THÔNG TIN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH TRONG THÁNG 07/2023

THÔNG TIN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH TRONG THÁNG 07/2023 22/08/2023 14:52:00 236

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

THÔNG TIN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH TRONG THÁNG 07/2023

22/08/2023 14:52:00

THÔNG TIN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH TRONG THÁNG 07/2023

 

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm

2. Hiệu lực thi hành:

a) Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023, trừ trường hợp quy định tại điểm b.

b) Điều 33, các điều quy định tại Mục 6 Chương II, các Điều 81, 82, 83, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 93 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

c) Nghị định này thay thế các văn bản sau:

- Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trừ các Điều 10, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67. Các Điều 10, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67 của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027;

- Chương III Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính;

- Điều 1 Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:

3.1. Cơ sở chính trị:

- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã nêu nhiệm vụ: “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.

- Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 xác định: “Phát triển

toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế”.

- Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” xác định: “sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.

- Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030”: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm”.

- Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tài chính đến năm 2030”: ”Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm; Phát triển sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và hội nhập quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin, bảo hiểm xanh, bảo hiểm liên kết y tế,...; Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm”.

3.2. Căn cứ pháp lý:

Ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp thứ ba (Luật số 08/2022/QH15). Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Theo đó, để hướng dẫn thực hiện, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung tại khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7, khoản 5 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 64, điểm a khoản 2 Điều 64, khoản 3 Điều 65, điểm đ khoản 1 Điều 67, điểm a khoản 2 Điều 67, khoản 6 Điều 69, khoản 4 Điều 71, khoản 4 Điều 74, khoản 2 Điều 77, khoản 5 Điều 81, khoản 4 Điều 83, khoản 5 Điều 87, khoản 1 Điều 89, khoản 3 Điều 93, khoản 6 Điều 94, khoản 4 Điều 97, khoản 2 Điều 98, điểm b khoản 1 và khoản 5 Điều 99, khoản 5 Điều 100, khoản 3 Điều 101, khoản 2 Điều 102, khoản 3 Điều 115, điểm d khoản 2 Điều 125, điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134, khoản 4 Điều 136, khoản 1 và khoản 3 Điều 138, khoản 3 Điều 143, khoản 1 Điều 152, khoản 3 Điều 156, điểm b khoản 5 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 917/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soản thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Theo đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.

3.3. Mục đích của việc ban hành: Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường, cần thiết phải ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

4. Nội dung chủ yếu:

Nghị định gồm 8 Chương, 123 Điều và 19 Phụ lục, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

4.1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định được xây dựng để quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7, khoản 5 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 64, điểm a khoản 2 Điều 64, khoản 3 Điều 65, điểm đ khoản 1 Điều 67, điểm a khoản 2 Điều 67, khoản 6 Điều 69, khoản 4 Điều 71, khoản 4 Điều 74, khoản 2 Điều 77, khoản 5 Điều 81, khoản 4 Điều 83, khoản 5 Điều 87, khoản 1 Điều 89, khoản 3 Điều 93, khoản 6 Điều 94, khoản 4 Điều 97, khoản 2 Điều 98, điểm b khoản 1 và khoản 5 Điều 99, khoản 5 Điều 100, khoản 3 Điều 101, khoản 2 Điều 102, khoản 3 Điều 115, điểm d khoản 2 Điều 125, điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134, khoản 4 Điều 136, khoản 1 và khoản 3 Điều 138, khoản 3 Điều 143, khoản 1 Điều 152, khoản 3 Điều 156, điểm b khoản 5 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH).

4.2. Đối tượng áp dụng: bao gồm các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

4.3. Các quy định chính

a) Chương I - Những quy định chung, gồm các nội dung như sau: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khỏe; Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm quy định chi tiết khoản 2 Điều 7 và khoản 5 Điều 11 Luật KDBH.

