BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ CỬ TRI (Phần 8)

BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ CỬ TRI (Phần 8) 24/03/2016 09:34:00 2231

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ CỬ TRI (Phần 8)

24/03/2016 09:34:00

BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ CỬ TRI

Trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, Bộ Tài chính trả lời các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm trong kỳ họp thứ 10 khoá XIII. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính trân trọng giới thiệu đến bạn đọc

51. Cử tri các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Bình, Khánh Hòa kiến nghị: Đề nghị có chính sách khoanh nợ và tiếp tục cho các hộ vay vốn, để tạo việc làm đối với con em hộ nghèo, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn đã được vay tiền để đi học, sau khi ra trường không xin được việc làm, chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng; đồng thời tiếp tục xem xét nâng hạn mức vay vốn cho học sinh, sinh viên (HSSV) các hộ nghèo, cận nghèo theo học tại các trường từ 1.100.000 đồng lên 1.300.000 đồng đến 1.500.000 đồng/HSSV/tháng và hạ lãi suất cho vay đối với các đối tượng này.

Trả lời:

1. Về đề nghị có chính sách khoanh nợ đối với trường hợp HSSV là con em hộ nghèo, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn khi ra trường, không xin được việc làm, chưa có khả năng trả nợ cho Ngân hàng:

- Hiện nay, Chương trình cho vay HSSV đang được triển khai theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó liên quan đến cơ chế trả lãi tiền vay, gia hạn nợ và khoanh nợ, khoản 1, khoản 2 Điều 9, khoản 1 Điều 11 và Điều 12 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã quy định như sau: Trong thời gian học tập, HSSV được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc; HSSV được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học; đến kỳ trả nợ cuối cùng, HSSV có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được NHCSXH xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ; trường hợp khách hàng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan sẽ được xem xét khoanh nợ theo quy định về quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH (hiện nay là Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ).

- Như vậy, các biện pháp xử lý nợ (trong đó có khoanh nợ) đối với HSSV vay vốn học tập, nhưng khi ra trường chưa có việc làm nên không có khả năng trả nợ đã được quy định cụ thể, đầy đủ, đồng bộ tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.

2. Về đề nghị xem xét nâng hạn mức vay vốn cho HSSV:

- Nguyên tắc điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV: Đảm bảo nguyên tắc xã hội hóa để tạo điều kiện cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn đi học, Nhà nước hỗ trợ một phần, gia đình HSSV chia sẻ một phần; HSSV cần nêu cao ý thức tiết kiệm, không tạo ra gánh nặng quá lớn đối với Nhà nước và gia đình.

- Từ khi triển khai Chương trình, mức cho vay HSSV đã được Nhà nước xem xét, điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp với tình hình thực tế từ mức ban đầu là 800.000 đồng/tháng/HSSV, qua 4 lần điều chỉnh tăng lên mức 1.100.000 đồng/tháng/HSSV hiện nay (Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013); Thực tế triển khai Chương trình này thời gian qua đã góp phần hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vay vốn đi học của khoảng 3.236 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ học phí để học tập.

- Hiện nay, qua nắm bắt tình hình thực tế cho thấy chính sách về học phí, giá cả sinh hoạt đang có sự thay đổi; trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của cử tri và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính đã có các Tờ trình số 151/TTr-BTC ngày 26/10/2015 và số 17979/BTC-TCNH ngày 03/12/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV từ 1.100.000 đồng/tháng/HSSV lên 1.250.000 đồng/tháng/HSSV.

3. Về đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với HSSV:

- Ngày 01/6/2015, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, theo đó lãi suất cho vay chương trình tín dụng đối với HSSV giảm từ 0,6%/tháng xuống 0,55%/tháng.

- Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thông tin hoạt động ngân hàng, lãi suất cho vay trung và dài hạn tại thời điểm ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg nêu trên và hiện nay đối với các lĩnh vực ưu tiên vẫn tương đối ổn định, phổ biến ở mức 9-10,5%/năm và đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường vẫn ở mức 9,3-11%/năm.

