Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015, quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần cho thấy dấu hiệu của sự phát triển thiếu bền vững. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Phát triển thiếu bền vững
Năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 601 nghìn tỷ đồng, tăng 39,1% so với năm 2014; trong đó số doanh nghiệp đăng ký mới cũng tăng 26,6% so theo năm.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm vẫn cao hơn số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, nhưng khoảng cách này ngày càng thu hẹp dần. Trong giai đoạn 2011 - 2015, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm, bình quân mỗi năm giảm khoảng 70 nghìn doanh nghiệp.
Trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể lại có xu hướng tăng lên, thậm chí tăng cao trong năm 2015, với 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm 15.649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Những ngành có số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng cao nhất là nghệ thuật, vui chơi và giải trí; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Việc số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh trong năm 2015 cho thấy, “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều, đa số các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tăng lên gần 39% trong giai đoạn 2011 - 2014. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2011 là thấp nhất (21,7%), các năm còn lại đều cao, chiếm trên 40%. Riêng năm 2014, tỷ lệ này lên tới 45,4%, đây là nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng cao trong năm 2015.
Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang có xu hướng phát triển không ổn định, thiếu bền vững. Các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhanh nhưng rời khỏi thị trường cũng rất nhanh. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Quy mô doanh nghiệp nhỏ đi
Quy mô bình quân của doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 được xét trên 2 tiêu chí là lao động và nguồn vốn. Tốc độ tăng trưởng lao động trong khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 bình quân khoảng trên 7%/năm, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng về số doanh nghiệp trong cùng thời kỳ. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô ngày càng nhỏ.
Quy mô lao động bình quân trong các doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 cũng giảm, năm 2015 còn 29 lao động/1 doanh nghiệp. Sự sụt giảm lao động bình quân diễn ra chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hiệu quả sử dụng lao động và hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015 không những không được cải thiện mà còn theo xu hướng giảm...
Diễn biến ngược chiều với quy mô lao động, quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có xu hướng tăng, đạt 55 tỷ đồng năm 2015. Trong đó, quy mô vốn của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện rõ rệt, đạt 2.677 tỷ đồng năm 2015. Đây là kết quả của quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước chỉ giữ lại các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Tốc độ tăng trưởng vốn của doanh nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng của lao động cho thấy, doanh nghiệp đang phát triển dựa vào tăng trưởng nguồn vốn nhiều hơn dựa vào lao động.
Đáng chú ý, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng có sự giảm sút. Giai đoạn 2011 - 2015, các doanh nghiệp hoạt động dựa nhiều vào các khoản nợ (nợ nhà cung cấp, các khoản vay tài chính…), song chỉ số vòng quay vốn có chiều hướng giảm khá mạnh. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) chung của các doanh nghiệp đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,6% trong năm 2014. Riêng ROA của các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 6,4% năm 2014, thấp hơn đáng kể so với mức trên 7% năm 2011. Trong khi đó, ROA của các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ còn 3,3% năm 2014 từ mức 6,4% năm 2012. Năm 2014, ROA của các doanh nghiệp nhỏ chỉ đạt 3,2%, nghĩa là doanh nghiệp phải bỏ ra 100 đồng tài sản mà chỉ thu được về 3,2 đồng lợi nhuận.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, quy mô doanh nghiệp càng ngày càng nhỏ đi là dấu hiệu đáng báo động. Bởi điều này chứng tỏ năng lực về tài chính, sản xuất - kinh doanh… của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính khiến quy mô doanh nghiệp nhỏ đi, theo TS. Lê Đăng Doanh, là do các doanh nghiệp Việt Nam đang gánh chịu lãi suất ngân hàng cao khoảng 9 - 10% (gấp 2,8 lần so với Thái Lan và Trung Quốc). Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cao hơn nhiều. Đồng quan điểm này, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất cho vay của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn ở mức cao khiến doanh nghiệp trong nước sẽ càng chồng chất khó khăn trong cạnh tranh khi bước vào thời kỳ mới của hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện.
Hỗ trợ đúng cách để doanh nghiệp phát triển ổn định
Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và nguy cơ Việt Nam thiếu các doanh nghiệp cỡ trung bình đã hiện hữu. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết: “Có tới 99% DNNVV không có nhu cầu trở thành doanh nghiệp lớn hơn, họ chỉ cần chính sách ổn định để phát triển bền vững”.
Giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù có nhiều chính sách được đưa ra như hỗ trợ vốn, giải phóng mặt bằng đất đai, xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, các DNNVV dường như không được thụ hưởng vì thiếu quy trình chuẩn về đối tượng tiếp nhận, cách thức hỗ trợ và tính thực tế của chính sách từ bộ, ngành đến địa phương. Về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chính sách khá chung chung và chưa xét đến những khó khăn của DNNVV. Cho dù chúng ta có hàng loạt chương trình như xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn... nhưng không trúng, không đúng thì không thể phát huy hiệu quả.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, giai đoạn hội nhập từ năm 2016 đòi hỏi bộ máy nhà nước và doanh nghiệp phải có cải cách mạnh mẽ để nắm bắt và chiếm lĩnh thị trường. Về vấn đề này, một số chuyên gia đề xuất, những chính sách đối với DNNVV cần sát thực tế trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp; cần sàng lọc, tránh dàn trải trong hỗ trợ, tập trung hỗ trợ vốn, quản trị vốn và lãi suất vì đây là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Vai trò liên kết của hiệp hội, các doanh nghiệp lớn cũng cần được đẩy mạnh để hình thành những sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực với nhau, tăng cường khả năng cạnh tranh và sức mạnh thị trường.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, cơ quan chức năng cần năng động hơn và luôn sát cánh để hỗ trợ doanh nghiệp. Để tránh tình trạng doanh nghiệp thành lập, rồi lại sớm ngừng hoạt động, giải thể, cần phải có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn… Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị kỹ càng trong khi độ mở thị trường ngày càng lớn, doanh nghiệp phải tự thay đổi tìm hướng đi, tăng quy mô để thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới công nghệ.
Hà Linh