Gỡ bỏ các rào cản để tránh bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn lực

Gỡ bỏ các rào cản để tránh bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn lực 11/11/2003 07:30:00 367

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Gỡ bỏ các rào cản để tránh bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn lực

11/11/2003 07:30:00

 

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cơ sở quan trọng của nhận định này là kết quả của các chuyến thăm và làm việc của các đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại nhiều nước thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế hùng mạnh đang hướng vào các quốc gia Đông Nam Á, mà biểu hiện rõ nhất là những hiệp định song phương và đa phương về thành lập khu vực đầu tư - thương mại tự do vừa được ký kết giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU... với ASEAN hay với một số quốc gia thành viên ASEAN. Tất cả những điều đó đều tác động trực tiếp hay gián tiếp đến nước ta. Cũng có thể kể đến những dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD mà những công ty Hoa Kỳ muốn đầu tư vào Việt Nam ...

Cơ hội là có thật, thế nên Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội từ nay đến năm 2010 mới đặt ra mục tiêu thu hút 9,5 tỷ vốn FDI. Nghĩa là 7 năm muốn làm bằng cả 16 năm qua (tổng vốn FDI còn hiệu lực của Hà Nội hiện là hơn 7,57 tỷ USD). Nhưng nước ta đang đứng trước một nghịch lý lớn là mục tiêu quy hoạch, kế hoạch thường rất cao, nhưng kết quả thực tế lại đạt thấp. Đứng trước tình hình hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải cắt nghĩa nghịch lý này để tránh bỏ lỡ cơ hội thu hút một nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.


Thực tế cho thấy, bên cạnh việc thừa nhận Việt Nam đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ chưa từng thấy, thì cũng không ít ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, một số chính sách của Việt Nam thiếu nhất quán, thiếu tính minh bạch, thiếu khả năng dự đoán trước và tệ quan liêu, tham nhũng là rào cản lớn nhất đối với họ khi hoạt động ở Việt Nam. Nhưng theo bình luận của nhiều chuyên gia Việt Nam , thì rào cản lớn nhất lại là ý đồ níu kéo cơ chế bao cấp, cố nắm giữ độc quyền kinh doanh của ngành nọ, lĩnh vực kia... Chính vì thế mà luật pháp và chính sách cụ thể có chỗ vênh nhau, mà điển hình là chính sách phát triển ngành xi măng, ngành thép thời gian qua. Từ những rào cản đó đã dẫn đến việc nội lực bị thổi phồng quá mức, trong khi thực tế cho thấy, chỉ riêng nội lực thì khó có thể làm được hết thảy mọi thứ. Chẳng hạn, theo các chuyên gia cơ khí, đến nay nước ta có thể tự đảm nhiệm được một số loại thiết bị toàn bộ, nhưng chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm cao, chất lượng hàng hóa chưa đủ khả năng cạnh tranh với hàng ngoại và khó xuất khẩu.

Mặc dù vốn nội lực đóng vai trò quyết định, bởi nhiều dự án, chương trình chỉ có thể thực hiện được bằng quyết tâm "tự lực, tự cường", đặc biệt trong lĩnh vực phát triển giao thông-vận tải, thủy lợi, nông-lâm-thủy sản... là những lĩnh vực ít hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý rằng, FDI luôn có vai trò đặc biệt, bởi nó gắn liền với việc chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, tạo ra sự phát triển đột biến về năng suất và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đáng chú ý là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn gắn liền với tăng trưởng nguồn vốn FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 năm 1995-1998, tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội bình quân chiếm 26,3%/năm, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước bình quân đạt khá cao là 8,2%/năm, nhưng trong 4 năm tiếp theo (1999-2002), hai chỉ số này đã cùng giảm tương ứng xuống còn 17,98%/năm và 6,37%/năm.

Gần đây, Chính phủ đã phát hành trái phiếu nhằm huy động hơn 63.000 tỷ đồng (gần bằng 4,1 tỷ USD) để xây dựng một số công trình giao thông, thủy lợi, tái định cư cho 2 dự án thủy điện Sơn La và Na Hang. Đó mới là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực để tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, tác động chủ yếu tới tăng trưởng GDP là rất lớn. Chỉ tính riêng việc xây dựng 32 công trình điện lực từ nay đếng năm 2010 đã cần tới khoảng 180.000 tỷ đồng (khoảng trên 11,6 tỷ USD).

Rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu thực tế, cần khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực. FDI không chỉ là vốn, mà cái quý giá nhất của nó là công nghệ được chuyển giao, là yếu tố tạo nên sự tăng tiến về năng suất lao động xã hội, về sức cạnh tranh cho từng doanh nghiệp và từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nếu đánh mất cơ hội thu hút FDI cũng chính là đánh mất cơ hội cho việc thu hẹp khoảng cách tụt hậu về trình độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Nhưng, có đặt lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc lên trên hết thì điều đó mới được thực hiện thành công.

Theo ĐT 10/11/2003