Phát huy vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế - xã hội 26/05/2022 13:36:00 3948

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát huy vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế - xã hội

26/05/2022 13:36:00

Đây cũng là mục tiêu chính được thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của ngành bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế” do Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng nay 25/6, tại Hà Nội.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân
phát biểu khai mạc Hội thảo

Bảo hiểm có hai vai trò lớn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, trong đó ngành bảo hiểm đã đào tạo được 32 năm. Trong thời gian qua, Khoa bảo hiểm đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của Nhà trường. Đối với sự phát triển của xã hội, ngành bảo hiểm là một trong những ngành đã, đang đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế.

Việc tổ chức Hội thảo hôm nay có ý nghĩa lớn, thông qua Hội thảo chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, thầy cô giáo, các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm góp phần khẳng định vai trò của ngành bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, giúp nâng cao chất lượng đào tạo của ngành bảo hiểm tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Tài chính nói riêng” - PGS.TS Bùi Huy Nhượng khẳng định.

PGS.TS Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng qua hơn hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đã chịu những tác động tiêu cực vô cùng lớn. Vấn đề an sinh xã hội cũng có những diễn biến vô cùng phức tạp và ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt xã hội ở hầu hết các nước. Nhìn vào thực trạng này sẽ thấy rõ hơn vai trò của ngành bảo hiểm và sự cần thiết phải phát triển tất cả các loại hình bảo hiểm nhằm góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo PGS.TS Trương Thị Thủy bảo hiểm có hai vai trò rất lớn là vai trò kinh tế và vai trò xã hội. Về vai trò kinh tế: Bảo hiểm trực tiếp đảm bảo cho các khoản đầu tư của các cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, những khoản tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp khi đối tượng bảo hiểm của họ không may gặp phải rủi ro, tổn thất. Điều đó đã giúp họ kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục lại tài sản ban đầu để tiếp tục ổn định sản xuất, góp phần ổn định nền kinh tế nói chung...

Về vai trò xã hội của bảo hiểm bắt nguồn từ chính nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm là bảo vệ con người, vì con người. Bảo hiểm sẽ là chỗ dựa tâm lý cho người tham gia trong mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Mặt khác ngành bảo hiểm hiện nay còn tạo ra khá nhiều việc làm cho nền kinh tế, từ đó góp phần giảm tải tình trạng thất nghiệp trong xã hội…

Nhiều đề xuất phát triển ngành bảo hiểm

Tại Hội thảo ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia xoay quanh các nội dung chính như: vai trò của bảo hiểm thương mại với việc đảm bảo an sinh xã hội cho người già trong điều kiện già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay; làm rõ hơn nữa và có những minh chứng cụ thể khách quan về sự cần thiết và vai trò của từng loại hình bảo hiểm; vai trò của bảo hiểm đối với mỗi gia đình Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội có những biến động lớn do thiên tai, dịch bệnh và già hóa dân số; cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm ở Việt Nam sau đại dịch Covid-19; bảo hiểm thương mại có được coi là trụ cột đảm bảo an sinh xã hội quốc gia; kinh nghiệm quốc tế về phát triển các lĩnh vực bảo hiểm; những nội dung nào trong chính sách, pháp luật về bảo hiểm ở Việt Nam cần bổ sung, hoàn thiện; những vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm ở Việt Nam; các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần phải làm gì để thể hiện và khẳng định vai trò to lớn của loại hình bảo hiểm thương mại trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội quốc gia…

Phát biểu tại Hội thảo với tham luận “Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Sự phát triển, cơ hội và thách thức”, ông Đào Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện phát triển bảo hiểm Việt Nam - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao với tốc độ bình quân khoảng 7%/năm. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Dân số Việt Nam đang trong độ tuổi vàng, là cơ hội phát triển rất nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như: bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí... Ngoài ra, việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển, là cơ hội để doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng kinh doanh và nhanh chóng tiếp cận thị trường bảo hiểm thế giới và khu vực. Tuy nhiên bên cạnh các cơ hội cũng kèm theo nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bảo hiểm.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong khi đó, ý kiến từ TS. Nguyễn Thị Hải Đường, Trưởng Bộ môn kinh tế bảo hiểm, Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đại dịch Covid-19 đã có tác động đến sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng tiêu cực. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung, thị trường bảo hiểm nói riêng sau tác động của đại dịch, cần có một chính sách khôi phục và phát triển kinh tế tổng thể thúc đẩy sự phát triển của các ngành trong nền kinh tế, đảm bảo sự vận hành liền mạch của tất cả các khâu. Trong chính sách này, bảo hiểm cần được xác định là công cụ tài chính mang tính chất bảo vệ bảo toàn về tài chính cho các thành phần kinh tế trước các nguy cơ rủi ro thiên tai và tai nạn bất ngờ, giảm thiểu sự đình trệ. Bên cạnh đó cần khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhóm cung cấp cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Mặt khác cần thay đổi cơ chế quản lý vốn và hoạt động tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho thị trường, doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Thu Trang

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Liên kết website