Tại điểm b, khoản 2 Điều 56 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Nghị định quy định những vấn đề hết sức cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội thì phải được sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội".
Trong thực tế, việc xây dựng và ban hành các nghị định này được thực hiện theo trình tự sau:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ (và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong một số trường hợp) qua thực tiễn quản lý nhà nước trong phạm vi lĩnh vực hoặc địa bàn được giao thấy có những vấn đề chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ nhưng cần thiết phải quy định bằng nghị định của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thống nhất thì báo cáo Chính phủ bằng văn bản đề nghị xây dựng và ban hành nghị định.
2. Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao cho một cơ quan chủ trì (Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) soạn thảo. Việc soạn thảo và trình dự thảo nghị định lên Chính phủ được tiến hành theo trình tự quy định chung về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Trình tự Chính phủ xem xét cũng như trình tự xem xét các nghị định khác. Sau khi Chính phủ xem xét, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký hoặc uỷ quyền cho một Bộ trưởng ký Tờ trình để xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Tờ trình nêu rõ lý do, sự cần thiết phải ban hành; những tác động về mặt kinh tế - xã hội của việc ban hành văn bản; sự phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi trong lĩnh vực cần điều chỉnh).
3. Thủ tục Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét
- Sau khi nhận được Tờ trình và dự thảo nghị định, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho các Uỷ ban của Quốc hội (tuỳ theo từng lĩnh vực) thẩm tra tính hợp hiến và tính khả thi của dự thảo nghị định.
- Văn bản thẩm tra của các Uỷ ban được trình bày trước phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến đóng góp dự thảo (phiên họp có sự tham gia của đại diện Chính phủ).
Ý kiến đóng góp bằng văn bản của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được Văn phòng Quốc hội tổng hợp và Chủ tịch Quốc hội thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội ký gửi Chính phủ.
4. Tiếp thu ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội:
- Thủ tướng giao cho Ban soạn thảo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và báo cáo Thủ tướng. Nếu có vấn đề phát sinh hoặc không thống nhất với ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì Thủ tướng quyết định đưa ra tập thể Chính phủ xem xét (thủ tục xem xét cũng tương tự như các dự thảo khác trình Chính phủ). Trường hợp không thống nhất thì tiến hành thủ tục báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội về lý do không tiếp thu ý kiến đó.
- Văn phòng Chính phủ làm các thủ tục trình ký các nghị định này theo thủ tục thông thường sau khi Chính phủ có ý kiến và Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội.