Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có trên 15.850 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động; trong đó có 9.303 HTX dịch vụ nông nghiệp, 509 HTX thương mại - dịch vụ, 1.075 HTX thuỷ sản, 941 Quỹ tín dụng nhân dân và 594 HTX thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác. Thực tế cho thấy kinh tế HTX , đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho hơn 10,5 triệu xã viên hộ nông dân có việc làm ổn định cuộc sống, chiếm hơn 75% số hộ làm nông nghiệp nông thôn và ổn định thu nhập hàng tháng cho hàng triệu lao động từ 350.000- 400.000 đồng/ 1tháng. Đặc biệt trong giai đoạn 2000 - 2004, kinh tế HTX đã có mức tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/ năm. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của kinh tế HTX trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nếu nhìn nhận dưới góc độ xã hội, trong những năm qua kinh tế HTX hoạt động với tính chất một tổ chức kinh tế cộng đồng, gắn chặt với địa bàn dân cư; kinh tế HTX đã lồng ghép được các chương trình sản xuất kinh doanh gắn với các chương trình mục tiêu kinh tế- xã hội. Đó là các mô hình HTX: vệ sinh môi trường, HTX của phụ nữ nghèo, thanh niên, thương binh, nông trường vv... Các mô hình HTX này bước đầu đã tạo được mối liên kết của 4 nhà là nhà nông- nhà doanh nghiệp - nhà khoa học- nhà quản lý để từng bước tạo nguồn nhiên liệu cho sản xuất, hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, huy động nguồn lực cho phát triển của các HTX. Bên cạnh đó, việc hình thành các mô hình hợp tác, HTX độc lập đã xuất hiện những mô hình HTX liên kết theo ngành, theo lĩnh vực như các Hiệp hội các HTX cùng ngành nghề, các câu lạc bộ liên kết giữa Quy tín dụng nhân dân với các dịch vụ HTX. Điều ghi nhận ở các mô hình kinh tế hợp tác, HTX phát triển rất năng động và hiệu quả; tính đến cuối năm 2004 đã có 30,92% số HTX làm ăn khá giỏi, 40,1% HTX trung bình, số còn lại là làm ăn yếu kém. Một số tỉnh, thành phố có số lượng HTX làm ăn khá và giỏi chiếm tỷ lệ cao như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Tiền Giang, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh... Điều đó cho thấy kinh tế HTX đã có bước phát triển theo chiều sâu và có hiệu quả góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung, và kinh tế- xã hội các địa phương nói riêng.
Thực tế cho thấy, kinh tế HTX trong những năm qua đã đạt những kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, đánh giá toàn diện và tổng thể sự vận động và phát triển của các loại hình kinh tế này cho thấy còn bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể là: Năng lực nội tại hạn chế, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học công nghệ sản xuất cũ kỹ và lạc hậu. Hơn nữa vốn cố định của các loại hình kinh tế này còn quá nhỏ so với yêu cầu của sản xuất đặt ra; vốn cố định bình quân của các HTX, chỉ đạt 300 triệu đồng/1HTX; trong khi đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây nguyên chỉ đạt 200 triệu đồng. Thiếu vốn, dẫn đến các HTX, không có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại tỷ lệ về cơ khí hoá công nghệ thiết bị sản xuất của các loại hình kinh tế HTX chỉ đạt hơn 12%; trong khi đó tỉ lệ này ở khu vực DN nhà nuớc là trên 37%; tỷ lệ thủ công trong dây chuyền sản xuất của các HTX là hơn 42% thì ở khu vực các DN nhà nước là 19%... Do vậy năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá thấp, sức cạnh tranh yếu, thị trường bị bó h‹p và tất yếu giá trị và hiệu quả thấp.
Thiếu vốn đầu tư cho sản xuất dẫn đến giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế của các HTX thấp thì đã rõ. Vậy do đâu mà thếu vốn? Trả lời cho câu hỏi này, đa số các HTX đều cho rằng việc tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng như hiện nay đã gặp không ít khó khăn; nhất là các nguồn vốn trung và dài hạn. Một chứng minh cho thấy hiện này chỉ có 11% các HTX có mối quan hệ với ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Trong số này chủ yếu các HTX vay vốn để trang trải cho nhu cầu ngắn hạn để đầu tư. Trong khi đó về phía các ngân hàng, các tổ chức tín dụng lại không “mặn mà” với việc cho vay đối với khách hàng là các HTX, với nhiều lý do khác nhau như số lượng vay không lớn, hiệu quả vay và cho vay không cao, thời gian thu hồi vốn rất lâu... Bên cạnh đó các chương trình hỗ trợ của nhà nước lại chủ yếu tập trung vào đối tượng là các hộ gia đình nông dân chưa chú trọng đến các HTX. Đặc biệt một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thiếu vốn đầu tư cho sản xuất cho các HTX, được biểu hiện ngay trong chính bản thân họ; đó là việc các HTX lập dự án sản xuất không mấy khả thi, tính thuyết phục yếu dẫn đến các ngân hàng, các tổ chức tín dụng không gắn bó với việc cho vay vốn.
Trước những khó khăn trong việc huy động các nguồn tài chính đầu tư cho sản xuất, phát triển các loại hình kinh tế HTX, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có nhiều giải pháp sát thực từ nhiều phía đối với loại hình kinh tế này. Trước hết đối với các HTX phải xác định được các mục đích, các yêu cầu, nhu cầu, lợi ích sản xuất kinh doanh của mình ngay từ khâu lập dự án sản xuất. Thứ hai, nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về định hướng sản xuất và tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Thứ ba, rất cần thiết phải có một “bà đỡ” về tài chính để thực hiện chức năng huy động và tiếp cận các nguồn tài chính mà phía Nhà nước đứng ra làm trung gian, làm cơ sở pháp lý để từ đó cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ phát triển cho các HTX... Có như vậy mới tạo đà cho loại hình kinh tế này phát triển.
TBTC 48