TS. Lê Thị Thùy Vân và nhóm nghiên cứu1
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
Việc ký kết và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội và tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam: Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết FTA cũng đặt ra không ít thách thức cần vượt qua như: Giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu thấp, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, quy mô thị trường tài chính còn nhỏ… Bài viết tập trung nghiên cứu phương pháp đánh giá và đánh giá tác động của các FTA mà Việt Nam đã ký kết đến một số lĩnh vực của nền kinh tế (xuất nhập khẩu, dịch vụ tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN)), trên cơ sở đó, đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
1. Phương pháp đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do
1.1. Mô hình lực hấp dẫn
Mô hình lực hấp dẫn (Gravity model) giải thích trao đổi thương mại song phương dựa trên ba biến giải thích là quy mô của hai nền kinh tế và khoảng cách giữa chúng, được sử dụng lần đầu vào năm 1962 bởi Jan Tinbergen (Nello, Susan S, 2009). Mô hình này được dùng phổ biến để đánh giá tác động của các hiệp định đến các dòng chảy thương mại, giải thích nhu cầu nhập khẩu song phương với một loạt các biến số khác nhau như thu nhập của quốc gia nhập khẩu, của quốc gia xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người của quốc gia nhập khẩu, của quốc gia xuất khẩu, khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu của một quốc gia và các biến số khác (ADB, 2010). Mô hình có ưu điểm làm rõ được sự khác biệt giữa dòng chảy thương mại thực tế và ước tính (được giải thích bởi các biến số thương mại bằng các kỹ thuật có trong mô hình). Mô hình có thể ước tính liệu một FTA có tác động đáng kể về mặt thống kê đối với dòng thương mại khi sử dụng một biến số nào đó hay không. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là các nhà hoạch định chính sách phải rất thận trọng khi diễn giải bất kỳ kết quả nào có được. Các tác động ước tính của một FTA chỉ thực sự có hiệu quả khi mà các dữ liệu ước tính đáng tin cậy. Hạn chế khác lại nằm ở các đặc điểm kỹ thuật của mô hình lực hấp dẫn: Giả định cơ bản trong mô hình là dòng chảy thương mại giữa hai quốc gia chỉ phụ thuộc vào các đặc điểm kinh tế của cặp quốc gia đó trong khi thực tế mức độ phụ thuộc thương mại song phương là rất lớn. Do đó, một số giả thiết là chưa đáng tin cậy vì các biến quan trọng có thể bị bỏ sót (ví dụ các biến về khoảng cách chi phí thương mại giữa hai quốc gia hay chất lượng cơ sở hạ tầng và thời gian chờ đợi ở biên giới).
1.2. Mô hình cân bằng tổng thể khả toán2
Mô hình cân bằng tổng thể khả toán (CGE) tập trung vào giá cả và thương mại liên kết giữa hai thị trường quốc tế. Một sự thay đổi trong giá của một loại hàng hóa trong một thị trường cụ thể sẽ tác động đến lượng cầu đối với hàng hóa tiêu thụ có liên quan (hàng thay thế hoặc bổ sung) và các nhu cầu đầu vào sản xuất như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc và mặt bằng nhà xưởng. Việc này cũng có thể thay đổi thu nhập của các hộ gia đình và nhu cầu của họ đối với hàng hóa và dịch vụ khác, một số hàng hóa trong đó có thể được nhập khẩu; đồng thời làm thay đổi nguồn thu ngân sách từ thuế thương mại và các khoản trợ cấp của Chính phủ.
Một mô hình CGE cơ bản nắm bắt cung và cầu trong từng ngành và các mối liên kết giữa các ngành. Mô hình gồm các biến ngoại sinh (tức các biến được xác định bên ngoài mô hình) và các biến nội sinh (các biến có trong mô hình). Trong phân tích một FTA, các biến ngoại sinh thường tương ứng với các biến chính sách thương mại, độ co giãn và tỷ trọng các tham số; còn lại là các biến nội sinh như giá cả, sản lượng xuất khẩu, nhập khẩu, thu nhập hộ gia đình, nguồn thu thuế, thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất.
