BỘ TÀI CHÍNH _________ Số: 16140/BTC-PC V/v thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới. |
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________ Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008 |
Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
Căn cứ kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt tại Quyết định số 3962/QĐ-BTC ngày 24/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 02/10/2008, Vụ Pháp chế đã phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức buổi phổ biến các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009) tới toàn thể cán bộ, công chức Bộ Tài chính.
Để công tác xây dựng văn bản QPPL của Bộ Tài chính trong năm 2009 được thuận lợi, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ lưu ý và phổ biến trong đơn vị một số nội dung mới của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 cần quan tâm thực hiện như sau:
1. Theo quy định tại Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, một số loại văn bản sau đây không còn được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật:
- Nghị quyết của Chính phủ;
- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;
- Chỉ thị của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
- Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Căn cứ các quy định trên, kể từ ngày 01/1/2009, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành dưới 04 hình thức nêu trên vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi bị bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác. Đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dự kiến ban hành dưới 04 hình thức trên, nếu chưa được ký ban hành trước ngày 01/1/2009 thì chuyển sang hình thức văn bản quy phạm pháp luật tương ứng để trình ký ban hành, cụ thể:
- Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nếu có nội dung quy phạm pháp luật thì chuyển sang hình thức Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự thảo Chỉ thị và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính nếu có nội dung quy phạm pháp luật thì chuyển sang hình thức Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Theo quy định tại Điều 23 và Điều 33 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008:
- Đề nghị xây dựng Luật, Pháp lệnh, ngoài các hồ sơ đề xuất như đã quy định còn phải kèm theo báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản (Điều 23).
- Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản, trong báo cáo phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề, chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của từng giải pháp (K2 Điều 33).
Căn cứ quy định trên, việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động đầy đủ phải được đơn vị chủ trì tiến hành đồng thời với quá trình đề nghị chương trình luật, pháp lệnh và quá trình soạn thảo luật, pháp lệnh để bảo đảm có đủ hồ sơ khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Theo quy định tại các điều từ Điều 75 đến Điều 77 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008:
- Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản QPPL mới được ban hành thì các văn bản nêu trên có thể được soạn thảo, trình ký theo thủ tục rút gọn.
- Việc quyết định ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn do cấp có thẩm quyền ban hành VBQPPL quyết định.
- Theo thủ tục rút gọn, không nhất thiết phải thành lập Ban soạn thảo, cơ quan soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản; Cơ quan thẩm định và cơ quan thẩm tra văn bản phải tiến hành thẩm định, thẩm tra văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm định, thẩm tra văn bản.
- Hồ sơ trình văn bản theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 76 gồm: dự thảo văn bản, tờ trình về dự án, dự thảo văn bản và báo cáo thẩm định đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, dự án Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Căn cứ các quy định trên, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trong Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu trình Bộ để trình cấp có thẩm quyền cho phép ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp cần thiết hoặc trong trường hợp cần ban hành ngay các văn bản để phù hợp với văn bản QPPL mới được ban hành.
4. Theo quy định tại Điều 78 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008:
- Thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL phải được quy định trong văn bản nhưng không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ngày ký ban hành;
- Văn bản QPPL quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng công báo chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
Căn cứ các quy định trên, đề nghị:
- Trong dự thảo văn bản cần ghi rõ thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL ngay tại văn bản và thời điểm này là sau 45 ngày kể từ ngày ký hoặc một thời điểm nào đó không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký.
- Đối với dự thảo văn bản do Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ký ban hành cần quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản sao cho có đủ thời gian để soạn thảo, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành kịp có hiệu lực cùng với văn bản được hướng dẫn.
- Đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp cần thiết phải quy định thời điểm có hiệu lực kể từ ngày ký thì khi trình ban hành văn bản cần nêu rõ vấn đề này. Khi văn bản được ban hành phải đăng ngay trên Website Bộ Tài chính, đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
Trên đây là một số điểm mới của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trường hợp có vướng mắc đề nghị phối hợp với Vụ Pháp chế để cùng giải quyết./.
Nơi nhận: - Lãnh đạo Bộ (để báo cáo); - Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; - Lưu: VT, PC | TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ Nguyễn Trọng Nghĩa |