Quý I năm 2005 thị trường thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá các loại nguyên nhiên vật liệu tăng cao như: dầu thô, phân bón, phôi thép và các sản phẩm từ dầu mỏ. Với nước ta các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gần như phải nhập khẩu, do vậy chi phí sản xuất hàng hoá bị đẩy lên cao, tạo ra phản ứng dây chuyền đối với thị trường trong nước.
Trước sự biến động đó, đòi hỏi các ngành, các cấp phải có những đối sách thích hợp nhằm hạn chế tốc độ tăng giá, vừa bảo đảm được cạnh tranh, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng.
Chính vì lẽ đó Chính phủ đã có chính sách thực hành tiết kiệm, giảm bớt các chi phí quan trung gian đồng thời có các giải pháp linh hoạt như: giảm thuế nhập khẩu, thưởng xuất khẩu, khuyến khích bằng các hình thức khác. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, hạn chế các yếu tố tác động từ bên ngoài, các DN sản xuất trong nước phải rà soát lại chi phí. Với lý do trên mà các đoàn liên ngành của Chính phủ đã được thành lập và triển khai với mục tiêu rà soát lại chi phí sản xuất, lưu thông và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng sự biến động giá trên thị trường để đầu cơ, tăng giá trục lợi... Điểm xuất phát đầu tiên được rà soát là ngành Thép.
Thực trạng ngành thép hiện nay
Có thể khẳng định sản xuất thép của chúng ta còn rất nhỏ lẻ, 100% các nhà máy liên doanh công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều sản xuất thép từ phôi nhập khẩu, công suất từ 100.000 - 300.000 tấn/năm. Trong khi đó ở nước láng giềng Trung Quốc, những nhà máy có công suất 1 triệu tấn/năm thì bị coi là lạc hậu, sản xuất không có hiệu quả, không đủ sức cạnh tranh và tự bị phá sản. Có thể nói, sau mía đường, xi măng là thép. Các nhà máy thép đang mọc lên như nấm. Tại sao lại như vậy? Cũng rất dễ hiểu, cách đây khoảng 10 năm về trước một số công ty nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, úc, Italia ... đã nhìn thấy năng lực sản xuất thép ở trong nước ta lúc bấy giờ là rất kém. Chính vì vậy các công ty nước ngoài đã đổ xô vào Việt Nam liên doanh với một số ngành, công ty trong nước đưa các nhà máy nhỏ không còn phù hợp với các nước phát triển vào nước ta để sản xuất với mục tiêu “đánh nhanh thắng nhanh” chạy vượt công suất thiết kế, khấu hao nhanh, thông thường gấp trên 5 lần so với khấu hao đối với các nhà máy ở nước ta (chi phí khấu hao máy móc thiết bị trên một tấn thép của Nhà máy thép Việt Hàn trong quý I-2005 ở mức 169.467 đồng, còn đối với công ty gang thép Thái Nguyên chỉ khiêm tốn ở mức 33.720 đồng). Để loại trừ yếu tố khách quan do giá phôi thép tăng cao, (nguyên liệu chính trong sản xuất thép) chúng ta đi sâu tìm hiểu các chi phí cán thép để có phép so sánh trông ta nhìn người.
Đối với các nhà máy cán thép mới thông thường sử dụng ít lao động, bởi các khâu trong quá trình sản xuất được tự động hoá từ đầu đến cuối. Còn đối với những nhà máy thép của ta được Trung Quốc giúp đỡ có từ những năm 60 của thế kỷ trước, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, năng suất thấp, lao động thủ công nhiều, do đó các khoản chi phí tăng cao hơn nhiều so với các nhà máy của liên doanh. Chẳng hạn như chi phí chung của nhà máy liên doanh chỉ bằng 23,43%, chi phí quản lý bằng 29,95% của công ty Nhà nước. Ngoại trừ khấu hao ra tất cả các chi phí khác đều thấp hơn từ 5-76%. Với chi phí thấp hơn nên chi phí kéo cán của các nhà máy này thấp hơn, chất lượng thép tốt hơn, dẫn đến sức cạnh tranh cao hơn.
Theo số liệu điều tra quý I/2005, các công ty liên doanh có mức chi phí kéo cán vào khoảng 680.000 đ/tấn, với tỷ giá 15.780 đ/USD thì tương đương 43 USD. Còn đối với DNNN chi phí này vào khoảng 780.000 đ/tấn, tương đương 50 USD/tấn. Con số này đối với các nước phát triển còn thấp hơn nhiều, khoảng cách giữa giá phôi và giá thép chỉ từ 10 - 20 USD/tấn còn các nước trong khu vực vào khoảng 20 - 25USD/tấn, qua đó mới biết chi phí sản xuất của chúng ta còn cao, sức cạnh tranh còn thấp. Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ gián tiếp qua giá nhiên liệu năng lượng như dầu FO, dầu DO, điện, than (các chi phí này thường thấp hơn các nước trong khu vực từ 16,84 - 28,57%) có thể thấy được sự ưu ái của Chính phủ tới sản xuất, kể cả với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Giá phôi thép tăng cao: cung - cầu thép trong nước vẫn đủ
Trong những ngày vừa qua giá phôi thép trên thị trường thế giới liên tục tăng; cuối năm 2004 giá thép dao động trong khoảng 380 - 390 USD/tấn CIF cảng Việt Nam . Sang quý I-2005 giá phôi thép trên thị trường tiếp tục tăng lên mức 410 - 420 USD tấn. Thêm vào đó là Trung Quốc - nước xuất khẩu phôi thép lớn đã không hoàn thuế GTGT từ 1/4/2005 . Trước sự gia tăng của giá phôi thép trên thị trường thế giới các công ty sản xuất thép trong nước đang có những động thái khác nhau. Đối với công ty sản xuất được một phần phôi thì đẩy mạnh sản xuất và bán ra; còn các công ty sản xuất dựa trên nguồn phôi nhập khẩu đang sản xuất cầm chừng với khối lượng đủ chi phí, chờ đợi các chính sách của Nhà nước nếu như giá phôi thép tăng cao sẽ điều chỉnh về thuế và quan sát biến động trên thị trường thế giới. Có thể thấy sự khác biệt của sự tăng giá phôi thép lần nay so với năm 2004. Trong năm 2004 các công ty sản xuất thép liên tục điều chỉnh giá bán, có công ty đã điều chỉnh giá trên 50 lần trong 8 tháng. Nhưng từ đầu năm đến nay mặc dù giá phôi tăng cao nhưng các công ty, nhà máy mới chỉ điều chỉnh từ 2-3 lần trong hơn 3 tháng qua. Mặc dù giá thép bán lẻ trên thị trường phía Bắc đang x p xỉ 8.000 đ/kg, các tỉnh phía Nam đã lên tới 8.200 đ/kg, song các nhà máy vẫn bán theo giá 7.300 - 7.400 đ/kg. Do vậy việc nâng giá bán lần này là biểu hiện của khâu lưu thông thép còn nhiều vấn đề cần phải xử lý.
TBTC 48