ nước xuất khẩu dầu chuyển sang nước nhập khẩu dầu, bởi tại nước xuất khẩu sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn còn tại các nước nhập khẩu thì ngược lại, từ đó đẩy mạnh nhu cầu toàn cầu trong trung hạn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của giá dầu sẽ khác nhau đối với từng nước mỗi thời điểm.

Tác động của giá dầu giảm

Tại nước xuất khẩu

Ngân hàng Thế giới (WB - 2015)1 cho rằng, tăng trưởng tại các nước xuất khẩu dầu (trừ Nga và một số nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi) sẽ giảm 0,8 - 2,5% nếu giá dầu giảm 10% do nguồn thu từ dầu giảm. Giá dầu thấp khiến cho thu nhập thực tế và lợi nhuận sản xuất dầu cùng giảm.

Bên cạnh đó, giá dầu thấp sẽ buộc chính phủ các nước điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh hơn, định giá lại tín dụng, thu hẹp các chính sách tài khóa, trừ khi nước đó có các biện pháp hỗ trợ chi ngân sách khi nguồn thu thuế từ dầu bị sụt giảm2.

Tại Nga, năng lượng chiếm khoảng 25% GDP, 70% kim ngạch xuất khẩu và 50% nguồn thu của Chính phủ, do đó, giá dầu giảm sẽ dẫn đến việc phải cắt giảm ngân sách và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế.

Tại Na Uy, nguồn thu từ dầu và gas năm 2013 chiếm 29,3% nguồn thu của Chính phủ. Giá dầu giảm dẫn đến việc các công ty cắt giảm đầu tư và các dự án bị trì hoãn, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Tại Mexico, nguồn thu từ dầu và gas năm 2013 chiếm khoảng 32,5% nguồn thu của Chính phủ, việc giá dầu giảm 20 USD/thùng sẽ khiến cho GDP giảm 1%.

Còn tại Canada, nếu như giá dầu duy trì ở mức 50 - 70 USD/thùng thì đầu tư vào lĩnh vực dầu và gas sẽ giảm khoảng 30%. Theo Ngân hàng Canada, giá dầu giảm sẽ khiến cho GDP giảm 1% trong năm 2015 và tiếp tục giảm 0,4% trong năm 20163.

Tại các nước nhập khẩu

Giá dầu giảm sẽ khiến cho thu nhập thực tế tăng; chi phí sản xuất hàng hóa cuối cùng giảm; lạm phát lõi và lạm phát kỳ vọng giảm. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ như đối với thu nhập thực tế thì mức độ ảnh hưởng của sự sụt giảm giá dầu tại Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ cao hơn so với Hoa Kỳ do hiện nay Hoa Kỳ vẫn có thể đáp ứng được hơn nửa nhu cầu tiêu thụ dầu trong nước. Theo WB (2013)4, Roitman (2011)5, tốc độ tăng trưởng tại các nước nhập khẩu dầu sẽ tăng từ 0,1% đến 0,5% nếu giá dầu giảm 10% (mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu dầu so với GDP), bởi việc giá dầu giảm có thể làm cho lạm phát kỳ vọng trung hạn giảm dưới mức mục tiêu, do đó, ngân hàng trung ương (NHTW) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với giá dầu thấp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Tại Trung Quốc, do dầu chỉ chiếm khoảng 18% tiêu thụ năng lượng, còn than đá chiếm khoảng 68% nên khi giá dầu giảm 10% thì GDP chỉ tăng khoảng 0,1 - 0,2%. Tuy nhiên, do Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới nên khi giá dầu giảm 45% trong năm 2015 thì thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng 0,5 - 0,9% GDP6.

Tại Eurozone, nhập khẩu dầu thô từ ngoài khu vực chiếm 3% GDP. Dựa trên số liệu lịch sử đến năm 2013 thì khi giá dầu giảm 45% sẽ giúp GDP tăng thêm hơn 1%7, tuy nhiên, hiện nay do lo ngại về giảm phát nên ảnh hưởng của giá dầu tới GDP sẽ thấp hơn8.

Trong năm tài khóa (tính đến tháng 3/2014), Nhật Bản tiêu thụ khoảng 236 tỷ USD nhiên liệu khoáng sản, trong số đó hơn 90% có liên quan đến dầu. Do vậy, việc giá dầu giảm sẽ giúp Nhật Bản giảm chi tiêu.