Ưu điểm của mô hình CGE là cung cấp nền tảng thực nghiệm để phân tích chính sách có thể định lượng được xác định bởi lý thuyết (ví dụ trong trường hợp của FTA, tạo ra thương mại và chuyển hướng thương mại có tác động đến phúc lợi xã hội, đến thu ngân sách và kết quả có thể là tích cực hoặc tiêu cực). Nhưng nhược điểm của mô hình CGE khi phân tích tác động của FTA là thiếu một chiều thời gian, tức là sẽ không đưa ra việc các nền kinh tế điều chỉnh và đạt đến trạng thái cân bằng mới trong khoảng thời gian là bao lâu; khó khăn trong việc nhận định các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, chẳng hạn như vệ sinh, kiểm dịch thực vật, các rào cản kỹ thuật, các vấn đề hải quan nếu được đưa vào trong một FTA; trình độ sản xuất thương mại và dịch vụ khó để có dữ liệu đầy đủ; là một mô hình cực kỳ phức tạp trong việc đưa ra các giả định, các kỹ thuật tính toán được thiết lập với nhiều phương trình mô phỏng.
1.3. Mô hình cân bằng từng phần
Mô hình cân bằng từng phần là một phần của mô hình cân bằng tổng thể, nghiên cứu tác động của thị trường hàng hóa đơn nhất (thường ở cấp độ ngành), phù hợp nhất để phân tích sâu ở cấp độ ngành. Mô hình giả định là thị trường có thể được phân tích tách biệt với các thị trường khác, bỏ qua những tác động lan tỏa do những thay đổi về thu nhập toàn nền kinh tế và giá cả các yếu tố sản xuất. Do vậy, mô hình cân bằng từng phần có thể phân tích ở cấp phân ngành chi tiết hơn so với CGE3.
Với mô hình này, dựa vào yếu tố quan trọng đánh giá lượng cầu xuất nhập khẩu khi thuế suất thuế xuất nhập khẩu thay đổi để đi đến kết luận về tác động của các FTA đến NSNN. Khi tham gia các hiệp định thì việc giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động trực tiếp đến nguồn thu thuế của Nhà nước. Yếu tố chính khi xem xét hiệu quả cuối cùng của việc giảm thuế đến nguồn thu là đo lường độ co giãn của cầu nhập khẩu theo giá nhập khẩu. Nếu cầu nhập khẩu theo giá nhập khẩu ít co giãn (hoặc không co giãn) thì việc cắt giảm thuế quan sẽ có tác động nhỏ đến số lượng hàng nhập khẩu, nhưng nguồn thu thuế sẽ giảm đi. Ngược lại, khi cầu nhập khẩu co giãn nhiều thì việc giảm thuế quan ngụ ý sẽ có sự thay đổi lớn về lượng nhập khẩu, có thể có tiềm năng bù đắp sự sụt giảm trong nguồn thu thuế trên một đơn vị hàng hóa nhập khẩu và có thể ngược lại. Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có độ co giãn cao thì sẽ có một sự đánh đổi giữa hai mục tiêu chính là thuế quan, bảo hộ và nguồn thu ngân sách.
Theo Glenn P. Jenkins, Chun-Yan Kuo và Gangadhar P. Shukla (2000), có thể dự báo thu từ thuế nhập khẩu dựa trên dự báo về tỷ lệ tăng trưởng GDP và sự thay đổi về giá nhập khẩu tương ứng với GDP giảm phát đã biết. Tác động đến số thu thuế nhập khẩu cho năm sau, ví dụ năm 2016 có thể được tính như sau:
%∆Nhập khẩu = (%∆GDP) * ηgdpm + (%∆Pgdpm) * ηpm
R2016 = R2015 * [1 + (%∆Nhập khẩu) * ηmr]
Trong đó:
ηgdpm - Độ co giãn của nhập khẩu so với GDP
ηpm - Độ co giãn của nhập khẩu về giá nhập khẩu tương ứng với GDP giảm phát
ηmr - Độ co giãn của số thu thuế nhập khẩu tương ứng với hàng nhập khẩu (đòi hỏi phải biết số thu theo ngành và kim ngạch nhập khẩu của từng ngành)
∆Pgdpm - Sự thay đổi về giá nhập khẩu tương ứng với GDP giảm phát (theo từng ngành)
R2015 - Số thu thuế nhập khẩu năm 2015
Khi xem xét tác động đến thu ngân sách của thuế nhập khẩu thì cần phải tính được độ co giãn của cầu đối với hàng nhập khẩu theo giá hàng nhập khẩu, trong điều kiện giả định tỷ giá ngoại tệ là không đổi. Độ co giãn này được tính dựa vào các số liệu về giá hàng nhập khẩu (theo từng mặt hàng, hoặc từng ngành), mức thuế suất cho từng mặt hàng nhập khẩu và mức thuế suất thay đổi khi tham gia các hiệp định thương mại (mặt hàng nào mức thuế suất giảm, mặt hàng mức thuế suất là 0%).
