Xuất khẩu gạo năm 2005: Bài toán kim ngạch 1 tỷ USD

Xuất khẩu gạo năm 2005: Bài toán kim ngạch 1 tỷ USD 01/02/2005 06:26:00 1387

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Xuất khẩu gạo năm 2005: Bài toán kim ngạch 1 tỷ USD

01/02/2005 06:26:00

Năm 2004 cả nước xuất khẩu được hơn 4,062 triệu tấn gạo, thu về trên 859 triệu USD. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Năm 2005, gạo xuất khẩu Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD.

 

Thị trường đang thuận. Tuy vậy, tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội lương thực vừa qua Thứ trưởng Bộ thương mại Phan Thế Ruệ nhấn mạnh: xuất khẩu gạo 2005 phải được điều hành hết sức mềm dẻo, nhạy bén và kịp thời về mục tiêu mang lại lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và sự ổn định thị trường.

 

Còn nguyên "học phí" hội nhập

 

Theo thông lệ thương mại, bắt đầu từ quí IV năm trước các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã phải thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng gạo cho năm tới với đối tác nước ngoài. Tháng đầu tiên của năm bao giờ cũng là thời điểm sôi động và nhộn nhịp của thị trường lúa gạo với các hợp đồng được ký tiếp cho một năm giao dịch mới.

 

Vào thời điểm này, năm 2004 các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, nhưng năm nay mới ký hợp đồng xuất khẩu với khoảng 400.000 tấn; trong đó phần lớn hợp đồng cũ chuyển sang và chủ yếu với bạn hàng truyền thống.

 

Nguyên nhân của sự chậm trễ là do các doanh nghiệp thận trọng hơn để không dẫm lên vết xe cũ. Cuối năm 2003 do không nắm được thị trường cung và cầu nhiều "đại gia" xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vội vàng đặt bút ký các hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp. Sang năm 2004 giá lương thực tăng cao làm cho chân nguồn hàng biến động theo.

 

Cụ thể, trong hợp đồng khi ký giá FOB từ 210-215 USD/tấn, nhưng thực tế giá thành gạo tại cảng nội địa đã lên tới 220-225 USD/tấn vẫn không gom đủ hàng. Lỗ lớn, nhưng vẫn phải ngậm đắng nuốt cay xuất đủ vì nếu phá hơp đồng sẽ bị đối tác kiện ra toà, quan trọng hơn mất bạn hàng những năm tới.

 

"Học phí" hội nhập đắt giá, là bài học kinh nghiệm để năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không còn "phiêu lưu" ký bán gạo khi trong tay chưa nắm chắc nguồn hàng và chưa khẳng định được giá cả thị trường mặc dù bị đối tác nước ngoài thúc bách.

Theo một quan chức của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, hiện nay lượng gạo của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Vụ đông xuân 2004-2005 thu hoạch sớm cũng phải vào đầu tháng 3, muộn đầu tháng 4 ai dám chắc được mùa hay mất? Sản lượng bao nhiêu? Việc ký hợp đồng bán khối lượng hàng hoá dự đoán, chốt giá ở thời điểm khi chưa hoặc mới gieo lúa xuống đồng là chấp nhận một sự rủi ro rất lớn.

 

Chính vì vậy đầu năm nay, Hiệp hội lương thực đưa ra lời khuyến cáo đối với các doanh nghiệp thành viên: không nên vội vã bán mà trước mắt tổ chức mua lúa cho nông dân thật tốt. Chỉ nên bán khi có nhu cầu cần thiết và chủ động được nguồn hàng với giá cả phù hợp.

 

Bài toán kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD

 

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, năm 2005 thị trường thế giới vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn về lúa gạo, trong khi đó những cường quốc xuất khẩu lúa gạo như Trung Quốc, Ấn Độ năm nay không có nhiều khả năng tham gia vào thị trường xuất khẩu lúa gạo do lượng cung trong nước bị thiếu hụt. xuất khẩu gạo chủ lực chỉ còn 2 nước Thái Lan và Việt Nam . Riêng Thái Lan cũng bị ảnh hưởng nặng của hạn hán trong vụ sản xuất đầu năm 2005.

 

Như vậy, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu không còn là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam . Theo nhận định của Bộ Thương mại, năm 2005 thị trường châu Á - thị trường trọng điểm ổn định, có chiều hướng thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Riêng Philippin dự kiến nhập 1,1 triệu tấn (trung tuần tháng 1/2005 Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 320.000 tấn gạo loại 25% tấm). Thị trường Indonesia dự kiến 6 tháng cuối năm 2005 sẽ mở cửa nhập khẩu trở lại do lượng tồn kho giảm. Hi vọng gạo Việt Nam sẽ trở lại thị trường này một cách khả quan.

 

Trên thị trường nội địa, các chuyên gia kinh tế dự đoán giá gạo nguyên liệu trong nước sẽ không dừng lại ở mức xấp xỉ 3.000 đ/kg (loại 5% tấm); giá lúa thường 2.400 đ/kg như hiện nay.

 

Vậy bài toán cần giải tiếp là làm cách nào để đi tới 1 tỷ USD? Theo ông Phan Thế Ruệ, sản lượng xuất khẩu gạo năm 2005 chỉ ở mức bằng năm 2004 (4 triệu tấn). Diện tích lúa không được mở rộng. Giá lương thực thế giới - dự đoán tăng nhẹ, muốn đạt con số 1 tỷ USD giá gạo xuất khẩu của Việt Nam phải được tăng lên 16,4% so với năm ngoái.

 

Ôg Ruệ nhấn mạnh, muốn giá gạo tăng không có con đường nào khác phải nâng cao chất lượng gạo Việt Nam . Năm 2004 giá gạo xuất khẩu Việt Nam bình quân đạt 211, 49 USD/tấn, thấp hơn 56 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Trong số 4.062.399 tấn gạo xuất khẩu năm 2004 gạo thấp cấp (25% tấm) chiếm tới 28,13%; tấm 5,21% (năm 2003 tỷ lệ loại gạo này là 24,2% và 3,7%); trong khi đó gạo cao cấp (5- 10% tấm) giảm 4,39% so với năm 2003 (còn 36,57%).

 

“Tôi cho rằng cần phải đột phá vào khâu chất lượng lúa hàng hoá và gạo xuất khẩu chúng ta mới có thể đạt mục tiêu 1 tỷ USD xuất khẩu gạo trong năm nay. Phải lật ngược lại thế cờ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường gạo cao cấp; hạn chế hợp đồng xuất khẩu gạo cấp thấp để đạt giá xuất khẩu bình quân khoảng 250-260 USD/tấn, Thứ trưởng Phan Thế Ruệ nói.

 

Đó là chuyện trước mắt, còn về lâu, về dài để nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, rút ngắn khoảng cách với Thái Lan về chất lượng gạo. PGS. TS Nguyễn Sinh Cúc cho rằng cần phải khẩn trương có quy hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể về sản xuất lúa gạo xuất khẩu (vùng nào, địa phương nào, bao nhiêu diện tích, cơ cấu giống lúa, đầu tư thâm canh).

 

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Văn Bảy – Giám đốc Công ty Afiex, An Giang đề nghị phải quy hoạch khẩn trương vùng lúa hàng hoá ĐBSCL. Vùng nào chỉ tập trung sản xuất lúa hàng hoá xuất khẩu thì sản xuất 2 vụ, thậm chí 1 vụ/năm, không nên sản xuất nhiều chạy theo số lượng, chất lượng kém, giá rẻ làm cho hạt gạo Việt Nam khó hội nhập trong thời kinh tế thị trường lấy hiệu quả làm đầu.

 Theo TBKT