Tại các nước mới nổi nhập khẩu dầu như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, giá dầu giảm sẽ giúp giảm lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào khả năng sản xuất và tiêu thụ dầu.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giá dầu thấp có tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát bằng cách thay đổi tổng cung và tổng cầu, cũng như phản ứng chính sách của các nước. Về phía cầu, giá dầu giảm sẽ khiến tiêu dùng tăng9, còn về phía cung, giá dầu giảm dẫn đến chi phí sản xuất thấp, đặc biệt đối với các hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng10, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng do giá cả hàng hóa sẽ thấp hơn, từ đó trực tiếp làm giảm lạm phát11.

Phản ứng chính sách của các nước khi giá dầu thấp

Chính sách tiền tệ

Giá dầu giảm có thể làm giảm lạm phát thế giới, tăng số nước có tỷ lệ lạm phát thấp hoặc âm. NHTW các nước cần đưa ra chính sách phù hợp nhằm làm tăng ảnh hưởng của giá dầu thấp đối với lạm phát trong tầm hoạch định chính sách có liên quan. Chính sách tiền tệ cần phản ứng được với tất cả các nhân tố cũng như các cú sốc dẫn đến sai lệch trong dự báo lạm phát12. Theo đó, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ảnh hưởng tiếp theo của giá dầu thấp đến giá các mặt hàng khác và ảnh hưởng dự kiến của giá dầu đến tổng cầu.

Giá năng lượng ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là việc hình thành lương. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giá dầu thay đổi chỉ ảnh hưởng đến lạm phát trong một thời gian ngắn (chỉ vài tháng), sau đó mức độ ảnh hưởng sẽ giảm dần.

Quy tắc chính sách tối ưu yêu cầu các NHTW phải đối phó với ảnh hưởng của cú sốc dầu đến tổng cầu và tình trạng dễ tổn thương của nền kinh tế. Việc ổn định sản lượng trở thành mục tiêu chính của NHTW, không phải chỉ từ góc độ phúc lợi mà còn bởi nó có thể góp phần làm giảm sự biến động của giá và lạm phát tiền lương13. Do đó, phản ứng chính sách tiền tệ sẽ khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân của giá dầu giảm (do cung hay do cầu) và sự ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đối với tổng cầu và thị trường lao động của từng nước.

Các nhà hoạch định chính sách nên cân bằng ảnh hưởng trực tiếp của giá dầu với những việc cần xem xét trong trung hạn. Ví dụ tại Eurozone và Nhật Bản, trong bối cảnh lạm phát thấp, NHTW đã nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ giữa năm 2014 và đưa ra những giải pháp phòng ngừa rủi ro giảm phát trung hạn.

Tại các nước đang phát triển nhập khẩu nhiều dầu, việc giảm thâm hụt tài khoản vãng lai kết hợp với biện pháp đưa lạm phát trở về mục tiêu chính sách đã cho phép NHTW cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, tại những nước xuất khẩu dầu, NHTW phải cân đối giữa nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng với sự cần thiết duy trì ổn định lạm phát và niềm tin của các nhà đầu tư khi phải đối mặt với áp lực về tiền tệ. Phá giá tiền tệ theo một lộ trình có thể giúp các nước xuất khẩu điều chỉnh những tác động tiêu cực từ cú sốc về thương mại và hạn chế ảnh hưởng của tổng cầu, nhưng phá giá tiền tệ không có lộ trình sẽ dẫn đến những ảnh hưởng đáng kể đối với cán cân thanh toán và việc phối hợp các biện pháp liên quan đến lạm phát mục tiêu và hoạt động kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu chính sách tiền tệ ổn định được tỷ giá hối đoái hoặc giá đồng nội tệ hàng xuất khẩu thì sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn và ổn định được các hoạt động tại nước xuất khẩu dầu so với chính sách hướng đến lạm phát giá tiêu dùng14.

Tại Eurozone, giá dầu giảm đã khiến cho giá cả giảm mạnh, từ đó khiến khu vực này bị rơi vào tình trạng giảm phát sâu và kéo dài, có nguy cơ rơi vào suy thoái. Để thoát khỏi tình trạng này, NHTW châu Âu (ECB) thực hiện nới lỏng định lượng (QE) trị giá 1.100 tỷ EUR từ tháng 3/2015.

Tại Na Uy, NHTW đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục khi nước này phải chịu tác động lớn từ giá dầu giảm, cụ thể lãi suất đã giảm 25 điểm cơ bản, xuống còn 1,25% trong tháng 6/2015. Lý do là các số liệu cho thấy triển vọng kinh tế của Na Uy đang trở nên yếu đi so với dự báo do giá dầu sụt giảm.