- Như vậy, ngoài các ưu đãi về thủ tục, quy trình, thời gian vay vốn thì quy định về lãi suất cho vay đối với HSSV là 0,55%/tháng như hiện hành là phù hợp và đã thể hiện tính ưu đãi của Nhà nước dành cho đối tượng HSSV.

4. Về đề nghị cho các hộ vay vốn để tạo việc làm đối với con em hộ nghèo, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn đã được vay tiền để đi học, sau khi ra trường không xin được việc làm, chưa có khả năng trả nợ cho Ngân hàng:

Hiện nay, ngoài chương trình tín dụng đối với HSSV, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang thực hiện các chương trình tín dụng với mục đích hỗ trợ tạo việc làm như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; chương trình cho vay xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg; chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg; chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg;..., như vậy các chính sách hỗ trợ tạo việc làm đối với các đối tượng thuộc hộ nghèo và đối tượng ở vùng khó khăn đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.

52. Cử tri tỉnh Hải Dương và Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri đề nghị cân nhắc, xem xét kỹ việc cấp phép hoạt động của các casino tại Việt Nam vì hiện nay tệ nạn cờ bạc, lô đề... chưa được kiềm chế, diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi ảnh hướng lớn đến đời sống xã hội.

Trả lời:

Để đáp ứng nhu cầu giải trí cho người nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, Chính phủ đã cho phép thí điểm kinh doanh casino kể từ năm 1992. Đến nay, cả nước đã có 08 dự án casino được cấp phép (gồm: 06 dự án casino quy mô nhỏ tại các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và 02 dự án casino quy mô lớn tại các tỉnh: Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu) và chỉ dành cho người nước ngoài, không cho phép người Việt Nam vào chơi.

Sau một thời gian thực hiện, trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 101-TB/TW ngày 17/10/2007 về Đề án định hướng phát triển và quản lý kinh doanh casino tại Việt Nam. Theo đó, quan điểm của Bộ Chính trị đối với lĩnh vực này là cần hình thành dự án khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino quy mô lớn, hiện đại, không phát triển các casino quy mô nhỏ; địa điểm triển khai dự án casino phải đảm bảo kiểm soát được, bảo đảm về quốc phòng, an ninh, được các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan thẩm định theo quy định của pháp luật và chỉ người có hộ chiếu nước ngoài được phép chơi tại các casino. Đồng thời Bộ Chính trị giao Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh này.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định để quản lý hoạt động kinh doanh casino báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận về chủ trương. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Chính phủ để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trước khi ban hành Nghị định.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh casino trong thời gian tới sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh casino một cách chặt chẽ, có hệ thống, đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ các quy định tại Nghị định về kinh doanh casino của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức quản lý, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

53. Cử tri các tỉnh: Quảng Ninh, Đắk Nông kiến nghị: Đề nghị thay thế hỗ trợ gạo cho học sinh bằng hỗ trợ tiền trong chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì việc hỗ trợ gạo sẽ phát sinh thêm một số chi phí không cần thiết (vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, giao nhận, lưu kho…).

Trả lời:

1. Đánh giá về thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh

- Sau gần ba năm triển khai việc cấp gạo cho học sinh theo quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung Ủy ban nhân dân các tỉnh đều đánh giá cao về tính hiệu quả của chính sách này, khẳng định đây là chính sách hợp lòng dân, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nói chung và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nói riêng.

- Qua quá trình thực hiện, đánh giá tổng kết về chính sách hỗ trợ gạo học sinh, các địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì và thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh trong những năm tới. Từ khi có gạo hỗ trợ đã giảm bớt khó khăn cho gia đình các em học sinh, hạn chế tình trạng bỏ học, nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi cho các địa phương, giải quyết một phần các vấn đề an sinh xã hội; đồng thời, một số địa phương có đề nghị tích hợp các chính sách hỗ trợ bằng tiền với chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện, trong đó duy trì chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, không quy đổi hoặc chuyển hóa thành chính sách hỗ trợ bằng tiền.

