Những năm gần đây, dệt may đã có bước tăng trưởng vượt bậc, hiện đang cùng với dầu thô trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị kim ngạch lớn nhất. Tuy nhiên trong khi đẩy mạnh xuất khẩu, xâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài thì ngành Dệt may Việt Nam lại hầu như bỏ ngỏ thị trường nội địa, để mặc cho sản phẩm của Trung Quốc và các nước láng giềng chiếm lĩnh từ thị trường thành thị đến nông thôn.
Theo tính toán của các chuyên gia thương mại, nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của thị trường trong nước tương đương 389 nghìn tấn sản phẩm dệt/năm và mức tăng trưởng hàng năm sẽ khoảng 5%/năm. Tuy mức tiêu dùng còn nhỏ như vậy nhưng xét về tương quan thì quy mô thị trường nội địa không quá nhỏ bé so với thị trường xuất khẩu: năm 2000, tổng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD thì tiêu thụ nội địa cũng khoảng 1 tỷ USD; năm 2002 con số tương ứng là 2,75 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Ngoài đặc điểm là dung lượng thị trường khá lớn và tiềm năng tăng trưởng khá, thị trường dệt may nội địa còn có yếu tố thuận lợi là khá "dễ tính". Gọi là "dễ tính" bởi chỉ có một bộ phận dân cư thành thị, có thu nhập cao mới đòi hỏi có sự lựa chọn kỹ càng cả về kiểu dáng, chất lượng và mẫu mã... còn đa số người dân nông thôn thì yếu tố "ăn chắc, mặc bền" lại được đặt lên hàng đầu. Đồng thời trong xu thế tiêu dùng hàng may mặc hiện nay, hàng may sẵn đang có lợi thế bởi yếu tố nhanh gọn, đơn giản, tiện lợi, giá rẻ lại phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Thế nhưng, nhận thức được cơ hội lớn y không phải các DN Việt Nam mà lại là các DN Trung Quốc. Trong một báo cáo chuyên đề về thị trường dệt may tại hội thảo "Phát triển thị trường nội địa", TS. Thân Danh Phúc, Trường Đại học Thương mại cho biết, hàng Trung Quốc đã chiếm tới 60% thị trường tiêu dùng dệt may trong nước của Việt Nam . Một khảo sát sơ bộ cho thấy, giá áo sơ mi cộc tay xuất khẩu của Việt Nam khoảng 65.000-70.000 đồng/chiếc, dài tay 100.000-130.000 đồng/chiếc trong khi đó hàng Trung Quốc loại đẹp giá chỉ khoảng 35.000-40.000 đồng/chiếc cộc tay và 75.000-80.000 đồng/chiếc dài tay... Chính vì vậy hàng Trung Quốc dù chất lượng không cao nhưng với giá rất rẻ, hợp thời trang, mầu sắc phong phú và thay đổi thường xuyên nên vẫn được đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận, nhất là tầng lớp dân cư có thu nhập từ thấp đến trung bình và khá. Không những thế, một bộ phận dân cư có thu nhập cao lại chuyển sang tiêu dùng hàng may mặc cao cấp, nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... hoặc may đo.
Không thể phủ nhận là hàng may mặc nội địa cũng có nhiều thương hiệu nổi tiếng, có vị thế vững chắc như Việt Tiến, May 10, Thành Công, Thăng Long... Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp lại chưa m y quan tâm đến thị trường trong nước. Một cuộc điều tra khảo sát của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Tổ chức JICA (Nhật Bản), trong 10 công ty may được phỏng vấn, Công ty May 10 đạt tỷ trọng cao nhất cũng chỉ có 18% năm 1999 và 21,5% năm 2000, cá biệt có công ty không có hàng tiêu thụ nội địa, các công ty còn lại có tỷ trọng tiêu thụ nội địa trung bình dưới 10%. Sự thờ ơ này không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả cấp trên nữa là Tổng công ty Dệt may và Hiệp hội Dệt may. Bởi lẽ trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2010 của Bộ Công nghiệp và Chiến lược tăng tốc phát triển ngành dệt may đến năm 2010 của Tổng công ty Dệt may Việt Nam đều hầu như không "nhắc" đến vấn đề phát triển thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia thương mại, có 2 yếu tố khiến DN Việt Nam bỏ lỡ cơ hội tại thị trường nội địa. Thứ nhất là giá nhập khẩu hàng Trung Quốc quá rẻ, chỉ bằng 1/3 đến 1/4 giá bán của hàng may uỷ thác để xuất khẩu. Thứ hai là thiếu những nhà phân phối lớn, chuyên kinh doanh hàng may mặc chất lượng cao. Hiện tại các công ty may Việt Nam nếu muốn bán sản phẩm trong nước đều phải mở các cửa hàng đặc biệt của chính họ hoặc bán qua các đại lý. Gánh nặng tài chính trong lưu kho và hình thành các kênh phân phối cùng với sự tràn lan của hàng lậu và hàng nhái của các hãng nổi tiếng là quá lớn đối với các công ty may của Việt Nam . Mặt khác ngành may Việt Nam lại đang phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài. Nhiều công ty may lớn của Việt Nam trong khi làm hàng xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa đã phải nhập tới 80% nguyên liệu, 20% còn lại là các loại nguyên liệu phụ được tiếng là mua ở trong nước nhưng trong số đó vẫn có thứ phải nhập ngoại như khoá, chỉ... Về phía Nhà nước, hiện vẫn còn nhiều yếu tố gây bất lợi cho việc phát triển thị trường nội địa ngành dệt may như chính sách xuất xứ hàng hoá nhập khẩu chưa được thực hiện; chính sách thuế chưa có tác dụng khuyến khích đủ mạnh đối với việc sử dụng nguyên liệu trong nước do đó chưa tạo điều kiện phát triển sản xuất đầu vào cho sản phẩm dệt may; cơ sở hạ tầng trong nước còn yếu kém làm hạn chế khả năng mở rộng thị trường và cuối cùng là chính sách quản lý hàng nhập khẩu còn lỏng lẻo đã kéo dài tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa hàng lậu với hàng hoá trong nước càng gây thêm khó khăn cho các DN.
Vậy làm thế nào để giúp các DN trong nước phát triển thị trường nội địa? Theo TS Thân Danh Phúc, cần phải giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may nội địa; Đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng; Khả năng cung ứng sản phẩm dệt may cho thị trường nội địa và nâng cao hiệu quả, tiến tới giảm dần nhập khẩu nguyên liệu ngành may, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Muốn làm được như vậy, Nhà nước phải tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN trong nước phát triển thị trường nội địa; quan tâm giải quyết những vướng mắc của DN và hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng buôn lậu, trốn thuế hàng nhập khẩu nói chung và hàng may mặc nói riêng. Với ngành may, cần có sự quan tâm hơn nữa đối với thị trường trong nước thông qua việc xác lập và tổ chức có hiệu quả các quan hệ liên ngành; trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2010, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu, các ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho thích hợp. Về phía DN, ngoài việc tăng cường sức cạnh tranh qua việc giảm chi phí, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ, kỹ thuật... còn phải quan tâm hơn nữa đến thị trường tiêu dùng bậc trung bình và thấp và điều quan trọng là xác định việc xây dựng, quảng bá thương hiệu như một biện pháp chiến lược kích cầu cả ở thị trường nội địa chứ không phải chỉ ở các thị trường xuất khẩu./.
TBTC 10/11/2003