Tại Canada, ảnh hưởng của việc giá dầu thấp tới nền kinh tế còn lớn hơn so với dự báo nên NHTW đã quyết định hạ lãi suất qua đêm từ mức 1% xuống còn 0,75% từ ngày 22/01/2015.

Tại Úc, Ngân hàng Dự trữ đã nới lỏng chính sách nhằm đối phó với giá dầu sụt giảm và mối lo về tình trạng giảm phát. Cụ thể, Úc đã cắt giảm lãi suất tiêu chuẩn 0,25 điểm phần trăm, từ mức 2,5% xuống còn 2,25% từ ngày 04/02/2015.

Chính sách tài khóa

Một số nước đang phát triển đưa ra chương trình hỗ trợ nhiên liệu cho người dân. Trong một số trường hợp, chi phí trợ cấp có thể vượt quá 5% GDP, tuy nhiên, khoản trợ cấp này lại tạo ra hiệu ứng phân phối phụ, khiến tiêu dùng và sản xuất hướng đến các hoạt động sử dụng nhiều năng lượng.

Giá dầu giảm làm giảm nhu cầu trợ cấp nhiên liệu và tạo ra cơ hội cải cách trợ cấp để mở ra xu hướng định giá nhiên liệu dựa trên thị trường toàn diện và lâu dài hơn, ngăn chặn được nguy cơ trợ cấp nhiên liệu tăng khi giá dầu tăng trở lại. Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iran và Malaysia đã thực hiện cải cách này vào năm 2013 và 2014, loại bỏ một số biến dạng và thiếu hiệu quả liên quan đến trợ cấp. Nguồn lực tài chính dành cho trợ cấp nhiên liệu thấp có thể được giữ để xây dựng lại không gian tài khóa bị mất sau khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc phân phối lại, hướng tới các chương trình mục tiêu tốt hơn nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, hỗ trợ cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư nguồn nhân lực.

Cải cách trợ cấp có thể được thực hiện cùng với cải cách thuế nhiên liệu. Khi giá dầu sụt giảm, các nước tiến hành cắt giảm trợ cấp càng làm cho giá nhiên liệu trong nước sụt giảm, tuy nhiên, các nước có thể thực hiện biện pháp tăng thuế nhiên liệu nhằm hạn chế ảnh hưởng của giá dầu thấp.

Tại Jordan, Chính phủ đã áp dụng chiến lược năng lượng trung hạn nhằm thu hồi vốn cho các công ty điện của Jordan khi giá dầu thấp với các nội dung chính là tăng thuế, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, tăng tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng.

Mexico đã duy trì hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có khả năng chuyển đổi, theo đó, khi giá dầu thế giới tăng thì phần thuế TTĐB sẽ chuyển vào phần trợ cấp còn khi giá dầu thế giới giảm thì phần thuế TTĐB sẽ chuyển vào phần thu của ngân sách nhà nước. Theo hệ thống này, kể từ tháng 12/2014, Mexico đã không còn trợ cấp nhiên liệu và thu ngân sách từ các khoản thuế TTĐB tăng, bù đắp cho phần sụt giảm của thu ngân sách từ xuất khẩu. Chính quyền Mexico lên kế hoạch tự do hóa hoàn toàn giá nhiên liệu nội địa vào năm 2018.

Ai Cập đang tiến hành cải cách thuế nhiên liệu. Từ tháng 7/2014, Ai Cập đã tiến hành tăng giá trong nước đối với nhiều mặt hàng nhiên liệu và hướng tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu trong 4 - 5 năm tới.

Tại Sudan, trợ cấp nhiên liệu đã giảm đáng kể từ năm 2013. Đối phó với sự sụt giảm của giá dầu quốc tế gần đây, Sudan lên kế hoạch hạn chế trợ cấp nhiên liệu vào năm 2019.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Giá dầu tăng hay giảm đều ảnh hưởng tới nền kinh tế của nước nhập khẩu cũng như nước xuất khẩu và mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tình hình kinh tế của từng nước, xuất khẩu hay nhập khẩu nhiều dầu. Trước sự biến động của giá dầu, các nước đều có những điều chỉnh nhất định nhằm tận dụng được những lợi ích mà giá dầu biến động mang lại cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu. Chính sách kinh tế vĩ mô của các nước trong điều kiện giá dầu tăng cao hay xuống thấp khác nhau tại từng nước, tùy thuộc vào cơ chế tỷ giá hối đoái, tài khóa, chênh lệch sản lượng, lạm phát...

