Từ trước tới nay, Bộ Tài chính chưa từng có văn bản nào cho phép các doanh nghiệp trong khu chế xuất được hưởng thuế suất ưu đãi CEPT và vì vậy, việc doanh nghiệp cho rằng Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp là không hề có căn cứ. Đó là khẳng định của bà Lê Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính trước vấn đề đang được quan tâm đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.
“Đợt sóng” doanh nghiệp trong các khu chế xuất thắc mắc về thuế suất ưu đãi nổi lên sau khi Bộ Tài chính có công văn vào tháng 9/2003 không cho phép hàng hoá nhập khẩu từ Khu chế xuất vào thị trường nội địa được áp dụng thuế suất ưu đãi CEPT. Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp Tp.HCM đã có văn bản đề nghị lên UBND Tp.HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết các vướng mắc này.
Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm cho biết, Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng Chính phủ 2 phương án cho hoặc không cho phép các doanh nghiệp trong khu chế xuất được hưởng thuế suất ưu đãi CEPT khi xuất hàng vào nội địa. Ðây cũng mới chỉ là các phương án và quyết định cuối cùng vẫn là thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Tâm, thông tin về việc cho phép các doanh nghiệp khu chế xuất được hưởng ưu đãi CEPT đuợc xuất phát từ công văn số 0448 ngày 30/1/1999 của Bộ Thương mại gửi Bộ Tài chính và Tổng cục hải quan đề nghị cho phép sản phẩm của các doanh nghiệp khu chế xuất, nếu được Ban quản lấ cấp C/O mẫu D thì được tính thuế CEPT khi xuất vào thị trường nội địa. Mặc dù mới chỉ là công văn đề nghị để xem xét và nghiên cứu nhưng các doanh nghiệp lại căn cứ vào đây để đòi quyền lợi mà họ "đang bị mất".
Còn trước năm 1999, các doanh nghiệp này vẫn được hưởng nhập khẩu ưu đãi theo quy định tối huệ quốc như các doanh nghiệp nước ngoài khi xuất hàng vào thị trường nội địa.
Cho dù đã trình lên 2 phương án nhưng quan điểm của Bộ Tài chính vẫn cho rằng: công văn không cho phép hưởng thuế suất ưu đãi CEPT mà Bộ đã ban hành tháng 9/2003 là kết quả của việc nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng, đồng thời hoàn toàn phù hợp với pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thuế phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng
Về cơ sở pháp lý trong nước, Luật thuế xuất nhập khẩu ban hành tháng 12/1991 và các luật thuế sửa đổi bổ sung đều quy định rất rõ rằng thuế suất ưu đãi đặc biệt được áp dụng cho hàng nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước mà Việt Nam và các nước hoặc khối nước đã thoả thuận ưu đãi đặc biệt theo thể chế khu vực mậu dịch tự do hoặc liên minh quan thuế hay để tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới hoặc trong các trường hợp ưu đãi đặc biệt khác.
Về khuôn khổ pháp lý quốc tế, Hiệp định AFTA là thoả thuận ưu đãi đặc biệt giữa các nước theo nguyên tắc có đi có lại giữa các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại chứ không liên quan đến nội địa. Hiệp định này cũng không có quy định nào về việc các doanh nghiệp trong khu chế xuất được hưởng thuế ưu đãi CEPT. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp khu chế xuất xuất khẩu hàng vào nội địa là công việc nội bộ của mỗi nước và tuỳ thuộc vào sự cho phép của mỗi quốc gia. Ngay trong khu vực, cũng có nước cho phép thực hiện như Thái Lan , Philippines và cũng có nước không cho phép thực hiện như Indonesia .
Bà Bạch Thị Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định: "Việc các doanh nghiệp trong khu chế xuất "la trời" rằng chính sách trên ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mất việc làm của người lao động... là không hề có căn cứ.”
Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính, hiện hàng hoá của các doanh nghiệp khu chế xuất chuyển vào thị trường nội địa chỉ chiếm chưa đầy 3,6% vào năm 2000, 6,43% vào năm 2001 và 11,15% vào năm 2002. Nếu so với tổng lượng hàng hoá sản xuất bán cả trong nước và xuất khẩu thì số này chỉ chiếm từ 1-2%. So với số lượng doanh nghiệp được cấp C/O mẫu D cho hàng xuất bán vào nội địa vào thời điểm này thì cũng chỉ có 15 doanh nghiệp và chiếm chưa tới 1/10 trong tổng các doanh nghiệp khu chế xuất.
Chính vì vậy mà số doanh nghiệp và số hàng được hưởng ưu đãi đặc biệt là không hề đáng kể và không thể ở mức ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp và gây mất việc làm như nhiều doanh nghiệp vẫn tuyên bố. Mặt khác, chủng loại hàng hoá mà các doanh nghiệp này bán vào thị trường nôi địa lại chủ yếu là hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được như bìa giấy, thùng carton, rau quả sấy khô, quần áo lót, nước sốt, gia vị hỗn hợp...
Cũng theo Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm, phương án không cho phép hưởng thuế suất ưu đãi CEPT sẽ thể hiện sự nhất quán trong chính sách của Nhà nước về vấn đề thuế cho doanh nghiệp trong khu chế xuất đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất.
Còn với phương án cho phép, tuy các doanh nghiệp sẽ có lợi hơn khi xuất khẩu vào thị trường nội địa nhưng phương án này cũng không đồng nhất với mục tiêu thành lập các khu chế xuất là để khuyến khích xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Bởi vì các doanh nghiệp khi vào khu chế xuất đã được hưởng rất nhiều ưu đãi mà các doanh nghiệp bên ngoài không được hưởng.
TBKT 10/11/2003