BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ CỬ TRI |
Trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, Bộ Tài chính trả lời các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm trong kỳ họp thứ 10 khoá XIII. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính trân trọng giới thiệu đến bạn đọc |
42. Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài để hạn chế tình trạng thất thu thuế, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
Trả lời:
Thực hiện Luật quản lý thuế trong thời gian qua các doanh nghiệp tự khai tự tính và tự nộp thuế, theo đó Cơ quan thuế thực hiện việc quản lý thuế theo cơ chế quản lý rủi ro. Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo hướng tiếp tục nâng cao hiệu công tác quản lý thuế, cụ thể như sau:
1. Nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT qua công tác kê khai, Bộ Tài chính ban hành công văn hướng dẫn, chỉ đạo Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT: Công văn 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, Công văn 10492/BTC-TCT ngày 30/7/2015 về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT, Công văn số 16249/BTC-PC về một số biến pháp tăng cường quản lý thuế GTGT, thuế TTĐB, Công văn 13822/BTC-TCT về việc quản lý đúng quy định pháp luật chi hoàn thuế GTGT, Công văn số 4226/TCT-KK ngày 13/10/2015 về việc thực hiện giám sát hoàn thuế GTGT…
2. Thực hiện các biện pháp kiên quyết đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước (NSNN), như:
- Cơ quan Thuế tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các quận, huyện trên địa bàn kịp thời tháo gỡ, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, trong đó đặc biệt tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vốn, thị trường, giá cả, giải quyết được các khoản nợ xấu...để các doanh nghiệp đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó giảm dần số tiền nợ đọng thuế.
- Tiếp tục duy trì, củng cố Ban chỉ đạo chống thất thu và thu nộp ngân sách nhà nước để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu ngân sách; phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Công an, Toà án... để thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
- Yêu cầu Cơ quan Thuế các cấp thực hiện rà soát, phân loại nợ, tổng hợp chính xác số tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như: động viên, thuyết phục doanh nghiệp có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.
- Yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế giao nhiệm vụ thu nợ cụ thể tới từng đồng chí Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Đội trưởng và từng cán bộ theo chỉ tiêu thu nợ được giao hàng năm để triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn.
- Đẩy mạnh việc thực hiện công khai thông tin người nộp thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Định kỳ hàng tháng các Cục Thuế rà soát, lập danh sách và công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn quản lý, tập trung vào nhóm Người nộp thuế nợ thuế lớn, có khả năng nộp thuế nhưng chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn.
- Kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật đối với những đơn vị chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế, thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng, kê biên tài sản, thu tiền, tài sản của bên thứ ba, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, thu hồi mã số thuế).
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài các biện pháp cưỡng chế nêu trên sẽ chú trọng thực hiện dừng xuất cảnh của các cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp NSNN theo quy định tại Điều 53 Luật Quản lý thuế để hạn chế tình trạng thất thu thuế.
3. Đã chỉ đạo Cơ quan Thuế xây dựng phần mềm phân loại đánh giá rủi ro để tích hợp phân tích dữ liệu người nộp thuế phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế phù hợp với công tác hiện đại hóa của cơ quan thuế.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; triển khai kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra. Theo đó, 11 tháng đầu năm 2015, Cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra được 68.001 doanh nghiệp, với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.246,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 1.167,5 tỷ đồng, giảm lỗ là 19.593,2 tỷ đồng, số tiền thuế nộp vào ngân sách là 6.982,3 tỷ đồng. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 2.816 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 6.832,2 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt 631,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 235 tỷ đồng.
Đối với công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá: Bộ Tài chính chỉ đạo Cơ quan Thuế tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm kiểm soát hoạt động chuyển giá đồng thời đã thành lập 5 Phòng thanh tra đối với hoạt động chuyển giá: 01 phòng thuộc Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế và 04 phòng thanh tra thuộc các Cục Thuế lớn để từng bước nghiên cứu, triển khai các giải pháp tăng cường chống chuyển giá, cụ thể: thu thập, nghiên cứu các hình thức chuyển giá; đề xuất giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; Nghiên cứu để ban hành quy trình thanh tra chống chuyển giá, chuẩn hoá các bước công việc, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chống chuyển giá; tham gia các lớp hội thảo, đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyển giá tại các nước tiên tiến...
- Nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra thuế. Tiếp tục tăng cường lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 40% trong năm 2016 tổng số cán bộ công chức thuế; đồng thời tăng cường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ của công chức thanh tra, kiểm tra thuế.
- Chỉ đạo Cơ quan Thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi vi phạm, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của NSNN.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài để hạn chế tình trạng thất thu thuế, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
43. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Xem xét, điều chỉnh mức thu phí, lệ phí quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo Thông tư số 149/2013/TT-BTC ngày 29/10/2013 của Bộ Tài chính. Do mức thu áp dụng ở vùng nông thôn bằng với mức thu ở thành thị là chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Trả lời:
- Theo Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí thì có tên “phí kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm” và thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính (điểm 7 mục IX phần A Danh mục chi tiết phí, lệ phí).
- Tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí như sau:
+ Nguyên tắc xác định mức thu phí phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp. Ngoài ra, mức thu đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư còn phải bảo đảm thi hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.
+ Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí.
- Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 24/2006/NĐ-CP quy định: Bộ Tài chính quy định đối với các khoản phí, lệ phí để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Căn cứ quy định trên, đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính hướng dẫn thì áp dụng mức thu thống nhất trong cả nước, không phân biệt mức thu phí giữa thành thị và nông thôn.
44. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Việc thu phí môi trường và phí nước thải đối với tàu thuyền đánh bắt hải sản là chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Cử tri đề nghị không thu loại phí này đối với các tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân.
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quy định về đối tượng chịu phí: “Nước thải công nghiệp là nước từ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản xả thải ra môi trường”.
Tàu, thuyền đánh bắt hải sản là phương tiện của ngư dân để ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản, không phải là cơ sở sản xuất, chế biến. Do đó, nước thải từ các tàu, thuyền đánh bắt hải sản không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
45. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Việc áp dụng thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) trên một số loại hình dịch vụ còn có những bất hợp lý, nhất là đối với loại hình Hợp tác xã thu gom rác thải ở nông thôn, đây là loại hình dịch vụ có mức lợi nhuận không cao, hầu như chỉ bù đắp chi phí và giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, đôi khi lỗ vốn, ngân sách địa phương (UBND xã) phải chi hỗ trợ. Cử tri đề nghị quan tâm xem xét, có chính sách ưu đãi đối với loại hình này để có điều kiện duy trì hoạt động nhằm giải quyết tình hình rác thải, giữ sạch môi trường nông thôn hiện nay.
Trả lời:
Trước ngày 01/01/2014, theo quy định của Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, tuy nhiên tổng kết qua các năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc vì:
+ Số thuế GTGT đầu vào của dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ, mà tính vào chi phí làm tăng giá thành dịch vụ.
+ Nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã tham gia vào việc cung cấp dịch vụ vệ sinh, thoát nước, xử lý chất thải mà những dịch vụ này không phân biệt được với dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh không chịu thuế GTGT. Ví dụ: nạo vét, thoát nước, duy tu... cho cơ quan, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, cho các khu công nghiệp, khu đô thị. Có doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (thuế GTGT đầu vào lên đến hàng trăm tỷ) cho việc xử lý chất thải, tái chế phế liệu mà sản phẩm đầu ra (phân vi sinh, sản phẩm tái chế từ nhựa, thuỷ tinh,...) chịu thuế GTGT. Do vậy phát sinh vướng mắc trong việc xác định dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh không chịu thuế GTGT và về việc doanh nghiệp có được kê khai, khấu trừ hoàn thuế hay không.
Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 (điểm a khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) thì nội dung cải cách thuế GTGT là “sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%”.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Theo quy định của Luật số 31/2013/QH13, thì từ ngày 01/01/2014 dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%. Việc chuyển dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10% là cần thiết và phù hợp với sự phát triển cơ chế thị trường, để doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT và bảo đảm tính liên hoàn của thuế GTGT, tránh vướng mắc trong thực tiễn và phù hợp với chiến lược cải cách thuế.