Trong đó, bổ sung quy định mới hoàn toàn so với hiện hành quy định về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gồm các nội dung về nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và thu thập thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

b) Chương II - Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, gồm các nội dung như sau:

- Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động: Nhằm quy định chi tiết điểm a khoản 2 Điều 64, khoản 3 Điều 65, điểm đ khoản 1 Điều 67, điểm a khoản 2 Điều 67, khoản 6 Điều 69, khoản 4 Điều 71 Luật KDBH, Nghị định kế thừa phần lớn các điều kiện đối với chủ đầu tư xin cấp phép thành lập từ Nghị định 73/2016/NĐ-CP, bổ sung quy định về tiêu chuẩn chung về việc nộp, bổ sung hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động, thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.

- Về thay đổi nội dung giấy phép thành lập và hoạt động: Nhằm quy định chi tiết khoản 4 Điều 71, khoản 4 Điều 74 Luật KDBH, Nghị định kế thừa các quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các thay đổi phải được chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Điều kiện, hồ sơ và thủ tục mở, chấm dứt, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc các hình thức hiện diện thương mại khác ở nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

- Về tổ chức hoạt động: Nhằm quy định chi tiết khoản 5 Điều 81 và khoản 4 Điều 83 Luật KDBH, Nghị định kế thừa phần lớn quy định hiện hành về chuyên gia tính toán, sửa đổi theo hướng nâng điều kiện từ 02 chứng chỉ đối với chuyên gia trong lĩnh vực phi nhân thọ lên thành: (i) thành viên (Associate) sau 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực và là thành viên (Fellow) sau 05 năm Nghị định này có hiệu lực nhằm áp dụng được mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, quản trị rủi ro. Bổ sung hoàn toàn mới các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ bảo hiểm, kinh nghiệm và các điều kiện khác đối với người kiểm soát. Theo đó, về cơ bản các chức danh này phải có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Bổ sung mới các quy định về đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán.

- Về hoạt động nghiệp vụ: Nhằm quy định chi tiết khoản 5 Điều 87, khoản 1 Điều 89 Luật KDBH, bổ sung hoàn toàn mới các quy định về thủ tục đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe và xe cơ giới; Kế thừa quy định hiện hành tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP về điều kiện của doanh nghiệp, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài.

- Về chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm: Nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 93 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định kế thừa quy định hiện hành tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm.

- Về tài chính, hạch toán và báo cáo tài chính: Nhằm quy định chi tiết khoản 6 Điều 94, khoản 4 Điều 97, khoản 2 Điều 98, điểm b khoản 1 và khoản 5 Điều 99, khoản 5 Điều 100, Khoản 3 Điều 101, khoản 2 Điều 102 Luật KDBH, Nghị định cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP về quản lý vốn chủ sở hữu, dự phòng nghiệp vụ, phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ, doanh thu, chi phí, hạn mức đầu tư, tách quỹ và phân chia thặng dư; chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện, thủ tục đề nghị chấp thuận đầu tư ra nước ngoài, hạn chế đầu tư ra nước ngoài.

- Về giải thể doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chấm dứt hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam: Nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 115 Luật KDBH, Nghị định cơ bản kế thừa các quy định về giải thể doanh nghiệp và chấm dứt hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.

- Về văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam: Nhằm quy định chi tiết khoản 2 Điều 77 Luật KDBH, Nghị định cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt; bổ sung quy định mới về cấp lại, thu hồi giấy phép văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

c) Chương III - Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, gồm các nội dung như sau:

- Về đại lý bảo hiểm quy định nội dung: Nhằm chi tiết điểm d khoản 2 Điều 125 Luật KDBH, Nghị định bổ sung quy định chi tiết về điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lí bảo hiểm phải có bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lí, người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bảo hiểm và có bằng cấp về bảo hiểm, mỗi chi nhánh phải có tối thiểu 03 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lí bảo hiểm, có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng đại lí, có hệ thống thông tin phù hợp, phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để tách biệt với khu vực giao dịch khác. Tổ chức khác làm đại lí bảo hiểm thì phải có tối thiểu 3 nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lí bảo hiểm, có quy trình giám sát tuân thủ nguyên tắc hoạt động đại lí.

