Bắt đầu từ tháng 4/2018, một số chính sách pháp luật trong các lĩnh vực về phí, xuất nhập khẩu, sở hữu trí tuệ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Ảnh minh họa, nguồn Internet
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ
Ngày 01/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg ngày 13/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
Theo Quyết định số 10/2018/QĐ-TTg, các đối tượng thứ nhất bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo quy định tại Điều 8, 9 và 10 Nghị định số 73/CP ngày 30/7/1994 của Chính phủ. Các đối tượng này được tạm nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng xe ôtô, xe gắn máy sau khi được Bộ Ngoại giao cấp tiêu chuẩn tạm nhập khẩu tại sổ định mức hàng miễn thuế theo quy định.
Quyết định cũng quy định 2 đối tượng khác được tạm nhập khẩu miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng xe ôtô, xe gắn máy gồm Viên chức ngoại giao thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, viên chức lãnh sự thuộc cơ quan lãnh sự, viên chức thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, tạm gọi là nhóm đối tượng thứ 2. Tuy nhiên, nhóm đối tượng thứ 2 phải đáp ứng các điều kiện, có thời gian công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tối thiểu từ 18 tháng trở lên kể từ ngày đối tượng được Bộ Ngoại giao cấp chứng minh thư, còn thời gian công tác tại Việt Nam tối thiểu từ 12 tháng trở lên, thời gian công tác tại Việt Nam ghi trên chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp.
Nhóm đối tượng thứ 3 bao gồm nhân viên hành chính kỹ thuật thuộc cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ trên nguyên tắc có đi có lại giữa nhà nước Việt Nam và nước cử.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/04/2018.
2. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
Ngày 01/3/2018, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định số 27/2018/NĐ-CP bổ sung điều kiện về quản lý nội dung thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Cụ thể, điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội gồm: Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội; có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email); có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.
Điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp gồm: Có quy trình quản lý thông tin công cộng, trong đó, xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn; có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email).
Ngoài ra, Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định bổ sung: Tài khoản mạng xã hội phải được lưu trữ trên hệ thống ít nhất 02 năm và từ 15/4 mạng xã hội bắt buộc phải sử dụng 01 tên miền “.vn”, lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
3. Quy định chi tiết về quyền tác giả và quyền liên quan
Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định quy định rõ về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận.
Nghị định cũng quy định thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Theo đó, việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thực hiện theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và văn bản ủy quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thỏa thuận về mức hoặc tỷ lệ phần trăm, phương thức và thời gian phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2018. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: (i) Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; (ii) Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
4. Sửa đổi mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép sản xuất thuốc lá
Ngày 22/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 299/2016/TT-BTC (Thông tư số 299/2016/TT-BTC) ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện kinh doanh để cấp Giấy phép sản xuất rượu, thuốc lá.
Thông tư số 22/2018/TT-Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 299/2016/TT-Bộ Tài chính. Theo đó, tổ chức thu phí quy định tại Thông tư này là Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép sản xuất thuốc lá.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/04/2018.
Hà Uyên (tổng hợp)