Ngày 27/10/2014 Bộ Tài chính đã có công văn số 15510/BTC-TCT hướng dẫn về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải (bản sao gửi kèm). Theo đó, trường hợp các đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã hạch toán, tự chủ tài chính thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải và có thu phí vệ sinh thì khoản thu này là doanh thu của đơn vị, đơn vị phải kê khai, nộp thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp theo quy định; trường hợp các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (ví dụ: Hạt giao thông; Phòng kinh tế và hạ tầng, Đội quản lý công trình và vệ sinh môi trường do UBND huyện quản lý...) được giao nhiệm vụ thu các khoản phí vệ sinh thuộc Danh mục phí, lệ phí do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo quy định khoản 2 Điều 11 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ thì các khoản phí vệ sinh đó thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT.
46. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Hiện nay UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn hướng dẫn việc áp dụng chính sách hoàn thuế theo Nghị định số 67/2014/ND-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ cho ngư dân, song việc áp dụng văn bản này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, giá trị pháp lý chưa cao. Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế GTGT theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để dễ dàng áp dụng, sớm giúp bà con ngư dân được thụ hưởng chính sách nói trên.
Trả lời:
Về việc hoàn thuế GTGT theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có công văn số 4835/TCT-CS ngày 16/11/2015 hướng dẫn về chính sách thuế GTGT đối với tàu khai thác hải sản, tàu đánh bắt xa bờ, cụ thể:
- Từ ngày 25/8/2014 đến ngày 31/12/2014: trường hợp, chủ tàu ký hợp đồng đóng mới hoặc nâng cấp tàu dùng để khai thác hải sản có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên trước hoặc sau ngày 25/8/2014 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP) nhưng thời điểm hoàn thành, bàn giao thực tế từ ngày 25/8/2014 đến ngày 31/12/2014 thì chủ tàu khai thác hải sản được hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 6, Điều 4 Thông tư số 117/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính. Hồ sơ thủ tục hoàn thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 49 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính về quản lý thuế.
- Từ ngày 01/01/2015: Theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13, tàu đánh bắt xa bờ là tàu có công suất máy chính từ 9OCV trở lên làm nghề khai thác hải sản hoặc dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ khai thác, bảo quản sản phẩm cho tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên làm nghề khai thác hải sản hoặc dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, thuế GTGT đầu vào của chi phí sản xuất tàu đánh bắt xa bờ không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp, chủ tàu ký hợp đồng mua, đóng mới hoặc nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ khai thác, bảo quản sản phẩm cho tàu cá nêu trên trước hoặc sau ngày 01/01/2015 nhưng thời điểm hoàn thành, bàn giao thực tế từ ngày 01/01/2015 thì không được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ và Thông tư số 117/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính.
Hoạt động gia công vỏ tàu, hoạt động đóng tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy từ 90CV trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
47. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Về mức thu phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi theo Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định “HĐND tỉnh quyết định mức thu đối với đề án, báo cáo có lưu lượng nước dưới 100m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản”. Như vậy, trường hợp xả thải từ 3.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản thì UBND tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép nhưng Thông tư số 02/2014/TT-BTC của BTC chưa quy định HĐND tỉnh được quy định mức thu thì dẫn đến không công bằng giữa các tổ chức, cá nhân (xả dưới 3.000m3/ngày đêm thì không thu phí), thất thoát nguồn cho ngân sách. Cử tri đề nghị Bộ Tài chính rà soát, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BTC của BTC quy định phí cấp phép xả thải từ 3.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000m3/ngày đêm cho phù hợp.
Trả lời:
1. Tại Điều 13 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xả nước vào nguồn nước với lưu lượng từ 5.000m3/ngày đêm trở lên; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép trường hợp còn lại.
