Sau khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 9493 xử lý vướng mắc Thông tư 64/2003/TT-BTC, ngày 1/7/2003 đã có một số thắc mắc của doanh nghiệp trong khu chế xuất (KCX). Trước đây, Việt Nam chưa cắt giảm nhiều, thì mức chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt (CEFP/AFTA) không lớn, thậm chí bằng nhau. Tuy nhiên, từ 2 năm trở lại đây, thì mức chênh lệch lớn, nên phát sinh ra chuyện thắc mắc. Vậy, những hàng hoá nằm trong các khu chế xuất của Việt Nam bán vào thị trường nội địa liệu có được hưởng thuế suất CEPT/AFTA không? Phóng viên Thời báo Tài chính đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Bạch Thị Minh Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế - Bộ Tài chính.
Hỏi: Đã có những kiến nghị ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành công văn số 9493/TC-TCHQ về xử lý vướng mắc trong Thông tư 64, loại bỏ việc cho phép hàng hoá trong khu chế xuất bán vào thị trường nội địa được hưởng thuế suất CEPT. Thực chất vấn đề này là gì? Mức độ phù hợp với mục đích thành lập các khu chế xuất của Nhà nước như thế nào?
Trả lời: Thực tế, chúng tôi đã nhận được những kiến nghị của các doanh nghiệp đang thực hiện xuất hàng từ khu chế xuất vào thị trường nội địa, đồng thời cả công văn số 01/TTHBA của các doanh nghiệp trong KCX, Hiệp hội các doanh nghiệp trong KCX, Ban quản lý các khu công nghiệp - KCX TP Hồ Chí Minh gửi lên Chính phủ đề nghị cho tiếp tục thực hiện văn bản hiện hành của Bộ Thương mại, “về sản phẩm từ KCX bán vào thị trường nội địa được hưởng thuế suất CEPT/AFTA”. Sau khi nhận được kiến nghị đó, Thủ tướng Chính phủ gửi toàn bộ tài liệu liên quan tới Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã xử lý các văn bản đó, đồng thời cử đoàn công tác vào TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, làm việc với Ban quản lý và các doanh nghiệp đã có hàng xuất vào thị trường nội địa.
Trong nhiều nội dung của công văn 9493/TC-HTQT ngày 12/9/2003 , có một điều quy định: “việc hàng hoá nhập khẩu từ khu chế xuất thành lập tại Việt Nam bán vào thị trường nội địa thì không được hưởng thuế suất CEPT/AFTA”. Xét theo cơ sở pháp lý của công văn 9493, việc “không cho áp dụng CEPT” thì hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ pháp lý trong nước và quốc tế. Nhiều dẫn chứng xác đáng để chứng thực tính pháp lý của công văn 9493. Thứ nhất, Luật thuế Xuất nhập khẩu đã ghi rõ: “CEPT/AFTA chỉ áp dụng khi quốc gia này và quốc gia khác có ký kết với nhau”. Nếu một bên ưu đãi thuế thì bên kia cũng sẽ thực hiện ưu đãi tương tự. Do đó, CEPT chỉ được thực hiện khi những nước xuất hàng sang các nước khác khi hàng hoá được xuất có xuất xứ từ nước có ký kết thoả thuận ưu đãi đặc biệt lẫn nhau, không đề cập gì đến việc hàng xuất từ KCX vào thị trường nội địa. Khu chế xuất nằm trên lãnh thổ của nước nào thì phải tuân thủ theo chính sách riêng của Chính phủ nước đó.
Đó là khuôn khổ pháp lý trong nước; còn theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, Hiệp định CEFT/AFTA là thoả thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Hàng hoá của ASEAN nhập vào Việt Nam và ngược lại thì đều được hưởng CEPT. Tuy nhiên, trong Hiệp định không quy định riêng về thuế ưu đãi đặc biệt đối với hàng hoá của các doanh nghiệp KCX thành lập ở các nước thành viên khi bán vào thị trường nội địa nước đó. Vì đó là chuyện nội bộ của từng quốc gia.
Trong việc thành lập KCX ở Việt Nam, mục tiêu của Nhà nước là phải sản xuất ra các sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài, chứ không phải để xuất vào thị trường nội địa. Do vậy, nhà nước cho rất nhiều ưu đãi, để làm cầu nối liên kết với doanh nghiệp trong nước và đưa hàng hoá của việt Nam ra nước ngoài. Cho nên, không phải là đương nhiên cứ có Hiệp định ưu đãi CEPT/AFTA với các nước ASEAN là các doanh nghiệp ở KCX đương nhiên hưởng những ưu đãi đấy.Việc ra văn bản 9493 phù hợp với pháp luật trong nước và quốc tế.
Hỏi: Bà có thể cho biết tình hình về thuế nhập khẩu của hàng ở KCX bán vào thị trường nội địa trong thời gian qua?
