Hà Nội, TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý tài chính – ngân sách

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý tài chính – ngân sách 15/07/2024 16:00:00 1576

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý tài chính – ngân sách

15/07/2024 16:00:00

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế xã hội nước ta hồi phục tích cực hơn, tháng sau hơn tháng trước. Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đem lại nhiều kết quả quan trọng trong thành tích chung của cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết ngành Tài chính năm 2024 tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: H.Thọ

Hà Nội: Kinh tế xã hội trên địa bàn có nhiều khởi sắc

Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, kinh tế TP Hà Nội 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, cao hơn cùng kỳ (5,97%).

Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 259.000 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách đối với hoạt động thương mại điện tử là gần 10 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương trên 44.400 tỷ đồng, đạt 30,4% dự toán giao đầu năm, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 19.484 tỷ đồng, đạt 24,0% dự toán, tăng 22,3% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Hà Nội trong thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đảm bảo nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, các dự án, công trình trọng điểm, các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng văn hóa, xã hội,…

Theo đại diện Sở Tài chính TP Hà Nội, đạt được kết quả thu chi ngân sách nêu trên là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn điều hành ngân sách. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các Luật Thuế và nhiệm vụ thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản, rà soát giá tính thuế sát giá thị trường; quản lý thu đối với hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới. Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn đúng quy định pháp luật. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử,… Bộ Tài chính cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhờ sự hướng dẫn của Bộ Tài chính, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, đã thực hiện kiểm kê thử nghiệm tài sản công tại Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, quận Hai Bà Trưng, huyện Gia Lâm. “Trong quá trình kiểm kê thử, Bộ Tài chính đã quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính TP tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ, công chức của các cơ quan thí điểm kiểm kê tài sản công trên địa bàn”- ông Sáng nói và cho biết hiện nay, Sở đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác tổng kiểm kê tài sản công trên phạm vi toàn quốc.

TP Hồ Chí Minh: Tập trung các giải pháp quản lý, khai thác nguồn thu

Về tình hình phát triển KT-XH của Tp.Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm, bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong nửa đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đem lại nhiều kết quả quan trọng.

Bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh

Tính đến hết ngày 30/6/2024, tổng thu NSNN trên địa bàn là 267.399 tỷ đồng, đạt 55,38% dự toán, tăng 17,31% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa (kể cả dầu thô) là 206.385 tỷ đồng, đạt 58,66% dự toán, tăng 25,62% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương là 64.478 tỷ đồng, đạt 56,89% dự toán, tăng 54,42% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2024 là 31.707 tỷ đồng, đạt 21,72% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển là 9.682 tỷ đồng, đạt 12,81% dự toán, chi thường xuyên là 21.878 tỷ đồng, đạt 34,51% dự toán, tương đương cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển mặc dù còn thấp so với dự toán nhưng tăng 91,39% so cùng kỳ.

Bà Trần Mai Phương cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, trọng tâm nhằm hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2024. Trong đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, NSNN; triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn thu; đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu và dịch vụ ăn uống, nhà hàng.

Cùng với đó, sẽ thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Trong đó, tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, trong phạm vi dự toán, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi ngân sách, triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Cân đối nguồn cải cách tiền lương đảm bảo nhu cầu tăng lương cơ sở và thực hiện chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch được giao.

HP

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Liên kết website