Kinh nghiệm từ một số quốc gia sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản

Kinh nghiệm từ một số quốc gia sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản 29/10/2021 16:03:00 1816

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh nghiệm từ một số quốc gia sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản

29/10/2021 16:03:00

Đầu cơ bất động sản (BĐS) được xem là hoạt động giao dịch mua bán các BĐS trong ngắn hạn để thu lợi nhuận. Hành vi này có thể tạo các “cơn sốt” nhà đất ở nhiều nước trên thế giới. Các chính sách nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS tập trung tác động tới cung và cầu của thị trường. Giải pháp từ phía cung là tăng nguồn cung nhà ở và nguồn cung quỹ đất để xây dựng nhà. Trong khi đó, giải pháp từ phía cầu là sử dụng các công cụ thuế, luật, các chính sách tài chính khác để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế. Chính sách thu ngân sách tại các quốc gia nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ trong nền kinh tế chủ yếu sử dụng công cụ thuế.

Tại Anh, Chính phủ nước này sử dụng chính sách đánh thuế rất cao đối với các giao dịch BĐS để hạn chế đầu cơ BĐS. Theo đó, công cụ thuế chính bao gồm thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thừa kế và thuế thu nhập. Đối với thuế trước bạ được áp dụng theo hình thức lũy tiến tức là giá trị căn nhà được chuyển nhượng càng cao thì thuế suất càng cao, cụ thể như: căn nhà giá trị dưới 250 nghìn GBP áp dụng thuế suất 0%; 250.001 - 925 nghìn GBP áp dụng thuế suất 5%; 925.001 - 1,5 triệu GBP áp dụng thuế suất 10%; trên 1,5 triệu GBP áp dụng thuế suất 12%. Thuế thu nhập, thuế GTGT và thuế thừa kế đối với BĐS được áp dụng ở mức thuế suất lần lượt là 19%, 20% và 40%. Tuy nhiên việc áp dụng thuế thừa kế thì tương tự thuế trước bạ, BĐS có giá trị dưới 325 nghìn GBP thì thuế suất là 0%.

Tại Đức, các sắc thuế chính để hạn chế đầu cơ BĐS là thuế chuyển nhượng BĐS, thuế thu nhập. Thuế chuyển nhượng BĐS có thuế suất dao động trong khoảng 0,8 - 2,8% tùy thuộc vào khu vực BĐS. Thuế thu nhập từ BĐS sẽ áp dụng mức thuế suất 14 - 42%. Tuy nhiên, cá nhân mua bán BĐS sẽ được miễn thuế thu nhập khi BĐS được sở hữu trên 10 năm hoặc BĐS không được xem là tài sản với mục đích kinh doanh.

Tại Pháp, Chính phủ đã dùng công cụ thuế nhằm ngăn chặn đầu cơ BĐS và các sắc thuế này đánh vào lợi nhuận từ chênh lệch mua - bán hay còn gọi là thuế lợi tức và thuế đối với các BĐS để trống, không sử dụng vào mục đích kinh doanh hay ở. Thuế lợi tức dựa trên nguyên tắc nếu bán lại BĐS càng sớm thì thuế suất càng cao. Chẳng hạn, bán BĐS dưới 6 năm sở hữu thì phải chịu thuế lợi tức 16% và từ năm thứ 6 trở đi mức thuế suất sẽ giảm dần, nắm giữ sau 22 năm thì không phải chịu thuế. Ngoài ra, một số khu đô thị có tình trạng đầu cơ đất tăng cao đã áp dụng thuế đối với chủ sở hữu các căn nhà trống và cá nhân, tổ chức cho thuê BĐS nhưng để trống trong vòng 2 năm liên tiếp. Mức thuế suất đối với các BĐS để trống là 12,5% trong năm đầu và 25% trong các năm tiếp theo.

Tại Hoa Kỳ, chính sách chống đầu cơ BĐS tùy thuộc theo luật pháp riêng tại từng tiểu bang. Thành phố San Francisco quy định nếu một người mua nhiều BĐS và bán trong thời gian dưới 5 năm thì sẽ chịu mức thuế chuyển nhượng nhà là 24% nếu bán nhà trong năm đầu tiên sau khi mua nhà, mức thuế suất này sẽ giảm dần theo từng năm, đến năm thứ 5 kể từ khi mua BĐS chủ sở hữu bán lại cho người khác sẽ chịu mức thuế 14%. Tuy nhiên, một số trường hợp người bán nhà có thể được miễn thuế chuyển nhượng như: BĐS được bán với giá bằng hoặc thấp hơn giá mua; người sở hữu BĐS là người thuộc tầng lớp thu nhập thấp…

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã áp dụng đánh thuế thặng dự vốn ở mức thuế suất rất cao (77%) đối với các BĐS được người mua nắm giữ dưới 1 năm sau đó bán lại. Thuế trên thặng dư vốn là một khoản thuế được áp dụng dựa trên chênh lệch dương giữa giá bán và giá mua ban đầu của tài sản. Ngoài ra, đối với các giao dịch BĐS thông thường thì sẽ chịu thuế mua nhà 1 - 4%. Tuy nhiên, đối với những cá nhân đã sở hữu từ 3 BĐS trở lên thì khi mua một BĐS mới sẽ chịu mức thuế mua nhà lên tới 12%.

Tại Singapore và Hồng Kông, nhằm ngăn ngừa tình trạng đầu cơ BĐS của các nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền các nước này đã áp dụng thuế mua nhà rất cao đối với người nước ngoài với mức thuế suất lần lượt là 20% và 30%.

Đài Loan đã áp dụng Luật Thuế BĐS mới nhằm chống đầu cơ nhà đất trong năm 2021. Cụ thể, Luật mới đánh thuế 45% lợi nhuận của bất kỳ giao dịch BĐS nào mới sở hữu không quá 2 năm và 35% cho những khu nhà đất sở hữu không quá 5 năm. Đối với các BĐS sở hữu trên 5 năm thì thuế suất đánh vào lợi nhuận của giao dịch BĐS khoảng 20%. Người nước ngoài và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ phải trả 45% thuế giao dịch BĐS nếu sở hữu dưới 2 năm và 35% nếu sở hữu BĐS trên 2 năm. Những biện pháp này được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngắn hạn, gây bong bóng thị trường, tạo nên những cơn sốt đất ảo, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Đài Loan cũng tập trung vào việc chống trốn thuế BĐS dưới các hình thức khác nhau như chuyển nhượng cổ phần, sang tên khi căn hộ đang trong quá trình xây dựng.

Ngọc Tú (Viện CLTC)

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Liên kết website