Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 01/12/2022 13:45:00 2136

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

01/12/2022 13:45:00

Sáng 01/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022. Hội nghị nhằm rà soát các vướng mắc, làm rõ các nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 60 điểm cầu với sự tham dự của 13 Bộ, ngành và 61 địa phương. Tại điểm cầu Bộ Tài chính có Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; đại diện Lãnh đạo các Bộ; đại diện các Sở thuộc UBND TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trình bày Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022. Đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cũng đã có các báo cáo tham luận cụ thể về tình hình tình hình triển khai các dự án, các vướng mắc khó khăn, chỉ ra các nguyên nhân cũng như nêu lên các giải pháp, kiến nghị cụ thể tại các dự án thuộc lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

Áp lực giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài còn lớn

Giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Các Bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân.

Về phía Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân cụ thể như có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đôn đốc nhập Tabmis và giải ngân vốn nước ngoài; Bộ Tài chính đã tích cực làm việc và trao đổi trực tiếp, trực tuyến với tất cả các chủ dự án được giao kế hoạch vốn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương; thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn đảm bảo ngắn nhất có thể và đúng quy định pháp luật.

Tại điểm cầu các địa phương

Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thấp. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2022 của các Bộ ngành, địa phương đến 30/11/2022 đạt tỷ lệ 34,27% kế hoạch vốn (11.852,2 tỷ đồng), trong đó của Bộ ngành đạt 38,38% (4.532,2 tỷ đồng) và của địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng).

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2022 đạt 26,06% với (9.014,59 tỷ đồng (trong đó giải ngân của các Bộ ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%; giải ngân của các địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34%). Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 nói trên gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội cho ý kiến tại Hội nghị

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn chậm chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm. Đồng thời cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính hoặc do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu.

Không kéo dài vốn vay từ năm 2021 sang năm 2022

Đề cập đến câu chuyện kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, theo công văn số 3261/BKHĐT-TH ngày 19/5/2022 về thông báo kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang 2022, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022 là 5.321,9 tỷ đồng (của Bộ, ngành là 1.666,6 tỷ đồng; của địa phương là 3.655,3 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân Kế hoạch vốn 2021 kéo dài đến 30/11/2022 đạt 23,65% (1.233,7 tỷ đồng), trong đó Bộ ngành đạt 28,84%, địa phương đạt 21,44%. Đến 30/11/2022, mới chỉ có 15/39 địa phương và 4/5 Bộ có giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài.

“Về vốn cấp phát, Bộ KHĐT có thể cho kéo dài, còn về vốn vay, quan điểm của Bộ Tài chính là không thể cho kéo dài của năm 2021 sang năm 2022 vì vốn vay liên quan đến bội chi ngân sách nhà nước do Quốc hội phê chuẩn. Nếu cho kéo dài số vay của năm trước sang năm 2022 sẽ đồng nghĩa với việc cộng bội chi của năm 2021 sang năm 2022.”- Ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị

Một nội dung khác được nhiều Bộ, ngành, địa phương quan tâm tại Hội nghị là vấn đề xin trả lại vốn.

Theo bà Mai Thị Thuỳ Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), việc các địa phương xin trả lại vốn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 124, trong đó, giao Bộ KHĐT tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương khi tăng, giảm vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần kiến nghị thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 124, đề nghị Bộ KHĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nội dung này. Hiện nay, theo số liệu chưa đầy đủ, Bộ Tài chính đã nhận được đề nghị xin trả lại vốn của các bộ, ngành trung ương là 3.079 tỷ đồng; của các địa phương 4.724 tỷ đồng.

Dưới góc độ cơ quan chủ trì tổng hợp số liệu điều chỉnh giảm cũng như điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công, đại diện Bộ KHĐT cho biết, tại văn bản 6224 của Văn phòng Chính phủ ngày 20/9/2022 đã giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời điều hoà, điều chỉnh kế hoạch năm 2022. Quan điểm của Bộ KHĐT là giữ nguyên đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không trả lại vốn kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2022 đã được giao, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về ý kiến của một số địa phương về việc nếu có điều chỉnh giảm nguồn vốn đầu tư thì chuyển nguồn vốn này sang cho địa phương khác, đại diện Bộ KHĐT cho biết, tính đến ngày 24/11/2022, số xin điều chỉnh giảm là 12.803 tỷ đồng của 5 Bộ và 47 địa phương. Tuy nhiên, đến nay, Bộ KHĐT chưa nhận được yêu cầu xin bổ sung vốn của bất kỳ địa phương nào, do đó, Bộ không có cơ sở tổng hợp, cân đối, trình báo cáo cấp có thẩm quyền

Sẵn sàng phối hợp xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp thực tiễn, sâu sắc và chất lượng của các đại biểu tham dự Hội nghị.

Theo Thứ trưởng, tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022. Do đó, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 là rất lớn.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính

Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công trong đó có vốn nước ngoài trong thời gian tới.

Đối với các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chủ quản như phê duyệt đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, chỉ đạo các chủ dự án đẩy mạnh triển khai dự án, trao đổi với nhà tài trợ trong việc sớm cấp ý kiến không phản đối, đề nghị các cơ quan chủ quản khẩn trương tập trung rà soát, đẩy nhanh. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cần tiến hành khảo sát từng dự án để chỉ đạo nhà thầu tập trung tổ chức triển khai thực hiện từ nay đến hết năm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán rút vốnn. Phối hợp với các Bộ chuyên ngành rà soát, nghiên cứu bổ sung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư, thiết bị để có căn cứ áp dụng, thực hiện.

“Bộ Tài chính cam kết tích cực phối hợp với các Bộ ngành, các nhà tài trợ để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vay nước ngoài nói riêng.”- Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn từng bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm, giải quyết khó khăn vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư công nói chung, giải ngân vốn vay nước ngoài nói riêng năm 2022 ở mức cao nhất, tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục hồi phục, phát triển bền vững.

HP

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%