Vấn đề quốc hội quan tâm Giải quyết nợ vì đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản

Vấn đề quốc hội quan tâm Giải quyết nợ vì đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản 12/11/2003 09:14:00 344

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Vấn đề quốc hội quan tâm Giải quyết nợ vì đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản

12/11/2003 09:14:00

Không phải ở diễn đàn Quốc hội, mà ngay ở địa phương người ta cũng than phiền nhiều về việc nợ nhiều và đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản. Chẳng hạn những năm đầu thập kỷ 90, ở Hà Tĩnh khi đó làm đầu tư cũng thường xuyên bị các hội nghị quan trọng của tỉnh chất vấn về vấn đề nợ nhiều và đầu tư dàn trải. Làm thế nào để hiểu đúng và có biện pháp giải quyết vấn đề này?

 

Nguyên nhân của nợ nhiều trong xây dựng cơ bản

 

Ở đây có nhiều nguyên nhân  mà trước hết là nguồn đầu tư. Khi xây dựng kế hoạch, nếu kế hoạch chỉ xác định đúng cân đối giữa bố trí đầu tư và nguồn thì không bao giờ có nợ; hay nói đúng hơn là nợ cũng chỉ do chậm nguồn. Nếu chúng ta cứ do yêu cầu nào đó mà bố trí không tính trước được nguồn đầu tư thì không thể tránh được chuyện nợ mà như vậy là rất nguy hiểm. Cũng vì thế mà một số nhà thầu dễ bị phá sản. Vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các nhà thầu là khi tham dự thầu công trình nào phải biết rất rõ nguồn ở đâu. Vấn đề tối quan trọng nữa là các cấp lãnh đạo địa phương không được hăng hái bố trí đầu tư khi chưa xác định được nguồn vốn. Cần phải định nghĩa nợ là gì? Để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai. Ví dụ: có hội nghị UBND tỉnh , tài chính báo cáo nợ xây dựng cơ bản lên đến 39 tỷ, vượt cả số ngân sách xây dựng cơ bản trong năm đó. Nợ là những công trình được UBND tỉnh bố trí, Hội đồng ND tỉnh thông qua mà làm xong chưa được thanh toán. Cũng năm đó khi soát lại thực chất nợ có hơn 5 tỷ đồng. Vậy lấy đâu ra con số 39 tỷ đồng, đó là sự thống kê từ xã, huyện lên, những  công trình chưa được ghi kế hoạch mà cứ quyết làm chưa có nguồn, tất nhiên làm xong là nợ.

 

Ngoài ra, một nguyên nhân để sinh nợ đó là sự phát sinh của công trình trong quá trình xây dựng. Sự phát sinh này thường do thiết kế, dự toán, đấu thầu chưa thật đầy đủ trách nhiệm. Cho nên, cần nghiêm khắc trong khi xem xét, xử lý phát sinh và quy rõ trách nhiệm vì cái gì, vì ai mà phát sinh. Có những công trình phát sinh đến 20 đến 30%, có khi lên đến 40% thì thật là nguy hiểm, không nợ sao được.

 

Ngay trong việc xử lý nợ hàng năm cũng cần làm việc thật cụ thể và nghiêm túc để những khoản nợ được xử lý đều có cơ sở và được đồng tình cao. Cũng để cho những cấp chưa có nguồn mà vẫn bố trí, rút được bài học bằng cách hãy trả hết nợ đã, rồi mới cho phép bố trí xây dựng mới.

 

Chúng ta phải hết sức nghiêm túc trong việc bố trí xây dựng cơ bản (từ xã lên Trung ương); các nhà thầu cũng không nên dự thầu khi chưa biết rõ nguồn và hãy quy trách nhiệm cụ thể cho từng người trong việc bố trí đầu tư.

 

Bốn vấn đề đặt ra

 

Cái sợ nhất không phải là sự dàn trải, mà cái sợ nhất là xây dựng công trình kéo dài. Cũng có thể ít vốn mà bố trí dàn trải thì đẻ ra tình trạng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng. Nhưng cũng rất khó cho các địa phương là nhiều đơn vị huyện, thị xã, nhiều ngành bố trí thế nào chứ không thể sắp hàng dằng dặc được. Ai đã làm đầu tư thì rất thấm thía điều này. Thế nhưng, nếu kiên quyết và nâng cao trách nhiệm trước dân thì bài toán khó này cũng có thể giải quyết được.

 

Trước hết, các nhà kế hoạch cần phải vạch cho được một quy hoạch hay một kế hoạch dài hạn về đầu tư xây dựng cơ bản ở các ngành và các địa phương. Kế hoạch hay quy hoạch này phải được thảo luận kỹ và thống nhất từ cơ sở.

 

Thứ hai là xác định rõ bước đi, cái gì làm trước, cái gì làm sau với 2 yêu cầu vừa đảm bảo công bằng giữa các vùng miền, các địa phương, nhưng cũng cần phải lấy yêu cầu cần thiết cho sự phát triển làm chính.

 

Thứ ba là đặt rõ số công trình và hạng mục công trình đưa vào sử dụng trong năm, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nêu một chỉ tiêu quan trọng là 70% số công trình và hạng mục công trình đưa vào sử dụng trong năm. Thế là vấn đề không phải dàn trải hay không dàn trải mà là vấn đề đầu tư phải đưa vào sử dụng sớm, có nhiều khi không đòi hỏi phải toàn bộ dự án, công trình mà chỉ một phần, vấn đề là có đưa vào sử dụng được hay không.  Muốn làm được điều này trước hết đòi hỏi các nhà kế hoạch phải tính toán thật kỹ lưỡng. Sự kỹ lưỡng này cho phép chúng ta trong một lượng vốn nhất định, chưa thật dồi dào lắm vẫn bố trí đầu tư có hiệu quả. Nếu sự dàn trải đi theo là bố trí kéo dài, thì thật là đáng phê phán. Vậy là, chỉ tiêu 70% công trình và hạng mục công trình đưa vào sử dụng trong năm nó sẽ chống được sự dàn trải kéo dài và cũng sẽ nâng cao được trách nhiệm các nhà đầu tư cũng như các cấp lãnh đạo.

 

Vấn đề cuối cùng, để giảm nợ và chống bố trí dàn trải kéo dài là việc bố trí kế hoạch xây dựng cơ bản phải đảm bảo đủ các điều kiện, có nghĩa là dự án hay công trình đó phải có đủ thủ tục được duyệt (chủ trương, dự án được duyệt, thiết kế, dự toán, kết quả chọn thầu, nguồn ...) kiên quyết không ghi kế hoạch dự toán, công trình, không đủ thủ tục. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý đúng mức.

TBTC 12/11/2003