Nắm bắt thông tin về hoạt động của đầu tư nước ngoài: Vấn đề bức thiết

Nắm bắt thông tin về hoạt động của đầu tư nước ngoài: Vấn đề bức thiết 10/11/2003 10:50:00 281

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nắm bắt thông tin về hoạt động của đầu tư nước ngoài: Vấn đề bức thiết

10/11/2003 10:50:00

                                                           

Hiện nay ngành Thuế thực hiện cải cách hành chính về thuế, tiến đến đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp tiền thuế. Việc cải cách hành chính trong quản lý thuế theo cơ chế mới sẽ tạo nhiều thuận lợi cho đối tượng nộp thuế (ĐTNT), được chủ động trong việc kê khai, tính thuế, tạo ra môi trường thông thoáng trong kinh doanh cho đối tượng nộp thuế, và được đánh giá là mô hình quản lý thuế khoa học, văn minh dựa trên nguyên tắc tôn trọng tính tự giác, trung thực của đối tượng nộp thuế.

 

Cơ quan thuế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế, kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn tại cơ sở để xác định đúng đắn việc kê khai, tính thuế của ĐTNT và nắm bắt thông tin về hoạt động kinh doanh của ĐTNT. Thực hiện quản lý thuế theo cơ chế mới, ngành Thuế đã đạt được những kết quả rất khả quan tăng thu cho ngân sách, ý thức tự giác trong việc tự tính, tự khai tự nộp thuế được nâng cao, xuất hiện nhiều ĐTNT chấp hành nghĩa vụ nộp thuế tốt, hạn chế được các biểu hiện tiêu cực của cơ chế quản lý thuế chuyên quản, tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động kinh doanh cho ĐTNT. Song ngành Thuế cũng gặp không ít khó khăn từ cơ chế quản lý thuế mới này, nhất là trong việc nắm bắt các thông tin về hoạt động kinh doanh của ĐTNT. Do việc kiểm tra, thanh tra thuế hiện nay chủ yếu thực hiện trên hồ sơ, sổ sách (kiểm tra tại bàn) của  ĐTNT là chủ yếu. Đối tượng nộp thuế được kiểm tra so với đối tượng nộp thuế trong diện quản lý chiếm tỷ lệ chưa đáng kể. Thời gian được phép kiểm tra đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn chưa tương xứng với khối lượng công việc cần kiểm tra. Chính từ những hạn chế này, thời gian qua chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều các trường hợp trốn thuế, gian lận chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước bằng các thủ đoạn: Lập hồ sơ khống; thành lập doanh nghiệp để bán hóa đơn; xuất hóa đơn ghi giá thanh toán thấp hơn giá thực tế thanh toán, bán hàng không xuất hóa đơn...

 

Những hạn chế trên, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân của nó xuất phát từ việc cơ quan thuế không có cơ chế khoa học để nắm bắt kịp thời, chính xác những thông tin về hoạt động kinh doanh của ĐTNT, mà trước hết là do chưa có quy định cho phép cơ quan thuế được kiểm tra thực tế tình hình hoạt động kinh doanh của ĐTNT khi cần thiết. Điều này chúng ta thấy rõ: Có những trường hợp đơn vị lập hồ sơ khống, gian lận thương mại... bị các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan được quyền kiểm tra hoạt động kinh doanh thực tế mới phát hiện, thì đến lúc đó cơ quan Thuế mới biết đến. Và không phải ngẫu nhiên mà các cán bộ thuế làm công tác quản lý hóa đơn, quản lý ĐTNT, thẩm định hồ sơ hoàn thuế có chung một nỗi lo.

 

Vì thế, đến lúc ngành Thuế cần nghiên cứu bổ sung về quy trình quản lý thuế để làm sao vừa phát huy tính tự giác của ĐTNT thông qua tự tính, tự khai, tự nộp thuế và vừa nắm bắt khoa học những thông tin về hoạt động kinh doanh của ĐTNT đang là vấn đề bức thiết. Theo chúng tôi, cần bổ sung thêm thẩm quyền của cơ quan thuế có quyền kiểm tra thực tế tình hình hoạt động kinh doanh, nhất là kiểm tra về kho hàng, về hàng tồn kho cũng như quy mô, năng lực hoạt động kinh doanh của ĐTNT so với tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Được quyền kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra tại cơ sở thêm từ 10 đến 15 ngày. Việc kiểm tra này cũng chỉ được kiểm tra trong những trường hợp cần thiết có nhiều vấn đề nghi ngờ trong việc gian lận về thuế. Các cơ quan như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thống kê... phải có trách nhiệm cung cấp, trao đổi những thông tin có liên quan đến hoạt động kinh doanh của ĐTNT cho cơ quan thuế.

 

Cơ quan Thuế cần có bộ phận chuyên trách gắn với công tác quản lý thuế có nhiệm vụ thu thập, nắm bắt những thông tin có liên quan đến hoạt động kinh doanh của ĐTNT để phát hiện những dấu hiệu vi phạm các quy định về kinh doanh, thương mại, gian lận thuế để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm đó.

 

Có nâng cao quyền lực của cơ quan Thuế, đồng thời thực hiện cơ chế nắm bắt thông tin kịp thời về hoạt động kinh doanh của ĐTNT, chúng ta không chỉ hạn chế được những trường hợp gian lận về thuế, mà còn tạo cơ sở để các ngành đánh giá được mức độ huy động vào ngân sách từ các ĐTNT có tương ứng với quy mô của từng ĐTNT hay không.

TBTC 10/11/2003