Trả lời: Trước năm 1999 các doanh nghiệp ở KCX có hàng bán vào thị trường nội địa thì vẫn thực hiện thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), chứ không phải thuế ưu đãi đặc biệt (CEPT) như là hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Thế nhưng từ khi Bộ Thương mại có công văn 0448/TM/XM ra ngày 30/1/1999 đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cho phép sản phẩm của doanh nghiệp ở KXC nếu được Ban quản lý công nghiệp KCX cấp xuất xứ ASEAN (C/O form D) thì được tính thuế theo thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT (nếu có) khi nhập vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là công văn Bộ Thương mại gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để nghiên cứu, tổng hợp chứ không phải Bộ Thương mại có quyền ra chính sách này. Thêm vào đó, Bộ Thương mại cũng lại gửi công văn này gửi tới Ban quản lý công nghiệp - KXC TP Hồ Chí Minh, và các doanh nghiệp trong KCX nắm được thông tin đó. Do vậy, họ đã tưởng là việc được hưởng CEPT là do Bộ Thương mại quyết định. Thực chất không có văn bản chính thức nào của Bộ Tài chính (nơi có thẩm quyền ban hành những chính sách về thuế); nhưng trong thực tiễn, việc áp dụng CEPT đã thực hiện tư năm 1999, và đến khi Bộ Tài chính ra văn bản 9493 thì gây ra phản ứng của doanh nghiệp.
Qua thống kê, giá trị hàng hoá của doanh nghiệp ở KXC được cấp C/O form D so với hàng của các doanh nghiệp đó bán vào thị trường nội địa chỉ chiếm chưa đầy 3,6% (năm 2000), 6,43% (2001), 11,15% (năm 2002); và nếu so với tổng lượng hàng hoá sản xuất ra thì chỉ chiếm 1,5-2%. Số lượng doanh nghiệp có hàng hóa được cấp C/O form D cho hàng hoá xuất bán vào thị trường nội địa Việt Nam chỉ khoảng 15 doanh nghiệp, bằng 1/10 số doanh nghiệp trong KCX. Tức là, ảnh hưởng của vấn đề này không lớn nhưng các doanh nghiệp lại kêu nhiều. Chủng loại hàng hoá của KCX bán vào nội địa chủ yếu là hàng tiêu dùng mà các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được( như giấy, thùng cát tông, rau quả sấy khô,...). Mức chênh lệch về thuế ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt tương đối lớn, từ 15-30%. Mức chênh lệch chủ yếu là 30%. Nếu lấy mức chênh lệch trung bình là 20% thì phần chênh lệch thuế phải nộp giữa thuế suất ưu đãi (MFN) và ưu đãi đặc biệt (từ năm 1999 đến nay) khoảng 15 tỷ đồng. Do vậy, tình trạng doanh nghiệp trong KCX cho rằng họ không được cho hưởng CEPT làm ảnh hưởng trầm trọng tới sản xuất kinh doanh là kiến nghị không thoả đáng. Bởi số lượng hàng họ sản xuất ra chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng hàng bán ra. Hơn nữa, hàng bán vào nội địa không phải là những mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước không sản xuất được.
Hỏi: Vậy việc không cho hưởng CEPT thì sẽ có những điểm gì phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế ?
Trả lời: Như chúng ta đã biết, Nhà nước có ưu đãi rất lớn cho doanh nghiệp trong KCX, như: áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt từ khi thực hiện dự án, trong khi đó, doanh nghiệp bên ngoài phải chịu từ 25% -32%; hay hàng hoá được nhập từ nước ngoài đưa vào KCX được miễn thuế nhập khẩu; hàng hoá của Việt Nam cung cấp vào doanh nghiệp trong KXC được miễn thuế giá trị gia tăng, tức là coi như xuất khẩu và được hoàn thuế; thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong KCX là 3%, còn các doanh nghiệp nội địa phải chịu ba mức 3%, 5%, 7%; ngoài ra còn được hưởng ưu đãi khác như về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính.
Việc không cho áp dụng CEPT đối với hàng từ KCX bán vào thị trường nội địa sẽ có nhiều điểm thuận lợi về phát triển kinh tế trong nước, cũng như tạo được mối quan hệ tốt với các nước trong khu vực. Thứ nhất, việc không cho đồng nghĩa với sự nhất quán với chủ trương chính sách của nhà nước. Đảm bảo nghiêm chỉnh mục đích thành lập khu chế xuất là thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời là cầu nối với doanh nghiệp nội địa để đưa hàng ra nước ngoài. Đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong KCX và doanh nghiệp ngoài KCX; tránh tính trạng doanh nghiệp trong KXC không tìm cách mở rộng hàng ra nước ngoài mà đưa vào thị trường nội địa. Nếu cho áp dụng thì sẽ không đạt được mục tiêu khuyến khích xuất khẩu ban đầu mà Chính phủ và Nhà nước Việt Nam dành nhiều ưu đai đặc biệt cho KCX. Các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được nhưng lợi thế đó để xuất khẩu ra nước ngoài, cạnh tranh không bình đẳng với hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp ngoài KCX. Điều đó sẽ lại gây phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa.
Hỏi: Phương án giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp như thế nào?
Trả lời: Bộ Tài chính đã có báo cáo trình Chính phủ. Một là vẫn giữ hiện hành. Hai là cho áp dụng nhưng ở mức độ nhất định. Nếu Chính phủ đồng ý với phương án hai, các doanh nghiệp sẽ được áp dụng CEPT trong phạm vi 20% giá trị hàng hoá bán vào thị trường nội địa với điều kiện có C/O form D chứng nhận 40% hàm lượng trở lên được sản xuất tại ASEAN. Ban quản lý KCN và KCX sẽ cấp C/O form D và có trách nhiệm kiểm soát lượng hàng bán vào nội địa được hưởng CEPT. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ không truy thu thuế nhập khẩu với số hàng hoá mà một số doanh nghiệp trong KCX đã bán vào thị trường nội địa được hưởng CEPT từ năm 1999 đến nay.
Xin cảm ơn bà!
TBTC 12/11/2003