Ngày 12/7, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá. Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong quản lý giá là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Không niêm yết giá hàng hóa sẽ bị phạt từ 500.000 – 1.000.000 đồng
Nghị định này gồm 5 Chương, 33 Điều, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12/7 và thay thế các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh cực giá quy định tại Chương II Nghị định số 109/2013; Điều 1 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo đó, Chương II của Nghị định có những quy định mới như:
Nhiều quy định mới trong xử phạt vi phạm Quỹ Bình ổn giá
Tại Điều 7, Nghị định 87 quy định 5 mục thay vì 4 mục như trong các Nghị định trước (Nghị định 109/2013 và 49/2016) về xử phạt các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Những hành vi công khai không đầy đủ, công khai không đúng thời hạn, không công khai thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 70 triệu đồng; trong đó, hành vi không công khai thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật sau 5 ngày làm việc sẽ bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng.
Đối với hành vi không báo cáo và báo cáo không chính xác, không đầy đủ, đúng thời hạn về Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị phạt trong khung phạt từ 20 – 70 triệu đồng, trong đó hành vi không báo cáo sau 05 ngày làm việc kể từ ngày phải báo cáo hoặc báo cáo không chính xác về Quỹ bình ổn giá.
Đối với các hành vi trích lập không đầy đủ Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng; hành vi không trích lập Quỹ bình ổn giá sẽ bị phạt từ 80 – 100 triệu đồng; và cao nhất là phạt tiền từ 120 – 150 triệu đồng khi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật.
Gửi báo cáo muộn sẽ bị phạt
Tại Điều 8, Nghị định 87 quy định rõ về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về theo quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá. Theo đó, nếu các cá nhân, tổ chức gửi báo cáo hoặc cung cấp thông tin tài liệu sau thời hạn quy định từ 3 – 5 ngày làm việc hay báo cáo hoặc cung cấp thông tin tài liệu không không đầy đủ sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng; Nếu vi phạm từ 6 đến 10 ngày làm việc sẽ bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng; Sau 10 ngày làm việc sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.
Tại Điều 9, Nghị định 87 quy định các hành vi vi phạm trong quy định về gửi phương án giá hàng hóa, dịch vụ hoặc báo cáo đánh giá chi tiết các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ… theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 – 30 triệu đồng tùy thuộc vào ngày gửi phương án quá nhiều hay ít ngày so với quy định. Mức phạt cao nhất áp dụng cho các hành vi gửi hoặc không gửi phương án giá hàng hóa… sau 10 ngày làm việc theo quy định của pháp luật.
Định giá, hiệp thương giá, kê khai giá...
Tại Điều 10, Nghị định 87 quy định mức xử phạt về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể; hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành; hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành; hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành.
Đối với hành vi không thực hiện đúng biên bản ghi nhận kết quả hiệp thương hoặc văn bản xác định mức giá của cơ quan hiệp thương giá sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng (Điều 11).
Với hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ, Nghị định quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đủ các nội dung hoặc không đúng mẫu của văn bản kê khai giá.
Đối với hành vi kê khai không đúng giá bán hoặc không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định: Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đúng giá bán hoặc không kê khai giá từ 01 đến 10 hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc diện kê khai giá; phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đúng giá bán hoặc không kê khai giá từ 11 đến 20 hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc diện kê khai giá; phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đúng giá bán hoặc không kê khai giá từ 21 hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc diện kê khai giá trở lên (Điều 12).
Đối với hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, Nghị định quy định phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định (Điều 13).
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.
Xử phạt khi vi phạm quy định kiểm tra, thanh tra giá
Điều 14 tại Nghị định 87 quy định phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với các hành vi không nhận quyết định thanh tra, kiểm tra; không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra; không cung cấp hồ sơ hoặc cung cấp không đầy đủ; không ký biên bản kiểm tra, thanh tra trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố công khai biên bản.
Đối với những trường hợp tái phạm sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.
Điều 15 quy định sẽ phạt từ 15 – 20 triệu đồng đối với các hành vi loan tin, đưa tin không chính xác, không đúng sự thật về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.
Các hành vi gian lận về giá sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng và cao nhất là phạt tiền từ 50 – 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa thiên tai để tăng giá bán hàng hóa dịch vụ… nhằm trục lợi.
Các hành vi vi phạm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giá đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt từ 1 – 5 triệu đồng./.
Mộc Lan