- Về doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: Nhằm quy định chi tiết điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134, khoản 4 Điều 136, khoản 1 và khoản 3 Điều 138 Luật KDBH, Nghị định kế thừa quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP về điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục chấp thuận các thay đổi của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Điều kiện, thủ tục và hồ sơ giải thể doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Điều kiện, tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ, kinh nghiệm và các điều kiện khác của của Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Kế toán trưởng, trưởng các bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; vốn, doanh thu, chi phí của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

- Về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 143 Luật KDBH, Nghị định kế thừa quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

c) Chương IV - Cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

Nhằm quy định chi tiết khoản 2 Điều 6 Luật KDBH, Nghị định kế thừa quy định pháp luật hiện hành về cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP. Theo đó, quy định về việc sử dụng và cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi một số quy định, cụ thể như sau:

- Sửa đổi quy định về đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đảm bảo tuân thủ cam kết tại WTO.

- Bãi bỏ nội dung: Quy định về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe không áp dụng các quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới để đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

d) Chương V - Phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

Để quy định chi tiết khoản 1 Điều 152 Luật KDBH, Nghị định đã bổ sung thêm 01 chương quy định về phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

- Về cơ chế phối hợp về quản lý, giám sát chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam: Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài thông qua việc chia sẻ thông tin quản lý giám sát đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam; Việc chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài được thực hiện trên cơ sở đề nghị, yêu cầu bằng văn bản; Nội dung của các thỏa thuận quốc tế hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài bảo đảm các quy định.

- Về thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam: Kế thừa quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, Nghị định quy định: Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật; Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thì phải thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho Bộ Tài chính và cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra cho Bộ Tài chính.

đ) Chương VI - Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Theo quy định tại khoản 4 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Điểm b khoản 5 Điều 157 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tại Bộ Tài chính. Theo đó, Chương VI Nghị định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm với 04 Điều quy định về: Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Nội dung chi, hạn mức chi trả và thủ tục chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

e) Chương VII – Về nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hưu trí

Trên cơ sở khoản 2 Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc giao Chính phủ quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm, Nghị định bổ sung một số quy định về điều kiện đối với việc triển khai nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí (thuộc loại hình bảo hiểm nhân thọ) tại Chương VII này. Về cơ bản, các nội dung này được kế thừa từ các các Thông tư số 135/2012/TT-BTC, Thông tư số 115/2013/TT-BTC, Thông tư số 52/2016/TT-BTC.

  4.4. Danh mục phụ lục

 

Phụ lục I

Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động

Phụ lục II

Giấy phép thành lập và hoạt động

Phụ lục III

Đơn đề nghị đổi tên/thay đổi vốn điều lệ (vốn được cấp)/thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính/thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động/bổ nhiệm, thay đổi Chủ tịch/Tổng Giám đốc/Chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm/doanh nghiệp tái bảo hiểm/chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam/doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Phụ lục IV

Đơn đề nghị chuyển nhượng cổ phần (phần vốn góp)

Phụ lục V

Giấy phép điều chỉnh

Phụ lục VI

Đơn đề nghị chia/tách/sáp nhập/hợp nhất/chuyển đổi hình thức

Phụ lục VII

Đơn đăng ký, sửa đổi, bổ sung phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm

Phụ lục VIII

Đơn đề nghị chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm

Phụ lục IX

Đơn đề nghị áp dụng/thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ

Phụ lục X

Đơn đề nghị đầu tư ra nước ngoài

Phụ lục XI

Đơn đề nghị đăng ký/thay đổi nguyên tắc phân bổ tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí chung liên quan đến Quỹ chủ sở hữu và Quỹ chủ hợp đồng

Phụ lục XII

Đơn đề nghị áp dụng/thay đổi phương pháp phân chia thặng dư

Phụ lục XIII

Đơn đề nghị cấp Giấy phép đặt văn phòng đại diện/Gia hạn Giấy phép/Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tại Việt Nam

Phụ lục XIV

Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam

Phụ lục XV

Đơn đề nghị cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép đặt Văn phòng đại diện

Phụ lục XVI

Giấy phép điều chỉnh đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam

Phụ lục XVII

Đơn đề nghị mở chi nhánh/văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Phụ lục XVIII

Văn bản đề nghị sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Phụ lục XIV

Đơn đề nghị giải thể của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chấm dứt hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

P.T

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%