Gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD: Cần được tính toán khoa học, thận trọng

Gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD: Cần được tính toán khoa học, thận trọng 19/05/2009 09:46:00 4788

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD: Cần được tính toán khoa học, thận trọng

19/05/2009 09:46:00

Những ngày gần đây, việc triển khai thực hiện gói kích cầu trị giá 143 nghìn tỷ đồng tương đương 8 tỷ USD đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Có nhiều câu hỏi đặt ra như gói kích cầu này sẽ lấy nguồn từ đâu, và với quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ như hiện nay thì lượng tiền lớn như vậy có làm nảy sinh nguy cơ về thời kỳ lạm phát hậu khủng hoảng hay không...?

   

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa diễn ra tại Hà Nội, gói kích cầu trị giá khoảng 143 nghìn tỷ đồng tương đương 8 tỷ USD sẽ được huy động từ một số nguồn như: Ứng trước ngân sách Nhà nước trong các năm tiếp theo khoảng 37.200 tỷ đồng; Chuyển nguồn kế hoạch ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200 tỷ đồng; Bổ sung thêm kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2009 là 20.000 tỷ đồng...

   

Thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với những giải pháp kích cầu của Chính phủ cùng với sự nỗ lực vượt khó của các cấp , các ngành, 4 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn có tăng trưởng (3,1%) nhưng tốc độ tăng thấp hơn 4 tháng đầu năm 2008 (7,49%); Tốc độ tăng giá trị sản xuất công, nông, lâm nghiệp, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu đều giảm so với tốc độ tăng cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 4, tình hình kinh tế đã có chuyển biến tích cực khá rõ nét ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ cao hơn các tháng đầu năm. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, tốc độ tăng trưởng GDP ước khoảng 5%, trong đó khu vực dịch vụ có mức tăng cao hơn cả (7,5% – 7,7%), “Ngoài ra, nếu nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn so với dự báo hiện nay, chúng ta có thể phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 5,5% – 6%”. Với các dự báo về kinh tế thế giới và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2009, nền kinh tế nước ta trong năm 2009 không bị rơi vào khủng hoảng và suy thoái như các quốc gia khác và bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực

 

Suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam . Chính phủ đã kịp thời đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó đáng chú ý là các gói kích cầu lên tới nhiều tỷ USD. Khoản kích cầu này sẽ có trọng tâm trước mắt là các cơ sở hạ tầng cấp bách mang lại sự phát triển cho từng vùng, ngành, chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, nhà ở các khu công nghiệp. Một khoản lớn dành để bù lãi suất. Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009 là phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu ngăn chặn suy giảm tăng trưởng kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

 

Nhằm đạt được nhiệm vụ đề ra, Chính phủ tập trung chỉ đạo 5 nhóm giải pháp là: tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh xuất khẩu; huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng; bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài chính tích cực, hiệu quả; tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2009 là năm mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, hơn cả năm 2008, và cuộc chiến chống suy thoái kinh tế mới chỉ bắt đầu.

 

Các Ủy viên UBTVQH đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện gói kích cầu của Chính phủ. Theo Báo cáo giám sát của UB Tài chính và Ngân sách về quản lý, sử dụng vốn kích cầu có nguồn gốc từ NSNN: Chính phủ có cơ sở pháp lý để thực hiện gói kích cầu theo Nghị quyết số 21/2008/QH-12 của QH cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh miễn, giảm, giãn thuế với các doanh nghiệp gặp khó khăn; Khoản 3 Điều 38 của Luật Ngân sách Nhà nước về sử dụng dự trữ ngoại hối và Khoản 7 Điều 59 Luật NSNN về tạm ứng từ nguồn NSNN và một số chính sách khác thuộc thẩm quyền của QH... Tuy nhiên, nguồn lực sử dụng cho gói kích cầu là rất lớn (khoảng 8 tỷ USD và 1 tỷ USD bảo lãnh vốn vay), các nguồn lực này lại được phát sinh từ các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia có tác động rất lớn đến nền kinh tế, các tầng lớp dân cư, đồng thời có tác động qua lại, tạo xung lực và cộng hưởng ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Hơn nữa, gói kích cầu của Chính phủ có nhiều khoản thuộc thẩm quyền của QH, UBTVQH nên các Ủy viên UBTVQH yêu cầu Chính phủ phải có một báo cáo toàn diện trước QH về cơ sở pháp lý, đối tượng thụ hưởng, hiệu quả và những tác động đối với nền kinh tế cả về lợi ích cũng như hạn chế để QH xem xét, quyết định ngay tại Kỳ họp thứ Năm sắp tới.

 

Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm của UB Tài chính và Ngân sách về thời hạn của các giải pháp cụ thể trong gói kích cầu hiện nay là quá dài và nếu không giám sát chặt chẽ thì sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Các Ủy viên UBTVQH đặc biệt lưu ý về nguy cơ tái lạm phát sẽ là hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng gói kích cầu kém hiệu quả. Một số ý kiến cho rằng: Các ngân hàng cần công khai điều kiện cho vay. Chính sách kích cầu của Chính phủ giúp doanh nghiệp (DN) chống đỡ khó khăn trong suy thoái kinh tế nhưng nhiều DN nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Các ngân hàng cần công khai các điều kiện cho vay, công bố các đối tượng đã được vay. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, doanh nghiệp phải tìm cách cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, nếu không thì khó cạnh tranh được trên thị trường. Giảm giá thành phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu.

