Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện.

Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện. 22/04/2005 17:08:00 405

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện.

22/04/2005 17:08:00

image
 

Cuộc gặp gỡ thường niên giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã diễn ra tại Hà Nội ngày 20/4.  Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh ĐTNN tại Việt Nam đang có dấu hiệu tăng dần. Trong 3 tháng đầu năm 2005 số vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,73 tỷ USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, trong phát biểu khai mạc Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đánh giá :“Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện, sự tin cậy của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam gia tăng”.

 

Tại cuộc gặp, bên cạnh những nội dung thường niên về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, những khó khăn vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ, thì vấn đề có được sự đồng tình chung của cả hai phía là mong muốn Việt nam sớm gia nhập WTO. Khá nhiều  ý kiến phát biểu đều có chung một mong muốn là việc Việt Nam được sớm ra nhập WTO. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) nhấn mạnh: “Chúng tôi rất ủng hộ quá trình gia nhập WTO của Việt Nam trong thời gian ngắn nhất. Hiệp định song phương giữa Việt Nam và liên minh châu Âu đạt được vào tháng 10 năm ngoái đã đưa EU trở thành đối tác lớn nhất mà Việt Nam đạt được thoả thuận song phương về việc gia nhập WTO. Chúng tôi  rất hy vọng Việt Nam thành công trong việc đàm phán với tất các đối tác quan trọng và trở thành thành viên WTO trước ngày 31/12/2005 . Chúng tôi tin rằng việc gia nhập WTO sẽ là động lực chính cho quá trình phát triển tại Việt Nam .

 

Cùng mong muốn đó, đại điện Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ (Amcharm) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần gia nhập WTO càng sớm càng tốt. Ngay từ bây giờ Việt Nam cần có sự thay đổi lớn trong thương mại và đầu tư cho phù hợp  với hệ thống WTO. Và ưu tiên lớn nhất hiện nay là tất cả những thay đổi về mặt cơ cấu cần được thực hiện một cách nhanh nhất.

 

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Bích Đạt cũng cho biết, Việt Nam đã hoàn thành 9 phiên đàm phán gia nhập WTO và đã cơ bản hoàn thành việc minh bạch hoá hệ thống pháp luật, các chính sách liên quan đến thương mại hàng hoá, đầu tư, sở hữu trí tuệ... Đến nay, Việt Nam đã đi vào thảo luận các cam kết đa phương cụ thể và bắt đầu triển khai các đàm phán song phương với các nước như: Hoa Kỳ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng rất nhiều đối tác khác nhằm đạt được mục tiêu gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất.

 

Thẳng thắn trước sự quan tâm của các nhà ĐTNN về những kiến nghị của họ trong cuộc gặp năm trước đã được Chính phủ nước ta tiếp nhận và xử lý như thế nào? Ông Trần Quốc Huy-Phó Văn phòng Chính phủ  đã thông báo kết quả giải quyết các đề nghị cụ thể tại 14 doanh nghiệp có vốn ĐTNN trên cả nước. Hầu hết các vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải quyết với tinh thần tôn trọng và tạo điều kiện thuân lợi cho các nhà đầu tư phát triển kinh doanh tại Việt Nam.Ông Huy cho biết Chính phủ đã thành lập tổ công tác nhằm xử lý từng trường hợp vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp, ví như Công ty xi măng Phúc Sơn (Hải Phòng) gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu sản xuất. Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, giải quyết vấn đề đảm bảo nhà máy có đủ nguyên liệu để hoạt động trong vòng 50 năm theo như giấy phép đầu tư.

 

 Theo ông Nguyễn Bích Đạt -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư , Việt Nam đã từng bước xoá bỏ việc bảo hộ có thời hạn, có điều kiện cho sản xuất trong nước đối với những ngành cần phát triển và cạnh tranh. Không ban hành các văn bản hạn chế hoặc dừng cấp phép không phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài và các cam kết quốc tế. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức thu hút vốn ĐTNN, đa dạng hoá mục tiêu đầu tư về ĐTNN và quy hoạch phát triển vùng, sản phẩm. Đẩy nhanh tiến trình áp dụng cơ chế một giá và các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ông Đạt cũng cho biết, hàng loạt vấn đề cụ thể đã được các Bộ, ngành giải quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư và tạo ra sự chuyển biến mới trong công tác thu hút đầu tư như: Thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài đã giảm xuống còn 40% và nâng mức chịu thuế lên trên 5 triệu đồng. Các quy định kém hấp dẫn về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã được sửa đổi... hàng loạt vấn đề khác về hải quan, thương mại, lao động, đất đai, khoa học công nghệ cũng đã được các Bộ, ngành hay Chính phủ trực tiếp giải quyết...

 

Nhưng nỗ lực đó, đã được chính các nhà ĐTNN thừa nhận. Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản nói: môi trường đầu tư Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư rất hy vọng, Luật Đầu tư chung và Luật DN chung sớm được ban hành, tạo ra một khung pháp lý bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không phân biệt lĩnh vực đầu tư. Ngoài ra, sự phát triển của  thị trường vốn cần tiếp tục được đẩy mạnh trên thực tế bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết lập hệ thống đánh giá tín dụng đáng tin cậy, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp và cổ phiếu công ty ra công chúng. Tiến trình cổ phần hoá đang được đẩy mạnh nhưng điều quan trọng hơn là phải đưa được những công ty này vào các kênh giao dịch chính thức của thị trường.

 

Trong phát biểu kết luận của mình, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đã nhận định, vốn đầu tư vào Việt Nam tăng cao trong năm 2004 và quí 2005 chứng tỏ môi trường đầu tư Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại trong khuyến khích đầu tư trên các lĩnh vực thuế và thủ tục về thuế, thủ tục hành chính, khó khăn về đất đai và cả sự  thiếu nhất quán của chính quyền địa phương trong một số trường hợp cụ thể. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến đóng góp, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp gửi tới Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giải quyết./.

 

Thu Hằng (Theo VietnamNet và Thời báo Tài chính).