Căn cứ quy định trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó quy định: Mức thu phí thẩm định báo cáo xả nước thải vào nguồn nước, công trình thuỷ lợi với lưu lượng nước từ 100 m3 đến dưới 5.000 m3/ngày đêm; Quyết định số 59/2006/QĐ-BTC ngày 25/10/2006 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất, trong đó quy định: Mức thu phí thẩm định báo cáo xả nước thải vào nguồn nước, công trình thuỷ lợi với lưu lượng nước từ 5.000 m3 đến trên 30.000 m3/ngày đêm;
2. Ngày 27/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, tại Điều 28 quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xả nước thải với lưu lượng từ 30.000m3/ngày đêm trở lên đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; xả nước thải với lưu lượng từ 3000m3/ngày đêm trở lên đối với các hoạt động khác. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép trường hợp còn lại.
Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính xin ghi nhận ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 02/2014/TT-BTC và Quyết định số 59/2006/QĐ-BTC nêu trên.
48. Cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị: Đề nghị cho phép miễn, giảm phí chuyển nhượng đất đai giữa các hộ dân trong vùng chuyên canh theo quy hoạch.
Trả lời:
Đối với lệ phí trước bạ
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2, Điều 3 và Khoản 4, Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 45/2011/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
“Điều 2. Đối tượng chịu lệ phí trước bạ
1. Nhà, đất.
Điều 3. Người nộp lệ phí trước bạ
Tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ quy định tại Điều 2 Nghị định này phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Điều 4. Các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ
...
4. Đất được Nhà nước giao hoặc công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối.
5. Đất nông nghiệp chuyển đổi quyền sử dụng giữa các hộ gia đình, cá nhân theo chủ trương chung về dồn điền đổi thửa”.
Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Tại điểm b.3 khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế Thông tư số 106/2010/TT-BTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
“Lệ phí địa chính là khoản thu vào tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền giải quyết các công việc về địa chính.
Mức thu: Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp...
* Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất:
Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới; tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
...
+ Miễn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trước ngày Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực thi hành (ngày 10/12/2009) mà có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận.
+ Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được cấp giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận”
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp chuyển nhượng về đất đai giữa các hộ dân chuyển nhượng đất đai trong vùng chuyên canh theo quy hoạch pháp luật đã có quy định về việc miễn một số khoản phí như lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
- Về lệ phí trước bạ: trường hợp hộ dân trong vùng chuyên canh theo quy hoạch nhận chuyển nhượng về đất đai nếu được công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, làm nghiệp hoặc thuộc trường hợp đất nông nghiệp chuyển đổi quyền sử dụng giữa các hộ gia đình, cá nhân theo chủ trương chung về dồn điền đổi thửa thì không phải nộp lệ phí trước bạ.
- Về lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: trường hợp hộ dân chuyển nhượng về đất đai trong vùng chuyên canh theo quy hoạch là hộ dân ở nông thôn, khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận.
49. Cử tri tỉnh, thành phố: An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hải Dương, Đồng Tháp, Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Thời gian qua, mặt hàng xăng dầu tăng giá liên tục dẫn đến các mặt hàng khác đều tăng giá làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Cử tri đề nghị tăng cường quản lý và ổn định giá cả các mặt hàng này và xóa bỏ cơ chế độc quyền đối với ngành xăng dầu.
Trả lời:
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị chủ trì điều hành giá xăng dầu hiện nay là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, với vai trò phối hợp với Bộ Công Thương trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu có tác động trực tiếp tới sản xuất và đời sống người dân. Với phần lớn sản lượng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng phải nhập khẩu, giá bán xăng dầu trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thành phẩm thế giới.
Giá xăng dầu trong nước được điều hành thống nhất theo nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước" (quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 trước đây và tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 kể từ ngày 01/11/2014 đến nay), trong đó quy định: Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở tính theo bình quân giá xăng dầu thế giới (30 ngày theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; 15 ngày theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP); quy định tần suất điều chỉnh giá (10 ngày theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; 15 ngày theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký/kê khai mức giá với cơ quan Nhà nước. Khi xét thấy giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá xăng dầu có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ cho sử dụng các công cụ tài chính (Quỹ Bình ổn giá xăng dầu...) nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện việc giám sát và điều hành giá xăng dầu trong nước tuân thủ theo đúng quy định và mục tiêu nêu trên trong đó giá xăng dầu trong nước được điều hành tuân theo tín hiệu thị trường, có tăng có giảm theo diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Trong năm 2015, giá xăng dầu đã được điều hành 23 lần, trong đó giá xăng RON 92 được điều chỉnh tăng 6 lần, giảm 12 lần, giữ ổn định 5 lần; giá dầu điêzen tăng 4 lần, giảm 13 lần và giữ ổn định 6 lần...
