(Phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí)
Khắc phục cho được những hạn chế của bản thân các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể như: Phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời nâng cao hiệu quả của việc công khai trong các lĩnh vực, bao gồm mở rộng cả về lĩnh vực phải công khai và các nội dung, hình thức công khai. Phải quy định rõ chủ thể và các hành vi gây lãng phí với các chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh và công khai hoá việc xử lý vi phạm.
PV: Thứ trưởng có nhận xét gì về công tác thực hành tiết kiệm trong tình hình hiện nay?
Thứ trưởng Trần Văn Tá: Qua đánh giá 6 năm thực hiện Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là về một số cơ chế chính sách nhằm thực hiện các biện pháp về kinh tế để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng có thể nói Pháp lệnh vẫn còn chậm đi vào cuộc sống, tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người, là mục tiêu của mỗi tổ chức; kết quả thực hành tiết kiệm chưa cao. Tình trạng lãng phí còn khá phổ biến và là vấn đề bức xúc, thậm chí có nơi, có lĩnh vực trở nên nghiêm trọng, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức... Từ thực tế đó đòi hỏi công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình hiện nay cần phải thực hiện một cách triệt để, tập trung nguồn lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
PV: Tính cần thiết ban hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Văn Tá: Trước những yêu cầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình mới và để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa vấn đề tiết kiệm từng bước trở thành ý thức của mỗi người thì việc nâng cao giá trị hợp pháp của các quy định đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thời gian qua, mở rộng phạm vi điều chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế là hết sức cần thiết. Mặt khác, trong những năm qua, nhiều Luật, Pháp lệnh liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, nhiều quy định trong các lĩnh vực đó cũng đã được nâng lên thành Luật. Từ thực tế đó, việc ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh hiện hành là hết sức cần thiết để cho tiết kiệm ngang tầm một “quốc sách” được thể chế hoá ở mức độ pháp lý cao hơn và phải được lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các văn bản pháp luật của các lĩnh vực liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới ban hành.
PV: Được biết, Chính phủ đang xem xét dự thảo Luật này chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp tới. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống chúng ta cần phải làm gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Văn Tá: Việc Pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống là do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân từ bản thân các quy định của Pháp lệnh và trong khâu thực hiện. Để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta cần phải khắc phục cả 2 loại nguyên nhân đó.
Trước hết phải khắc phục cho được những hạn chế của bản thân các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể như: Phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời nâng cao hiệu quả của việc công khai trong các lĩnh vực, bao gồm mở rộng cả về lĩnh vực phải công khai và các nội dung, hình thức công khai. Phải quy định rõ chủ thể và các hành vi gây lãng phí với các chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh và công khai hoá việc xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nâng cao quyền và trách nhiệm giám sát của tổ chức đoàn thể quần chúng và của nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực còn có nhiều vi phạm như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ; quản lý, sử dụng lao động trong khu vực nhà nước; và quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Một việc không thể không nói đến là, cần tăng cường tuyên truyền vận động và có các biện pháp biểu dương, khuyến khích nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng.
Mặt khác, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật. Trên cơ sở trách nhiệm, nhiệm vụ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quy định rõ tại Luật, các cấp, các ngành cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn một cách thường xuyên, quyết liệt và được tổng kết, đánh giá kịp thời.
PV: Luật ra đời sẽ có tác động như thế nào đến công tác thực hành tiết kiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động hành chính công, thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Văn Tá: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hoá, xã hội của đất nước. Với các quy định cụ thể, chặt chẽ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực, cùng với các chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh sẽ vừa có tác dụng giáo dục, ngăn chặn và phòng ngừa hữu hiệu, vừa có cơ sở để xử lý kịp thời những hành vi lãng phí. Việc quy định cụ thể và tách bạch giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ là cơ sở có thể xác định rõ chủ thể của hành vi vi phạm để xử lý, bảo đảm tính khả thi của dự án Luật. Bên cạnh đó, các quy định về công khai trong các lĩnh vực cũng sẽ vừa góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực, vừa tạo điều kiện cho việc giám sát của các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân. Với những quy định như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng Luật sẽ làm cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào nề nếp và các hoạt động hành chính công cũng hiệu quả hơn.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
TBTC 48