Sáng 28/11, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) phối hợp với Văn phòng dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo tham vấn Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của đại diện Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), Nhóm Tư vấn, các đơn vị chuyên môn liên quan thuộc Bộ Tài chính.
Bà Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: PC
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, các nội dung về thị trường các-bon, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được nhiều quốc gia quan tâm triển khai nhằm tạo ra cơ chế linh hoạt, hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Trong các cơ chế này, thị trường các-bon là một trong những công cụ định giá các-bon quan trọng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam.
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính là đơn vị đang được giao xây dựng và phát triển thị trường các-bon. Để triển khai nhiệm vụ này, với sự hỗ trợ của Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á, Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) triển khai dự án “Nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon".
Hội thảo lần này sẽ tập trung về kết quả nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm quốc tế về thiết lập và vận hành sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống pháp luật, hạ tầng để thiết kế sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon tại Việt Nam; thảo luận và tham vấn để đề xuất các phương án cho việc thiết lập và vận hành sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon tại Việt Nam và lộ trình thực hiện. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thời gian qua cũng như những đóng góp của các chuyên gia, các Bộ, ngành và cơ quan, tổ chức, thành viên thị trường, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục hoàn thiện cũng như đưa ra các đề xuất phù hợp và khả thi trong triển khai thực hiện.
Theo chuyên gia Phạm Phan Dũng, Thành viên Nhóm Tư vấn thực hiện dự án thuộc Viện Sinh thái và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước những vấn đề cấp bách, Việt Nam đã hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này, trong đó có việc ban hành các định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về việc xây dựng thị trường các-bon trong nước. Việc tổ chức và xây dựng thị trường các-bon trong nước là nội dung mới, Việt Nam đang từng bước tiếp cận theo quan điểm kế thừa, sử dụng các quy định, cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có. Thị trường các-bon trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và phát triển. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Tài chính được giao ban hành cơ chế quản lý, tổ chức cho hoạt động của thị trường các-bon.
Đánh giá về hiện trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế tài chính, chuyên gia Phạm Phan Dũng cho rằng, quy định của pháp luật về thị trường các-bon của Việt Nam tuy đã có nhưng chưa đầy đủ để thị trường có thể được hình thành và hoạt động.
Hiện nay, nhiệm vụ chính trong xây dựng và vận hành thị trường các-bon tại Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan liên quan khác cũng được giao những nhiệm vụ riêng trong phạm vi thẩm quyền, chức năng của mình. Cơ chế quản lý thị trường các-bon trong nước của Việt Nam cũng đã được phân công cụ thể....
Tuy vậy, chuyên gia Phạm Phan Dũng cho rằng hiện đang còn một số khoảng trống pháp lý, đặt ra thách thức nhất định để xây dựng thị trường các-bon hiệu quả. Đơn cử, chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá, xác định tín chỉ các-bon đủ điều kiện để được giao dịch trên thị trường; chưa có quy định cụ thể về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đấu giá, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon hay tiêu chí đánh giá, xác định tổ chức, cá nhân được đấu giá, mua bán trên thị trường; các cơ chế quản lý, giám sát, tổ chức, quy định xử phạt, quy định tham gia trao đổi tín chỉ các-bon và phương pháp tính chỉ số của sàn giao dịch chưa được quy định; các quy định, chính sách tài chính mới đang trong giai đoạn nghiên cứu và đề xuất;....Bên cạnh đó, khoảng trống về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để thành lập và phát triển thị trường các-bon cũng đặt ra vấn đề cần hoàn thiện để phát triển thị trường này.
Chuyên gia Phạm Phan Dũng đưa ra so sánh về hai phương án thành lập sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon. Theo đó, phương án 1 là thành lập Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon trên cơ sở sử dụng hạ tầng của giao dịch chứng khoán. Phương án 2 là xây dựng mô hình sàn độc lập với Hệ thống Giao dịch Chứng khoán và do Bộ Tài Nguyên và Môi trường quản lý. Để thí điểm vận hành Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon theo phương án 1, ông Dũng đề xuất vai trò cụ thể của các đơn vị liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng trong thời gian tới.
Từ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước Châu Âu (Anh Quốc; California, Newzealand) trong việc tổ chức Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch Phát thải (ETS), ông Albert de Haan và ông Russel Quek, Nhóm Tư vấn cho rằng, nhiều quốc gia sẽ hưởng lợi từ các cơ hội triển khai ETS trong nước để đạt được các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định dễ dàng hơn khi Chính phủ kiểm soát được toàn diện hơn cách thức để đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu quốc gia, ETS kết hợp với Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon được coi là công cụ hiệu quả nhất để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được cam kết. Từ các bài học kinh nghiệm từ Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon toàn cầu, Nhóm Tư vấn cũng khuyến nghị một số nội dung về thiết lập mô hình Sàn Giao dich Tín chỉ các-bon tại Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về xây dựng Sàn Giao dịch Tín chỉ các-bon, bà Hyun Shin Park Ecoeye, Nhóm Tư vấn cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các quy định, hướng dẫn chi tiết dựa trên Luật Bảo vệ Môi trường; linh hoạt, đồng bộ quy định thông qua sự hợp tác giữa các Bộ, ngành; hướng dẫn triển khai nên được đặt ở cấp độ pháp lý thấp hơn để có thể điều chỉnh. Đồng thời, cần tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để tiết kiệm thời gian; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực; xây dựng hướng dẫn, lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể; điều chỉnh các quy định hiện hành từ thị trường chứng khoán;...
HP