Việc soạn thảo quyết định, chỉ thị, thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc soạn thảo và phải thực hiện qua các bước sau đây :
1) Thủ trưởng đơn vị được giao soạn thảo có trách nhiệm chọn những người làm công tác chuyên môn liên quan đến nội dung văn bản để nghiên cứu và xây dựng dự thảo.
2) Thủ trưởng đơn vị được giao soạn thảo văn bản cần phải nghiên cứu kỹ các quy định trong văn bản có liên quan như luật, pháp lệnh, nghị định... làm cơ sơ pháp lý để soạn thảo quyết định, chỉ thị, thông tư. Đơn vị soạn thảo phải khẳng định được sự cần thiết ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư, đồng thời phải xác định được phạm vi, đối tượng điều chỉnh, những nội dung cần quy định. Quyết định, chỉ thị, thông tư được trình bày theo một khuôn mẫu nhất định đảm bảo tính hợp lý cần thiết.
3) Tập hợp văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề cần phải quy định và đánh giá thực trạng các văn bản pháp luật đó để rút ra những nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, còn phù hợp hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật và nhu cầu của công việc quy định, đơn vị soạn thảo văn bản tiến hành việc soạn thảo quyết định, chỉ thị, thông tư.
Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, nếu xét thấy cần thiết, đơn vị được phân công soạn thảo có thể phối hợp với các đơn vị khác thuộc cơ quan mình để tổ chức đến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tìm hiểu tình hình thực tế.
4) Sau khi dự thảo văn bản được soạn thảo xong, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ mình và tiến hành nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý dự thảo.
Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư, dự thảo được gửi để lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan hoặc tổ chức lấy ý kiến tập thể của các cơ quan, tổ chức nói trên.
5) Sau khi đã có ý kiến của các cơ quan nêu trên, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tập hợp ý kiến và chỉnh lý dự thảo, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ dự thảo quyết định, chỉ thị, thông tư và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong trường hợp các ý kiến khác nhau là những vấn đề cơ bản và liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, cơ quan khác có liên quan, thì cơ quan soạn thảo văn bản phải mời đại diện các Bộ, cơ quan có liên quan để trao đổi thêm và thống nhất ý kiến.
6) Khi nhận được dự thảo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thể yêu cầu đơn vị soạn thảo văn bản trực tiếp báo cáo về nội dung dự thảo và đặc biệt là về những ý kiến còn khác nhau trong quá trình lấy ý kiến. Đồng thời, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo phải đưa ra những ý kiến, lập luận hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình đã được thể hiện trong dự thảo trước Bộ trưởng, Thủ trưởng của cơ quan, đơn vị mình.
7) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét ký quyết định, chỉ thị, thông tư.