Kinh tế tư nhân – Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Kinh tế tư nhân – Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 09/12/2021 15:51:00 12070

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế tư nhân – Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

09/12/2021 15:51:00

Những thay đổi về thể chế, chính sách đã tạo nên những thành tựu trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, đóng góp trên 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước (NSNN), thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại và trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể vào nguồn thu NSNN.

Kinh tế tư nhân - “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (từ tháng 6/2017 đến nay), khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội... Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (bao gồm kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân) đã thể hiện được khả năng chống chịu lớn nhất khi thu ngân sách so với dự toán đạt mức cao nhất trong cả ba khu vực. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt khoảng 74,2% dự toán, tiếp đó đến thu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 72,2% dự toán và thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 71,2% dự toán.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục là một nguồn vốn đầu tư quan trọng trong tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Vốn đầu tư toàn xã hội từ khu vực kinh tế tư nhân quý III/2021 giảm 1,4% so cùng kỳ và là mức giảm cao nhất trong 3 khu vực (khu vực nhà nước giảm 20,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 20,7%). Tính chung 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng 0,4% chủ yếu nhờ lực kéo của vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vốn đầu tư từ khu vực tư nhân đạt 1.100,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% và tăng 3,9% và là khu vực duy nhất có vốn đầu tư tăng trưởng dương so với cùng kỳ (khu vực nhà nước giảm 4,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,4%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn một số hạn chế. Tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)… Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. Nguyên nhân của những bất cập này là do một số rào cản thể chế. Trong đó, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường đầu tư kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, việc tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian và không chính thức.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nói riêng ngày càng suy giảm. Các khó khăn cơ bản của doanh nghiệp vẫn là thiếu vốn, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí logistics tăng làm chi phí sản xuất - kinh doanh tăng; trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; trả tiền vay ngân hàng (gốc và lãi); trả tiền điện, nước và nguyên liệu đầu vào; trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị.

Giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế

Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”, đồng thời tiếp tục đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên... góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, có sức chống chịu cao. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nêu rõ, phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định, tạo nền tảng quan trọng để khu vực kinh tế tư nhân là “lực kéo’, là “trụ cột” của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp, trước hết cần tập trung vào các nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

(i) Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong các Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành, các bộ, ngành địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời.

(ii) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt. Đồng thời, đẩy nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ tài chính nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất kinh doanh để khôi phục lại sản xuất - kinh doanh; xây dựng các kịch bản hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

(iii) Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và các chính sách khác, để các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính. Theo đó, cần xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng hỗ trợ 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào giảm cho doanh nghiệp (giá điện…); tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ về tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới...) đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.

(iv) Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, khắc phục điểm nghẽn hạ tầng, chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trong xu hướng điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động.

Trong dài hạn, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự làm tốt vai trò lực đẩy, trong giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng tiếp cận, khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia cho phát triển. Trong đó một số vấn đề cốt lõi cần tập trung là hỗ trợ, khuyến khích đầu tư thông qua việc đổi mới chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả.

Minh Hương (Viện CLTC)

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 4 lượt bình chọn
5
75%
4
25%
3
0%
2
0%
1
0%

Liên kết website