Ưu điểm của mô hình cân bằng từng phần là dễ thực hiện hơn so với mô hình CGE cũng như mô hình lực hấp dẫn. Số liệu thông thường được yêu cầu liên quan nhiều tới dữ liệu kinh tế vĩ mô (GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số giảm phát...). Tuy nhiên, nhược điểm là kết quả ước tính sẽ phụ thuộc rất lớn vào tính tin cậy của dữ liệu.
2. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến một số lĩnh vực của nền kinh tế
2.1. Lộ trình và các cam kết cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết
Cùng với việc trở thành thành viên chính thức của ASEAN (1995) và bắt đầu thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong ASEAN (từ năm 1999 đến 2018), Việt Nam đã ghi nhận những dấu mốc đầu tiên trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế trong thời kỳ đổi mới. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, ngoài việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, năm 2007), Việt Nam đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do và ký kết thêm 10 FTA song phương và đa phương4. Song song với quá trình thực hiện các FTA đã ký kết, Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán 3 hiệp định: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong đó, TPP đã hoàn tất các đàm phán trong tháng 10/2015.
Bảng 1. Lộ trình thực hiện cam kết tự do hóa trong các FTA
| Năm tham gia | Năm hiệu lực | Lộ trình cuối | Mức độ cam kết (phạm vi, % dòng thuế) |
AFTA | 1995 | 1999 | 2015 - 2018 | Xóa bỏ khoảng 97% dòng thuế theo chuẩn HS 8 số |
ACFTA | 2002 | 2005 | 2015 - 2018 | 90% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 8 số |
AKFTA | 2005 | 2007 | 2016 - 2018 | 85% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 8 - 10 số |
WTO | 2007 | 2007 | 2019 | Cắt giảm 3.800 dòng thuế chiếm 35,5%, HS 8 số Giữ nguyên mức thuế suất 34,5% dòng thuế Số dòng thuế ràng buộc mức trần (cao hơn mức thuế suất hiện hành) chiếm 30% dòng |
AJCEP | 2008 | 2008 | 2025 | 87% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 8 - 10 |
VJEPA | 2008 | 2009 | 2026 | 92% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 8 - 10 số |
AIFTA | 2009 | 2010 | 2020 | 78% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 6 số |
AANZFTA | 2009 | 2009 | 2018 - 2020 | 90% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 10 số |
VCFTA | 2011 | 2014 | 2030 | 89% dòng biểu thuế theo chuẩn HS 8 số |
VKFTA | 2015 | 2016 | 2031 | 88% dòng thuế |
EUUV - FTA | 2015 | 2016 | 2027 | 88% dòng thuế |
Nguồn: Viện CL&CSTC tổng hợp
Rà soát các FTA mà Việt Nam đã ký kết và tham gia cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, phần lớn các FTA sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ cam kết cuối cùng với việc xóa bỏ thuế quan, đặc biệt là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN ATIGA, ACFTA và AKFTA bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào 2018. Các hiệp định khác như AANZFTA, AJCEP, AIFTA, VJEPA và VCFTA sẽ có mức lộ trình giảm thuế dài hơn, tới các năm 2022 (AANZFTA), 2026 (AJCEP), 2030 (VCFTA).