Trong đó các lần điều hành giá được thực hiện thống nhất:
- Khi giá xăng dầu thế giới giảm: việc điều hành giá xăng dầu trong nước cũng được giảm giá tương ứng, kịp thời. Tuy nhiên, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước được tính toán trên cơ sở giá xăng dầu thế giới theo số ngày dự trữ lưu thông bình quân 15 ngày, nên không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày là giá trong nước có thể giảm ngay được. Ngoài ra, việc tính toán cũng trên cơ sở biến động của giá xăng dầu thành phẩm chứ không phải giá dầu thô.
Ví dụ: Trong năm 2015, giá xăng dầu thế giới biến động giảm là chủ yếu, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm tương ứng 12 lần, đặc biệt trong lần điều hành giá ngày 21/01/2015, giá xăng đã được điều chỉnh giảm 1.900 đồng/lít.
- Khi giá xăng dầu thế giới tăng: Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ, trong nhiều thời điểm khi giá thế giới tăng cao, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp hết phần chênh lệch này. Tuy nhiên, giá trong nước hoặc là không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành; phần chênh còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá và/hoặc doanh nghiệp chia sẻ không tính hoặc không tính đủ khoản lợi nhuận định mức xăng dầu (quy định 300 đồng/lít,kg). Khi các công cụ tài chính (Quỹ BOG, thuế nhập khẩu...) đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng.
Ví dụ, năm 2015, kể từ cuối tháng 1/2015, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng giá trở lại. Đợt điều hành giá xăng dầu ngày 24/02/2015, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao nhưng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, Liên Bộ đã giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước bằng biện pháp sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Đợt điều hành giá xăng dầu ngày 05/5/2015, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng đột biến khiến cho giá cơ sở mặt hàng xăng RON 92 trong nước tăng cao hơn giá bán 3.387 đồng/lít. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ chỉ cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng 1.950 đồng/lít xăng RON 92, còn lại sử dụng Quỹ BOG để hỗ trợ 1.437 đồng/lít nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh góp phần bình ổn giá xăng dầu từ đó bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ nói chung.
Ngoài ra, chủ trương điều hành giá xăng dầu trong nước sát biến động giá xăng dầu thế giới như trên còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu nước ta thấp hơn giá xăng dầu các nước có chung đường biên giới
Như vậy, việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua của Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã được thực hiện nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, giá xăng dầu trong nước đã bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới đồng thời thực hiện việc kiểm tra giám sát và áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá (Quỹ BOG, thuế nhập khẩu...) không để giá xăng dầu thế giới tự phát tác động bất lợi đến mục tiêu kiềm chế lạm phát giá.
Trong các lần điều hành giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ đều có các thông cáo báo chí, trong đó đã công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở và nguyên tắc, sự cần thiết của việc điều hành giá xăng dầu trong nước. Ngoài ra, thường xuyên thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, họp báo, thông cáo báo chí, các cuộc hội thảo…; từng yếu tố cấu thành giá trong giá cơ sở như giá xăng dầu thế giới, thuế nhập khẩu, các biện pháp bình ổn giá (thuế, phí, Quỹ) đều được thể hiện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch để người dân có thể giám sát việc điều hành giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Về ý kiến của cử tri liên quan đến “xóa bỏ cơ chế độc quyền đối với ngành xăng dầu”, Bộ Tài chính thấy rằng:
Theo quy định của Luật cạnh tranh: ”doanh nghiệp có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”, trên thực tế, hiện nay ở nước ta có 23 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, thị trường xăng dầu Việt Nam không phải là ngành kinh doanh độc quyền.
