WEF: Việt Nam đang tiến bộ trong năng lực cạnh tranh toàn cầu

WEF: Việt Nam đang tiến bộ trong năng lực cạnh tranh toàn cầu 13/09/2018 14:49:00 1476

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

WEF: Việt Nam đang tiến bộ trong năng lực cạnh tranh toàn cầu

13/09/2018 14:49:00

(Ndh.vn) WEF đánh giá Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động.

Trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017 - 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới ghi nhận những tiến bộ tích cực của Việt Nam trong nỗ lực cải cách, xây dựng các yếu tố tăng trưởng dài hạn. WEF đánh giá Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề còn tồn tại đối với Việt Nam để đảm bảo sự phát triển là liên tục và bền vững.

Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hàng năm nhằm mục đích đo lường sự lên xuống về năng suất của các nền kinh tế. Đây là nhân tố quyết định thu nhập bình quân đầu người ở từng quốc gia. Các chỉ số này dựa trên việc tính toán, phân tích 106 yếu tố khác nhau của nền kinh tế để xem liệu nền kinh tế đó là mạnh hay yếu. Với trường hợp của Việt Nam, bức tranh tổng thể đang có những sự cải thiện.

Trong Báo cáo thường niên năm 2017 - 2018 mà WEF công bố tháng 9/2017, Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, với xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ khi WEF đưa ra chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu tổng hợp vào năm 2006. Với thứ hạng này, Việt Nam xếp trên một số nước ASEAN như Philippines, Campuchia, Lào.

Nhìn lại giai đoạn 10 năm qua, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã cải thiện khoảng 15 bậc, từ hạng 70 - 75 lên 55 - 60; Việt Nam đã dịch chuyển từ nửa dưới lên nửa trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu.

Phân tích về những điểm mạnh của Việt Nam, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood đánh giá, Việt Nam đã có những thành tựu rất đáng kể trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ bình quân cao, nguy cơ bùng nổ các đợt dịch bệnh thấp, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh thấp, các loại chỉ số này cho thấy mức độ phát triển của Việt Nam.

"Điểm đáng chú ý nữa là sự ổn định về kinh tế. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ lạm phát ít biến động và tương đối thấp và tỷ lệ tiết kiệm cao đi kèm tỷ lệ đầu tư mạnh mẽ. Nền tảng của nền kinh tế Việt Nam là tương đối tốt", ông Justin Wood cho hay.

Tuy nhiên, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại vốn đang cản trở Việt Nam vươn tới vị trí cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là năng lực sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam khá thấp.

Chỉ số đổi mới sáng tạo bao gồm các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) như thế nào, số lượng các bằng sáng chế được cấp là bao nhiêu. Điều này cản trở Việt Nam tiến sâu hơn trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc.

Điểm yếu nữa là về chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động tại Việt Nam. WEF cho rằng chỉ số này phản ảnh những khó khăn của doanh nghiệp khi muốn tìm được lao động phù hợp, và khả năng người lao động dịch chuyển công việc. Điều này kìm hãm khả năng thích ứng và tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên về tổng thể, Việt Nam đang đi đúng hướng.

Ông Justin Wood nói, nếu nhìn vào thực tiễn triển khai làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam, dễ nhận ra những bước tiến, qua các chỉ số được đo lường hàng năm. Không chỉ WEF nghiên cứu các con số này, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có nhiều báo cáo ghi nhận tiến bộ của Việt Nam thông qua khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh tại đây. Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc dỡ bỏ hàng rào thủ tục và quy định trong lĩnh vực thuế, hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu, đăng ký kinh doanh.

Cải thiện hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cũng là trọng tâm hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF trong giai đoạn tới. Hai bên đã cùng ký thỏa thuận đối tác vào năm ngoái tập trung hợp tác vào 5 lĩnh vực ưu tiên cần cải cách như: tiến bộ kinh tế tương lai, an ninh lương thực, thương mại đầu tư, tương lai của kinh tế số, và chuỗi sản xuất.

Vov.vn