Bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 17/11/2006 08:23:00 1359

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

17/11/2006 08:23:00

Kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973), quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được xây dựng, củng cố và có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội cho thấy bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa hai nước.

 

Mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập từ năm 1973, và đến năm 1992 khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam thì sự hợp tác hai nước được đẩy mạnh, thực sự đi vào thực chất; quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản có bước phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… không ngừng được mở rộng, đã hình thành nên mối quan hệ ở tầm vĩ mô.

 

Về chính trị, hai bên đã tăng cường trao đổi Đoàn và hàng năm đều có các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước. Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung "Vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững". Từ đó cho thấy, hai bên đã tạo dựng được cơ chế đối thoại ở nhiều cấp. Ngoài đối thoại chính trị định kỳ ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao (từ năm 1993), hai bên cũng đã xây dựng được cơ chế đối thoại kinh tế, an ninh và quốc phòng. Mới đây nhất, Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10/2006), tại Tokyo, hai bên đã ra Tuyên bố chung, khẳng định hai nước tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, an ninh và các lĩnh vực khác.

 

Điểm nổi bật của quan hệ hai nước, đó là Nhật Bản ủng hộ đường lối Đổi mới, mở cửa của Việt Nam, cũng như tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới như trong tiến trình Việt Nam gia nhập vào APEC, WTO, ASEM, vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật...). Chính phủ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam , lấy lợi ích chung và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững làm nền tảng. Việt Nam cũng tích cực ủng hộ Nhật Bản làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở rộng, và vận động Nhật Bản ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009…

 

Trong quan hệ kinh tế, Nhật Bản được coi là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam . Về thương mại, Nhật Bản được coi là bạn hàng quan trọng của Việt Nam . Kim ngạch mậu dịch song phương không ngừng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2000, kim ngạch 2 chiều đạt 4,52 tỷ USD, thì đến năm 2003 là 5,9 tỷ USD và năm 2005 đã tăng lên tới 8,2 tỷ USD. Năm 2006, kim ngạch mậu dịch song phương tiếp tục có bước tăng trưởng cao. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch mậu dịch song phương đã đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2005. Một số mặt hàng của Việt Nam đã giành được uy tín của thị trường Nhật Bản và có ưu thế xuất khẩu sang nước này như hàng dệt may, thuỷ sản, dây cáp điện, đồ gỗ, giày dép, mạch in… Điểm đáng chú ý trong quan hệ thương mại song phương, đó là hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999; và Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Nhật Bản, đạt mức thặng dư thương mại khoảng 400 triệu USD. Dự báo, tỷ lệ tăng trưởng thương mại hai nước giai đoạn 2007-2010 khoảng 20% và tổng kim ngạch mậu dịch song phương đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2010. Đây là kết quả nổi bật về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam , góp phần quan trọng trong nỗ lực cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam hiện nay.

 

Về đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam , thực tiễn cho thấy có những nét thăng trầm nhất định. Nếu như năm 1995, số vốn đăng ký 1,22 tỷ USD, thì những năm 1996-1997, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản giảm khoảng 40% so với năm 1995 và đến năm 1999 chỉ còn 14 dự án với số vốn đăng ký ban đầu là 62 triệu USD. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tụt giảm về đầu tư này không phải là do mối quan hệ hai nước, mà nguyên nhân chính là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực năm 1997. Đến năm 2002, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam được phục hồi. Tổng vốn đầu tư trong 10 tháng đầu năm, Nhật Bản có 115 dự án cấp mới, với 556,379 triệu USD và đứng thứ năm trong tổng số các đối tác đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản tuy chỉ đứng thứ năm về tổng vốn đầu tư, nhưng nhiều người đang kỳ vọng sẽ có một “làn sóng” đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam do trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Nhật Bản, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cam kết sẽ có những động thái tích cực để thúc đẩy đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới. Và, đa số các công ty Nhật Bản đều đánh giá Việt Nam là địa chỉ đầu tư tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách đa dạng hóa thị trường đầu tư để tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào một số quốc gia khác. Số công ty Nhật Bản dự kiến mở rộng sản xuất tại Việt Nam cũng như số công ty muốn chuyển một phần hoạt động sản xuất từ nhiều nước sang Việt Nam cũng đang gia tăng. Hơn 56% số công ty Nhật Bản cho rằng Việt Nam có lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn so với Trung Quốc từ 10 đến 20%.