Xét về mức độ cam kết, mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA dự kiến đạt khoảng 90 - 95% số dòng thuế trong tổng Biểu thuế nhập khẩu với thuế suất cuối cùng về 0% vào thời điểm 2018 - 2020 (ngoại trừ một số FTA có thời điểm kết thúc muộn hơn). Đây là mức độ tự do hóa cao, phù hợp với quy định quốc tế về mức độ mở cửa thị trường theo các quy định của WTO. Mức độ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong các hiệp định cho thấy, cam kết của Việt Nam trong ASEAN là cao nhất với tỷ lệ xóa bỏ thuế với hầu hết các mặt hàng (97%) vào năm 2018 (trừ 3% các dòng thuế nhạy cảm). Các hiệp định khác có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan thấp hơn: VJEPA (91%), AIFTA (78%), AJCEP (89%), ACFTA (90%), AKFTA (90%).
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong hội nhập WTO nói riêng và các FTA nói chung, việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng) được thực hiện theo cả 3 phương thức: (i) Cung ứng qua biên giới; (ii) Tiêu dùng ngoài lãnh thổ và (iii) Hiện diện thương mại. Theo đó, các công ty bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng nước ngoài được mở văn phòng đại diện, liên doanh từ năm 2007. Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh theo lộ trình 5 năm tiếp theo (2007 - 2012) tùy từng lĩnh vực. Trong khi lĩnh vực ngân hàng, cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài và mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2007, thì cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (từ năm 2008) và mở chi nhánh (từ năm 2012). Trong khi đó, năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đưa ra một số quy định thận trọng nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như hạn chế vốn góp của bên nước ngoài, giới hạn các dịch vụ được phép cung cấp; hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài5.
2.2. Tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam
Hội nhập kinh tế đã tạo ra tác động tích cực giúp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tính trung bình trong giai đoạn 2007 - 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 3 lần và đạt 298 tỷ USD vào năm 2014 (trong đó nhập khẩu là 147,8 tỷ USD và xuất khẩu là 150 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng trung bình hơn 17%, xuất khẩu tăng trưởng trung bình 19% (cao hơn 3 lần tăng trưởng GDP trung bình của giai đoạn này).
Hình 1. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, xuất khẩu và GDP giai đoạn 2007 - 2014
Đơn vị: %
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê
Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường FTA
Đơn vị: %
Stt | Tên nước, khu vực | Trước FTA | Sau FTA |
1 | ASEAN | - | 18* |
2 | Trung Quốc | 18 | 23 |
3 | Hàn Quốc | 13 | 31 |
4 | Nhật Bản | 15 | 19 |
5 | Australia | 11 | 11 |
6 | New Zealand | 3 | 37 |
7 | Ấn Độ | - | 53 |
8 | Chile | - | 59 |
Ghi chú: *Tốc độ tăng trưởng trung bình từ năm 2002 tới nay
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê
Về nhập khẩu, sử dụng mô hình lực hấp dẫn đối với một số đối tác chính trong giai đoạn 2007 - 2013 cũng cho thấy việc cắt giảm thuế quan từ hội nhập có tác động tích cực tới nhập khẩu, tạo ra hiệu ứng tạo lập thương mại cũng như hiệu ứng chuyển dịch thương mại của Việt Nam với các quốc gia đối tác. Trong đó, kết quả ước lượng cho thấy, việc giảm thuế suất nhập khẩu trung bình 1% sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu thêm 5,28%. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế suất từ các FTA cũng tạo ra hiệu ứng chuyển dịch kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước đối tác (trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia được hưởng nhiều lợi thế nhất từ hội nhập thuế quan)6. Dự báo, trong giai đoạn 2014 - 2018, tác động giảm thuế suất sẽ làm tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 2,9 điểm phần trăm, từ Nhật Bản 1,2 điểm phần trăm và Hàn Quốc là 1 điểm phần trăm.
Về xuất khẩu, Việt Nam đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi FTA nhằm tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, mặc dù xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU vẫn luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cơ cấu từng mặt hàng xuất khẩu cũng có những sự chuyển dịch tích cực khi chuyển dịch dần từ sản xuất các sản phẩm dệt may, giày dép, nông sản sang nhóm các sản phẩm máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại với tỷ trọng của nhóm này tăng lên 23,3% trong năm 2014 (so với 4,4% của năm 2007), trong đó điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (15,7%). Mặc dù vậy, xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn này vẫn chưa thực sự thay đổi về chất, các sản phẩm xuất khẩu chưa thực sự tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp, các nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu.
