Ngày 17/4/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2015/TT-BTC hướng dẫn một số chính sách tài chính đặc thù đối với công ty nông, lâm nghiệp sau khi hoàn thành sắp xếp, đổi mới. Theo Thông tư này, 3 chính sách tài chính đặc thù đối với công ty nông, lâm nghiệp sau khi hoàn thành sắp xếp, đổi mới được hướng dẫn, cụ thể như sau:
Về vốn điều lệ: thì được xác định trên các nguyên tắc, phương pháp khác nhau theo từng đối tượng bao gồm công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất là rừng trồng; công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày và công ty nông, lâm nghiệp đã được Chính phủ quy định cơ chế đặc thù.
Việc trích lập dự phòng rủi ro đối với rừng sản xuất là rừng trồng: Hàng năm, vào cuối kỳ kế toán năm, công ty nông, lâm nghiệp thực hiện kiểm kê, đánh giá chất lượng và phân loại rừng sản xuất là rừng trồng theo diện tích, độ tuổi, loại cây làm cơ sở trích lập dự phòng. Khoản trích lập dự phòng được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp đã mua bảo hiểm cho diện tích rừng trồng thì không được trích lập dự phòng. Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện trích lập dự phòng trước khi mua bảo hiểm thì không được trích lập tiếp. Khi có tổn thất xảy ra, giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của tổ chức bảo hiểm, dự phòng (nếu có), phần còn thiếu được hạch toán là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
Việc quản lý thu, chi của nhà trẻ, mẫu giáo, trung tâm y tế do các công ty nông, lâm nghiệp thấy cần thiết giữ lại để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thực hiện theo một số nguyên tắc nhất định. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập dự toán thu chi năm kế hoạch trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại quy chế quản lý tài chính của công ty phê duyệt. Cuối năm tài chính, các đơn vị lập báo cáo quyết toán thu, chi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp các khoản thu không đủ bù đắp chi và các khoản phải nộp khác thì phần chênh lệch thu, chi được hạch toán vào chi phí sản xuát kinh doanh của công ty và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp các khoản thu lớn hơn chi và các khoản phải nộp khác thì được hạch toán khoản chênh lệch này vào thu nhập khác của doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/6/2015.
Hồng Nhung