 

Về viện trợ ODA, Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, từ 1992-2003 đạt khoảng 8,7 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng khối lượng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng 1,2 tỷ USD. Đến nay, tổng số vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản cam kết cho Việt Nam lên gần 11 tỷ USD, chiếm 35% tổng số ODA cam kết của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Hai bên đã thoả thuận chương trình viện trợ lâu dài của Nhật Bản cho Việt Nam nhằm vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo và y tế; bảo vệ môi trường. Nhật Bản cũng đã công bố chính sách viện trợ ODA mới cho Việt Nam với 3 mục tiêu chính đó là thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống - xã hội, hoàn thiện cơ cấu. Nhật Bản luôn đánh giá cao ba lợi thế của Việt Nam, đó là có sự ổn định về chính trị; tốc độ tăng trưởng nền kinh tế liên tục tăng cao và tình hình an ninh - xã hội luôn ổn định. Đây là nền tảng để ODA Việt Nam không ngừng gia tăng vào Việt Nam .

 

Trong lĩnh vực du lịch, với cơ hội và tiềm năng rất lớn, Việt Nam hiện đang là thị trường được Nhật Bản chú trọng phát triển. Từ tháng 1/2004, Việt Nam đã chính thức đơn phương miễn thị thực cho người Nhật Bản đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ 1/7/2004, Việt Nam đã quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho công dân Nhật Bản. Đây là thuận lợi lớn để thúc đẩy du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Ngày 8/3/2005, Việt Nam và Nhật Bản trao đổi công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2005. Đây là cơ sở, là điều kiện tốt để gia tăng lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam . Nếu như năm 2002 có 275.000 lượt khách Nhật Bản đi du lịch Việt Nam, thì năm 2005 đạt 338.509 lượt và 8 tháng đầu năm 2006 đã đạt 234.973 lượt. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2010 là thu hút khoảng 500.000 khách du lịch đến từ Nhật Bản. Đồng thời, Nhật Bản đã đầu tư 11 dự án du lịch – khách sạn ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 163 triệu USD.

 

Một số lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, y tế cũng được hai bên tăng cường và đẩy mạnh quan hệ. Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã có khoảng 16.000 tu nghiệp sinh cùng hàng ngàn lao động Việt Nam sang Nhật Bản học nghề và thực tập kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, chế biến thuỷ sản…. Nhật Bản đang là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên mấy năm gần đây nổi lên vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn tại Nhật (tỷ lệ bỏ trốn năm 2002 là 24,7%, cao nhất trong các nước cử lao động sang Nhật) gây khó khăn cho việc hợp tác lao động. Điều này đòi hỏi hai bên cần có những biện pháp cụ thể và hữu hiệu để nâng cao tính hiệu quả trong lĩnh vực này. Về văn hóa giáo dục, hai nước đang triển khai các chương trình đào tạo con người, chương trình thanh niên ASEAN và trao đổi các đoàn văn hóa, những người người tình nguyện, chuyên gia. Hàng năm Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam một số dự án viện trợ văn hoá không hoàn lại như thiết bị học ngoại ngữ, thiết bị bảo quản tư liệu ở một số Viện nghiên cứu, Bảo tàng lịch sử. Về giáo dục, từ năm 2000 đến nay đã có 175 thạc sỹ Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. Trong số đó, đã có 110 người trở về Việt Nam làm việc. Ngoài ra còn có nhiều học sinh du học tự túc. Tổng số lưu học sinh Việt Nam ở Nhật hiện nay khoảng hơn 1.000 người. Chính phủ Nhật đã viện trợ hàng tỉ yên để xây dựng hàng trăm trường tiểu học ở các tỉnh miền núi và vùng ven biển hay bị thiên tai. Trong lĩnh vực y tế, hàng năm Nhật Bản cũng tài trợ hàng trăm triệu yên để xây dựng bệnh viện, phòng thí nghiệm.

 

Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang là nước chủ nhà của APEC 14 và việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam nhân sự kiện trọng đại này một lần nữa khẳng định bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

 

ĐCSVN