2.3. Tác động đối với thu ngân sách
Việc ký kết và tham gia vào các FTA có những tác động tích cực nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về thu NSNN và cải cách hệ thống chính sách thuế trong nước nhằm: (i) Bù đắp sự sụt giảm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu; (ii) Củng cố các sắc thuế nội địa để giảm sự phụ thuộc của NSNN vào các yếu tố bên ngoài; (iii) Xây dựng một hệ thống thuế hài hòa, công bằng, động viên hợp lý các nguồn thu NSNN và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tác động của việc cắt giảm thuế quan theo các FTA đến thu NSNN đều được nhìn nhận ở cả khía cạnh tích cực và thách thức.
Một mặt, việc cắt giảm mức thuế nhập khẩu đã làm giảm trực tiếp số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, đặc biệt là giai đoạn 5 năm trở lại đây. Xét về cơ cấu thu NSNN thì trong giai đoạn từ năm 1999 đến nay, thu NSNN từ xuất nhập khẩu có xu hướng giảm, từ 24% bình quân giai đoạn 1995 - 1999 (khi chưa thực hiện cắt giảm thuế quan theo AFTA) xuống còn 20% bình quân giai đoạn 2000 - 2010 và 18% bình quân giai đoạn 2011 - 2015.
Hình 2. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 1991 - 2015
Đơn vị: %
Nguồn: Bộ Tài chính
Trên cơ sở các số liệu có thể tiếp cận được từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan như kim ngạch nhập khẩu và mức thuế suất của từng nhóm hàng trong từng hiệp định ký kết, nhóm tác giả đã lựa chọn một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn theo từng hiệp định (ô tô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc, thiết bị máy móc phụ tùng điện tử và điện gia dụng, sắt thép, máy tính sản phẩm điện tử, xăng dầu các loại, vải các loại…) và tính toán mức thuế suất trung bình của từng nhóm hàng đó để tiến hành ước tính số giảm thu NSNN.
Phương pháp ước tính số giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu dựa trên cơ sở thu từ thuế nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào thuế suất và kim ngạch nhập khẩu. Phương trình có dạng
TNK = f(TM, IM), trong đó TM là thuế suất, IM là kim ngạch nhập khẩu. Cơ sở tính thuế nhập khẩu là lượng nhập khẩu, lượng nhập khẩu lại thay đổi theo giá hàng nhập khẩu và giá hàng nhập thay đổi theo mức thuế suất hàng nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu được tính toán dựa trên lượng nhập khẩu và giá hàng nhập khẩu nên về bản chất kim ngạch nhập khẩu sẽ thay đổi (tăng/giảm) phụ thuộc một phần vào mức thuế suất hàng nhập khẩu (tăng/giảm). Do đó, có thể vận dụng mô hình cân bằng từng phần để phân tích và tính toán độ co giãn của kim ngạch nhập khẩu theo mức thuế suất (có thể coi mức thuế suất là đại lượng chứa đựng thông tin có ý nghĩa về mặt thống kê thay cho biến giá hàng nhập khẩu làm đại diện để tính toán)7.
Sử dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô để ước tính số giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu do thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế theo một số FTA (ATIGA, ACFTA, AJCEP, VJEPA, AKFTA, AIFTA) cho thấy, số thu NSNN từ thuế nhập khẩu giảm với mức giảm bình quân 311,3 triệu USD/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước8.
Bảng 3. Dự báo số giảm thu thuế nhập khẩu theo một số FTA
Đơn vị: Triệu USD
Hiệp định | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
ATIGA | 40 | 89 | 98 | 154 | 166 | 179 |
ACFTA | 20 | 21 | 23 | -102 | -110 | -61 |
VJEPA | 58 | 83 | 129 | 136 | 225 | 284 |
AKFTA | 72 | 110 | 56 | 61 | 66 | 71 |
AIFTA | - | - | - | 9 | 19 | 21 |
Tổng | 191 | 303 | 305 | 249 | 347 | 473 |
Nguồn: Ước tính của Viện CL&CSTC
Mặt khác, việc cắt giảm thuế tạo tác động trực tiếp, làm giảm nguồn thu NSNN từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đồng thời cũng làm giảm thu NSNN từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hàng nhập khẩu do hai loại thuế này được xác định trên giá hàng hóa nhập khẩu đã tính đến thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, xét theo chiều ngược lại thì thuế nhập khẩu giảm sẽ làm giảm giá hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng), dẫn đến làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu, từ đó làm tăng kim ngạch nhập khẩu và tăng nguồn thu từ thuế nhập khẩu, thuế GTGT và thuế TTĐB hàng nhập khẩu. Vì thế, từ khi Việt Nam bắt đầu cắt giảm thuế quan đến năm 2011, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn liên tục tăng, kể cả từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.
