THÔNG TIN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH TRONG THÁNG 12/2023
I. Văn bản 1:
(i) Tên văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 84/2023/NĐ-CP ngày 01/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022-2027.
(ii) Hiệu lực thi hành:
- Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (ngày 01/12/2023);
- Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Cộng hoà Liên bang Mi-an-ma và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 04 tháng 3 năm 2022, đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Cộng hoà Phi-líp-pin và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 02 tháng 6 năm 2023 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất RCEP theo quy định tại Nghị định này và Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
(iii) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Hiệp định RCEP được các nước thành viên ký kết vào ngày 15/11/2020. Ngày 6/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP phê duyệt Hiệp định RCEP. Ngày 14/12/2021, Bộ Ngoại giao có văn bản số 37/2021/TB-LPQT về việc điều ước quốc tế có hiệu lực, trong đó thông báo Hiệp định RCEP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 01/01/2022.
- Nhằm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hiệp định RCEP, ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2027. Nghị định áp dụng đối với các nước thành viên RCEP ngoại trừ Mi-an-ma và Phi-líp-pin do Hiệp định chưa có hiệu lực với 02 nước này.
- Ngày 6/4/2023 và ngày 26/4/2023, Bộ Công Thương đã có các thông báo về thời điểm áp dụng Hiệp định RCEP với Phi-líp-pin là vào ngày 02/6/2023 và với Mi-an-ma vào ngày 04/3/2022.
- Việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 để bổ sung hiệu lực của Hiệp định RCEP đối với Phi-líp-pin và với Mi-an-ma là cần thiết để thực thi cam kết quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.
(iv) Nội dung chủ yếu:
Dự thảo Nghị định bao gồm 03 Điều khoản, trong đó:
Điều 1, quy định bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022, để bổ sung Mi-an-ma và Phi-lip-pin vào danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế suất RCEP.
Điều 2, quy định về hiệu lực thi hành nhằm đảm bảo việc áp dụng cho hàng hóa từ Mi-an-ma được hưởng ưu đãi thuế suất RCEP từ ngày 04/3/2022 và từ Phi-li-pin từ ngày 02/6/2023.
Điều 3, quy định về trách nhiệm thi hành.
II. Văn bản 2:
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
2. Hiệu lực thi hành
2.1. Về hiệu lực thi hành
Nghị định ngày có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2024.
2.2. Về bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật trước đó
Nghị định này bãi bỏ:
- Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 09/2020/NĐ-CP ngày 13/01/2020 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ.
- Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
3.1. Sự cần thiết
Ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 40/2021/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết giao Chính phủ: Quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý; thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.
Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết giao Chính phủ: “Quy định cụ thể việc thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý. Tiếp tục thu 100% nguồn thu này các năm 2024, 2025 về ngân sách trung ương và thực hiện phân chia tương ứng 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ...”.
Ngày 03/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2047/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó, tại điểm c khoản 4 Điều 2 Quyết định giao: Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý.
Do đó, việc xây dựng Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ là cần thiết.
3.2. Mục đích ban hành
Việc ban hành Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ nhằm:
- Bảo đảm chính sách phí sử dụng đường bộ đồng bộ, thống nhất với pháp luật về giao thông đường bộ, pháp luật quản lý thuế và pháp luật phí, lệ phí.
- Bảo đảm chính sách phí sử dụng đường bộ công khai, minh bạch, khả thi và phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan đăng kiểm, giao thông trong việc thực hiện chính sách phí sử dụng đường bộ.
- Huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường bộ để tạo nguồn lực cho bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.
4. Nội dung chủ yếu
4.1. Bố cục
Nghị định gồm 03 Chương, 10 Điều, cụ thể:
- Chương I. Quy định chung: Chương này gồm 04 Điều (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng chịu phí; các trường hợp miễn phí; người nộp phí và tổ chức thu phí.
- Chương II. Quy định cụ thể: Chương này gồm 04 Điều (từ Điều 5 đến Điều 8) quy định về: Mức thu phí; phương thức tính, nộp phí; quản lý và sử dụng phí; trả lại hoặc bù trừ phí đã nộp.
- Chương III. Tổ chức thực hiện: Chương này gồm 02 Điều (Điều 9 và Điều 10) quy định về: Tổ chức thực hiện; hiệu lực thi hành.
4.2. Nội dung cơ bản của Nghị định
(1) Về phạm vi điều chỉnh: Tại Điều 1 Nghị định quy định “Nghị định này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô) và thủ tục xác định xe thuộc diện không chịu phí sử dụng đường bộ”.
(2) Về đối tượng chịu phí: Nghị định quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là ô tô (xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự) đã đăng ký, kiểm định để lưu hành. Đồng thời, quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do: bị hủy hoại, bị tịch thu, bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày (trong đó, có xe kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên).
(3) Về miễn phí: Nghị định quy định 05 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ lực lượng quốc phòng, công an.
(4) Về mức thu: Mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an) chia làm 08 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe: từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng; xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an chia làm 02 nhóm: xe ô tô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách: 1.500.000 đồng/năm.
(5) Về cách tính và thu phí: (i) Xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 01 lần/năm; (ii) xe ô tô còn lại nộp theo: chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.
(6) Về quản lý và sử dụng tiền phí: Cục Đường bộ Việt Nam được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Các Trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp Trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của Trung tâm, Trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.
4.3. Danh mục Phụ lục kèm theo
- Phụ lục I: Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ.
- Phụ lục II: Các biểu mẫu để trả lại hoặc bù trừ phí đã nộp.
+ Giấy đề nghị trả lại/bù trừ phí sử dụng đường bộ.
+ Biên bản thu Tem và Giấy chứng nhận kiểm định.
+ Quyết định về việc trả lại/bù trừ phí sử dụng đường bộ.
+ Thông báo về việc không được trả lại/bù trừ tiền phí.
+ Đơn xin tạm dừng lưu hành.
+ Thông báo về việc không đủ điều kiện đăng ký tạm dừng lưu hành.
+ Biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu kinh doanh vận tải.
+ Thông báo chưa đủ điều kiện xét thuộc diện không chịu phí.
+ Đơn đề nghị trả lại phù hiệu, biển hiệu.
+ Đơn xin xác nhận xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ.
+ Biên bản xử lý việc thu sai mức phí sử dụng đường bộ.
+ Biên bản thu Tem kiểm định và Tem nộp phí sử dụng đường bộ.
+ Đơn đề nghị cấp/cấp lại Tem kiểm định và Tem nộp phí sử dụng đường bộ.
III. Văn bản 3:
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
3.1. Sự cần thiết
Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, tại điểm 10 Nghị quyết nêu: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi NSNN năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
3.2. Mục đích ban hành
Kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
4. Nội dung chủ yếu
4.1. Bố cục
Nghị định số 94/2023/NĐ-CP được bố cục gồm 02 Điều, cụ thể:
- Điều 1. Giảm thuế GTGT.
- Điều 2. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
4.2. Nội dung cơ bản của Nghị định
(1) Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định.
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định.
- Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.
Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế GTGT đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT.
(2) Mức giảm thuế GTGT
- Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
- Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT quy định tại khoản 1 Nghị định.
4.3. Danh mục Phụ lục kèm theo
- Phụ lục I: Danh mục hàng hoá, dịch vụ không được giảm thuế suất thuế GTGT.
- Phụ lục II: Danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB không được giảm thuế GTGT.
- Phụ lục III: Danh mục hàng hoá, dịch vụ công nghệ thông tin không được giảm thuế GTGT.
- Phụ lục IV: Biểu mẫu kê khai giảm thuế GTGT.