Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật

Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật 24/11/2008 14:42:00 18828

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Một số vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật

24/11/2008 14:42:00

Trong tổ chức bộ máy nhà nước ta, Quốc hội được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thực hiện nhiệm vụ lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước; Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng trong các lĩnh vực nói trên. Để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Quốc hội ban hành luật, nghị quyết; Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, nghị quyết. Trong các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì có loại nghị quyết không phải là văn bản quy phạm pháp luật và có loại nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật có chứa quy phạm pháp luật. Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội là những văn bản có giá trị pháp lý cao: các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp dưới (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp...) phải tuân theo và không được trái với nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội không được trái với nghị quyết của Quốc hội. Do tính chất và tầm quan trọng của các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nên việc soạn thảo, thẩm tra, xem xét thông qua các văn bản này phải tuân theo một trình tự chặt chẽ do pháp luật quy định.

1.1. Những trường hợp Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết

Việc xác định đúng hình thức văn bản và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản là một vấn đề rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật. Đây là một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế, trong một số trường hợp việc xác định hình thức văn bản lại gặp khó khăn và gây nhiều tranh cãi. Đối với việc xác định trong trường hợp nào thì Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết (chứ không phải là ban hành luật hay pháp lệnh) cũng xảy ra tình trạng như vậy. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì:

- Nghị quyết của Quốc hội được ban hành để quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, điều chỉnh ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, phê chuẩn điều ước quốc tế, quyết định chế độ làm việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

- Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, giám sát việc thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương và quyết định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Như vậy, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên trong các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì chỉ có các nghị quyết đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 101/CP ngày 23/9/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới là văn bản quy phạm pháp luật.

Các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề như: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ quan trọng của nhà nước, đại biểu Quốc hội ... không phải là các văn bản quy phạm pháp luật.

1.2. Một số vấn đề cần chú ý khi soạn thảo các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật

1.2.1. Giai đoạn chuẩn bị

Trước khi bắt tay vào soạn thảo các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cần định hình khái quát về nội dung văn bản cần soạn thảo, làm cơ sở cho việc thu thập tài liệu, thông tin cần thiết. (cần lưu ý rằng trong giai đoạn này thì Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định giao cho các cơ quan hữu quan việc dự thảo các nghị quyết của Quốc hội,Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Việc lập chính sách và đưa các dự án này vào Chương trình xây dựng pháp luật là những công đoạn được tiến hành trước đó).

Cần xác định mục đích yêu cầu của văn bản: văn bản viết ra để làm gì? nhằm giải quyết vấn đề gì? giới hạn giải quyết đến đâu? Từ đó, mới có cơ sở để cân nhắc cách viết và tiến hành soạn thảo nội dung Nghị quyết cho phù hợp. Cần nghiên cứu các chủ trương,đường lối, chính sách của Đảng để định hướng việc soạn thảo cho chính xác. Đồng thời, cần tiến hành tốt việc khảo sát thực tiễn quản lý nhà nước, thực trạng kinh tế- xã hội; tổ chức việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản có liên quan đến nội dung mà Nghị quyết sẽ điều chỉnh; tổ chức việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài về vấn đề cần giải quyết.Việc xây dựng những nghị quyết dù đơn giản hay phức tạp thì cũng cần phải nhận thức rằng đây là những văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội, có phạm vi hiệu lực trong toàn quốc do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành, nên không thể xem thường và tuỳ tiện.

1.2.2. Kỹ thuật soạn thảo

Do chưa có một văn bản nào quy định về chuẩn mẫu đối với nghị quyết, nên những phân tích dưới đây chủ yếu xuất phát từ thực tiễn kỹ thuật lập pháp của Nhà nước ta.

a) Tiêu đề nghị quyết

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh số thứ tự cùng với năm ban hành và ký hiệu cho từng loại văn bản. Số và ký hiệu này của văn bản được ghi dưới tên cơ quan ban hành văn bản và đều ở góc trái văn bản. Phần bên phải là Quốc hiệu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam. Phần tiêu đề nghị quyết được trình bày như sau: