THÔNG TIN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TÀI CHÍNH CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH TRONG THÁNG 05/2023
I. Văn bản 1:
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 của Chính phủ quy định về bảo hiểm vi mô.
2. Hiệu lực thi hành: Từ ngày 05 tháng 5 năm 2023.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:
3.1. Cơ sở thực tiễn:
3.1. Cơ sở thực tiễn: Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp, những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 chưa có quy định về bảo hiểm vi mô, vì vậy trong thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cho đối tượng có thu nhập thấp tương tự như các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác. Chính phủ cũng đã cho phép Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai bảo hiểm vi mô dưới hình thức thí điểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô và giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo hiểm vi mô.
3.2. Căn cứ pháp lý: việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô là thực hiện các nội dung được Quốc hội giao tại khoản 2 Điều 88, khoản 3 Điều 144, khoản 3 Điều 145, khoản 2 Điều 146, khoản 3 Điều 148, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149, khoản 5 Điều 150 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
3.3. Mục đích của việc ban hành: Tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù nhằm tạo điều kiện cho bảo hiểm vi mô phát triển, phù hợp với nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và đi vào thực tiễn cuộc sống.
4. Nội dung chủ yếu:
Nghị định gồm 4 Chương, 46 Điều và 11 Phụ lục, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
4.1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định được xây dựng để quy định chi tiết các nội dung liên quan đến bảo hiểm vi mô được Quốc hội giao tại khoản 2 Điều 88, khoản 3 Điều 144, khoản 3 Điều 145, khoản 2 Điều 146, khoản 3 Điều 148, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149, khoản 5 Điều 150 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
4.2. Đối tượng áp dụng: bao gồm các tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo hiểm vi mô.
4.3. Các quy định chính:
- Những quy định về sản phẩm bảo hiểm vi mô:
+ Quy định các đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô, bao gồm quy định về số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô tương ứng lần lượt là 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị và 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị; quy định về sản phẩm bảo hiểm vi mô do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai và sản phẩm bảo hiểm vi mô do tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được phép triển khai.
+ Quy định thủ tục đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí của sản phẩm bảo hiểm vi mô.
- Những quy định cụ thể về tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô:
+ Quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bao gồm quy định về cấp Giấy phép thành lập và hoạt động và các trình tự, thủ tục liên quan đến Giấy phép;
+ Quy định về tổ chức hoạt động và quản trị rủi ro của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;
+ Quy định về hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bao gồm quy định về phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi mô, quyền và nghĩa vụ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và thành viên tham gia bảo hiểm vi mô, số lượng thành viên tham gia bảo hiểm vi mô.
+ Quy định về chế độ tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính, công khai thông tin của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô để đảm bảo tính ổn định, an toàn tài chính.
4.4. Danh mục phụ lục
Mẫu số 01
|
Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động
|
Mẫu số 02
|
Giấy phép thành lập và hoạt động
|
Mẫu số 03
|
Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động
|
Mẫu số 04
|
Đơn đề nghị thay đổi tên/thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính/thay đổi nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô
|
Mẫu số 05
|
Giấy phép điều chỉnh
|
Mẫu số 06
|
Đơn đề nghị đăng ký/sửa đổi/bổ sung cơ sở, phương pháp tính phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô
|
Mẫu số 07
|
Báo cáo kết quả hoạt động quý, năm
|
Mẫu số 08
|
Báo cáo tình hình đầu tư
|
Mẫu số 09
|
Báo cáo tình trạng hợp đồng bảo hiểm vi mô
|
Mẫu số 10
|
Báo cáo trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm
|
Mẫu số 11
|
Báo cáo của chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô
|
II. Văn bản 2:
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
2. Hiệu lực thi hành:
- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2023.
- Nghị định này thay thế các Nghị định sau của Chính phủ: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021, Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8 tháng 8 năm 2022.
- Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, không áp dụng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô theo điểm b khoản 3.1 Điều 7a quy định tại khoản 3 Điều 2 và điểm b.5 khoản 3 Mục II Chương 98 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ.
+ Trường hợp doanh nghiệp đã tham gia Chương trình ưu đãi thuế nhưng chưa được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được hoàn thuế đối với số linh kiện ô tô đã nhập khẩu nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Chương trình ưu đãi thuế, riêng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô không phải áp dụng.
+ Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả doanh nghiệp nhập khẩu ủy quyền, nhập khẩu ủy thác có hợp đồng ủy thác, doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) lựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ, riêng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô không phải áp dụng.
- Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm 98.49 quy định tại Điều 8 Nghị định này được áp dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2027. Các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan hải quan theo quy định tại Nghị định này.
+ Trường hợp sau khi đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế mà thay đổi, bổ sung nhóm xe, mẫu xe, số lượng mẫu xe đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan hải quan.
- Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Điều 9 Nghị định này được áp dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2024. Doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô quy định trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành không phải đăng ký lại Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô và được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định này.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:
a) Sự cần thiết của việc ban hành Nghị định
Thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Các phụ lục Biểu thuế ban hành kèm các Nghị định này được xây dựng dựa trên Danh mục hệ thống hài hòa (Danh mục HS) và Danh mục AHTN được rà soát định kỳ 05 năm một lần. Sau khi Danh mục AHTN 2022 được phê duyệt, các nước thành viên ASEAN cần thực hiện nội luật hóa các Biểu thuế hiện hành theo Danh mục này.
Bên cạnh đó, từ khi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành đến nay, Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, nhiều nội dung tại Nghị định gốc đã được bổ sung, điều chỉnh và đang được quy định ở 05 Nghị định khác nhau (Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP và Nghị định số 51/2022/NĐ-CP). Theo đó, cần thiết trình Chính phủ ban hành một Nghị định mới để hợp nhất, thay thế các Nghị định này.
Đồng thời, trong thời gian qua, định kỳ Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN), mức thuế suất thuế xuất khẩu của một số mặt hàng để đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội đặt ra. Tuy nhiên, gần đây, Bộ Tài chính tiếp tục nhận được một số kiến nghị của các Bộ, ngành, Hiệp hội, tổ chức quốc tế đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất MFN của một số mặt hàng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô nên cũng cần được rà soát để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
b) Mục tiêu và quan điểm xây dựng Nghị định
Việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP được thực hiện nhằm hướng đến các mục tiêu cụ thể sau: (i) Kịp thời thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước theo định hướng của Đảng và Nhà nước; (ii) Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước; khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh; (iii) Góp phần thực hiện chủ trương bảo vệ và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước; hạn chế xuất khẩu sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo; khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; và (iv) Đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện.
4. Nội dung chủ yếu:
Bám sát các mục tiêu và nguyên tắc nêu trên, để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung 03 nhóm nội dung chính như sau:
(i) Nhóm 1: Chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục AHTN 2022
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng, mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan được chuyển đổi dựa trên nguyên tắc phù hợp với cam kết trong WTO, hạn chế tối đa việc gây xói mòn cơ sở thuế; tuân thủ các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, phù hợp với Danh mục HS 2022 và Danh mục AHTN 2022, bảo đảm nguyên tắc công bằng, có đi có lại; hài hòa lợi ích đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước và trong quan hệ thương mại.
(ii) Nhóm 2: Rà soát, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tạo môi trường minh bạch trong thực hiện
Kể từ khi ban hành đến nay, Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung 04 lần. Theo đó, nhiều nội dung liên quan đến việc áp dụng mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đang được quy định tại 05 văn bản. Do đó, để tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp trong quá trình tra cứu, thực hiện, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP đã kế thừa, hợp nhất các quy định này và kết cấu lại cho phù hợp.
(iii) Nhóm 3: Sửa đổi, bổ sung thuế suất của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp
- Đối với thuế suất thuế xuất khẩu
Để tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP đã sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu của một số mặt hàng (ống đồng, phân bón, than củi, thiếc, kẽm chưa gia công) theo nguyên tắc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu cao hơn đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu để cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, đảm bảo công bằng với các mặt hàng có chế biến tương tự.
Trong đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện việc thu thuế xuất khẩu, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP đã quy định mức thuế suất cụ thể cho các mặt hàng phân bón thay cho việc theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm như trước đây, đảm bảo với nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất, cụ thể quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với phân lân, urê, riêng phân bón DAP, NPK quy định thuế xuất khẩu là 0% thay cho quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng (51%). Nghị định số 26/2023/NĐ-CP cũng đã quy định thống nhất mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng than củi không phân biệt theo hàm lượng các-bon và nhiệt lượng để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Đối với thuế suất thuế nhập khẩu MFN
Thời gian qua, trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến phức tạp, tại Nghị định số 51/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống 10% để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu. Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu còn có thể có nhiều diễn biến phức tạp trong tương lai, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP đã thống nhất mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% thuế suất MFN đối với một số mặt hàng là các chế phẩm thay thế cho xăng, sản phẩm chế biến từ dầu mỏ sử dụng như xăng và các chế phẩm khác. Ngoài ra, để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và góp phần giảm chi phí đầu vào và tạo điều kiện mở rộng nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất xăng dầu trong nước, Nghị định đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN một số mặt hàng nguyên liệu chế biến sản xuất xăng dầu xuống 0%.
Ngoài ra, để thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu sinh học thân thiện với môi trường, góp phần hạ giá thành xăng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận Ethanol từ nguồn nhập khẩu trong khi vẫn duy trì được mức hỗ trợ hợp lý cho các nhà máy sản xuất Ethanol trong nước, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP đã điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN mặt hàng Ethanol từ 15% xuống 10%.
- Quy định liên quan đến mức độ rời rạc đối với bộ linh kiện ô tô nhập khẩu
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành ô tô trong nước, khắc phục tình trạng doanh nghiệp chỉ hưởng ưu đãi thuế mà không đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, Chính phủ đã ban hành quy định về Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo đó, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe ô tô do Bộ Công Thương cấp và đáp ứng các điều kiện của Chương trình (về linh kiện, mẫu xe, sản lượng, khí thải, kỳ xét ưu đãi, hồ sơ, thủ tục) được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 0% đối với linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước chưa sản xuất được.
Thời gian qua, một số quy định của pháp luật có liên quan đến Chương trình ưu đãi thuế có thay đổi, để đảm bảo thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ để làm căn cứ cho việc hậu kiểm, quản lý rủi ro của cơ quan hải quan, đồng thời, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
III. Văn bản 3:
1. Tên văn bản: Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản
2. Hiệu lực thi hành:
- Nghị định số 27/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2023.
- Thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
- Quy định chuyển tiếp: Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức thu phí mới thì tiếp tục thực hiện mức thu phí theo quy định hiện hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích thì tiếp tục áp dụng tỷ lệ theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chậm nhất đến ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu, đơn vị tính phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để áp dụng tại địa phương (khoản 2 Điều 10).
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:
a) Sự cần thiết của việc ban hành Nghị định:
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 164/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập cần nghiên cứu điều chỉnh như: (i) Quy định về người nộp phí chưa bảo đảm đồng bộ với quy định tại Luật Khoáng sản và Luật Dầu khí; (ii) Chưa có Điều riêng quy định về miễn phí và trách nhiệm của người nộp phí trong xác định khối lượng khoáng sản miễn phí; (iii) Quy định thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu chưa thống nhất với quy định pháp luật khoáng sản; (iv) Quy định về phương pháp tính phí còn chung chung, chưa cụ thể đối với một số trường hợp đặc thù; (v) Nội dung về kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí cần đồng bộ với quy định pháp luật quản lý thuế và pháp luật ngân sách; (vi) Cần bổ sung quy định nhằm đề cao trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường trong việc phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế phục vụ quản lý phí BVMT đối với khai thác khoáng sản; (vii) Mức thu phí đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa góp phần thực hiện chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu khác để thay thế, góp phần BVMT; đơn vị tính phí BVMT đối với một số khoáng sản chưa thống nhất với đơn vị tính thuế tài nguyên, gây khó khăn trong quá trình khai, nộp phí.
b) Mục tiêu và quan điểm xây dựng Nghị định:
Việc ban hành Nghị định số 27/2023/NĐ-CP nhằm mục đích:
- Bảo đảm chính sách phí BVMT đối với khai thác khoáng sản đồng bộ, thống nhất với pháp luật khoáng sản, dầu khí, quản lý thuế và BVMT.
- Bảo đảm chính sách phí BVMT đối với khai thác khoáng sản công khai, minh bạch, khả thi và phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc thực hiện chính sách phí BVMT.
- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách phí BVMT.
- Ổn định nguồn thu NSNN từ phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
4. Nội dung chủ yếu:
- Nghị định số 27/2023/NĐ-CP bao gồm 03 chương và 11 điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); Đối tượng chịu phí (Điều 2); Tổ chức thu phí (Điều 3); Người nộp phí (Điều 4); Các trường hợp miễn phí (Điều 5); Mức thu phí (Điều 6); Phương pháp tính phí (Điều 7); Kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí (Điều 8); Tổ chức thu phí (Điều 9); Hiệu lực thi hành (Điều 10); Trách nhiệm thi hành (Điều 11) và 01 Phụ lục Biểu khung mức thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản ban hành kèm theo.
- So với Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, Nghị định số 27/2023/NĐ-CP có một số nội dung mới cơ bản như sau:
+ Bổ sung quy định 01 điều riêng về người nộp phí.
+ Bổ sung quy định 01 điều riêng về các trường hợp miễn phí, đồng thời bổ sung đối tượng “đất đá bóc, đất đá thải từ quá trình khai thác để cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” thuộc trường hợp được miễn thu phí.
+ Điều chỉnh khung mức thu phí đối với một số loại khoáng sản như: Quặng ti-tan: từ 50.000 – 70.000 đồng/tấn thành 10.000 – 70.000 đồng/tấn. Quặng crô-mít: từ 40.000 – 60.000 đồng/tấn thành 10.000 – 60.000 đồng/tấn. Sỏi, cuội, sạn: từ 4.000 – 6.000 đồng/m3 thành 6.000 – 9.000 đồng/m3. Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: từ 1.000 – 5.000 đồng/m3 thành 1.500 – 7.500 đồng/m3. Cát vàng: từ 3.000 – 5.000 đồng/m3 thành 4.500 – 7.500 đồng/m3. 3 Cát trắng: từ 5.000 – 7.000 đồng/m3 thành 7.500 – 10.500 đồng/m3. Các loại cát khác: từ 2.000 – 4.000 đồng/m3 thành 3.000 – 6.000 đồng/m3. Đất sét, đất làm gạch, ngói: từ 1.500 – 2.000 đồng/m3 thành 2.250 – 3.000 đồng/m3
+ Thay đổi đơn vị tính đối với: đá nung vôi, làm xi măng, làm phụ gia xi măng và làm khoáng chất công nghiệp; đôlômít, quắc-zít từ tấn sang m3.
+ Thay đổi đơn vị tính đối với: cao lanh, phen-sờ-phát từ m3 sang tấn.
+ Bổ sung đá hoa trắng làm bột carbonat bào Biểu khung với khung mức thu phí là 1.500 – 7.500 đồng/m3.
+ Bỏ quy định áp dụng mức phí BVMT đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản (bằng 60%) đối với trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.
+ Bổ sung quy định cụ thể chỉ giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí đối với 02 trường hợp là thu hồi than lẫn trong đất đá bóc và khoáng sản tận thu phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra.
+ Bổ sung quy định phương pháp tính phí đối với khoáng sản chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất, đồng thời quy định rõ, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất để làm căn cứ tính phí.
+ Bỏ quy định sử dụng số thu phí để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.
IV. Văn bản 4:
1. Tên văn bản: Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.
2. Hiệu lực thi hành:
- Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023.
- Bãi bỏ Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu; Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg ngày 16/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:
a) Sự cần thiết của việc ban hành Quyết định
Triển khai thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Danh mục Biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường được quy định theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN định kỳ được rà soát 5 năm một lần. Theo đó, cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi Danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường cho phù hợp với Danh mục AHTN 2022.
Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi Danh mục AHTN 2022 và xây dựng Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, một số mặt hàng bị điều chỉnh thuế suất MFN xuống 0%, theo đó, cần thiết phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để sửa đổi mức thuế suất thông thường đối với những mặt hàng này
b) Mục tiêu và quan điểm xây dựng Quyết định
Việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg được thực hiện nhằm hướng đến các mục tiêu cụ thể sau:
- Thống nhất trong thực hiện Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; tạo thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan hải quan và cho hoạt động nhập khẩu;
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan hải quan;
- Đảm bảo phù hợp với đường lối đối ngoại và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế của nước ta; thể hiện nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ thương mại với các quốc gia, vùng lãnh thổ;
- Đảm bảo tuân thủ Danh mục AHTN 2022;
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khai thác mở rộng và thu mua được nguồn tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu sản xuất với chi phí, giá thành cạnh tranh từ các quốc gia vẫn chưa hội nhập với kinh tế thế giới, chưa là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chưa ký kết các Hiệp định thành lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với nước ta.
4. Nội dung chủ yếu:
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định thuế suất thông thường áp dụng cho các quốc gia không có quan hệ đối xử tối huệ quốc với Việt Nam và được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0% thì áp dụng mức thuế suất thông thường là 5% (trừ mặt hàng dầu thô áp dụng mức thuế suất thông thường 0%).
Thực hiện quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg đã quy định mức thuế suất thông thường 5% đối với các mặt hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Riêng đối với một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng dầu, Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg đã điều chỉnh giảm xuống 0% để góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước./.
H.T