2.4. Tác động đối với thị trường dịch vụ tài chính
Đánh giá chung cho thấy, các hiệp định FTA được ký kết có sự tham gia của Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng đối với việc mở rộng thị trường dịch vụ tài chính, tăng cường năng lực tài chính, quản trị của các thành viên tham gia cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường. Việc dỡ bỏ các hạn chế về ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm theo cam kết WTO cũng góp phần đáng kể vào cải thiện các trung gian tài chính và đổi mới dịch vụ tài chính.
Dịch vụ chứng khoán
Thực thi các cam kết hội nhập giúp tạo ra một thị trường chứng khoán (TTCK) với các dịch vụ tài chính phát triển, minh bạch, tăng hiệu quả hoạt động, mức độ cạnh tranh và tính thanh khoản cho thị trường. Cụ thể: (i) Giá trị giao dịch chứng khoán bình quân của nhà đầu tư nước ngoài tăng 8 lần so với giai đoạn 2001 - 2006, đạt 146.308 tỷ đồng vào cuối năm 2014 và khoảng 130.000 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015; (ii) Số lượng quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ tăng và công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài tăng lần lượt 1,8 lần; 2 lần và 7 lần giai đoạn 2007 - 2014, đạt 20 quỹ, 10 công ty quản lý quỹ, 20 công ty chứng khoán vào cuối năm 2014; (iii) Số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 2 lần trong giai đoạn 2007 - 2014, đạt 16.734 vào cuối năm 2014; tiếp tục tăng lên 18.301 tài khoản trong 9 tháng đầu năm 2015; trong đó số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 11 lần, từ 200 (năm 2007) lên 2.242 vào cuối năm 2014 và 2.790 vào cuối tháng 9/2015. Điều này đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư có tổ chức, góp phần cải thiện thanh khoản thị trường giao dịch thứ cấp.
Hình 3. Giá trị giao dịch và số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài
trên TTCK Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp từ HNX, HSX và UBCKNN
Thị trường bảo hiểm
Tác động của hội nhập kinh tế đối với từng phân ngành bảo hiểm là khác nhau. Các doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các doanh nghiệp bảo hiểm gốc. Các thể chế pháp lý được tăng cường, xoá bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Đặc biệt, số lượng các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tăng 1,5 lần giai đoạn 2007 - 2014, lên 26 công ty vào cuối năm 2014.
Lĩnh vực ngân hàng
Hệ thống ngân hàng được mở rộng với số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng tăng 1,7 lần trong giai đoạn 2007 - 2014, nâng tỷ trọng của nhóm ngân hàng này trong hệ thống ngân hàng tăng từ 40,6% (năm 2007) lên 54,1%, cho thấy sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống tài chính của nước ta. Bên cạnh đó, quy mô vốn của các ngân hàng trong hệ thống cũng tăng nhanh nhờ vào việc tìm kiếm đối tác chiến lược quốc tế, đặc biệt sau năm 2009. Tính đến cuối năm 2014, đã có 13 ngân hàng (gồm: ACB, Sacombank, Techcombank, VPBank, Eximbank, Habubank, Seabank, Phương Đông, Phương Nam, An Bình, VIB, Vietcombank, Vietinbank) chào bán thành công cổ phần cho đối tác nước ngoài đều là các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được từ việc ký kết các hiệp định FTA trên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được xem xét để hội nhập có thể hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính: (i) Trên TTCK, nguồn cung còn hạn chế, sản phẩm chưa đa dạng, do đó phần nào hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ các công ty chứng khoán nước ngoài và sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài cũng làm tăng mối lo ngại về bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột có thể sẽ gây mất ổn định cho hệ thống tài chính nói chung. (ii) Quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ, với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP của Việt Nam mới chỉ đạt mức hơn 2% (năm 2014), thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Thị trường tái bảo hiểm trong nước vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài và sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh hơn từ các doanh nghiệp này. (iii) Các ngân hàng Việt Nam vẫn còn hạn chế về chất lượng dịch vụ và công nghệ ngân hàng so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Áp lực cạnh tranh về vốn, mạng lưới cũng như đa dạng sản phẩm của các ngân hàng trong khu vực ASEAN+3 sẽ là những thách thức lớn đối với các NHTM trong nước. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác điều hành, giám sát hoạt động ngân hàng trong quá trình hội nhập.