Đồng thời, căn cứ những quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP không cho phép các doanh nghiệp áp đặt bất hợp lý (do Nhà nước vẫn còn kiểm soát việc tính toán mức giá thông qua việc công khai thông tin về giá cơ sở của doanh nghiệp), áp đặt điều kiện thương mại bất công bằng; bán xăng dầu dưới giá thành toàn bộ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh…
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiên trì điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành giá; đồng thời, tùy theo diễn biến của thị trường thế giới chủ động, linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước đồng bộ với các biện pháp về giá, Quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu phù hợp với quy định, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và cân đối ngân sách nhà nước.
50. Cử tri tỉnh Hậu Giang, Phú Yên kiến nghị: “Đề nghị có giải pháp bình ổn các mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và tiêu dùng, bình ổn giá nông sản như lúa, mía, dứa để nông dân có lãi”.
Trả lời:
Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, đối với đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ của nền kinh tế (trong đó có mặt hàng thiết yếu trong sản xuất và tiêu dùng, giá nông sản như lúa, mía, dứa...) đều theo cơ chế giá do thị trường quyết định. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật và thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá, có chính sách về giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng thóc, gạo thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá. Mặt hàng mía, dứa không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, mía, dứa nói riêng như:
- Về miễn, giảm tiền thuê đất: Miễn tiền thuê đất nông nghiệp đến hết năm 2020 đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã nông nghiệp nhận giao khoán của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trong hạn mức theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BTC ngày 09/3/2015 hướng dẫn lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; miễn 15 năm đối với Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; miễn 11 năm đối với Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư
- Về thuế sử dụng đất nông nghiệp: Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội quy định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với: Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo; đất trong hạn mức.
-Về thuế giá trị gia tăng: Thực hiện theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng. Theo đó, một số sản phẩm sản xuất nông nghiệp không chịu thuế giá trị gia tăng là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác;
- Về thuế thu nhập cá nhân: Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 của Quốc hội quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
- Chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 quy định: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba cho vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng). Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2014/TT-BTC ngày 07/07/2014 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
- Chính sách hỗ trợ phòng trừ dịch hại: Thực hiện theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 sửa đổi bổ sung điều 3 của Quyết định số 142/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 187/2010/TT-BTC theo đó ngân sách nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản cho các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
- Chính sách tín dụng cho xuất khẩu: Thực hiện theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/5/2011 của Chính phủ và Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/5/2011, Nghị định số 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo đó quy định gia hạn thời gian vay vốn lên tối đa là 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu cà phê, hạt điều đã qua chế biến, rau quả, thủy sản với điều kiện doanh nghiệp lỗ trong năm 2011 và năm 2012; không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng thóc gạo, theo quy định của Luật Giá mặt hàng thóc, gạo thuộc danh mục mặt hàng nhà nước bình ổn giá. Khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo gửi hồ sơ đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không công bố các biện pháp bình ổn giá, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thóc gạo gửi hồ sơ kê khai giá về cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và bình ổn giá thóc gạo thông qua việc kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá được doanh nghiệp báo cáo khi thực hiện đăng ký giá, kê khai giá.
Đồng thời, hàng năm Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản công bố giá mua thóc định hướng từ đầu vụ theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 12/02/2015 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về phương pháp điều tra khảo sát, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất của các vụ sản xuất trong năm. Căn cứ vào giá mua thóc định hướng, khi giá thóc hàng hóa trên thị trường xuống thấp, Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá thóc gạo hàng hóa trên thị trường.
Trong các năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định mua tạm trữ thóc, gạo bảo đảm tiêu thụ một phần sản lượng lúa hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế không để giá thóc, gạo trên thị trường giảm quá thấp, giúp đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam căn cứ vào giá thóc định hướng, tổ chức việc phân giao cho các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ đủ chất lượng xuất khẩu theo giá thị trường, đảm bảo giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá thóc định hướng và bảo đảm hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp mua thóc gạo tạm trữ.