(Tapchitaichinh.vn) Kiểm soát, giám sát tài chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính, góp phần phát triển kinh tế quốc gia bền vững. Mặc dù kiểm soát tài chính là vấn đề không mới nhưng có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các quốc gia đang trong quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới như Việt Nam.
Kiểm soát tài chính cá nhân
Nhận thức được vai trò quan trọng này, Đại học Kinh tế quốc dân đã phối hợp với Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo “Kiểm soát tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các giảng viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý doanh nghiệp công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu, những hiểu biết mới nhất về các vấn đề xoay quanh kiểm soát tài chính ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thương mại cho biết: Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng hơn đến việc thiết kế hệ thống kiểm soát tài chính, trong đó, một số yêu cầu đã được đặt ra nhằm đảm bảo hệ thống tài chính lành mạnh và giải quyết dứt điểm các bất cập có liên quan.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động bất thường, khó nhận dạng và kiểm soát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các quá trình tài trợ, đầu tư cũng như hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kiểm soát tài chính đã và đang trở thành cấu phần quan trọng trong hệ thống quản lý của nhà nước và của doanh nghiệp. Những vấn đề về kiểm soát tài chính vĩ mô và vi mô đang thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà quản trị và chủ doanh nghiệp.
Mặc dù kiểm soát tài chính là vấn đề không mới nhưng có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các quốc gia đang trong quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới như Việt Nam.
Nhấn mạnh điều này, PGS.TS. Nguyễn Hoàng cho rằng, tác động của tự do hóa thương mại và tự do hóa tài chính kết hợp với những bài học kinh nghiệm về kiểm soát, giám sát tài chính ở các quốc gia trên thế giới cho thấy, sự ổn định của hệ thống tài chính là điều kiện tối quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của một quốc gia. Hoạt động kiểm soát tài chính góp phần quan trọng vào duy trì sự ổn định tài chính và hình thành một cơ chế vững chắc nhằm nhận biết, ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro thông qua xây dựng hệ thống giám sát tài chính.
Nhằm làm rõ hơn và sâu sắc những vấn đề liên quan kiểm soát tài chính ở Việt Nam, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã tập trung bàn luận 3 vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, về lý thuyết, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, bài học kinh nghiệm giám sát, kiểm soát tài chính vĩ mô như: Kiểm soát lạm phát, lãi suất, tỷ giá, chi tiêu và đầu tư công; vấn đề thực thi chính sách tài khóa, chính sách lãi suất; nhận diện, cảnh báo, kiểm soát rủi ro và đảm bảo an ninh, an toàn tài chính vĩ mô ở Việt Nam.
Thứ hai, vấn đề lý thuyết, cơ sở pháp lý, cơ chế vận hành, thông lệ và bài học quốc tế về kiểm soát, giám sát các tổ chức tài chính trung gian, góp phần phát triển lành mạnh thị trường tài chính Việt Nam.
Thứ ba, vấn đề lý thuyết, bài học kinh nghiệm và nghiên cứu thực nghiệm về kiểm soát, giám sát tài chính doanh nghiệp, kiểm soát tài chính trong mua bán, sáp nhập, tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp, làm lành mạnh hóa và tối đa hóa giá trị doanh nghiệp ở Việt Nam.
Thái Hằng