3. Một số hàm ý chính sách
Nhìn chung, tác động của các FTA đến các thương mại, dịch vụ tài chính và thu NSNN là những tác động mang tính hai chiều (cơ hội và thách thức). Chính vì vậy, để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các cam kết FTA, trong thời gian tới, cần tập trung vào các vấn đề sau:
(i) Hoàn thiện chính sách về đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu đầu vào trung gian, tăng hàm lượng nội địa và GTGT cho hàng xuất khẩu; tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình hành động, đề án phát triển kinh tế, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, có GTGT cao, có lợi thế cạnh tranh; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các hình thức hợp tác, đầu tư trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngành, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các ngành sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách phát triển gắn kết mạng sản xuất với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng quốc tế.
(ii) Hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không xung đột với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia, bao gồm: Xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) nhằm bảo vệ người tiêu dùng, nhà sản xuất trong nước; đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu; xây dựng lộ trình hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.
(iii) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
(iv) Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao GTGT và sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; xúc tiến đẩy mạnh việc đàm phán ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
(v) Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường tài chính (hệ thống các tổ chức tín dụng, TTCK, doanh nghiệp bảo hiểm), tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập. Đồng thời, tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị của các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng tiến hành giám sát các chỉ tiêu an toàn tài chính, quản trị rủi ro theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chú trọng hơn đến vấn đề minh bạch hóa thông tin của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán - điều kiện tiên quyết quyết định giá trị của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài.
(vi) Tiếp tục xây dựng và cải cách hệ thống chính sách thuế theo hướng bền vững với việc ban hành và củng cố các sắc thu nội địa gắn với sản xuất - kinh doanh theo hướng mở rộng cơ sở đánh thuế, giảm mức thuế suất, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh để tạo nguồn thu bền vững cho NSNN trong quá trình cắt giảm thuế quan theo lộ trình của các cam kết FTA. Trong giai đoạn đến 2020, nên tập trung hoàn thiện chính sách thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế bất động sản và thuế tài nguyên theo hướng sau: (1) Nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT lên mức phù hợp trong trường hợp cần thiết với một lộ trình cụ thể; (2) Đối với thuế TNDN, nghiên cứu bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (quy định về vốn mỏng) để góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, chống chuyển giá gây thất thu NSNN; (3) Đối với thuế TNCN, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện hành cho phù hợp với mức sống dân cư bình quân; (4) Rà soát, điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên nhằm khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công thương (2013), Báo cáo quốc gia phục vụ rà soát thương mại trong khuôn khổ WTO, tháng 9/2013.
2. Dương Hoàng Linh (2015), Ảnh hưởng của hội nhập thuế quan đối với cơ cấu nhập khẩu, Tài chính Việt Nam 2014 - 2015.
3. Hiệp hội doanh nghiệp dệt may (Vitas, 2015), Báo cáo ngành dệt may 2014.
4. Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam (2015), Tổng hợp số liệu xuất nhập khẩu giày dép, túi xách và nguyên phụ liệu năm 2014.
5. IBM Bỉ, DMI, Ticon, TAC và nhóm nghiên cứu (12/2009), Hội nhập kinh tế và sự phát triển ở Việt Nam.
6. Lê Thị Thùy Vân và Lê Minh Hương (2015), Hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ FTAs và TPP: Thuận lợi và thách thức đối với các ngành hàng, Tạp chí Nghiên cứu tài chính kế toán, số tháng 6/2015.