 

Về việc huy động nguồn lực từ phát hành 20 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu không có những biện pháp hợp lý thì sẽ rất khó thành công. Khi nền kinh tế khó khăn như hiện nay, trái phiếu Chính phủ càng phải cạnh tranh lãi suất với các định chế tín dụng khác trong huy động vốn. Nếu như lãi suất thấp thì không ai mua, nhưng nếu đẩy lên quá cao thì gây phản tác dụng đối với các biện pháp kích cầu của Chính phủ. Khi phát hành trái phiếu Chính phủ không thể đẩy lãi suất lên cao để hấp dẫn nhà đầu tư, vì rất có thể tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng. Điều này đi ngược lại với mục tiêu hiện nay là nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua giảm lãi suất. Đây chính là mâu thuẫn mà Chính phủ cần quan tâm khi phát hành trái phiếu.

 

Nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế - Ngân sách Đặng Văn Thanh đặt câu hỏi: Tại sao trong khi còn rất nhiều nguồn lực chưa được tận dụng lại phải phát hành trái phiếu Chính phủ và ứng trước ngân sách các năm tiếp theo tới 37.200 tỷ đồng? Và ngay trong Báo cáo giám sát về quản lý sử dụng vốn kích cầu có nguồn vốn ngân sách Nhà nước của UB Tài chính - Ngân sách cũng đã cảnh báo, khoản vốn ứng trước 37.200 tỷ đồng có thể gây ra những tác động không tốt đến an ninh tài chính quốc gia. Vấn đề huy động và sử dụng nguồn lực của mọi nguồn ngân quỹ là rất quan trọng. Hiện nay còn hàng trăm nghìn tỷ đồng nhàn rỗi đang nằm rải rác trong khoảng 40 quỹ ngoài ngân sách Nhà nước, tại sao không sử dụng nguồn đó mà phải đi vay với lãi suất 8%, 9% thậm chí như tháng 11.2008 phải vay với lãi suất 16% để đầu tư? Khi vay cũng phải tính toán kỹ mức vay, thời điểm vay và chỉ vay khi nào thật sự cần thiết và xác định được nhu cầu cụ thể, tránh trường hợp ngân sách vẫn phải trả nợ mà tiền vẫn còn nằm đó, giải ngân nhiều năm sau vẫn chưa hết. Đơn cử như năm 2003 nước ta đã vay 4.000 tỷ đồng để dùng cho chương trình kiên cố hóa trường học, năm 2008 phải trả nợ lên tới gần 7.000 tỷ đồng trong khi đến năm 2008 nguồn vốn này vẫn chưa giải ngân hết...

 

Theo số liệu của UB Tài chính - Ngân sách, quy mô gói kích thích kinh tế là khoảng 10% GDP, trong khi đó gói kích thích kinh tế ở một số quốc gia khác như Trung Quốc chỉ chiếm 4,4% GDP; Mỹ là 4,8% GDP; Đức là 3,4% GDP; Nhật Bản là 2,2%... Như vậy, so với quy mô nền kinh tế Việt Nam thì gói kích thích kinh tế hiện nay được đánh giá là khá lớn. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho việc quản lý, giám sát. Và câu hỏi đầu tiên dành cho những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện là gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỷ USD đó sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế? Liệu có xảy ra tình trạng những khoản tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không được sử dụng hiệu quả và cuối cùng Nhà nước phải xóa nợ như đã từng xảy ra trước đây...? Hiện nay Việt Nam có rất nhiều cơ quan giám sát nhưng hiệu quả lại chưa cao. Trong thời gian ngắn, yêu cầu tạo ra một bộ máy giám sát có hiệu quả gói kích cầu này hoàn toàn không đơn giản. Rất nhiều ý kiến cho rằng QH, mà cụ thể là UB Tài chính – Ngân sách của QH nên có những “barem” để giám sát việc triển khai thực hiện luồng vốn kích cầu này. Viện trưởng Viện khoa học tài chính (Bộ Tài chính) Quách Đức Pháp nhận định, đã xuất hiện rất nhiều vấn đề mới, vấn đề trừu tượng trong quản lý tài chính mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Dù đã có giám sát của từng đơn vị, dù đã thành lập cả Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhưng thực tế chưa hiệu quả.

 

GS-TS Nguyễn Đình Hương, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTV Quốc hội cho rằng: Huy động và sử dụng hiệu quả đầu tư công là giải pháp rất cơ bản để ngăn chặn suy giảm kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế sau thời kỳ suy giảm. Việc đầu tư XDCB của nước ta, nhất là đầu tư công, hiện rất dàn trải, thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Do đó, rất cần thiết tập trung xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về XDCB, sửa đổi, bổ sung kịp thời các luật liên quan đến công tác XDCB nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống luật pháp, tạo điều kiện để môi trường đầu tư XDCB đi vào kỷ cương, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư XDCB từ Trung ương đến địa phương. Đối với các dự án đã cắt giảm cần rà soát lại. Những dự án nào đã đầu tư, xét thấy những hạng mục sớm hoàn thành mang lại hiệu quả thì cần được triển khai tiếp. Còn đối với dự án xét thấy không hiệu quả thì kiên quyết cắt bỏ. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia cần tập trung hoàn thành đúng tiến độ. Cần tập trung ưu tiên cho các công trình thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ.

 

Đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỷ USD đang được kỳ vọng tạo động lực giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Hiện đã có nhiều tín hiệu khả quan về nền kinh tế nước ta trong 4 tháng đầu năm nay, nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến chống suy giảm kinh tế còn rất cam go, cần thận trọng./.

 

Theo Website ĐCS