Pháp lệnh Phí và Lệ phí sau hai năm thực hiện: Doanh nghiệp giảm chi phí, Nhà nước vẫn bảo đảm thu

Pháp lệnh Phí và Lệ phí sau hai năm thực hiện: Doanh nghiệp giảm chi phí, Nhà nước vẫn bảo đảm thu 11/11/2003 08:55:00 376

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Pháp lệnh Phí và Lệ phí sau hai năm thực hiện: Doanh nghiệp giảm chi phí, Nhà nước vẫn bảo đảm thu

11/11/2003 08:55:00

 

Sau khi thực hiện Pháp lệnh Phí và Lệ phí từ 1-1-2002, con số hàng nghìn khoản phí và lệ phí nay chỉ gói gọn trong 285 khoản, trong đó có 265 khoản thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, số còn lại (20 khoản phí) thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh. Nhờ đó, doanh nghiệp đã giảm được nhiều chi phí, nhưng Nhà nước vẫn bảo đảm nguồn thu.

Cơ chế mới

Từ chỗ tổ chức, cơ quan nào cũng có thể tuỳ tiện thu phí, lệ phí, thực hiện Pháp lệnh Phí và Lệ phí, thẩm quyền ban hành chỉ thuộc về Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong tổng số 285 khoản phí, lệ phí đó không phải tất cả đều đã được triển khai thực hiện. Theo ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, có những khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục nhưng vẫn chưa thu được như phí bảo đảm hàng hải, phí tần số vô tuyến điện... vì " sợ" khi đã thu không "bảo đảm" được... Tương tự, có 20 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương song các địa phương chưa nhất thiết phải thu ngay mà tùy điều kiện từng địa phương. Ông Quách Đức Pháp cho biết, trên cơ sở danh mục chi tiết đó, việc ban hành và tổ chức thực hiện đối với từng khoản chi tiết thuộc từng ngành, từng lĩnh vực phải căn cứ vào kết quả rà soát phí, lệ phí hiện có để ban hành mới hoặc hướng dẫn bổ sung. Đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Trung ương, đến nay đã sửa đổi văn bản hướng dẫn đối với 50 khoản phí, lệ phí; có 126 khoản phí, lệ phí đã được ban hành theo Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30-1-1999. Đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, qua báo cáo của 57/61 tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo, có 48 tỉnh, thành phố công bố bãi bỏ hơn 203 khoản phí, lệ phí chi tiết do các ngành thuộc địa phương ban hành không còn hiệu lực thi hành. Dẫn đầu các địa phương có số phí, lệ phí bãi bỏ nhiều nhất là Cà Mau (15 khoản), Quảng Trị (20 khoản), Đà Nẵng (11 khoản), Phú Yên (11 khoản) , Ninh Bình (10 khoản), Tiền Giang (9 khoản)...

Kết quả ban đầu

150 tỷ đồng là số tiền chi phí đầu vào cho doanh nghiệp được giảm mỗi năm do việc bãi bỏ ngay 140 khoản phí, lệ phí thuộc các bộ, ngành Trung ương và 105 khoản thuộc các địa phương. Con số này còn có một ý nghĩa lớn hơn là góp phần giảm bớt được các thủ tục phiền hà, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo quy định mới từ 1-3-2003, do có nhiều hình thức vé phong phú, thu gọn 35 mức thu xuống còn bảy mức thống nhất với mệnh giá giảm chung 20% so với trước cùng với việc mở rộng diện áp dụng vé tháng cho tất cả các phương tiện đã góp phần tiết kiệm cho toàn xã hội khoảng 25 tỷ đồng tiền mua phí cầu, đường bộ, trong đó khối doanh nghiệp giảm được chi phí khoảng 25 tỷ đồng/ tháng, nhiều đơn vị chuyên vận tải đã giảm được 75% - 80% tiền mua phí sử dụng cầu đường.

Đối với hoạt động xuất khẩu, việc thực hiện bãi bỏ các khoản phí, lệ phí  như phí, lệ phí kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất khẩu; phí, lệ phí kiểm dịch thực vật và sản phẩm thực vật xuất khẩu...; miễn phí, lệ phí đến hết tháng 12-2002 đối với lệ phí cấp hạn ngạch xuất  khẩu hàng hoá; phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu; phí, lệ phí hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu... đã tác động làm giảm chi phí cho xuất khẩu khoảng 170 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực vận tải biển, việc rà soát, điều chỉnh giảm 30% mức thu phí trọng tải và phí bảo hiểm hàng hải đối với tàu vận tải quốc tế (đối với tàu thuỷ vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam còn được giảm 50% so với tàu nước ngoài). Mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với tàu thuỷ vận tải nội địa chỉ bằng 6,2% mức thu phí, lệ phí hàng hải quốc tế đã góp phần giảm bớt chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu mỗi năm khoảng 90 tỷ đồng. Đặc biệt từ 25-4-2003, các doanh nghiệp còn có điều kiện giảm thêm chi phí sau khi Bộ Tài chính ban hành các quyết định giảm tiếp từ 10%-30% mức thu phí, lệ phí khu vực cảng biển, giảm hơn 50% phí kiểm tra nhà nước đối với hàng hoá xuất nhập khẩu...

Ông Quách Đức Pháp cho biết, mặc dù bãi bỏ được nhiều loại phí, lệ phí, giảm bới nhiều mức thu liên quan đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nhưng nhờ có cơ chế mới rõ ràng hơn, quản lý thu nộp tốt hơn, hạn chế bớt lợi dụng trốn tránh cho nên số thu vẫn bảo đảm. Năm 2002, số thu phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được 7.346 tỷ đồng, đạt 104,3% dự toán năm, tăng 17,8% so với năm trước; tám tháng đầu năm 2003, số thu này đã đạt 5.282 tỷ đồng; ước thực hiện chín tháng đầu năm thu được 5.900 tỷ đồng, bằng 72% dự toán năm, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Với tiến độ thu như trên, Bộ Tài chính dự kiến số thu năm 2003 có thể đạt được dự toán đề ra.

Theo kế hoạch, sắp tới sẽ có một loạt các công việc được triển khai như rà soát các loại phí, lệ phí đang được thực hiện, phối hợp với các bộ triển khai việc sửa đổi học phí, viện phí, thuỷ lợi phí, phí kiểm dịch thực vật, động vật: Trình ban hành Thông tư hướng dẫn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí... "Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh và quan trọng hơn là lập lại trật tự, kỷ cương trong việc ban hành, tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá và cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước"- ông Pháp nói.

Theo ND 11/11/2003