2. Về cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh

Thực hiện quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tích hợp 3 chính sách hỗ trợ đối với học sinh (Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010, Quyết định số 12/2012/QĐ-TTg ngày 24/01/2012 và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013); Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5448/BGDĐT-CTHSSV ngày 20/10/2015 xin ý kiến các Bộ ngành về dự thảo Quyết định, trong đó nội dung bao gồm:

a) Đối tượng thụ hưởng

- Học sinh tiểu học và trung học cơ sở là học sinh bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; học tại các trường tiều học, trung học cơ sở công lập ở xã khu vực II; bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; gia đình thuộc hộ nghèo

- Đối với học sinh trung học phổ thông:

(i) Nếu học sinh là người dân tộc thiểu số thì phải đảm bảo các điều kiện: đang học cấp THPT tại trường THPT hoặc trường THPT có nhiều cấp học (có cấp THPT) công cập; Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập.\

(ii) Nếu học sinh là người Kinh, ngoài các điều kiện quy định trên còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

b) Mức hỗ trợ

- Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

- Hỗ trợ nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường được, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

- Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng là 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Như vậy, việc tích hợp chính sách sẽ bao gồm cả kinh phí hỗ trợ bằng tiền mặt và hỗ trợ gạo cho học sinh (không quy đổi hoặc chuyển hóa chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh thành chính sách hỗ trợ bằng tiền).

54. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Sinh viên trong quá trình học tập có vay vốn Ngân hàng, khi tốt nghiệp ra trường phải thi hành nghĩa vụ quân sự (NVQS). Trong thời gian nhập ngũ có được miễn đóng lãi suất và được gia hạn đến khi hết thời gian thi hành NVQS không? Đề nghị có thông báo rõ cho các gia đình thanh niên an tâm.

Trả lời:

Hiện nay, Chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn đang được triển khai theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, theo đó liên quan đến cơ chế trả lãi tiền vay và gia hạn trả nợ, khoản 1, khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 11 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã quy định như sau: Trong thời gian học tập, HSSV được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc; HSSV được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học; đến kỳ trả nợ cuối cùng, HSSV có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Như vậy, cơ chế trả lãi tiền vay và gia hạn nợ đối với HSSV vay vốn học tập, nhưng khi ra trường chưa có việc làm (không phân biệt nguyên nhân chưa có việc làm là do phải thi hành NVQS hay do các nguyên nhân khác) đã được quy định cụ thể, đầy đủ, đồng bộ tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, đảm bảo ưu đãi.

55. Cử tri An Giang kiến nghị: Người dân đồng tình mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe gắn máy, nhưng trách nhiệm của các công ty bảo hiểm chưa được thể hiện cao khi có vụ việc xảy ra tai nạn, cán bộ công ty không đến hiện trường để lập biên bản và khi lập hồ sơ thanh toán thì gây khó khăn, thủ tục nhiêu khê gây bức xúc cho người tham gia bảo hiểm. Đề nghị ngành chức năng nên có biện pháp thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các công ty kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm.

Trả lời:

Kể từ khi được ban hành cho đến nay, chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ lợi ích cộng đồng và an toàn xã hội, hỗ trợ tài chính cho chủ xe cơ giới, người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông. Cụ thể, trong giai đoạn 2009 – 2014, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường cho gần 100.000 vụ tai nạn giao thông với tổng số tiền bồi thường trên 3.800 tỷ đồng.