7. Mutrap (2011), Báo cáo đánh giá tác động của quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.
8. Mutrap (2010, 2011), Đánh giá tác động của FTA đối với nền kinh tế Việt Nam.
9. Tổng cục Hải quan, Báo cáo xuất khẩu hàng hóa 2012, 2013, 2014.
10. ADB (2010), Methodology for Impact Assessment of Free Trade Agreements.
11. Benedictis, L.D và Taglioni, D. (2010), The Gravity Model in International trade, Báo cáo đánh giá tác động của các FTA đối với kinh tế Việt Nam.
12. Bao Tran, Bernice Ong, Scott Weldon (2015), Vietnam Banking Industry Report, Publish by Duxton Asset Management 23/01/2015.
13. Glenn P. Jenkins, Chun-Yan Kuo và Gangadhar P. Shukla (2000), Tax analysis and revenue forecasting, Harvard Institute for International Development, Harvard University.
14. Nello, Susan S. (2009), The European Union: Economics, Policies and History, Maidenhead: McGraw Hill Education.
15. Paul Brenton, Mombert Hoppe, Erik von Uexkull (2007), Evaluating the revenue effects of trade policy options for COMESA countries: the impact of a customs union and an EPA with the European union, World Bank.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3 tháng 12/2015
*1 ThS. Nguyễn Thị Lê Thu, ThS. Dương Hoàng Linh, ThS. Phạm Thị Tường Vân, ThS. Nguyễn Thị Hải Thu và ThS. Phạm Thị Thu Hồng.
*2 Mô hình cân bằng tổng thể khả toán là phương pháp phân tích sử dụng các công cụ toán và máy tính nhằm mô phỏng một nền kinh tế như một hệ thống bao gồm các bộ phận (các ngành sản xuất, hộ gia đình, nhà đầu tư, chính phủ, nhà xuất khẩu và nhập khẩu) có quan hệ chặt chẽ với nhau dưới dạng một hệ phương trình nhiều ẩn được giải đồng thời.
*3 Mutrap (2010); Andrew Szamosszegi và Daniel Klett (2013); Paul Brenton, Mombert Hoppe và Erik von Uexkull (2007).
*4 FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA); Việt Nam - Chile (VCFTA), Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EUUV - FTA), Việt Nam - EU (EVFTA).
*5 Với hạn chế vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49% trong lĩnh vực chứng khoán và 30% trong lĩnh vực ngân hàng.
*6 Trong giai đoạn 2007 - 2009, việc hội nhập thuế quan làm tăng 6,18% kim ngạch nhập khẩu và tăng 0,62 điểm phần trăm tỷ trọng nhập khẩu từ Nhật Bản trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam; tăng 13,76% kim ngạch nhập khẩu và tăng 1,24 điểm phần trăm tỷ trọng nhập khẩu của Hàn Quốc trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.Trong giai đoạn 2010 - 2013, hội nhập thuế quan giúp tăng 16,85% kim ngạch nhập khẩu và làm tăng khoảng 4,2 điểm phần trăm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.
*7 Các giả định ban đầu: Tỷ giá ngoại tệ không đổi, mức thuế suất trung bình từng nhóm hàng các năm tiếp theo từ năm 2015 trở đi bằng với mức thuế suất của năm 2014 và kim ngạch nhập khẩu các năm tiếp theo được tính theo tốc độ tăng trung bình của giai đoạn 2011 - 2013.
*8 Cụ thể: Hiệp định ATIGA ước tính làm giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu trung bình 121 triệu USD trong giai đoạn 2015 - 2020; ACFTA ước tính làm giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu trung bình giai đoạn năm 2015 - 2017 là hơn 21 triệu USD mỗi năm so với năm trước liền kề; VJEPA ước tính làm giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu bình quân 152,3 triệu USD/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 với xu hướng năm sau cao hơn năm trước (trong đó số giảm thu chủ yếu ở các nhóm hàng xe máy nguyên chiếc, vải các loại, sắt thép, hóa chất); AKFTA ước tính giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu là 72 triệu USD/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 (chủ yếu từ nhóm hàng sắt thép, nhóm xăng dầu, nhóm máy tính linh kiện điện tử…); AIFTA ước tính giảm thu NSNN từ thuế nhập khẩu từ một số nhóm hàng năm 2018 khoảng 9 triệu USD, năm 2019 khoảng 19 triệu USD, năm 2020 khoảng 21 triệu USD, năm 2021 khoảng 24 triệu USD.