Đối với Việt Nam, giá dầu thấp có tác động trái chiều tới Việt Nam bởi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên giá dầu giảm sẽ làm giảm nguồn thu từ dầu, nhưng đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước nên giá dầu giảm giúp giảm chi phí nhập khẩu, giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Trước diễn biến giá dầu vẫn đang trong xu thế giảm, từ bài học kinh nghiệm của các nước, Việt Nam trong thời gian tới cần cân nhắc một số giải pháp nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực cũng như tranh thủ cơ hội từ giá dầu ở mức thấp: (i) Tại một số nước, các hoạt động kinh doanh xăng dầu bị áp thuế khá cao, giúp nâng cao hiệu quả tiêu dùng các sản phẩm về năng lượng, thúc đẩy việc tìm kiếm và khai thác các nguồn năng lượng mới. Do đó, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh lại cơ cấu giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu thành phẩm. (ii) Cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản, đồng thời thực hiện điều chỉnh tỷ giá và lãi suất cho phù hợp. (iii) Rà soát lại cơ cấu chi NSNN để cơ cấu lại và thực hiện triệt để tiết kiệm chi NSNN, tăng cường kỷ luật tài khóa, thực hiện cải cách hệ thống thuế nhằm đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm cho tác động của giá dầu thấp. (iv) Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục theo dõi diễn biến giá dầu thế giới cũng như phản ứng chính sách của các nước để từ đó đưa ra những chính sách kịp thời và phù hợp như nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng, giảm giá xăng dầu để thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng. (v) Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là khu vực kinh tế thực và cải cách thể chế nhằm tạo môi trường, tiền đề tốt thúc đẩy kinh tế phát triển.

ThS. Trần Thị Quỳnh Hoa

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Finn (2000), Perfect competition and the effect of energy price increase on economic activity.

2. Blanchard và Gali (2008), The macroeconomic effects of oil price shocks: Why are the 2000s so different from the 1970s.

3. Edelstein và Kilian (2007), Retail energy prices and consumer expenditure, Hamilton (2009), The causes and consequences of the oil shock of 2007 - 2008.

4. Alvarez, Hurtado, Sanchez và Thomas (2011), The impact of oil price changes on Spanish and Euro area consumer price inflation.

5. Bernanke, Watson và Gertler (1997), Systematic monetary policy and the effects of oil price shocks.

6. Hunt, Isard và Laxton (2001), The macroeconomic effects of higher oil prices (IMF working paper).

7. WB (2013), Global economic prospect.

8. IMF (2014), Spillover report 2014.

9. OECD (2014), Economic Outlook, Volume 2014 Issue 2, No.96.

10. WB (2015), The great plunge in oil price: Causes, consequences, and policy response.

11. WB (2013), Global economic prospects: Less volatile but slower growth.

12. WB (2015), Global economic prospects, 01/2015.

13. European Commission (2012), Oil price increases and their macroeconomic impact on the EU economy.

14. Alvarez, Hurtado và Guillaumin (2011), The impact of external shocks in East Asia: Lessons from a structural VAR model with Block exogeneity.

15. European Commission (2015), Winter economic forecast: Outlook improved but risks remain.

16. Bank of Canada (2015), Monetary Policy report.

17. De Gregorio (2012), Commodity prices, monetary policy and inflation.

18. Frankel (2010), A comparison of monetary anchor options, including product price targeting, for commodity exporters in Latin America.

*1 WB, Global economic prospects, 01/2015.

*2 WB (2015), The great plunge in oil price: Causes, consequences, and policy response.

*3 Bank of Canada (2015), Monetary policy report, 01/2015.

*4 Global economic prospects: Less volatile but slower growth.

*5 IMF working paper (2011), Oil shocks in a global perspective: Are they really that bad.

*6 WB (2015), Global economic prospect, 01/2015.

*7 European Commission (2012), Oil price increases and their macroeconomic impact on the EU economy; Alvarez, Hurtado và Guillaumin (2011), The impact of external shocks in East Asia: Lessons from a structural VAR model with block exogeneity.

*8 European Commission (2015), Winter economic forecast: Outlook improved but risks remain.

*9 Edelstein and Kilian (2007), Retail energy prices and consumer expenditure, Hamilton (2009), The causes and consequences of the oil shock of 2007- 2008.

*10 Finn (2000), Perfect competition and the effect of energy price increase on economic activity.

*11 Blanchard và Gali (2008), The macroeconomic effects of oil price shocks: Why are the 2000s so different from the 1970s.

*12 De Gregorio (2012), Commodity prices, monetary policy and inflation.

*13 Bodenstein, Guerrieri và Kilian (2012), Monetary policy responses to oil price fluctuations.

*14 Frankel (2010), A comparison of monetary anchor options, including product price targeting, for commodity exporters in Latin America.