Để góp phần thúc đẩy chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện các giải pháp:

- Xây dựng thông tư thay thế Thông tư 126/2008/TT-BTC, Thông tư 151/2012/TT-BTC và Thông tư 43/2014/TT-BTC về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trong đó, sửa đổi, bổ sung theo hướng rút gọn thủ tục, hồ sơ bồi thường. Cụ thể: theo quy định tại Điểm 9.4 Khoản 9 Mục II Thông tư số 126/2008/TT-BTC, mọi hồ sơ bồi thường phải có tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn. Thực tế, trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại DNBH, đối với các vụ tai nạn có số tiền bồi thường thấp (ước tính dưới 10 triệu đồng) xảy ra tại các địa điểm và thời gian đặc biệt như vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh hoặc vào đêm khuya...Doanh nghiệp bảo hiểm không thể thu thập được tài liệu liên quan từ cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới trong trường hợp này, dự thảo Thông tư quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hướng dẫn chủ xe khai báo các thông tin để xác định nguyên nhân tai nạn, trên cơ sở đó xem xét giải quyết bồi thường.

- Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (là cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp bảo hiểm) phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Hướng dẫn thống nhất về trình tự, thủ tục, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ tai nạn giao thông cho doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện việc bồi thường cho chủ xe và người bị thiệt hại...

- Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm công tác xử lý, giải quyết bồi thường.

56. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Đề nghị điều chỉnh, sửa đổi mức kinh phí tương đồng với kinh phí bảo vệ rừng/năm như khu vực rừng phòng hộ trong Thông tư liên tịch số 100/2013/TTLT-BTC-BNN ngày 26/7/2013 của liên Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2012-2020.

Trả lời:

Hiện nay, cơ chế hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng được thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 về ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2012-2020. Theo đó:

- Đối với rừng phòng hộ: Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 quy định: Mức khoán bảo vệ rừng thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước, bình quân 200.000 đồng/hecta/năm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

- Đối với rừng đặc dụng: Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 quy định: Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để Ban quản lý rừng đặc dụng chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng; mức trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao; đồng thời, hằng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng với mức hỗ trợ mỗi thôn bản là 40 triệu đồng/thôn,bản/năm.

Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định tại các Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ quản lý chuyên ngành về các vấn đề liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng) để nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

57. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2015 đến 31/12/2020.

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 theo quy định tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính.

58. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Tại khoản 1, Điều 111 Bộ Luật Lao động quy định người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Nhưng tại điểm b, khoản 1, Điều 2, Thông tư số 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính quy định cán bộ, công chức công tác tại các vùng còn lại có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm để về thăm vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên vợ hoặc bên chồng) bị ốm đau, bị chết, khi nghỉ phép được thanh toán chế độ là không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, vì quy định như vậy thì người lao động không có vợ hoặc chồng, con, cha mẹ bị ốm đau hoặc chết nghỉ phép sẽ không được hưởng chế độ là không công bằng. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 141/2011/TT-BTC cho phù hợp và thống nhất với Bộ Luật lao động.

Trả lời:

Tại khoản 1, Điều 111 của Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 quy định: “1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động...”.

Tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Thông tư số 141/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

“1. Đối tượng được thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm:

b) Cán bộ, công chức công tác tại vùng còn lại có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm để thăm vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau, bị chết”.

Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định việc thanh toán tiền lương, tiền bồi dưỡng cho những ngày được nghỉ phép theo quy định nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm đối với cán bộ, công chức; trong đó quy định cụ thể các trường hợp được thanh toán tiền lương, tiền bồi dưỡng trong những ngày được nghỉ phép mà không nghỉ phép hoặc không nghỉ hết số ngày được nghỉ phép hàng năm theo quy định.

Đối với trường hợp cán bộ, công chức nghỉ phép hàng năm theo quy định thì được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ phép theo quy định của Bộ Luật lao động.

Như vậy, đối với cán bộ, công chức không có vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên vợ hoặc bên chồng) bị ốm đau, bị chết khi nghỉ phép năm theo quy định được hưởng nguyên lương, đối với những ngày được nghỉ phép nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm theo quy định được chi trả tiền bồi dưỡng đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động.